Làm thế nào nếu con liên tục lì, bướng, không nghe lời, cáu giận, bực tức, hay khóc ăn vạ… Liệu lúc nào cũng nhẹ nhàng có ổn không? Nhưng không phải lúc nào nhẹ nhàng cũng mang lại kết quả, vì vậy ba mẹ cần có biện pháp phù hợp trong cách dạy trẻ 3 tuổi bướng bỉnh.
Những dấu hiệu của trẻ bướng bỉnh!
Các ba mẹ có thể gặp các tình huống sau ở con mình, và cảm thấy khó chịu vì nghĩ rằng trẻ bướng bỉnh khó bảo và không nghe lời
- Luôn đòi hỏi và bắt bố mẹ phải làm theo những gì trẻ yêu cầu.
- Nổi cơn thịnh nộ mỗi khi trẻ không đạt được điều mình muốn cho tới khi bố mẹ phải nhượng bộ.
- Không nói “cảm ơn” mỗi khi được tặng một món đồ chơi mới.
- Luôn nghĩ về nhu cầu của bản thân mình thay vì là người khác.
- Nếu không đáp ứng ngay lập tức những gì mà trẻ muốn, trẻ nhanh chóng thể hiện sự giận dữ.
- Nếu bố mẹ nói “không”, trẻ sẽ cư xử thô lỗ, hỗn.
- Nhận được đồ chơi mới nhưng bản thân tỏ ra không quan tâm, không vui vẻ.
- Không làm theo những gì bố mẹ nói, ngay cả khi điều đó là hợp lý.
- Những đứa trẻ khác không muốn chơi cùng vì trẻ không thay phiên hoặc chia sẻ đồ chơi.
- Mọi người nói rằng đứa trẻ này có cách cư xử như thể là bố mẹ thiên hạ.
Nhưng trước hết, bạn đừng bao giờ “dán nhãn” cho trẻ là: lì, bướng, khó bảo…. . (Chỉ có hàng hóa mới có nhãn còn người thì không). Tiếp theo, bạn cũng đừng “kể xấu” con mình nhất là trước mặt người khác, kể cả con bạn dường như chưa hiểu gì. Theo tâm lý học, những trẻ thường xuyên có những biểu hiện như vậy (tất nhiên còn tính đến nhiều yếu tố khác nữa mà trong khuôn khổ bài đăng mình không thể kể thêm được), thuộc kiểu trẻ có tính khí mạnh.
>>>> Xem thêm: 19 Cách Dạy Con Nghe Lời Răm Rắp Mà Không Cần Quát Mắng
11 Cách dạy trẻ 3 tuổi bướng bỉnh ba mẹ nên áp dụng
Với những trẻ có tính khí (khí chất) mạnh, những gì quá nhẹ nhàng dường như không có tác dụng. Bạn có thể áp dụng những điều sau:
1. Nên có một thời gian biểu cho trẻ càng sớm càng tốt. Khi có thời gian biểu, trẻ sẽ đỡ những phản ứng tiêu cực do đồng hồ sinh học trong trẻ được ổn định.
2. Nếu bạn muốn yêu cầu gì đó, hãy nói thật ngắn gọn. Bạn đừng cố gắng thêm các thán từ, các diễn giải vào câu nói. Nó sẽ làm trẻ cảm thấy bứt dứt. Ví dụ: Bạn nên nói: Con đi rửa tay đi chứ đừng nên nói: Eo ôi, tay con bẩn quá thế con đi ra nhà tắm rửa tay cho thật sạch đi nhé. Bạn nên nói: Đến giờ đi ngủ rồi. Thay vì nói: Con ơi, nào đến giờ chúng ta lên giường nhắm mắt rồi con à.
3. Nói cho con biết những gì con được phép làm. Đồng thời với đó là những gì con không được phép làm. Và bạn hãy KIÊN ĐỊNH với những quy định đó. Quy định cần rõ ràng và vững chắc.
4. Nói với con bạn sẽ làm gì nếu bé không làm theo những quy định. Ví dụ: Năm phút nữa mà con không đi ngủ thì mẹ sẽ tắt đèn.
5. Hãy hướng dẫn con (kể cả khi con còn nhỏ) biết bộc lộ cảm xúc bản thân bằng những câu hỏi: Con đang giận à? Con buồn à? Con không hài lòng điều gì? Con có muốn vẽ lại sự giận dữ của mình bằng mặt mếu không?
6. Trẻ tính khí mạnh rất cần bạn chú ý. Những hành vi xấu của trẻ đôi khi là để lôi kéo sự chú ý. Ví dụ, khi bé đánh mẹ, bạn có thể nói: Con làm mẹ đau. Con dừng lại. Nếu con muốn mẹ chú ý, con có thể sờ vào tóc mẹ. Hoặc khi bé ăn vạ, bạn có thể nói: Mẹ đang lắng nghe đây. Một lát khi con không khóc, mẹ sẽ ôm con.
7. Khi những “cơn giận” của con lên đỉnh điểm, con cũng cần được nghỉ ngơi, cần yên tĩnh. Đừng cố gắng chạm vào con lúc đó. Nhưng bạn cần để con biết rằng, bạn vẫn ở cạnh và con được an toàn. Bạn nên nói: Chắc con chưa muốn nghe mẹ nói. Mẹ sẽ đợi.
8. Bạn nên duy trì việc nói với bé những câu kiểu như thế này:
Con cảm thấy không vui/ không thoải mái khi phải làm theo mệnh lệnh đúng không?
Con rất sáng tạo, con nghĩ ra nhiều thứ hay lắm.
Con rất tình cảm. Con biết yêu mẹ. Mẹ vui lắm.
Bố mẹ lúc nào cũng yêu thương con.
Con sẽ trở thành một đầu bếp, một thợ lái máy kéo, một bác làm vườn… rất giỏi. Mẹ thích lắm…
9. Càng những bé khí chất mạnh càng nên tránh cho bé sử dụng các thiết bị điện tử. Tránh các kích thích quá mức như tiếng ồn, sự lộn xộn, mùi vị. Bé rất cần có môi trường trật tự, yên ả.
10. Trước khi muốn con thực hiện một quy định gì đó, bạn nên có thông báo trước. Ví dụ: Năm phút nữa là hết giờ chơi con nhé/ Khi đồng hồ báo thức kêu là mình sẽ dọn bàn ăn/ Con chơi cầu tụt 3 lần nữa là đến bạn khác/ Mẹ đếm ngược từ 10 đến 1 để con lấy giày nhé… Đồng thời với đó, bạn có thể cho con được “sở hữu thời gian”. Ví dụ khi con chỉ muốn chơi mà không muốn mặc quần áo đến trường. Bạn có thể hỏi: Con cần bao nhiêu phút để mặc xong quần áo? Bé có thể nói một con số nào đó. Bạn sẽ nói: Con sẽ có 10 phút nhé.
11. Nếu bé khó hòa nhập với môi trường mới, bạn thử cùng con “sơ đồ hóa” các bước cần thực hiện. Ví dụ: bạn cùng con vẽ lại những việc con cần làm khi đến trường: mặc quần áo/ đi giày/ chào bố mẹ và cô giáo/ ngồi trong lớp/ chơi với bạn/ ngủ trưa/ mẹ đón. Và nhớ lưu giữ ấn tượng thị giác nào mà bé thích nhất, ví dụ hình ảnh mẹ đón có rất nhiều bông hoa, gấu bông, có cả cái ôm của mẹ…
Mình có một loạt trò chơi ziczac, tìm đường khá thú vị để luyện cho các bé kiên nhẫn và bình tĩnh hơn, nếu bạn nào cần, mình sẽ gửi tặng nhé.
Sắp hết tết chưa ấy các bạn nhở.