Truyện ngụ ngôn là truyện kể có tính chất thế sự, dùng cách ẩn dụ để thuyết minh cho một chủ đề luân lý, triết lý một quan niệm nhân sinh hay một nhận xét về thưc tế xã hội. Đọc truyện ngụ ngôn cho bé giúp bé ghi nhớ những bài học nhanh và dễ nhất. Dưới đây là 11 truyện ngụ ngôn siêu hay cho bé.
Các Nội Dung Chính
- Truyện ngụ ngôn cho bé số 1 – Thầy Bói Xem Voi
- Truyện ngụ ngôn cho bé số 2 – Chuột Sa Hũ Gạo
- Truyện ngụ ngôn cho bé số 3 – Đẽo Cày Giữa Đường
- Truyện ngụ ngôn cho bé số 4 – Ông Lão và Con Lừa
- Truyện ngụ ngôn cho bé số 5 – Một kẻ hợm hĩnh
- Truyện ngụ ngôn cho bé số 6 – Rùa Học Bay
- Truyện ngụ ngôn cho bé số 7 – Ếch và Chuột
- Truyện ngụ ngôn cho bé số 8 – Tên Trộm và Bà Mẹ
- Truyện ngụ ngôn cho bé số 9 – Lừa và Ngựa
- Truyện ngụ ngôn cho bé số 10 – Cáo và Cò
- Truyện ngụ ngôn cho bé số 11 – Truyện Bọ Ngựa Bắt Ve Chim Sẻ Rình Sau Lưng
Truyện ngụ ngôn cho bé số 1 – Thầy Bói Xem Voi
Được ngày rảnh rỗi, không có khách nào vào xem bói và bói bài tây cả nên năm ông thầy bói mù cùng nhau ngồi tán phét.
Ông sờ vòi, ông sờ ngà, ông thì sờ chân, ông thì sờ tai còn ông thì sờ đuôi. Sau khi sờ voi kĩ lưỡng thì 5 ông thầy lần lượt phán.
Thầy sờ vòi của voi thì phán:
– Tôi cứ tưởng con voi nó thế nào chứ hóa ra nó cũng sun sun như con đỉa thôi
Thầy sờ ngà voi thì lại phán:
– Tôi thấy nó đâu có như con đỉa, nó dài dài cứng cứng như cái đòn càn
Tiếp đến thầy sờ tai thì phán:
– Không phải, nó bè bè như là cái quạt thóc
Thầy sờ chân voi phản ứng ngay:
– Các ông đều sai hết, nó sừng sững như là cái cột đình vậy
Cuối cùng thầy sờ đuôi phán:
– Bốn ông chả ai nói đúng cả, tôi thấy nó tua tủa như là cái chổi xể cùn
Năm ông thầy mỗi ông một ý, không ông nào chịu nhường ông nào cả nên nhảy vào cãi lộn rồi xô xát đến mức sứt đầu mẻ trán.
Bài học
Khi kết luận một vấn đề, một điều gì đó thì cần tìm hiểu thật thấu đáo qua nhiều góc cạnh. Những hiểu biết hời hợt, nông cạn sẽ dẫn đến những suy nghĩ lệch lạc và những kết luận sai. Truyện còn phản ánh sự phê phán về những người hiểu biết nông cạn nhưng lại luôn tỏ ra mình thông thái hơn người.
Truyện ngụ ngôn cho bé số 2 – Chuột Sa Hũ Gạo
Một con chuột rơi vào trong lu gạo, số gạo trong lu vẫn còn một nửa, sự cố ngoài ý muốn này khiến nó vui mừng không sao tả được.
Sau khi xác định là không có nguy hiểm gì, nó liền bắt đầu cuộc sống ăn rồi lại ngủ, ngủ rồi lại ăn trong cái lu gạo.
Rất mau, lu gạo sắp cạn kiệt, nhưng nó rốt cuộc vẫn không thoát khỏi sự cám dỗ của những hạt gạo, nên tiếp tục ở lại trong lu. Cuối cùng, gạo đã ăn hết, chuột ta mới phát hiện rằng mình không thể nhảy ra ngoài được nữa, lực bất tòng tâm.
Bài học
Cuộc đời của chúng ta xem như rất yên bình nhưng thật ra khắp nơi đều đầy rẫy nguy cơ, cần phải giữ cho mình quan niệm sống ổn định, từ đó mà biết cân nhắc đến an nguy.
Truyện ngụ ngôn cho bé số 3 – Đẽo Cày Giữa Đường
Chuyện kể rằng có một bác nông dân rất nghèo, cả đời sống bằng nghề đồng áng, bác muốn làm một cái cày thật tốt để làm công việc đồng áng năng suất và đỡ vất vả hơn. Một hôm, bác rất vui vì đã xin được một cây gỗ tốt nhưng bác chưa làm cái cày bao giờ, bác bèn mang khúc gỗ ra ven đường ngồi đẽo và hỏi ý kiến mọi người.
Bác đẽo được một lúc thì một người đi qua chê:
– Bác đẽo thế không phải rồi, bác đẽo to quá.
Bác nông dân nghe thấy có lý bèn làm theo. Bác làm được một lúc lại có một người đi qua bảo:
– Bác đẽo thế này không cày được đâu, cái đầu cày bác làm to quá….
Bác nông dân nghe có lý hơn, bác lại chỉnh sửa theo lời khuyên, bác đẽo được một lúc lại một người đi qua nói:
– Bác đẽo thế không ổn rồi, cái cày bác làm dài quá không thuận tay.
Bác nông dân nghe lại có lý hơn, lại chỉnh sửa theo.
Và cuối cùng, hết ngày hôm đấy bác nông dân chỉ còn một khúc gỗ nhỏ, bác không còn cơ hội để đẽo cái cày theo ý mình nữa, cây gỗ quý đã thành một đống củi vụn. Bác buồn lắm nhưng cuối cùng bác đã hiểu: “Làm việc gì cũng vậy, mình phải có chính kiến của mình và kiên trì với một con đường đã chọn.”
Truyện ngụ ngôn cho bé số 4 – Ông Lão và Con Lừa
Ông lão nhà quê và đứa cháu bàn nhau đem con lừa ra hội chợ bán. Để con lừa khỏi mệt mỏi hầu có thể bán được giá cao, họ buộc chân lừa lại và hai ông cháu khệ nệ gánh con lừa đi.
Đi được một đoạn, người đi đường thấy thế phá ra cười và bảo: “Có con lừa mà không chịu cỡi lại khiêng nó. Sao mà ngu thế!” Ông lão nhận thấy mình ngu thật, vội để con lừa xuống, cởi trói cho nó, và để đứa cháu cỡi lên lưng lừa, còn ông thì đi theo sau.
Một lúc sau, khách bộ hành trông thấy thế, mắng thằng cháu: “Mày là đồ bất hiếu bất mục! Sao lại để Ông mày già yếu thế mà đi bộ. Chính mày phải đi bộ mới phải!” Một lần nữa, nghe theo ý khách bộ hành, Ông già leo lên lưng con lừa, đứa cháu bước theo sau.
Đến một đoạn đường khác, ba cô gái đi qua thấy vậy, một cô bảo: “Tội nghiệp thằng bé, phải đi khập khễnh theo sau, trong khi ông già tưởng mình khôn ngoan lại ngồi chễm chệ trên lưng lừa!” Ông già nhận thấy ý kiến đúng, bảo thằng cháu cùng lên ngồi trên lưng lừa.
Rồi một toán người khác đi ngang qua lại phê bình: “Sao lại bắt con lừa đáng thương ấy chở nặng như vậy? Họ không biết thương hại con vật già nua của họ tí nào cả. Ra đến hội chợ thì họ chỉ còn mảnh da lừa để bán!” Một lần nữa, hai ông cháu xuống đi bộ, để con lừa đi thong dong đằng trước.
Vẫn chưa hết, một khách qua đường thấy vậy than rằng: “Sao họ không để con lừa vào lồng kính mà thờ! Họ đi mòn giầy của họ để bảo vệ con lừa. Đúng là ba con lừa!”
Bấy giờ Ông lão mới trả lời: “Vâng, chính tôi là con lừa! Nhưng từ nay về sau, dù người ta khen hay chê tôi, dù người ta nói điều gì hay không nói điều gì, tôi chỉ làm theo đầu óc của tôi mà thôi!”
Truyện ngụ ngôn cho bé số 5 – Một kẻ hợm hĩnh
Anh Gà Trống bay lên đậu trên hàng rào rồi rướn cao đầu lên trời.
– Anh đang ngắm bầu trời đấy à? – Chị Vịt thấy thế liền hỏi.
– Bầu trời là cái gì đối với tôi cơ chứ ! – Gà Trống đáp lại và rướn cao đầu hơn – Một khoảng không gian ngu xuẩn chất đầy hành tinh đến nỗi không còn chen vào đâu được. Một sự luân phiên nhàm chán giữa ngày và đêm. Tất cả những cái đó đã quá quen thuộc.
– Thế mà từ lâu em không biết anh là một người thú vị đến thế ! Anh có những ý tưởng mới cao siêu làm sao! Chị Vịt thốt lên.
– Tôi dang đôi cánh của mình – Anh Gà Trống tiếp tục nói – Tôi sẽ bay cao hơn cả bầu trời, sẽ thách thức với tất cả các hành tinh và rồi bí ẩn nhưng kiêu hãnh, tôi sẽ quay trở về với biển xanh khôn cùng và … tôi sẽ chìm.
Nói đến đây, Gà Trống chóng mặt mất thăng bằng, ngã nhào xuống vũng nước.
– Ôi ! – Chị Vịt sợ hãi – Anh đang chìm đấy ư?
– Ừ ! Đang chìm ! – Gà Trống tức giận trả lời, và rồi nhìn thấy một chú giun, anh ta liền mổ, nuốt chửng.
Hệt như tất cả những anh gà khác !
Truyện ngụ ngôn cho bé số 6 – Rùa Học Bay
Trong lùm cỏ, một chú Rùa đang ra sức tập bay. Một chú chim Sẻ bay ngang qua thấy thế liền hỏi:
– Anh Rùa ơi, anh đang làm gì thế?
Rùa thở dài đáp:
– Tôi đang tập bay đấy, chim Sẻ ạ.
– Sao cơ? Chẳng phải anh đã chiến thắng trong cuộc thi chạy với Thỏ đó sao? Tất cả là nhờ bốn chiếc chân của anh mà.
– Thôi thôi, chú em đừng nhắc nữa. Tôi và Thỏ đã thi lại lần nữa. Thỏ không ngủ quên giữa cuôc nữa nên đã dễ dàng thắng tôi. Lần này, khi tập bay được tôi sẽ quyết đấu một trận nữa với Thỏ.
Chim Sẻ cười:
– Nhưng mà anh đâu có cánh!
– Bất kể thế nào tôi cũng phải học bay cho bằng được, Chim Sẻ ạ. – Rùa vẫn không lay chuyển.
Chim Sẻ bỏ đi rồi, Rùa đi kiếm về rất nhiều lông chim, may cho mình một đôi cánh tuyệt đẹp. Nó ra sức tập luyện, nhưng đã mấy ngày trôi qua mà vẫn không có gì tiến triển. Nó nghĩ:”Thế này không ổn. Mình phải đi mời thầy về dạy mới được”.
Ngày hôm sau, Rùa lên đường đi tìm thầy dạy bay. Ròng rã mấy ngày, nó đi đến một vách núi cheo leo hy vọng sẽ tìm được thầy. Một hôm, Rùa đi tới một vách đã, đột nhiên có một đôi cánh lớn liệng qua. Rùa ta vô cùng ngưỡng mộ, nghĩ bụng: “Đây chính là người thầy mà mình đang kiếm tìm”.
Rùa liền hét to:
– Anh Chim ưng ơi, xin hãy dạy em biết bay nhé!
Chim ưng ân cần nhắc nhở Rùa:
– Em Rùa à, em và anh không giống nhau, em không có cánh, làm sao mà bay được?
Rùa cầm ra đôi cánh tự làm, liên tục xin:
– Anh xem, em có cánh rồi đây này, xin anh hãy nhận em làm đồ đệ đi.
Chim ưng đành phải chấp nhận lời thỉnh cầu của Rùa. Rùa tự lắp thêm đôi cánh, Chim ưng nhấc bổng Rùa lên, đang bay trên không trung thì bỏ Rùa ra. Rùa ta giống như diều đứt dây, rơi vập xuống một tảng đá to, khiến cho mai Rùa bị vỡ rạn.
Lời bàn:
Thay vì mù quáng học theo những điều mà mình ngưỡng mộ từ người khác mà không phù hợp với khả năng của bản thân mình. Bạn hãy phát huy hết sở trường và ưu thế của mình, tự đi trên con đường riêng của mình.
Truyện ngụ ngôn cho bé số 7 – Ếch và Chuột
Một con chuột nhắt phiêu lưu chạy dọc theo bờ ao ở đó có một con ếch sinh sống. Khi Ếch nhìn thấy Chuột, nó bơi vào bờ và ộp ộp kêu:
“Không vào chơi với tôi một chút à? Tôi có thể hứa chắc bạn sẽ rất vui khi vào đây đấy.”
Chuột Nhắt chẳng chờ phải mời mọc thêm, nó đang rất hồi hộp muốn khám phá thế giới và mọi thứ trên đời cho biết. Nhưng mặc dù nó có thể bơi được đôi chút, nó cũng chẳng dám liều mạng nhào xuống ao một mình.
Nhưng Ếch đã có một cách. Nó lấy một cây sậy còn chắc chắn buộc chân Chuột vào chân nó. Và thế là nó nhào xuống ao, kéo lê theo thằng bạn ngu ngốc đàng sau nó.
Chuột nhắt chỉ một lát sau đã sặc nước chịu nổi và muốn quay vào bờ; nhưng tên Ếch bội tín kia lại bày trò khác. Nó kéo Chuột lặn xuống nước và dìm cho chuột chết. Nhưng nó chưa kịp cởi sợi dây sậy vẫn còn cột con chuột chết vào chân nó, một con Diều Hâu bay đến lượn trên mặt ao. Nhìn thấy thân Chuột nổi lềnh bềnh trên mặt nước, Diều Hâu lao xuống, quắp lấy Chuột và bay mất, kéo theo con Ếch lủng lẳng treo dưới chân. Vậy là chỉ cần một lần lao xuống bắt mồi, nó đã được cả hai con.
Lời bàn: Ăn chặn gặp kẻ cướp
Truyện ngụ ngôn cho bé số 8 – Tên Trộm và Bà Mẹ
Có một đứa trẻ từ nhỏ đã thích ăn trộm. Một hôm, nó đi học về, trong cặp có thêm một chiếc bảng học sinh. Mẹ nó hỏi:
– Sao con lại có tới hai chiếc bảng?
Đứa con đáp:
– Một cái là của bạn cùng lớp với con. Con đã lén lấy cho vào cặp đấy.
Bà mẹ vui mừng nói:
– Con của mẹ thật thông minh. Hai cái bảng chắc chắn là tốt hơn một cái rồi.
Ít lâu sau, đứa con lại mang về một cái áo da, trị giá 50 quan tiền. Đứa con đưa chiếc áo da cho mẹ, mẹ nó khen:
– Con trai của mẹ thật là giỏi, biết hiếu thảo với mẹ. Ra mẹ thơm một cái nào.
Đứa con trai ngày một lớn lên, càng ngày càng lấy trộm những thứ có giá trị hơn. Hôm nay ăn trộm bò, ngày mai ăn trộm ngựa, ngày hôm sau trộm vàng bạc châu báu. Bà mẹ luôn luôn khen ngợi con, trong nhà thiếu thứ gì, liền bảo với con trai để nó đi trộm về.
Có một lần, đứa con ăn trộm đồ bị người ta bắt quả tang, giải lên quan phủ. Vì hắn trộm quá nhiều thứ nên bị phạt tội chết. Tên trộm bị trói hai tay ra sau lưng, giải ra pháp trường. Mẹ hắn đi theo sau, khóc lóc thảm thiết. Tại pháp trường, tên trộm xin quan cho hắn được nói với mẹ vài lời. Khi bà mẹ bước tới gần, hắn liền cắn mạnh vào tai mẹ. Mẹ hắn đau quá kêu toáng lên, lớn tiếng mắng con:
– Mày thật là đồ bất hiếu, tự mình phạm tội chết còn chưa đủ hay sao mà còn muốn làm mẹ thành tật à?
Đứa con giận dữ nói với mẹ hắn:
– Lần đầu tiên tôi ăn trộm cái bảng về, nếu bà đánh tôi một trận và dạy bảo tôi thì tôi không đến nỗi như ngày hôm nay và đã không bị xử tội chết.
Bài Học
Khi làm điều sai trái, dù là cái sai rất nhỏ, thì cũng phải kịp thời sửa chữa. Nếu không, cứ để nó lớn dần lên thành cái sai nghiêm trọng thì có thể khiến mình phải hối hận cả đời.
Truyện ngụ ngôn cho bé số 9 – Lừa và Ngựa
Có chú Lừa đi cùng một con Ngựa trông sang trọng bảnh bao lắm. Trên lưng ngựa chỉ có bộ yên thồ hàng, còn trên lưng Lừa lại chồng chất hàng hoá nặng đến mức nó không chịu nổi. Lừa cầu xin Ngựa chia sẻ giúp nó một chút gánh nặng nếu không nó sẽ chết gục trước khi tới được thành phố. Nói nói:
– Cầu xin anh giúp tôi với một nửa gánh nặng này, đối với anh cũng chỉ như trò đùa thôi.
Ngựa ta nghe xong từ chối thẳng thừng, thậm chí còn phì một tràng hơi vào mặt anh bạn đồng hành.
Lừa không chịu thêm được gánh nặng trên vai, nó đã gục ngã. Sau đó, con ngựa đã phải chở toàn bộ số hàng, và còn thêm cả bộ da lừa nữa…
Truyện ngụ ngôn cho bé số 10 – Cáo và Cò
Ngày xửa ngày xưa, có một con cáo rất xảo quyệt và tinh nghịch. Nó thường giả vờ thân thiện sau đó chơi khăm những con vật khác.
Một ngày nọ, cáo gặp một chị cò. Nó kết bạn với cò và ra vẻ thân thiện, mời cò tới nhà ăn tối. Chị cò vui vẻ nhận lời.
Tối hôm đó, chị cò vui vẻ tới nhà cáo như lời mời. Cáo mời cò vào nhà và bưng ra hai bát súp. Nó múc súp ra hai cái đĩa rất là nông!
Chị cò không thể nào ăn được súp với mỏ dài của mình, còn cáo thì dễ dàng liếm một loáng là hết đĩa súp. Thấy cò như vậy cáo rất khoái trá nhưng vẫn giả vờ quan tâm hỏi:
– Sao chị không ăn ? Súp không ngon à ?
Chị cò với cái bụng đói meo trả lời:
– Ồ súp rất ngon, nhưng tôi bị đau dạ dày và không thể ăn thêm được nữa cáo ạ.
Thế rồi cò đi về sau khi đã cảm ơn cáo, và không quên mời cáo đến nhà ăn tối.
Tới ngày hẹn, cáo tới nhà cò để dùng bữa tối như được mời. Sau khi truyện trò, chị cò đi vào bếp để lấy súp ra mời cáo ăn. Lần này, chị cò múc súp ra hai cái lọ hẹp với cái cổ rất dài. Cò ăn súp dễ dàng với cái mỏ dài của mình, còn cáo rõ ràng không thể nào ăn được.
Sau khi kết thúc bữa ăn, chị cò nhẹ nhàng hỏi cáo:
– Bạn dùng bữa có ngon không bạn cáo ?
Cáo nhớ lại những gì mình đã chơi xấu cò và cảm thấy rất xấu hổ. Nó chỉ biết lắp bắp:
– Tôi … tôi phải về đây. Bụng tôi bỗng dưng đau quá !
Rồi cụp đuôi chuồn về trong nỗi nhục nhã.
Ý nghĩa: Cáo đã học được một bài học lớn: Làm việc tồi tệ với người khác thì sẽ nhận lại được chính điều đó.
Truyện ngụ ngôn cho bé số 11 – Truyện Bọ Ngựa Bắt Ve Chim Sẻ Rình Sau Lưng
Thời Xuân Thu, Ngô Vương là một vị vua vô cùng ngang ngược, các vị đại thần đều khó mà thuyết phục được ông.
Một lần, Ngô Vương chuẩn bị tấn công nước Sở, nói rằng nếu ai can gián thì sẽ giết chết người đó. Các vị đại thần biết được tin này đều rất lo lắng, bởi nếu nước Ngô đem quân đi đánh giặc nước khác thì chính nước Ngô có thể bị một nước khác mạnh hơn tấn công. Thế nhưng, không vị đại thần nào dám can ngăn Ngô Vương.
Trong số các vị đại thần, có một người tính tình chính trực. Trở về nhà, ông vẫn lo lắng không yên về chuyện này, nhưng không biết phải can ngăn vua như thế nào. Ông sốt ruột đi đi lại lại trong hoa viên. Bỗng nhiên, ông nhìn thấy một con bọ ngựa đang rình bắt một con ve sầu, đằng sau bọ ngựa có một con chim sẻ đang nhìn chằm chằm vào nó. Nhìn cảnh ấy, ông liền nghĩ ra một cách để khuyên can vua.
Sáng sớm hôm sau, vị đại thần đến ngự hoa viên. Khi Ngô Vương đi tới, ông giả vờ không trông thấy, trong tay cầm một cái súng bắn chim, nhìn chăm chú vào một cái cây. Ngô Vương rất tức giận, hỏi:
– Mới sáng ra khanh đã đến đây làm gì? Tại sao nhìn thấy bản vương mà không quỳ?
Vị đại thần làm ra vẻ vừa nhìn thấy nhà vua, vội vàng nói:
– Vừa rồi thần mải nhìn con ve sầu và bọ ngựa trên cây nên không biết bệ hạ đến. Xin bệ hạ thứ tội.
Ngô Vương tha tội vô lễ cho ông ta, tò mò hỏi:
– Con ve sầu và bọ ngựa trên cái cây này có gì đáng để xem vậy.
Vị đại thần đáp:
– Thần nhìn thấy một con ve sầu đang uống sương, không đề phòng một con bọ ngựa đang cong mình chuẩn bị tấn công nó. Nhưng con bọ ngựa không ngờ rằng có một chú chim sẻ cũng đang rình bắt mình, còn con chim sẻ lại không biết rằng trong tay thần đang cầm súng bắn chim định bắn nó.
Ngô Vương nghe xong, ngẫm nghĩ rồi cười:
– Ta đã hiểu ý của khanh rồi.
Cuối cùng, Ngô Vương quyết định không tấn công nước Sở nữa.
Bài Học
Nếu chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt mà không tính đến cái hoạ ẩn nấp phía sau thì sẽ khiến mình rơi vào cái thế hiểm nguy.