Ăn dặm kiểu Nhật mang đến rất nhiều lợi ích so với cách ăm dặm truyền thống hoặc cách ăn dặm kiểu Mỹ, kiểu Đức. Dưới đây chúng tôi sẽ giới thiệu toàn bộ những thông tin cần thiết nhất cho phụ huynh về phương pháp này. Vì đây là một phương pháp khoa học có rất nhiều kiến thức nên hi vọng các phụ huynh hãy kiên nhẫn đọc đến hết. Vì sức khoẻ dinh dưỡng của các bé.
Các Nội Dung Chính
1. Ăn dặm kiểu Nhật là gì?
Ăn dặm kiểu Nhật là sự phối hợp các loại thực phẩm khác nhau để tạo nên thực đơn ăn dặm đa dạng, ngon miệng và phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ. Nhờ đó, bố mẹ sẽ kích thích được trẻ ăn ngon hơn, tiêu hóa tốt và hấp thu đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của cơ thể trong giai đoạn này.
“Chìa khóa” của phương pháp ăn dặm kiểu Nhật nằm ở việc tôn trọng hương vị nguyên bản của từng loại thực phẩm. Các loại thức ăn của trẻ sẽ được để riêng rẽ, không trộn lẫn với nhau, nhờ vậy trẻ sẽ cảm nhận được mùi vị đặc trưng của từng loại thức ăn thông qua đó phát triển vị giác cho trẻ.
Ngoài ra, thức ăn theo chế độ ăn dặm kiểu Nhật cũng thô hơn vì người Nhật cho rằng như thế sẽ kích thích trẻ nhai, sau đó mới nuốt, do đó sẽ cảm nhận được vị ngon của thức ăn. Việc trẻ phải nhai thức ăn cũng giúp tiết ra dịch vị khiến chúng thấy ngon miệng hơn.
Đặc biệt, khác hẳn với cách nuôi con của nhiều mẹ Việt, các mẹ ở Nhật khi cho con ăn dặm tuyệt đối không ép con ăn. Lý giải về điều này, các mẹ cho rằng, nếu ép con ăn sẽ khiến bữa ăn trở thành nỗi ám ảnh. Từ đó, các bé sẽ càng sợ ăn hơn nữa.
Khái niệm không ép ăn ở phương pháp này các mẹ chỉ nên hiểu là khi trẻ khóc hay có những phản ứng dữ dội, chúng ta không nên bắt trẻ ăn bằng được. Việc này vừa khiến con cảm thấy bị ám ảnh với những bữa ăn, mà quan trọng hơn là có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng như sặc thức ăn vào đường thở.
>>> Các phụ huynh không thể bỏ qua khoá học Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật cho trẻ giảm 75% học phí
2. Ăn dặm kiểu Nhật khác gì ăn dặm truyền thống
2.1 So sánh ăn dặm kiểu nhật và ăn dặm truyền thống
Dưới đây là bảng so sánh các điểm khác nhau cơ bản của phương pháp ăn dặm kiểu nhật và phương pháp ăn dặm truyền thống.
Điểm Khác Biệt | Ăn Dặm Truyền Thống | Ăn Dặm Kiểu Nhật |
Chế độ ăn | Mỗi ngày bé ăn từ 7 đến 9 bữa bao gồm cả sữa và bột, cháo trong suốt giai đoạn từ 6 đến 24 tháng tuổi. Như vậy, nếu chia đều khoảng cách giữa các bữa thì mỗi bữa cách nhau chưa đến 2 tiếng. Khoảng thời gian ngắn này chưa đủ để bé tiêu hóa hết thức ăn, dễ dẫn đến tình trạng chán ăn | Trong giai đoạn đầu, mỗi ngày bé được cho ăn 5 bữa, gồm 4 bữa sữa và 1 bữa mặn, mỗi bữa cách nhau 4 tiếng. Sang giai đoạn sau, mỗi ngày bé ăn 2 – 3 bữa mặn cùng thời gian với người lớn và 2 bữa sữa phụ xen kẽ 3 bữa chính. |
Cách chế biến | Với cách ăn dặm truyền thống, mẹ Việt lại hay sử dụng nước xương hầm vì nghĩ rằng có chứa nhiều canxi và đạm tuy nhiên hai dưỡng chất này rất khó hòa tan trong nước nên vẫn ở lại trong phần xương và thịt.
Thay vì cá hồi, phương pháp ăn truyền thống yêu thích sử dụng kết hợp nhiều loại thực phẩm bản địa như thịt, tôm, cua, cá… hơn. Chế biến theo kiểu truyền thống, các mẹ Việt sẽ nấu cháo bao gồm bột, rau, thịt… lẫn với nhau cho bé ăn suốt cả bữa, như vậy thường sẽ khiến bé cảm thấy ngấy, chán ăn. Hơn nữa, việc ăn bột và cháo xay nhuyễn cùng các loại thực phẩm khác cho đến 2 tuổi sẽ vô tình làm mất phản xạ nhai của bé từ khi 7 tháng tuổi. |
Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật thường sử dụng nước hầm rau củ chứa rất nhiều vitamin cần thiết cho sự phát triển của bé.
Bên cạnh đó, do lợi thế có nguồn cá hồi dồi dào, chứa nhiều DHA nên các mẹ Nhật thường sử dụng loại thực phẩm này để chế biến đồ ăn dặm cho con. Các món ăn trong cách ăn dặm kiểu Nhật luôn được chế biến riêng để bé có thể cảm nhận được mùi vị nguyên thủy của thực phẩm. Từ tháng thứ 7, bé bắt đầu có phản xạ nhai nên thức ăn không cần nghiền quá nhuyễn. Sau đó, thức ăn của bé được cắt to và ít nghiền nhuyễn dần, cụ thể là vào tháng thứ 9 thức ăn sẽ được nấu nhừ và cắt dày khoảng 0,5 cm, dài khoảng 2 – 3 cm, tháng thứ 12 bắt đầu ăn cơm nát rồi chuyển dần đến cơm. Phương pháp này sẽ giúp bé phát triển kỹ năng nhai và nuốt thức ăn được hoàn thiện hơn. |
Cách cho bé ăn | Trong giai đoạn ăn dặm, bố mẹ Việt không yên tâm để con tự xúc ăn nên vừa bón vừa dỗ trẻ bằng các món đồ chơi hay cho bé xem tivi… Điều này đã được nhiều nghiên cứu khẳng định là làm phân tán sự chú ý của bé khỏi việc ăn uống và rất có hại cho hoạt động của hệ tiêu hóa. Bên cạnh đó, ăn dặm theo kiểu truyền thống, bố mẹ có thói quen ép con ăn thật nhiều một loại đồ ăn vì nghĩ rằng nó có lợi cho sự phát triển của bé. | Dù bẩn và thường hay rơi thức ăn tung tóe nhưng bố mẹ Nhật sẽ bắt đầu cho con ngồi ăn chung với gia đình và tự sử dụng muỗng xúc thức ăn từ rất sớm, điều này khuyến khích tính tự lập ở trẻ. Nếu bé không hứng thú với một loại đồ ăn nào đó các mẹ cũng sẽ không ép bé phải ăn bằng được. |
2.2. Ưu và nhược điểm của phương pháp ăn dặm kiểu Nhật
2.2.1 Ưu điểm:
Khả năng ăn thô sớm
Ngay từ khi bắt đầu ăn dặm, bé đã được làm quen với thức ăn thô. Điều này có nghĩa bé sẽ ăn ngay bằng cháo loãng nấu với tỉ lệ 1:10 (1 gạo, 10 nước) rồi ray qua lưới thay vì ăn bột. Độ thô cũng như độ đặc của món ăn sẽ tăng dần theo độ tuổi của bé.
Việc ăn thô sớm sẽ giúp bé học được phản xạ nhai và nuốt một cách tốt nhất. Tránh tình trạng trẻ chỉ biết nuốt chửng, ăn một cách thụ động khi ăn bất cứ thứ gì, điều này khiến trẻ dễ bị nôn trớ, hóc nghẹn rất nguy hiểm.
Nhận biết được mùi vị
Một ưu điểm lớn nhất của cách ăn dặm kiểu Nhật đó chính là giúp bé nhận biết được mùi vị của từng loại thực phẩm khác nhau. Theo đó, khi chế biến thức ăn cho bé mẹ sẽ nấu riêng biệt từng món và không trộn lẫn vào nhau.
Ngoài ra, việc này còn giúp trẻ sớm định hình được sở thích về ăn uống. Khi đó, món nào thích, bé sẽ vui vẻ ăn thật nhiều. Đồng thời bé cũng sẵn sàng từ chối với món không hợp khẩu vị. Điều này còn giúp mẹ nhận biết được bé có thể bị dị ứng với thực phẩm nào hay không. Sau khi giúp con tập làm quen dần với mùi vị thức ăn mẹ có thể nấu chung nhiều thực phẩm khác nhau nhằm kích thích vị giác của bé phát triển.
Các mẹ Nhật thường sẽ không thêm bất cứ loại gia vị nào khác vào thức ăn của bé khi bắt đầu ăn dặm, hoặc chỉ nêm rất ít muối khoảng bằng 1/4 khẩu phần ăn của người lớn. Trẻ có thói quen ăn nhạt ngay từ đầu sẽ giúp bảo vệ thận, không bắt thận “làm việc” quá sức.
Khẩu phần ăn của bé luôn đảm bảo đầy đủ 3 nhóm thực phẩm là tinh bột, vitamin và chất đạm theo tiêu chuẩn “vàng-đỏ-xanh”. Cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Nguyên liệu nấu luôn sử dụng những thực phẩm tươi sống, không bao giờ dùng các thực phẩm làm sẵn, đóng hộp.
Trẻ ăn ngoan
Với kiểu ăn dặm này, bé sẽ được ngồi ăn trên ghế ăn, không đi rong, không bật ti vi, không điện thoại, máy tính… Hình thành thói quen ăn nghiêm túc ngay từ khi còn nhỏ, không khóc, không ngậm. Bé còn được học cách tự bốc ăn bằng tay, khi lớn hơn mẹ còn dạy cách ăn bằng muỗng, bằng nĩa.
Nhờ cách này, trẻ sẽ rất độc lập khi ăn và mẹ sẽ không phải đút từng muỗng hoặc làm đủ trò để dỗ dành con ăn. Bữa ăn của bé kết thúc một cách “nhanh gọn lẹ”, chỉ khoảng 15-20 phút.
2.2.2 Nhược điểm:
Bên cạnh những ưu điểm vượt trội, cách ăn dặm kiểu Nhật cũng tồn tại một số khuyết điểm như sau.
Mất nhiều thời gian
Có thể nói ăn dặm kiểu Nhật thường khiến mẹ tốn khá nhiều thời gian và công sức ngay từ khâu suy nghĩ lên thực đơn, chuẩn bị nguyên liệu cho đến việc chế biến. Các món ăn của bé cần đảm bảo đúng khoa học theo từng tỉ lệ, phù hợp với từng giai đoạn phát triển và phải thường xuyên xoay vòng để giúp bé không cảm thấy ngán.
Ăn dặm kiểu Nhật không dùng gia vị nên hương vị từ các món ăn được tạo ra từ rau củ do đó, mẹ cần phải biết kết hợp nhiều thực phẩm khác nhau.
Chi phí đầu tư cao
Để thuận tiện trong việc chuẩn bị bữa ăn cho bé mẹ cần trang bị cho mình bộ dụng cụ chế biến đồ ăn dặm kiểu Nhật với nhiều công cụ khác nhau như: Đĩa mài, ray, chày nghiền, vắt, bát, muỗng… Ngoài ra còn có nồi áp suất, quánh nấu cháo.
Trẻ không ăn được nhiều
Phương pháp này dựa trên sự tôn trọng trẻ, do đó khi bé đã không muốn ăn, mẹ sẽ dừng lại ngay lập tức, không cố gắng thúc ép. Chính vì vậy trong giai đoạn đầu có thể bé sẽ không tăng cân nhanh như cách ăn dặm truyền thống.
Người mẹ hay bỏ cuộc
Ngay khi áp dụng cách ăn dặm kiểu Nhật có thể mẹ sẽ thấy rất hào hứng và phấn khởi nhưng khi bắt tay vào thực hiện được một khoảng thời gian thì bắt đầu nản chí. Một phần là vì tốn quá nhiều thời gian, một phần vì không có sự “hợp tác” tốt giữa bé và mẹ và đôi khi vì những bất đồng ý kiến về cách nuôi con giữa các thành viên trong gia đình.
3. Khi nào thì nên cho trẻ ăn dặm kiểu Nhật
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, nếu một đứa trẻ tăng cân đều đặn, trung bình khoảng (500 – 600 gram/tháng). Sữa mẹ vẫn đáp ứng đủ nhu cầu cho con bú thì hãy cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Chỉ cho trẻ bắt đầu ăn dặm khi bé tròn 6 tháng trở lên.
Trẻ được 6 tháng tuổi là thời điểm để tập ăn dặm tốt nhất. Các mẹ không nên để đến khi trẻ được 7 – 8 tháng tuổi mới cho ăn dặm vì lúc này trẻ đã quá quen với việc bú sữa. Lúc này trẻ sẽ rất khó chấp nhận việc tiếp nhận các thực phẩm có mùi vị và độ đặc loãng khác với sữa mẹ, thậm chí nếu cho trẻ ăn dặm muộn, chúng còn gặp nhiều khó khăn khi phải tập làm quen với việc ăn bằng thìa, dĩa…
Tuy nhiên, với một số trường hợp đặc biệt như dưới đây, các mẹ có thể cho bé ăn dặm trước 6 tháng tuổi:
– Với những trẻ có mẹ phải đi làm sớm, không có điều kiện cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.
– Trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn và đúng cách nhưng không tăng cân tốt.
– Những trẻ có phản ứng không tốt với sữa mẹ.
– Trẻ thức dậy nhiều lần vào ban đêm và đòi bú, thời gian giữa các cữ bú ngắn, mẹ có thể bổ sung cho trẻ bằng ăn dặm.
4. Cách cho bé ăn dặm kiểu Nhật
4.1 Những lưu ý trước khi bắt đầu cho bé ăn theo phương pháp này
Ăn dặm kiểu nhật được hiểu đơn giản là dạng:
- Trẻ ăn thô sớm
- Ăn đa dạng thức ăn
- Phương pháp chế biến: Chế biến thức ăn dưới dạng đông lạnh, trữ đông trong tủ lạnh có thể đến cả tuần, rồi mỗi bữa ăn sẽ rã đông một lượng vừa đủ cho bé.
- Cho bé ăn các món ăn riêng rẽ, không trộn chung với nhau như Ăn dặm truyền thống của Việt Nam.
- Luôn tôn trọng ý thích, ý muốn của trẻ.
Từ những thực tế kể trên, chúng ta không thể phủ nhận những lợi thế của phương pháp này, bởi vậy ăn dặm kiểu Nhật cho bé đang là lựa chọn của nhiều bà mẹ, với hy vọng là giúp trẻ cảm thấy ngon miệng hơn.
Ăn dặm kiểu Nhật hay bất cứ phương pháp ăn uống nào khác đều phải đảm bảo đủ các nhóm chất: tinh bột, chất béo, chất đạm, chất xơ, vitamin và khoáng chất. Về mức độ thô của thức ăn, chúng ta cần tùy theo tình trạng thực tế của trẻ. Những hôm trẻ yếu mệt, hãy cho ăn thức ăn loãng và lỏng hơn thường ngày.
4.2 Nguyên tắc ăn dặm kiểu Nhật
Dưới đây là những nguyên tắc vàng bố mẹ cần nhớ khi cho con ăn dặm theo phương pháp ăn dặm kiểu Nhật
- Ăn nhạt
- Cân bằng dinh dưỡng 3 nhóm thực phẩm: tinh bột – đạm – vitamin.
- Cân bằng dinh dưỡng giữa thực phẩm với lượng sữa.
- Cho bé ăn theo nhu cầu.
- Không ép ăn hay ép uống.
- Không đi rong, cho bé ngồi ghế ăn nghiêm túc.
- Không xem tivi hay chơi đồ chơi, nghịch điện thoại, ipad… trong khi ăn.
- Tạo không khí vui vẻ, thoải mái trong bữa ăn.
- Không so sánh khả năng ăn của trẻ so với những bé khác.
- Bố mẹ cần thống nhất về quan điểm lựa chọn phương pháp ăn dặm kiểu Nhật cho con.
- Các mẹ cần đặc biệt lưu tâm lựa chọn nguồn thực phẩm phù hợp, sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Căn cứ vào sự phát triển cơ địa của từng trẻ mà cho trẻ ăn thô sớm hay muộn.
- Và mức ăn thô của mỗi trẻ cũng khác nhau, nên cần điều chỉnh để hợp lý với từng trẻ.
5. Sách ăn dặm kiểu nhật
Sách ăn dặm kiểu Nhật là cẩm nang cũng cấp những thông tin hữu ích cho mẹ Việt trong hành trình nuôi dạy con gian nan mà ngọt ngào. Cùng với phương pháp ăn dặm kiểu Pháp hay kiểu Mỹ thì ăn dặm kiểu Nhậtcũng được nhiều mẹ quan tâm. Để áp dụng thành công cách mẹ Nhật nuôi con mẹ Việt nên tìm đọc những cuốn sách ăn dặm kiểu Nhật để tham khảo. Nuoicondung.com giới thiệu cùng mẹ 3 cuốn sách đang được yêu thích.
5.1 Sách Ăn dặm kiểu Nhật
Rất nhiều bà mẹ trong giai đoạn mang thai đã tìm hiểu về phương pháp nuôi dạy con kiểu Nhật, trong đó có vấn đề ăn dặm. Ăn dặm kiểu Nhật là một cuốn cẩm nang phong phú kiến thức dành cho mẹ.
Cuốn sách giới thiệu những công thức nấu ăn đơn giản, phong phú, dễ làm trong thời gian ngắn. Từ cách lên kế hoạch ăn uống cho trẻ từ chia thức ăn từ khẩu phần người lớn kết hợp với sử dụng thực phẩm cho trẻ em …
Tác giả cuốn sách cũng nhấn mạnh: “Điều quan trọng của giai đoạn này không chỉ là cho trẻ ăn và theo dõi đảm bảo sự phát triển của trẻ mà còn phải theo dõi chức năng ăn và lôi kéo hợp lý sự ham thích ăn của trẻ, làm cho trẻ tự lập.
Chính vì thế, đúng như tiêu đề của cuốn sách, tôi giới thiệu những công thức nấu ăn đơn giản mà ai cũng có thể làm được trong thời gian ngắn bởi nó “đơn giản”, “dễ làm”. Ngoài ra còn nói rất cẩn thận về những thực phẩm cần phải cân nhắc khi trẻ bị ốm, dị ứng thực phẩm. Hơn nữa, cuốn sách cũng có cả những công thức nấu ăn khi bị dị ứng để bữa ăn dặm không trở nên nhàm chán”.
Cuốn sách này cũng đã chuẩn bị những câu trả lời dễ hiểu cho những câu hỏi như vậy ở phần Q&A. Nếu đọc phần đó bạn sẽ dễ dàng hiểu được từ bây giờ nên làm cái gì, như thế nào và bạn có thể đối diện với trẻ bằng sự rộng lượng bao dung của mình.
Cho con ăn dặm đúng lúc mới là mẹ hay!Khi nào nên bắt đầu cho bé ăn dặm? Nếu mẹ không cho con ăn dặm đúng cách và đúng thời điểm, bé sẽ rất dễ bị mắc chứng biếng ăn hoặc suy dinh dưỡng.
5.2 Ăn dặm không phải là cuộc chiến
Khi nhắc đến các cuốc sách săn dặm kiểu Nhật thì không thể không nhắc đến cuốn “Ăn dặm không phải là cuộc chiến”. Cuốn sách đưa đến những thông tin để cha mẹ hiểu trẻ ăn bao nhiêu là đủ? Thế nào là bình thường? và cái gì sẽ giúp ham thích và có thể có thể chủ động tự ăn uống? Những trạng thái tâm lý và thể chất của trẻ em theo mỗi lứa tuổi và những hiểu nhầm thường gặp của cha mẹ với những thay đổi này?
Hơn cả, sách viết nhiều về những lời khuyên an toàn cho các bé bắt đầu ăn dặm, về tầm quan trọng của dinh dưỡng lành mạnh (ăn ít muối, ít đường, cân bằng…) ngay từ bước đầu. Cuốn sách theo sát phương pháp ăn dặm bé tự chỉ huy, nhưng cũng gợi mở các giải pháp cho các gia đình không thực hiện phương pháp này từ đầu, hay thực hiện kết hợp với ăn dặm truyền thống và ăn dặm kiểu Nhật.
Các thực đơn trong sách đã được lựa chọn từ các nguyên liệu dễ kiếm ngay tại Việt Nam sau đó được trực tiếp các tác giả nấu thử nghiệm. Trong mỗi món ăn có những gợi mở mới để làm thay đổi và đa dạng từng món ăn.
5.3 Ăn dặm không nước mắt
Cuốn sách ăn dặm kiểu Nhật này không đơn thuần là phương pháp ăn dặm theo kiểu Nhật mà là cách mẹ Việt đã áp dụng thành công sau khi đọc, hiểu và ngẫm.
Tựa đề sách đã khẳng định: “Thế nào là ăn dặm không nước mắt? Là khi con không khóc vì bị ép ăn và mẹ không khóc vì con bỏ bữa. Là khi con hào hứng trước mỗi bữa ăn và mẹ hạnh phúc thấy con ăn hết phần đồ ăn mẹ làm. Cuốn sách Ăn dặm không nước mắt của mẹ Xoài, một người mẹ Việt nuôi con ở Nhật hẳn sẽ mang đến nhiều gợi ý.
Học hỏi các bà mẹ Nhật, mẹ Xoài đã cố gắng tập cho bé Xoài thói quen ăn uống tự giác, tập trung. Mẹ Xoài cũng tôn trọng sở thích, nhu cầu và mong muốn của bé. Còn để khiến bé háu ăn và ăn được nhiều hơn, mẹ Xoài đã chế biến các món ăn thật ngon lành, đa dạng, trang trí vô cùng đẹp mắt để bé chỉ nhìn thôi đã thèm”.
6. Thực đơn ăn dặm kiểu nhật theo từng tháng tuổi
6.1 Thực đơn ăn dặm kiểu Nhật cho tuần đầu tiên
Trong tuần ăn dặm đầu tiên, mẹ nên cho bé ăn cháo loãng, xay nhuyễn để bé tập quen dần với thức ăn mới. Cháo được nấu theo tỉ lệ 1:10. Tức là 1 gạo và 10 nước.
Lượng thức ăn cho bé trong tuần đầu:
- 2 ngày đầu tiên: 1 thìa (5ml)
- 3 ngày tiếp theo: 2 thìa (10ml)
- 3 ngày tiếp theo: 3 thìa (15ml)
6.2 Thực đơn ăn dặm kiểu nhật cho bé 4 tháng
6.2.1 Lưu ý khi cho trẻ ăn dặm ở 4 tháng tuổi
Khi ba mẹ cho bé ăn dặm sớm, cần lưu ý giai đoạn đầu tiên bé mới tập ăn thức ăn rất quan trọng. Ngoài sữa mẹ, bé bắt đầu làm quen với thực phẩm khác. Tuy nhiên, sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng cho bé chính yếu và quan trọng nhất. Bởi ở 4 tháng tuổi, hệ tiêu hóa của bé chưa hoàn thiện nên sẽ không dễ dàng hấp thu dinh dưỡng từ thức ăn khác.
Sẽ rất tốt nếu bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà không phải bé nào cũng được đáp ứng điều này. Với những bé ăn dặm sớm trước 6 tháng, thì mục tiêu quan trọng nhất là cho bé quen dần với món ăn. Bé sẽ dễ thích ứng và chấp nhân các loại thức ăn khác ngoài sữa mẹ. Chính vì vậy thực đơn ăn dặm kiểu Nhật cho bé 4 tháng tuổi cần khoa học. Và đặc biệt, các món ăn cần được chế biến hết sức vệ sinh với bé.
6.2.2 Các món ăn dặm kiểu Nhật cho bé 4 tháng tuổi
Chuẩn bị món ăn dặm kiểu Nhật cho bé 4 tháng tuổi, ba mẹ nên lưu ý:
Thành phần bữa ăn nên có: Chất xơ (như trái cây, rau củ..), chất đạm (thịt, cá, trứng…) và tinh bột (cháo, bột…).
Trước tiên, mẹ có thể tập cho bé ăn bằng các bột ăn dặm, loại bôt ngọt. Mẹ nhớ khuấy lỏng cho ruột bé thích nghi được tinh bột. Mẹ đừng ép bé phải ăn đúng suất mà nên nhìn vào thái độ của bé với việc ăn để điều chỉnh. 4 tháng mẹ chưa nên cho trẻ ăn dặm nhiều, mà chủ yếu là cho bé nếm và cảm nhận vị ngon nhé.
Một số món ăn dặm kiểu Nhật ba mẹ có thể tham khảo:
1. Nước ép
– Nước quýt hoặc nước cam tươi.
- Nguyên liệu: Cam, quýt; nước ấm.
- Cách làm: Cam quýt khi mua chọn loại tươi, ngon, ngọt. Mẹ rửa sạch, vắt lấy nước, cho thêm chút nước sôi để ấm và khuấy đều.
– Nước cà chua:
- Nguyên liệu: Cà chua tươi, đường trắng, nước ấm.
- Cách làm: Cà chua mẹ rửa sạch, chần qua nước sôi. Sau đó mẹ lột bỏ vỏ, bỏ hạt, khuấy đều với nước ấm và cho ít đường trắng (rất ít thôi mẹ nhé) vào là được.
2 Bột
– Bột rau củ: Các loại rau củ như cải, cà rốt, khoai tây, bí xanh, bí đỏ… có thể làm bột rau củ cho bé. Mẹ nhớ chọn loại thật tươi ngon, rửa sạch, ngâm qua nước muối rồi băm nhuyễn. Sau đó mẹ đun sôi cho chín. Lọc bỏ các phần xơ và xay nhuyễn. Cho thêm ít muối hoặc đường là bé có thể ăn.
– Bột trứng, cà rốt: Cà rốt mẹ nấu chín, xay nhuyễn. Trứng mẹ lấy lòng đỏ đánh đều. Sau đó mẹ cho bột gạo vào nước, cộng với cà rốt và trứng đun lửa nhỏ, khuấy đều đến khi bột chín.
Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật là phương pháp khá tốt và được nhiều bố mẹ tin tưởng. Mẹ nên tìm hiểu thêm thông tin để có thể áp dụng đúng đắn và khoa học nhất trong hành trình nuôi dạy bé. Vì sự phát triển khỏe mạnh của bé yêu, mẹ nhé
6.3 Ăn dặm kiểu nhật cho bé 5 tháng
Ăn dặm kiểu nhật 5 tháng là giai đoạn đầu tiên trong quá trình ăn dặm. Có rất nhiều điều mẹ cần lưu ý khi chọn thực đơn ăn dặm kiểu Nhật 5 tháng cho con.
6.3.1 Những thông số cơ bản cho bé ăn dặm kiểu Nhật 5 tháng tuổi
- Số lượng bữa ăn: ăn 1 bữa dặm/ngày cho bé 5 tháng; 2 bữa/ngày cho bé 6 tháng
- Thời gian: Nên ăn vào bữa sáng lúc 10 giờ, đến khi bé 6 tháng tuổi thì ăn thêm 1 bữa trước 7h tối.
- Độ thô của cháo: tỉ lệ 1 gạo/10 nước.
- Chất đạm: 5-10g (đậu phụ 25g, trứng dưới 2/3 lòng đỏ (trứng ở Nhật to hơn ở Việt Nam))
- Cháo: 5g – 30 g (gạo, mì, bánh mỳ)
- Rau: 5 – 20g (cà rốt, bí đỏ, rau chân vịt, cà chua, su hào, bắp cải, súp lơ xanh, chuối, táo…)
- Tất cả đều bắt đầu với lượng là 1 thìa (5ml) trong mỗi lần giới thiệu thực phẩm mới cho bé
6.3.2. Một số thực phẩm ăn được giai đoạn này
- Tinh bột: cháo gạo, bánh mì (sandwich, baguette), chuối, khoai tây, khoai lang, khoai môn, khoai sọ
- Đạm: đậu hũ, cá trắng, lòng đỏ trứng, đậu (đậu Hà Lan), cá dăm khô shirasu, sữa chua, phô mai tươi
- Vitamin: cà rốt, bí đỏ, bắp cải, hành tây, cà chua, bông cải xanh, củ cải, rau chân vịt, táo, dâu, quýt
6.3.3. Thực đơn ăn dặm kiểu Nhật 5 tháng tuổi cho trẻ
Trong tháng đầu tiên bắt đầu cho con ăn dặm, mẹ hãy lên khung giờ và có chế độ cũng như số lượng vừa phải để bé tập quen dần. Ngoài đồ ăn dặm, mẹ vẫn phải duy trì cho bé dùng sữa mẹ hoặc sữa công thức thường xuyên.
- Tuần đầu tiên: Các mẹ nên cho bé ăn cháo trắng với số lượng khoảng từ 5ml – 10ml.
- Tuần thứ hai: Sang tuần này, ngoài cháo trắng (15ml – 25ml), các mẹ có thể bổ sung thêm carot (5ml), bí đỏ (5ml) và cà chua (5ml) vào thực đơn ăn dặm của trẻ.
- Tuần thứ ba: Khi bé đã quen với đồ ăn mới, mẹ có thể tăng số lượng cho con ăn mỗi ngày. Cháo trắng (30ml – 40ml) kết hợp với các loại rau củ như rau ngót (10ml), su hào (10ml), rau cải bó xôi (10ml). Tổng số lượng mà bé sẽ dung nạp mỗi ngày là khoảng 40ml – 50ml.
- Tuần thứ tư: Ở tuần này, các mẹ vẫn duy trì thực đơn và số lượng cho các bé như ở tuần thứ 3
6.3.4 Một số lưu ý khi cho trẻ ăn dặm trong giai đoạn này
- Thức ăn phải được nghiền nhuyễn, mịn để trẻ dễ ăn
- Bắt đầu chỉ nên cho trẻ ăn với số lượng nhỏ, thậm chí là ít hơn một muỗng cà phê
- Luôn đa dạng hóa các nguyên liệu chế biến để từ đó nhận biết được khẩu vị của bé
- Khi giới thiệu một loại đồ ăn dặm mới, mẹ nên tập cho bé ăn thử trong 3-4 ngày
6.4 Thực đơn ăn dặm kiểu nhật cho bé 6 tháng
6.4.1. Những thông số cơ bản khi cho bé ăn dặm kiểu Nhật
- Số lượng bữa ăn: 2 bữa/ngày cho bé 6 tháng
- Thời gian: Nên ăn vào bữa sáng lúc 10 giờ, thêm 1 bữa trước 7h tối.
- Độ thô của cháo: tỉ lệ 1 gạo/10 nước.
- Chất đạm: 5-10g (đậu phụ 25g, trứng dưới 2/3 lòng đỏ (trứng ở Nhật to hơn ở Việt Nam))
- Cháo: 5g – 30 g (gạo, mì, bánh mỳ)
- Rau: 5 – 20g (cà rốt, bí đỏ, rau chân vịt, cà chua, su hào, bắp cải, súp lơ xanh, chuối, táo…)
Tất cả đều bắt đầu với lượng là 1 thìa (5ml) trong mỗi lần giới thiệu thực phẩm mới cho bé
6.4.2. Một số thực phẩm ăn được giai đoạn này
- Tinh bột: cháo gạo, bánh mì (sandwich, baguette), chuối, khoai tây, khoai lang, khoai môn, khoai sọ
- Đạm: đậu hũ, cá trắng, lòng đỏ trứng, đậu (đậu Hà Lan), cá dăm khô shirasu, sữa chua, phô mai tươi
- Vitamin: cà rốt, bí đỏ, bắp cải, hành tây, cà chua, bông cải xanh, củ cải, rau chân vịt, táo, dâu, quýt
6.4.3. Thực đơn ăn dặm kiểu Nhật 6 tháng cho trẻ
Tại thời điểm này, các mẹ vẫn duy trì cho bé ăn cháo trắng và có thể cho bé tập ăn thêm với sữa chua nguyên chất, đậu phụ và tứng 2/3 lòng đỏ.
- Tuần 1: Cháo trắng (30ml – 40ml), rau ngót (10ml), đậu phụ (5g), bắp cải (10ml), rau cải (10ml), sữa chua nguyên chất không đường. Bước sang giai đoạn này, mẹ có thể cho bé ăn thêm sữa chua nguyên chất không đường
- Tuần 2: cháo trắng (15ml – 25ml), carot (5ml), đậu phụ (5g), bí đỏ (5ml), trứng 2/3 lòng đỏ, cà chua (5ml), sữa chua nguyên chất không đường.
- Tuần 3: cháo trắng (30ml – 40ml), rau ngót (10ml), su hào (10ml), rau cải bó xôi (10ml), đậu phụ (5g), sữa chua nguyên chất không đường, trứng 2/3 lòng đỏ.
- Tuần 4: cháo trắng (30ml-40ml), rau ngót (10ml), sữa chua nguyên chất, rau ngót (10ml), trứng 2/3 lòng đỏ, bắp cải (10ml), rau cải (10ml), đậu phụ (5g).
>>>Bố mẹ xem thêm: 31 Thực Đơn Ăn Dặm Kiểu Nhật Cho Bé 6 Tháng Tuổi Chi Tiết Nhất
6.5 Thực đơn ăn dặm kiểu nhật cho bé 7 tháng
6.5.1 Nguyên tắc ăn dặm kiểu Nhật cho bé 7 tháng
Bé 7 tháng nghĩa là bé đã có thể chuyển sang giai đoạn mới trong ăn dặm. Lúc này mẹ phải chế biến món ăn để bé có thể tập nhai. Vì khoảng 7-10 tháng tuổi là thời kỳ bé tập nhai nuốt rất tốt. Nếu bỏ lỡ giai đoạn này, lúc nào mẹ cũng xay nhuyễn cho bé nuốt, thì sẽ không tốt. Nhiều bé có thói quen ngậm hoài không nuốt khi đến tuổi ăn được. Cũng là do khi mẹ nuôi dạy con nhỏ đã để bé bị bỏ lỡ thời kỳ tậm nhai nuốt này.
Vì vậy giai đoạn này mẹ không cần nghiền thức ăn quá nhuyễn nữa. Mẹ nên chế biến thô hơn một chút để bé tập ăn theo dạng mới nhé. Bé 7 tháng tuổi đã có khả năng ăn được những thức ăn thô hơn so với khi 6 tháng. Vì thế ở giai đoạn này, khi cho trẻ ăn dặm theo kiểu Nhật, mẹ cần tuân theo một số những nguyên tắc sau:
– Lượng thức ăn tăng lên: Bé vẫn ăn 2 bữa/ngày như hồi 6 tháng nhưng lượng thức ăn sẽ nhiều hơn:
+ Cháo: 40-70g
+ Rau: 25g
+ Đạm: 10-15g
– Thay đổi tỷ lệ nấu cháo: Vì trẻ đã có thể ăn thô được tốt hơn nên mẹ nấu cháo trắng cho bé theo tỷ lệ 1 gạo:7 nước.
– Có thể ăn thêm một số thực phẩm khác: Mẹ đã có thể cho trẻ 7 tháng ăn thêm thịt heo, thịt bò hoặc gan. Tuy nhiên cần cho bé ăn ít một để xem con có bị dị ứng với loại thực phẩm nào không.
– Cắt trái cây thành hình dài: Mẹ nên thái trái cây thành những miếng dài để trẻ tự cầm và cắn ăn. Điều này sẽ tập cho bé biết cách cắn để nhai và nuốt.
6.5.2 Gợi ý cho mẹ món ăn dặm kiểu Nhật bé 7 tháng
Một số thực phẩm bé có thể ăn đươc trong giai đoạn này: Tinh bột (ngũ cốc, bắp, bột gạo…), đạm (thịt, cá, trứng…) , vitamin (các loại trái cây) và chất xơ (rau).
Có thể cho bé ăn một số món như:
- Cháo + bí đỏ chín nhuyễn + tôm băm, canh cà rốt thái nhỏ+ sữa chua cho bé.
- Ăn cháo + thịt luộc rồi băm nhỏ, canh cà chua + sữa chua cho bé.
- Cháo + thịt gà, cà rốt băm nhuyễn + canh đậu phụ.
Hoặc bé cũng có thể ăn các món như dâu tây nghiền, đậu phụ với cà rốt và sữa ngô nghiền, súp bí đỏ, cháo bánh mì khoai lang.
6.6 Thực đơn ăn dặm kiểu nhật cho bé 8 tháng
6.6.1 Ăn dặm kiểu Nhật cho bé 8 tháng, vài điều cần lưu ý
Mẹ lưu ý, giai đoạn 2, từ 7 đến 8 tháng tuổi, có thể mẹ sẽ khá sốt ruột khi cho bé ăn dặm kiểu Nhật. Vì lúc này có thể bé sẽ tăng cân chậm hơn. Tăng chậm ơn so với một số bé khác ăn dặm theo kiểu truyền thống.
Tuy nhiên mẹ cũng đừng quá lo lắng. Chất lượng hơn số lượng. Chỉ cần mẹ đảm bảo bé ăn uống ngon miệng và đủ chất thì bé vẫn sẽ phát triển hoàn thiện bình thường. Điều quan trọng ba mẹ cần nhớ trong phương pháp ăn dặm kiểu Nhật cho bé 8 tháng tuổi là: Giúp bé ăn ngon.
Nghĩa là cái quan trọng của phương pháp ăn dặm kiểu Nhật là giúp bé có niềm vui ăn uống. Tập cho bé thói quen ăn uống tốt. Giúp bé nếm được nhiều vị ngon, phong phú chứ không phải là cố ép hay “vỗ béo” bé. Điều này sẽ giúp bé không bị căng thẳng áp lực khi ăn, tránh biếng ăn
6.6.2 Chế biến thức ăn dặm kiểu Nhật cho bé 8 tháng
Có một số món ăn dặm mẹ có thể cho bé làm quen trong giai đoạn này. Ví dụ như, ngoài những món trong giai đoạn trước, có thể kèm theo trứng, thịt gà, cá, nấm… Mẹ cũng cần lưu ý đến việc chế biến thức ăn dặm kiểu Nhật cho bé 8 tháng. Cách cho bé ăn vẫn là xay nhuyễn, rồi dần dần tập cho bé ăn thô hơn, đặc hơn. Ăn dặm kiểu Nhật bé 7 tháng hay 8 tháng, thì bé đã có thể tập ăn thô. Và đây là thời điểm rất tốt để bé hình thành thói quen nhai, nuốt.
Thời gian cho bé ăn dặm vẫn là sáng, chiều, xen kẽ các bữa bú. Lưu ý là bé vẫn cần bú mẹ trong giai đoạn này để đảm bảo dinh dưỡng cho bé. Nếu điều kiện cho phép, mẹ nên cho bé bú đủ ít nhất là 12 tháng. Hạn chế cho nhiều gia vị, dầu mỡ vào thức ăn của bé trong giai đoạn này.
6.6.3 Một số món cho bé ăn dặm dễ chế biến gợi ý cho mẹ
- Nấu cháo: Cháo có thể nấu trong nồi cơm điện. Mẹ ngâm gạo trước khi nấu. Và sau khi cháo chín thì không lấy ra ngay mà để thêm chừng 30-40 phút cho nhuyễn. Bé 8 tháng thì không cần xay, cháo nhuyễn là đã có thể ăn được. Nhưng trứng, thịt, đậu, rau có trong cháo thì mẹ cần xay nhuyễn trong khi chế biến.
- Các loại rau: Mẹ có thể luộc chín rồi xay nhuyễn rau, củ cho bé ăn.
6.7 Thực đơn ăn dặm kiểu Nhật cho bé 9 tháng – 11 tháng
Trong giai đoạn này, mẹ vẫn nên tiếp tục điều chỉnh lượng thức ăn dặm của con tăng dần theo mỗi bữa. Việc này nhằm giúp dạ dày của bé thích nghi dần với lượng thức ăn nhiều hơn trước khi bắt đầu bé chuyển sang giai đoạn ăn dặm mới.
9-11 tháng tuổi bé đã mọc một số răng, vì vậy thức ăn lúc này cần có độ thô hơn nhiều so với trước. Một số bé thậm chí đã có thể nhai nuốt thức ăn dai tốt trong giai đoạn này.
Ngoài những thực phẩm bé ăn ở các giai đoạn trước, thì sang giai đoạn này mẹ nên chọn thêm:
- Thịt heo
- Thịt bò
- Sò
6.8. Thực đơn ăn dặm kiểu Nhật cho bé 12 – 18 tháng
Giai đoạn này, nhiều bé đã cai sữa và bắt đầu có thể ăn các bữa như người lớn. Ngoài 3 bữa chính, mẹ nên bổ sung thêm 2 bữa phụ và cho con uống thêm sữa.
Ngoài những thực phẩm bé ăn ở các giai đoạn trước, thì mẹ có thể bổ sung thêm nhiều thực phẩm tốt cho bé như:
- Cải bó xôi
- Thịt gà
- Cá hồi
Trước khi có phương pháp ăn dặm kiểu Nhật, mỗi bữa ăn của bé đều là một cuộc chiến không có hồi kết: phải bế bé rong khắp nơi, đổi món liên tục, vừa dỗ vừa ép, thậm chí cả nhà phải cùng dỗ bé ăn mà vẫn lực bất tòng tâm. Hãy cùng xem cách ăn dặm kiểu Nhật khắc phục những sai lầm gia đình Việt hay mắc phải như thế nào nhé!
7. Những sai lầm cần tránh
7.1 Làm chậm quá trình nhai nuốt của con khi ăn
Theo phương pháp ăn dặm truyền thống, mẹ Việt thường cho con ăn dặm với cháo và bột. Khi nấu món ăn dặm cho con, mẹ thường xay nhuyễn mọi nguyên liệu do sợ con bị hóc trong quá trình ăn. Vô hình chung, chính cách này khiến con lười nhai, chỉ có thói quen nuốt thức ăn ở dạng lỏng. Việc nhiều bé có thói quen ngậm thức ăn, không chịu nhai là do thói quen ăn dặm mà ra.
Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật luyện tập cho bé ăn thức ăn thô ngay từ sớm giúp con tự giác nhai – nuốt khi ăn. Chính vì vậy, bữa ăn của các bé được áp dụng phương pháp ăn dặm kiểu Nhật từ sớm sẽ diễn ra nhanh hơn các bé ăn theo phương pháp truyền thống.
7.2 – Lấy đi tinh thần vui vẻ của mỗi bữa ăn
Việc mẹ hàng ngày 3 bữa chỉ cho con ăn bột và cháo sẽ khiến con vô cùng chán ngán. Nó giống như việc ngày ngày chúng ta phải ăn cơm với một món thịt duy nhất vậy. Mẹ cũng nên hiểu rằng, trẻ rất thích các màu sắc sặc sỡ, hình ảnh lạ mắt nên việc mẹ trang trí món ăn thật đẹp mắt sẽ giúp kích thích giác quan cho con, kích thích trẻ muốn khám phá các món ăn mỗi ngày.
Hiểu được điều này, ăn dặm kiểu Nhật cho bé luôn chú trọng đến hình thức món ăn cũng như sự đổi mới trong khẩu vị của trẻ tại mỗi khẩu phần ăn. Đây là lý do khiến các mẹ Nhật không hề mất nhiều thời gian cho việc dỗ dành trẻ bắt đầu bữa ăn. Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật giúp con luôn chủ động chờ đón bữa ăn từ mẹ, mẹ không cần vất vả dỗ con ăn mỗi ngày.
7.3 – Không chú trọng rèn kỹ năng tự lập cho bé
Với phương pháp ăn dặm truyền thống, trước 1 tuổi thông thường bé không có thói quen tự dùng thìa xúc bột hay cháo ăn vì hơi lâu và đa số các bé ăn khá chậm. Sau 1 tuổi, theo giai đoạn phát triển bình thường của trẻ, sẽ xuất hiện phản xạ tự cầm thìa. Nếu bé không được luyện tập trước đó, giai đoạn này bé cầm thìa sẽ khá khó khăn, gây cho bé cảm giác dễ chán nản, thậm chí là quen với việc được đút ăn trong thời gian dài khiến bé lười ăn, làm nũng, thiếu tính tự chủ.
Mục đích của phương pháp ăn dặm kiểu Nhật là cho bé khoảng trời tự do trong thời gian bữa ăn, sự phong phú trong thực đơn tạo cảm giác mới mẻ và thích thú khiến bé vui vẻ trong mọi bữa ăn.
Hi vọng với toàn bộ kiến thức về ăn dặm kiểu Nhật trên sẽ giúp bé nhà mình hay ăn chóng lớn. Đặc biệt hơn nữa là lớn lên khoẻ mạnh với côgn thức dinh dưỡng khoa học và tiên tiến
Mách Nhỏ Cho Các Phụ Huynh Khoá Học Ăn Dặm Kiểu Nhật Cực Kỳ Chất
|
[wpforms id=”4104″ title=”true”] |
4 Những bình luận
Pingback: 31 Thực Đơn Ăn Dặm Kiểu Nhật Cho Bé 6 Tháng Tuổi Chi Tiết Nhất
Pingback: Nước Dashi - 7 Điều Quan Trọng Nhất Mẹ Cần Biết Về Nước Dùng Dashi
Pingback: Cách Dạy Con Của Người Nhật - Bài Viết Hay Và Đầy Đủ Nhất
Pingback: Ăn Dặm BLW Là Gì? Phương Pháp Ăn Dặm BLW Khoa Học Đúng Cách