Tổng hợp 10 chuyện kể đêm khuya cho bé cực kỳ hay. Giúp bé dễ dàng chìm vào giấc ngủ với những giấc mơ đẹp từ các câu chuyện ba mẹ kể dưới đây
Chuyện kể đêm khuya cho bé số 1 Sự tích ông Công ông Táo
Ngày xưa, có hai vợ chồng son nhà nghèo sinh nhai bằng nghề làm thuê làm mướn.
Tuy nghèo nhưng họ rất yêu nhau. Thường buổi tối sau khi đi làm về, hai Vợ chồng ngồi bên bếp lửa hay dưới ánh trăng kể cho nhau những chuyện xa gần mới nghe được, hay hát những câu tình duyên, có khi vui vẻ quên cả cơm nước.
Một năm trời làm mất mùa, hạt gạo kiếm rất khó khăn. Tình trạng đói kém diễn ra khắp mọi miền. Hai Vợ chồng theo lệ cũ đi tìm việc ở các nhà giàu nhưng chả mấy ai thuê nữa. Người vay công lĩnh nợ thì đông mà gạo rất khan hiếm nên khó chen vào lọt. Hơn nữa, cổng mấy lão trọc phú lại thường đóng chặt vì chúng không muốn cho ai quấy nhiễu.
Túng thế hai vợ chồng phải đi mò cua bắt ốc, hoặc đào củ, hái rau về ăn. Tuy có đỡ phần nào nhưng tình cảnh vẫn không mảy may sáng sủa. Cái chết luôn luôn đe dọa họ vì trận đói còn kéo dài. Một buổi chiều, sau khi húp vội mấy bát canh rau má, chồng bảo vợ:
– Tôi phải đi một nơi khác kiếm ăn, không thể ở nhà được.
Nghe chồng nói, người đàn bà đòi đi theo để sống chết có nhau. Nhưng người chồng bảo:
– Tôi chưa biết sẽ đi đến đâu và sẽ phải làm những gì. Nàng ở nhà dễ sống hơn tôi, không nên theo làm gì cho vất vả. Chưa biết chừng tôi sẽ nằm lại dọc đường để cho loài chim đến than khóc. Nhưng cũng chưa biết chừng tôi lại mang những quan tiền tốt bó mo về đây nuôi nàng cũng nên! Chao ôi! Số mệnh! Nàng hãy chờ tôi trong ba năm, nghe! Hết ba năm không thấy tôi trở về ấy là tôi đã bỏ xác quê người. Nàng cứ việc đi lấy chồng khác.
Sau khi tiễn chồng, người đàn bà kiếm được việc làm ở một nhà kia. Nhà họ không giàu gì nhưng thương cảnh ngộ nàng, có ý giúp đỡ cho qua những ngày thảm đạm. ở đây, người đàn bà kiếm mỗi ngày hai bữa, trong đó có một bữa cháo bữa khoai. Nhờ lanh lẹn và xinh xắn nên nàng lấy được cảm tình của chủ. Nhưng hình dáng người chồng thân yêu không bao giờ phai nhạt trong tâm trí nàng.
Thời gian trôi nhanh như nước chảy. Người ta đã bớt nhắc đến trận đói khốc liệt vừa qua. Nàng thì ngày ngày hồi hộp chờ đợi chồng. Nhưng cây bưởi trước sân đã ba lần trổ hoa mà chồng nàng vẫn không thấy tăm dạng.
Giữa lúc ấy người chủ đã từng bao bọc nàng trong lúc đói, vừa chết vợ. Sẵn có tình cảm với nàng, người ấy ngỏ ý muốn được nối duyên cùng nàng. Nhưng người ấy đâu có hiểu được lòng của người thiếu phụ. Câu trả lời của nàng là:
– Chồng tôi hẹn tôi trong ba năm sẽ về. Đến bây giờ tôi mới tin là chồng tôi đã chết. Vậy cho tôi để tang chồng trong ba năm cho trọn đạo.
Ba năm nữa lại trôi qua một cách chóng vánh. Không tin tức cũng chẳng có một lời đồn về người chồng. Hàng ngày, những buổi chiều tà, nàng vẫn đăm đăm nhìn bóng người đi lại trên con đường cái quan. Và rồi nàng khóc cạn cả nước mắt. Người đàn ông kia giục nàng quyết định:
– Một là chồng nàng đã chết, hai là còn sống nhưng đã lập gia đình khác ở một nơi xa xôi hẻo lánh. Đằng nào nàng cũng khó mong tái hợp. Âu là cùng tôi lập một gia đình mới. Sức của tôi và của của tôi đủ bảo đảm cho nàng sung sướng trọn đời.
Nàng sửa lại vành khăn trắng đã ngả màu, cảm ơn hậu tình của anh ta và xin rốn chờ cho một năm nữa. Một năm nữa lại trôi qua không mang lại một tin tức gì mới mẻ. Lần này nàng mới tin là chồng mình chết thật. Sau một bữa rượu cúng chồng và đãi họ hàng làng xóm, nàng đến ở cùng người chồng mới.
* * *
Đột nhiên sau đó ba tháng, người chồng cũ xách khăn gói trở về quê hương. Chàng không có vẻ gì khấm khá hơn trước. Chàng chỉ ôm một hy vọng là được gặp lại người vợ yêu. Nhưng vườn cũ nay đã thuộc về chủ mới. Chàng lẩm bẩm: – “Thế là hết. Bởi số cả!”.
Việc người đàn ông đột ngột trở về làm cho mọi người ngơ ngác. Nhất là đôi Vợ chồng mới cưới không còn biết ăn nói làm sao bây giờ. Người đàn bà xấu hổ không dám gặp mặt. Nhưng người chồng cũ đã tìm đến họ và an ủi họ.
– Tôi đi vắng lâu quá. Cái đó hoàn toàn là lỗi ở tôi. Nàng xử sự như thế rất đúng. Tôi chỉ cần về gặp nàng một chút. Thế là đủ. Bây giờ tôi sẽ đi khỏi nơi này mãi mãi.
Mặc dầu người vợ nài nỉ hết sức, mặc dầu người chồng mới xin trả lại vợ, nhưng chàng nhất quyết dứt áo ra đi. Chàng không nỡ phá hạnh phúc của họ. Mà chàng cũng không có gan đi đâu xa vì không thể quên được vợ cũ. Băn khoăn dằn vặt hành hạ tâm trí chàng. Đầu óc rối như mớ bòng bong. Chàng nghĩ đến cái chết và trong một lúc cuồng loạn, chàng tự treo cổ lên cây đa đầu làng.
Cái chết kinh khủng đó như một tiếng sét nổ vào đầu người đàn bà. Nàng cảm thấy chính mình là thủ phạm gây ra cái chết của người chồng cũ. Tại sao ta chờ chồng được bảy năm trời mà không ráng chờ thêm ít lâu nữa? Tại sao thấy chồng trở về, ta không dám giáp mặt? Nàng không tự chủ được nữa. Tất cả những câu hỏi như lên án một cách âm thầm nhưng kịch liệt trong đầu óc nàng.
Thế rồi buổi sáng hôm sau, trong khi người ta sắp sửa cất đám người đàn ông bạc mệnh thì người ta lại hoảng hốt kéo nhau đi vớt tử thi người đàn bà dưới cái ao bên cạnh nhà.
Người chồng mới sau khi làm ma cho vợ, trở nên như người mất trí. Hai cái chết đánh mạnh vào đầu óc mọi người, riêng đối với chàng chưa bao giờ có một sự xúc động dữ dội đến như thế. Chàng luôn miệng kêu to: – “Tại sao ta cố ý cướp vợ của người khác!”. Rồi một hôm, sau khi đem hết gia sản chia cho họ hàng và cúng vào chùa, chàng uống thuốc độc tự tử.
Lúc xuống đến thế giới bên kia, cả ba người đều được đưa tới trước tòa án của Diêm vương để định công luận tội. Tất cả mọi người một khi đã đến đây đều phải khai rõ sự thật.
Theo lời khai của người chồng cũ thì chàng không thể nào xa lìa vợ cũ. Chàng sở dĩ chết ở làng là chỉ mong luôn luôn được gần gũi nàng. Người chồng mới cũng khai rằng chàng có cảm tình rất sâu xa đối với người vợ mới mặc dầu mới chính thức lấy nhau chỉ có ba tháng. Khi Diêm vương hỏi tình của chàng đối với người vợ cũ như thế nào thì chàng giơ ngón tay so sánh rằng một bên mười, một bên chưa được một. Đến lượt người đàn bà thì nàng thú thật rằng cái tình của nàng đối với chồng cũ choán một chỗ rộng rãi trong lòng mình, đồng thời đối với người chồng mới, nàng cũng không thể nào quên được tình cảm nồng nhiệt của chàng.
Diêm vương ngồi nghe rất cảm động. Những người như thế này cũng thật hiếm có. Cần phải làm cho bộ ba ấy sống gần nhau mãi mãi. Sau một hồi lâu suy nghĩ, Diêm vương cho ba người hóa thành ba ông đầu rau để cho họ khỏi lìa nhau và để cho ngọn lửa luôn luôn đốt nóng tình yêu của họ. Đồng thời, vua còn phong cho họ chức Táo quân trông nom từng bếp một, nghĩa là từng gia đình một trên trần thế.
Chuyện kể đêm khuya cho bé số 2 Sự Tích Bánh Chưng Bánh Dầy
Ngày xưa, đời Vua Hùng Vương thứ 6, sau khi đánh dẹp xong giặc Ân, vua có ý định truyền ngôi cho con.
Nhân dịp đầu Xuân, vua mới họp các hoàng tử lại, bảo rằng: “Con nào tìm được thức ăn ngon lành, để bày cỗ cho có ý nghĩa nhất, thì ta sẽ truyền ngôi vua cho”.
Các hoàng tử đua nhau tìm kiếm của ngon vật lạ dâng lên cho vua cha, với hy vọng mình lấy được ngai vàng.
Trong khi đó, người con trai thứ 18 của Hùng Vương, là Tiết Liêu (còn gọi là Lang Liêu) có tính tình hiền hậu, lối sống đạo đức, hiếu thảo với cha mẹ. Vì mẹ mất sớm, thiếu người chỉ vẽ, nên ông lo lắng không biết làm thế nào.
Một hôm, Tiết Liêu nằm mộng thấy có vị Thần đến bảo: “Này con, vật trong Trời Đất không có gì quý bằng gạo, vì gạo là thức ăn nuôi sống con người. Con hãy nên lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng hình Trời và Đất. Hãy lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột bánh, để tượng hình Cha Mẹ sinh thành.”
Tiết Liêu tỉnh dậy, vô cùng mừng rỡ. Ông làm theo lời Thần dặn, chọn gạo nếp thật tốt làm bánh vuông để tượng hình Đất, bỏ vào chõ chưng chín gọi là Bánh Chưng. Và ông giã xôi làm bánh tròn, để tượng hình Trời, gọi là Bánh Dầỵ Còn lá xanh bọc ở ngoài và nhân ở trong ruột bánh là tượng hình cha mẹ yêu thương đùm bọc con cái.
Đến ngày hẹn, các hoàng tử đều đem thức ăn đến bày trên mâm cỗ. Ôi thôi, đủ cả sơn hào hải vị, nhiều món ngon lành. Hoàng tử Tiết Liêu thì chỉ có Bánh Dầy và Bánh Chưng. Vua Hùng Vương lấy làm lạ hỏi, thì Tiết Liêu đem chuyện Thần báo mộng kể, giải thích ý nghĩa của Bánh Dầy Bánh Chưng. Vua cha nếm thử, thấy bánh ngon, khen có ý nghĩa, bèn truyền ngôi Vua lại cho Tiết Liêu con trai thứ 18.
Kể từ đó, mỗi khi đến Tết Nguyên Đán, thì dân chúng làm bánh Chưng và bánh Dầy để dâng cúng Tổ Tiên và Trời Đất.
Chuyện kể đêm khuya cho bé số 3: Trí Khôn Của Ta Đây
Một ngày nọ, có con cọp rất lớn từ trong rừng sâu ra ngoài, nó trông thấy ở ngay thửa ruộng cạnh rừng có bác nông dân cùng con trâu mộng chăm chỉ cày cuốc. Tuy rằng con trâu kia rất chăm chỉ kéo cày nhưng mà lâu lâu thì bác nông dân kia lại quất cho nó mấy roi tạo thành tiếng “đét… đét…” vào mông.
Thấy cảnh này thì cọp cảm thấy ngạc nhiên lắm. Nó đợi cho đến khi buổi trưa tới, đợi cho bác nông dân tháo hết cày ra cho trâu, rồi nó mới lân la tiến tới để hỏi chuyện nó vẫn tò mò:
– Này anh kia. Tôi trông anh to khỏe thế sao lại để cho bọn con người đánh đập, hành hạ đến khổ sở như thế chứ?
Trâu thấy cọp tới thì cũng tỏ vẻ bình tĩnh, nghe cọp hỏi xong thì nó mới thì thầm:
– Anh không biết đấy thôi! Nhìn con người nhỏ bé vậy nhưng họ có trí khôn, đáng sợ lắm!
Nghe trâu nói như vậy thì cọp ta lại càng cảm thấy kì lạ và khó hiểu hơn. Cọp lại hỏi:
– Trí khôn ư? Nó là gì thế? Trông nó như nào vậy anh?
Nhưng mà trâu cũng chẳng biết cách để giải thích cho cọp hiểu chuyện này, vì vậy nó liền kiếm cớ trả lời qua loa cho qua chuyện:
– Trí khôn thì là trí khôn chứ gì nữa hả? Nếu như mà anh muốn được biết rõ hơn nữa thì hãy tìm con người mà hỏi!
Cọp ta bước đi rất thong thả mà tiến gần lại chỗ mà bác nông dân đang nghỉ ngơi, nó liền hỏi:
– Này anh, trí khôn của anh đâu rồi, đem cho tôi xem môt chút đi nào?
Bác nông dân nhìn cọp rồi nghĩ ngợi hồi lâu, sau đó mới đáp lời:
– Tiếc là tôi để trí khôn ở nhà rồi. Hay là tôi chạy về đem nó ra đây cho anh nhìn nhé! Nếu như anh thích thì tôi có thể cho anh một chút đấy!
Nghe bác nông dân bảo vậy thì cọp ta hết sức mừng rỡ, vội vàng giục bác về nhà lấy. Nhưng bác nông dân vừa định đi thì lại chợt nhớ ra chuyện gì đó nên lại quay lại bảo với cọp rằng:
– Nhưng mà nhỡ đâu lúc tôi về nhà thì anh ở đây lại ăn mất toi con trâu kia của tôi thì tôi biết phải làm sao?
Bị hỏi vậy thì cọp ta cũng bất ngờ lắm, trong lúc nó còn đương băn khoăn chẳng biết mình phải trả lời làm sao cho hợp tình hợp lí, thì bác nông dân lại tiếp lời:
– Như vậy nhé, để tôi yên tâm trở về, anh chịu khó một chút cho tôi buộc tạm anh vào cái gốc cây kia được không?
Tất nhiên là cọp ta chẳng có chút nghi ngờ nào về chuyện này nên chấp thuận ngay được. Bác nông dân đợi cọp đồng ý thì đem tới dây thừng và trói cọp thật chặt vào dưới gốc cây cạnh đó.
Xong rồi bác lại đem tới rất nhiều rơm khô để chất xung quanh chỗ cọp. Sau cùng thì bác châm lửa để đốt rơm, rơm cháy và bác liền quát:
– Trí khôn của ta đây! Trí khôn của ta đây!
Nhìn thấy cảnh này thì con trâu ở gần đấy cũng thích thú lắm, nó bò lăn ra đất mà cười, không may là hàm trên của nó đập phải đá làm cho toàn bộ răng ở trên bị rụng sạch sẽ, không còn sót lại một cái nào cả.
Còn cọp ta thì hết sức vùng vẫy ở bên trong đám cháy. Phải một hồi lâu sau đó, lửa cháy lớn làm đám dây thừng bị đứt, đến lúc ấy thì cọp mới thoát được. Nó co chân co cẳng vùng dậy và chạy thẳng vào trong rừng sâu, cũng chẳng dám ngoảnh đầu nhìn lại nữa.
Cũng kể từ ngày đó trở đi thì đám cọp con được sinh ra thì con nào cũng đều có thêm những vằn màu đen và kéo dài ở trên người. Những vết vằn ấy chính là dấu vết còn sót lại của những vệt cháy ngày xưa.
Còn đám trâu cũng kể từ khi ấy mà con nào con ấy đều không có răng ở hàm trên, trơ trọi chỉ có mỗi lợi mà thôi.
Câu chuyện này đã cho chúng ta biết được nguyên nhân tại sao trâu thì không có rằng ở hàm trên, còn trên người của hổ (cọp) thì lại có những đường vằn đen. Qua đó cũng cho chúng ta thấy được sự thông minh, cơ trí của con người.
Vì vậy nên các em cũng phải học tập thật chăm chỉ để càng ngày càng thông minh hơn, hiểu biết nhiều hơn về thế giới xung quanh chúng ta.
Chúc tất cả các em sẽ luôn học giỏi và chăm ngoan, luôn lắng nghe lời dạy bảo của ông bà, cha mẹ và cả thầy cô nữa nhé!
Chuyện kể đêm khuya cho bé số 4: Sự Tích Trầu Cau
Ngày xưa một nhà nọ có Tân và Lang là hai anh em ruột, đặc biệt dáng người và mặt mày giống nhau như đúc, đến nỗi chính người nhà cũng nhiều phen nhầm lẫn.
Cha họ là một người cao to nhất trong vùng đã từng được vua Hùng triệu về Phong-châu ban thưởng và đặt tên là Cao. Từ đó gia đình lấy tiếng “Cao” làm tên họ.
Hai anh em lớn lên thì cha mẹ nối nhau qua đời. Cả anh lẫn em quyến luyến nhau không chịu rời nửa bước. Người cha trước khi mất có gửi gắm Tân cho một đạo sĩ họ Lưu. Nhưng khi Tân đến theo học thì Lang không chịu ở nhà một mình, chàng cũng cố xin cùng được học với anh một thể. Nhà họ Lưu có một cô con gái cũng cùng lứa tuổi với họ.
Để tìm hiểu người nào là anh người nào là em, một hôm cô gái họ Lưu bày ra một mẹo nhỏ. Giữa lúc họ đang đói, nàng chỉ dọn cho họ một bát cháo với một đôi đũa. Đứng sau khe vách, nàng thấy người này nhường cháo cho người kia ăn.
Nàng lẩm bẩm:
– À, ra anh chàng vui tính kia là anh!
Từ đó giữa Tân và cô gái có nhiều cuộc gặp gỡ. Tình yêu giữa hai người mỗi ngày một khăng khít. Thấy thế, đạo sĩ họ Lưu vui lòng gả con cho Tân. Sau khi cưới, hai vợ chồng đến ở một ngôi nhà mới, có Lang ở chung.
Từ ngày lấy vợ, Tân tuy vẫn chiều chuộng em nhưng không âu yếm em như trước nữa. Trước kia Lang thường được anh chăm sóc nhưng bây giờ thì chàng có nhiều ngày cô đơn. Lang nhận thấy nhiều khi Tân muốn lánh mình.
– Phải rồi, anh ấy mê vợ quên ta.
Trong lòng Lang đầy chán nản buồn bực.
Một hôm Lang và Tân cùng lên nương đến tối mịt mới về. Lang về trước. Chàng vừa bỏ chân lên ngưỡng cửa thì vợ Tân từ trong buồng chạy ra ôm chầm lấy mình. Lang kêu lên. Cái nhầm của chị dâu làm cho cả hai người cùng ngượng nghịu xấu hổ. Giữa lúc đó thì Tân bước vào nhà.
Từ đây Lang lại biết thêm một tính tình mới của anh. Tân ghen em. Cái ghen làm tăng thêm sự hững hờ của Tân đối với chàng. Lang vừa giận vừa thẹn. Chàng muốn bỏ nhà ra đi cho bõ ghét. Một hôm trời mới mờ sáng, Lang quyết định khởi hành. Chàng cứ theo con đường mòn đi mãi, trong lòng đầy bực bội oán trách. Đi luôn mấy ngày dường, Lang tới bờ một con sông lớn. Thấy nước chảy xiết, chàng lấy làm ngại ngùng. Xung quanh không nghe qua một tiếng gà gáy chó sủa. Nhưng Lang quyết không chịu trở lại. Lang ngồi cúi gục trên bờ, ôm mặt khóc. Chàng khóc mãi, khóc mãi, đến nỗi những con chim đi kiếm ăn khuya vẫn còn nghe tiếng nức nở. Sáng hôm sau, Lang chỉ còn là một cái xác không hồn. Chàng đã hóa đá.
Tân thấy mất hút em thoạt đầu không để ý. Mãi sau vẫn không thấy em về, Tân bổ đi tìm các nhà quen nhưng cũng không thấy tăm dạng. Biết là em bỏ đi vì giận mình, chàng lấy làm hối hận. Hôm sau nữa, cũng không thấy về, Tân hoảng hốt để vợ lại nhà, cất bước đi tìm. Sau mấy ngày, chàng đã đến bờ một con sông rộng. Không có cách gì qua được Tân đi men dọc sông, cuối cùng thấy em đã hóa thành đá. Tân đứng bên cạnh hòn đá khóc mãi cho đến lúc chỉ còn có tiếng nước cuồn cuộn chảy dưới bờ mà thôi. Tân chết và hóa thành một cây thân mọc thẳng lên trời, bên cạnh hòn đá.
Vợ Tân chờ mãi không thấy chồng về, cũng bỏ nhà đi tìm. Nhưng cuối cùng con sông nọ cũng ngăn cản bước chân của nàng. Người đàn bà ấy ngồi lại bên cạnh cây, khóc cạn cả nước mắt. Và sau đó nàng chết hóa thành một cây dây quấn quanh lấy cây kia.
Đợi mãi không thấy ba người về, vợ chồng đạo sĩ nhờ mọi người chia nhau tìm kiếm. Trước hòn đá và hai cây lạ, họ chỉ còn biết dựng miếu thờ cả ba người trẻ tuổi ở ven sông. Nhân dân quanh vùng gọi là miếu “anh em hòa thuận, vợ chồng tiết nghĩa”
Về sau, một năm nọ trời làm hạn hán rất dữ. Mọi cây cỏ đều khô héo cả. Duy hai cây mọc bên cạnh hòn đá trước miếu là vẫn xanh mượt. Mọi người cho là linh dị. Vua Hùng một hôm ngự giá qua xứ đó. Khi đi qua trước miếu, vua hơi ngạc nhiên vì cảnh lạ cây lạ: -“Miếu này thờ vị thần nào? Mấy loại cây này ta chưa từng thấy bao giờ?”. Để trả lời câu hỏi của vua, Lạc tướng cho gọi mấy cụ già ở quanh vùng đến hỏi.
Hùng Vương càng nghe, không ngăn được sự cảm động. Vua vạch lá trèo lên nhìn khắp mọi chỗ. Đoạn, vua sai một người trèo cây hái quả xuống nếm thử. Vị chát không có gì lạ. Nhưng khi nhai với lá cây dây thì một vị là lạ đến ở đầu lưỡi: nó vừa ngon ngọt, vừa thơm cay.
Tự nhiên có một viên quan hầu kêu lên:
– Trời ơi! Máu!
Mọi người giãn ra kinh ngạc. Thì ra những bãi nhai quả và lá của hai thứ cây đó một khi nhổ xuống đá bỗng đỏ ối ra như máu. Vua sai lấy cả ba thứ nhai lẫn với nhau thì bỗng người thấy nóng bừng như có hơi men, môi đỏ tươi sắc mặt hồng hào tươi đẹp. Vua bảo:
– Thật là linh dị! Đúng là họ rồi! Tình yêu thương của họ thật là nồng nàn thắm đỏ.
Từ đó vua Hùng ra lệnh cho mọi nơi phải gây giống cho nhiều hai loại cây ấy. Điều đáng chú ý là luật của nhà vua bắt buộc trai gái khi kết hôn thế nào cũng phải tìm cho được ba món: trầu, cau và vôi cho mọi người nhai nhai nhổ nhổ một tý để ghi nhớ tình yêu không bao giờ phai lạt. Vì thế từ đó dân Việt mới có tục ăn trầu.
Chuyện kể đêm khuya cho bé số 5 Chú Thỏ Tinh Khôn
Từ ngày xửa ngày xưa đồng bào người Việt gốc Khơ Me ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn thường kể chuyện về một chú thỏ tinh khôn.
Chuyện của chú nhiều và dài lắm, vì trí khôn của chú lớn và chiến công của chú kể hết năm này qua năm khác không thể hết được.
Một hôm thỏ đang nằm ngủ dưới một gốc cây sung. Bỗng một quả sung chín rụng rơi đánh bốp một cái giữa đầu thỏ. Vốn nhát, thỏ giật bắn mình chồm dậy và chạy. Chạy như gió cuốn, chạy như bay. Hổ thấy thỏ chạy thì cản đường hỏi tại sao thỏ chạy. Thỏ trợn mắt nói:
– Không chạy thì chết mất ngáp. Đất đang sụt dưới chân ầm ầm kia kìa… Chạy đi thôi…
Hổ nghe hoảng hồn, cũng cắm đầu chạy đứt hơi đuổi theo thỏ. Nhưng hổ làm sao mà đuổi kịp.
Thỏ chạy trước còn hổ thì vừa chạy vừa thở phì phò như kéo bễ. Thần Gió Giêvata cười phì bảo:
– Hổ ơi sao mày to xác thế mà để thằng thỏ nhãi ranh nó lừa mày. Đất có bao giờ sụt đâu mà cần phải chạy.
Nghe thần gió, hổ tin ngay liền tìm thỏ để trừng phạt cho bõ tức. Nhưng thỏ bình tĩnh hỏi:
– Bác hổ ạ, bác ăn thịt cháu cũng được thôi, nhưng phiền một nỗi là toàn thể loài vật vừa bầu cháu làm vua rồi. Bác từ nay cũng phải coi cháu là vua. Nếu bác không tin bác cứ thử đi với cháu mà xem. Chắc hơn hết bác cứ để cháu ngồi lên lưng, ta đi dạo một vòng, nếu không đúng là các loài sợ oai vua của cháu thì bác cứ việc ăn thịt.
Hổ ngờ ngệch bằng lòng cõng thỏ đi một vòng rừng, đi đến đâu trăm loài đều sợ sệt bỏ chạy. Họ chạy vì hổ mà hổ cứ tưởng họ sợ oai thỏ thật. Lúc ấy thỏ mới ra oai quát hổ rằng:
– Nhà ngươi thấy chưa! Trăm loài trong rừng đều sợ ta. Thế mà nhà ngươi còn dám láo với ta. Lần này thì ta tha, vì nhà ngươi chưa biết oai của ta là vua của núi rừng, lần sau ta sẽ trị tội nghe không!…
Hổ sợ quá đành vâng lời.
Lừa hổ xong, thỏ cũng bỏ trốn luôn, nhưng vì bụng đói, thỏ muốn trở lại bãi cỏ xanh non bên bờ suối. Thỏ đã định phóng mình chạy ra đấy nhưng chợt nhớ lần trước mình đã lừa cá sấu nếu ra cá sấu có thể giết chết mình mất.
Thỏ sợ đành gậm cỏ trong rừng vừa già vừa khô. Ăn mãi chán quá, thỏ tự nhủ có thể cá sấu quên chuyện cũ rồi chăng. Ra đến nơi thấy cá sấu bận ngủ không để ý gì đến thỏ, thỏ càng tin là cá sấu đã quên chuyện cũ thật. Ai ngờ cá sấu cũng rất cao tay, lừa thỏ đến gần bèn chẳng nói chẳng rằng há mồm ra đớp gọn, chỉ còn chờ nuốt vào trong bụng nữa là hết đời con thỏ tinh khôn. Thỏ sợ quá, rụt rè hỏi:
– Này bác cá sấu, bác có định ăn thịt cháu thì ăn nhanh lên cứ ngậm mãi làm gì, cháu sợ lắm.
Cá sấu cười mím miệng:
– Hút… hút… hút… tao sẽ làm cho mày sợ chết khiếp… chết khiếp… chết khiếp… trước khi nuốt mày vào bụng… hút… hút… hút…
Thỏ nhận ngay ra rằng muốn giữ mồm, mõm cá sấu dài phải mím chặt nên chỉ cười hút… hút được mà thôi… Thế là thỏ ta cười vang:
– A ha, buồn cười quá… buồn cười quá… cá sấu ngọng nên cứ phải kêu hút… út… làm sao ta sợ được… Muốn ta sợ mày phải cười ha… ha… cơ… chứ thế này thì buồn cười đến đứt ruột mất thôi.
Cá sấu tức quá quát:
– Tao mà ngọng à… thằng thỏ ranh… nghe đây… dỏng tai mà nghe ta cười đây… ha… ha… ha…
Để cười ha ha cá sấu phải ngoác miệng ra, thế là lập tức thỏ nhảy tót ra khỏi mệng cá sấu và quay lại dạy cá sấu rằng:
– Này thằng cá sấu ngu ngốc kia… Nghe đây… Từ nay trong miệng đang ngậm mồi thì chớ có cười ha ha nghe không…
Dứt lời thỏ chạy vào rừng.
Một lần có người muốn thử tài của thỏ, bèn đưa cho thỏ một cái đơn kiện vô cùng tối nghĩa. Đơn viết rằng: “Cách đây ít lâu, có người lấy trộm của tôi một con trâu. Không phải trâu đực cũng không phải trâu cái. Không phải năm ngoái cũng không phải năm nay, người lấy không phải họ hàng, cũng không phải người ngoài”.
Thỏ chuyển đơn kiện lên các quan, các quan đều ngơ ngác chẳng thể nào hiểu được lá đơn kiện nói gì, phải nhờ thỏ giảng giải rằng:
– Vụ mất xảy ra vào đêm ba mươi Tết. Vì đêm đó có thể gọi là đêm cuối cùng của năm ngoái, nhưng cũng có thể coi là ngày đầu tiên của năm nay. Còn con trâu bị mất trộm không phải là trâu đực cũng không phải là trâu cái chỉ có thể là trâu thiến. Mà kẻ lấy trộm dứt khoát là thằng rể. Vì chỉ có thằng rể mới không phải là người trong nhưng lại không phải là người ngoài họ.
Nghe thỏ giải thích các quan toà đề phải kính phục. Lúc đó, quan toà đang đau đầu về một vụ kiện không cách nào xử được, vội xin thỏ xử giùm. Vụ kiện đầu đuôi như sau:
Có một người cưới vợ. Anh ta yêu quý vợ đến nỗi suốt ngày chẳng muốn rời nửa bước. Nhưng rồi đến buổi loạn ly anh phải đăng lính, không đi không được. Người vợ tiễn chồng đi hết đường này đến đường khác không nỡ rời tay. Đến mãi gốc cây đa kia, người chồng mới dừng lại tâm sự biết bao nhiêu điều, mãi đến khi trống thúc quân vang dậy, loa thét động trời, người chồng mới đành dứt áo ra đi. Không ngờ ở gốc đa có một con yêu tinh.
Nó nghe hết mọi điều tâm sự của hai vợ chồng, lại thấy người vợ xinh đẹp, nó đành nghĩ ra một kế độc. Vài hôm sau nó bèn giả dạng thành người chồng vác gươm, giáo về quê hương nói rằng vua không bắt lính nữa. Vì biết tất cả mọi điều riêng tư của hai người nên con yêu tinh làm cho người vợ cứ yên trí đây là chồng mình thật không một chút nghi ngờ gì.
Người chồng sau một thời gian chinh chiến được hồi hương, anh mừng lắm vội vã về nhà đập cửa gọi vợ. Người vợ mở cửa thì thấy lạ quá, ngoài cửa cũng là chồng mình. Người chồng trong nhà quát hỏi người chồng ngoài cửa rằng:
– Mày ở đâu mà dám giả dạng là tao để nhận xằng vợ tao.
Người chồng mới về uất ức vặn lại:
– Người đàn bà này chính là vợ tao, tao mới cưới được vài ngày thì phải đăng lính. Mày ở đâu đến mà dám nhận xằng vợ tao là vợ mày.
Hai bên cãi nhau chẳng bên nào chịu bên nào, đến người vợ cũng đành chịu, vì hai người giống nhau quá, không thể nào phân biệt được ai là chồng thật ai là chồng giả.
Việc đưa lên quan, quan cũng đành chịu. Vừa may có thỏ ta nổi tiếng quan toà, nên chính quan toà nhờ thỏ xử hộ.
Thỏ bèn hỏi hai người chồng rằng:
– Ai là chồng thật của người đàn bà này?
Cả hai người đều tranh nhau nhận. Thỏ gật gật đầu ra vẻ suy nghĩ rồi bảo cả hai người rằng:
– Nếu là chồng thật thì phải biết trong cái hũ nào của vợ giấu một viêm kim cương. Chị vợ đâu mang hết hũ nhà chị ra đây!
Người vợ ngạc nhiên vì mình có giấu kim cương vào hũ bao giờ đâu, nhưng nghe lệnh của thỏ, chị cũng đành khuân hết các hũ nhà mình ra trước toà. Bấy giờ thỏ mới bảo rằng:
– Ai trong hai người không dùng tay, không được chạm vào hũ mà chui vào trong hũ ngậm được viên kim cương ra thì người đó chính là chồng người đàn bà này.
Nghe lệnh như thế, quỷ ta mừng lắm, bèn rùng mình, chui ngay vào hũ đầu tiên, thỏ ta bèn ra lệnh cho người chồng thật bịt ngay miệng hũ lại, mang vứt xuống sông. Quan toà ngơ ngác, thì thỏ cười mà rằng:
– Phải vứt nó đi thôi, giam nó vào hũ vì nó là yêu tinh. Chỉ yêu tinh mới có thể chui vào trong hũ. Thôi hai vợ chồng anh về nhà đi. Đừng chần chừ ở đây mà quan toà ác hơn cả yêu tinh lại cướp mất vợ của anh, thì thỏ tôi cũng đành bó tay không còn cách gì giúp nữa đâu.
Dứt lời thỏ nhảy tót vào rừng làm cho đám quan toà tức điên lên mà chẳng kịp làm gì cả…
Chuyện kể đêm khuya cho bé số 6: Thầy bói xem voi
Được ngày rảnh rỗi, không có khách nào vào xem bói và bói bài tây cả nên năm ông thầy bói mù cùng nhau ngồi tán phét.
Ông nào cũng chưa từng một lần nhìn thấy con voi nên không biết hình thù nó ra sao. Bỗng nghe dân tình kháo nhau có người đang dắt voi đi ngang qua làng. Năm ông thầy bói chung tiền vào đưa cho người quản voi bảo họ cho voi dừng lại để xem.
Ông sờ vòi, ông sờ ngà, ông thì sờ chân, ông thì sờ tai còn ông thì sờ đuôi. Sau khi sờ voi kĩ lưỡng thì 5 ông thầy lần lượt phán.
Thầy sờ vòi của voi thì phán:
– Tôi cứ tưởng con voi nó thế nào chứ hóa ra nó cũng sun sun như con đỉa thôi
Thầy sờ ngà voi thì lại phán:
– Tôi thấy nó đâu có như con đỉa, nó dài dài cứng cứng như cái đòn càn
Tiếp đến thầy sờ tai thì phán:
– Không phải, nó bè bè như là cái quạt thóc
Thầy sờ chân voi phản ứng ngay:
– Các ông đều sai hết, nó sừng sững như là cái cột đình vậy
Cuối cùng thầy sờ đuôi phán:
– Bốn ông chả ai nói đúng cả, tôi thấy nó tua tủa như là cái chổi xể cùn
Năm ông thầy mỗi ông một ý, không ông nào chịu nhường ông nào cả nên nhảy vào cãi lộn rồi xô xát đến mức sứt đầu mẻ trán.
Bài học: Khi kết luận một vấn đề, một điều gì đó thì cần tìm hiểu thật thấu đáo qua nhiều góc cạnh. Những hiểu biết hời hợt, nông cạn sẽ dẫn đến những suy nghĩ lệch lạc và những kết luận sai. Truyện còn phản ánh sự phê phán về những người hiểu biết nông cạn nhưng lại luôn tỏ ra mình thông thái hơn người.
Chuyện kể đêm khuya cho bé số 7: Sự tích chim tu hú
Ngày xưa có hai nhà sư Năng Nhẫn và Bất Nhẫn. Hai người cùng cạo đầu xuất gia từ ngày còn trẻ và cùng tu ở một ngôi chùa hẻo lánh.
Sau một thời gian dài tu luyện thì bỗng một hôm, Năng Nhẫn được đức Phật độ cho thành chính quả.
Bất Nhẫn thấy mình tu hành không kém gì bạn mà không được hưởng may mắn như bạn thì rất buồn bực. Chàng đến trước tòa sen hết sức kêu nài với đức Phật bày tỏ lòng chân thành tu đạo cùng mọi sự khổ hạnh đã trải qua của mình. Đức Phật bảo chàng: – “Nhà ngươi chuyên tâm cầu đạo, lại là người trong sạch, thật đáng khen ngợi. Nhưng tính tình nhà ngươi vẫn như con trâu chưa thuần, chưa thể đắc đạo được. Vậy hãy cố gắng tỏ rõ tấm lòng nhẫn nhục trong một cuộc khổ hạnh trường kỳ rồi sẽ theo bạn cũng chưa muộn“.
Bất Nhẫn nghe lời bèn lên núi chọn một gốc cây bắt chước người xưa ngồi xếp bằng tu theo lối trường định. Chàng cương quyết ngồi im lặng như thế mãi trong ba năm, dù có phải thế nào cũng không chịu dậy.
Và từ hôm đó, Bất Nhẫn như một vật vô tri vô giác. Những con sâu con kiến bò khắp mình chàng. Những con thú cà vào thân chàng. Những con chim ỉa phẹt lên đầu chàng. Chàng đều không hề bận tâm. Chàng chỉ một mực tâm tâm niệm niệm nghĩa lý cao thâm của đạo Phật.
Cứ như thế, trải qua hai mùa hè và sắp sửa qua một mùa hè thứ ba là kết liễu cuộc tu luyện. Một hôm tự dưng có hai vợ chồng con chim chích ở đâu đến làm tổ ngay trong vành tai của Bất Nhẫn. Chàng cứ để yên, mặc chúng muốn làm gì thì làm. Chúng đi về tha rác lên đầu, lên mặt. Rồi chim mái đẻ trứng. Rồi cả một thời kỳ hai vợ chồng thay phiên nhau ấp. Cho đến lúc trứng nở, những con chim non kêu léo nhéo suốt ngày. Nhưng Bất Nhẫn không lấy thế làm khó chịu.
Một hôm, lúc ấy chỉ còn mười ngày nữa thì Bất Nhẫn hết hạn ngồi dưới gốc cây. Hôm đó, đến lượt con chim vợ đi tìm thức ăn cho con.
Suốt một buổi chiều nó vẫn không kiếm được một chút gì. Mãi đến gần tối lúc lượn qua một cái hồ, chim vợ mới thấy một con nhện đang giăng tơ trong một đóa hoa sen. Nhện nhác thấy chim liền ẩn mình vào giữa những cánh hoa làm cho chim mất công tìm mãi. Không ngờ hoa sen vừa tắt ánh mặt trời đã cụp ngay cánh lại, nhốt chim vào trong. Chim cố công tìm lối chui ra nhưng những cánh hoa vây bọc dày quá đành chịu nằm lại đó.
Ở nhà, chim chồng hết bay đi kiếm vợ lại trở về. Đàn con đói mồi nháo nhác suốt đêm. Mãi đến sáng mai, chờ lúc hoa nở, chim vợ mới thoát được bay về tổ. Một cuộc cãi lộn nổ ra bên tai Bất Nhẫn. Ghen vợ, chim chồng mắng nhiếc vợ hết lời. Nhưng chim vợ vẫn hết sức bày tỏ nỗi lòng trinh bạch của mình. Cuộc đấu khẩu kéo dài suốt cả buổi sáng và có cơ chưa chấm dứt. Bất Nhẫn rất khó chịu. Thêm vào đó, đàn con khóc đói chíu chít điếc cả tai. Nhè lúc vợ chồng chim cãi vã đến chỗ găng nhất, Bất Nhẫn bỏ tay lên tai giật cái tổ chim vứt mạnh xuống đất và nói: – “Đồ khốn! Chỉ có mỗi một chuyện đó mà chúng mày làm điếc tai ông từ sáng đến giờ“.
Thế là công sức tu luyện của Bất Nhẫn sắp hoàn thành thốt nhiên vứt bỏ trong chốc lát.
Nhưng Bất Nhẫn vẫn không nản chí. Trước tòa sen, chàng hứa sẽ kiếm cách tỏ rõ sự hối lỗi của mình. Chàng tìm đến một khúc sông nước chảy xiết, tình nguyện làm người chèo đò đưa khách bộ hành quá giang mà không lấy tiền. Chàng quyết chở cho đến người thứ một trăm mới chịu nghỉ tay.
Lần này Bất Nhẫn tỏ ra một người rất nhẫn nại. Tuy bến sông thường vắng khách, chàng vẫn không chịu bỏ dở công việc. Luôn trong hai năm chàng chở được chín mươi tám người mà không xảy ra việc gì.
Một hôm vào khoảng giữa thu, nước sông tự nhiên tràn về chảy xiết hơn mọi ngày. Trời bỗng đổ một trận mưa lớn. Giữa lúc đó có một người đàn bà dắt một em bé đòi qua sông. Hắn có vẻ là vợ một viên quan sở tại; chưa bước xuống thuyền đã dọa Bất Nhẫn:
– Chú nhớ chèo cho vững nghe không. Che mui cho kín. Nếu để chúng ta mà ướt thì liệu chừng kẻo roi quắn đít đó.
Nghe nói thế Bất Nhẫn đã hơi bực, nhưng chàng nín được và vẫn giữ vẻ mặt tươi cười đáp:
– Bà và cậu đừng sợ gì cả. Tôi xin cố sức.
Rồi chàng vận dụng hết tài nghề để đưa hai mẹ con nhà nọ qua bên kia sông được vô sự. Lúc sắp lên bờ, người đàn bà bỗng kêu lên:
– Ta quên khuấy đi mất. Có một gói hành lý bỏ quên ở quán bên kia. Vậy nhà ngươi chịu khó chèo sang lấy hộ.
Bất Nhẫn nín lặng cắm cổ chèo qua sông giữa sóng gió. Mãi đến gần tối chật vật lắm chàng mới đưa được gói hành lý sang cho người đàn bà. Nhưng khi soát lại gói, người đàn bà nọ lại kêu lên:
– Thôi rồi! Còn một đôi giày của thằng bé bỏ ở gậm giường. Thế nào nhà ngươi cũng phải gắng sang lấy cho ta một lần nữa.
Người đàn bà nói chưa dứt lời thì Bất Nhẵn đã chỉ tay vào mặt:
– Cút đi! Tao có phải sinh ra để hầu hạ mẹ con nhà mày mãi đâu.
Nhưng người đàn bà ấy vốn là đức Phật Quan âm hiện hình xuống thử lòng người đệ tử khổ tu đó; bấy giờ lại hiện nguyên hình và cất tiếng bảo chàng:
– Nhà ngươi vẫn chưa thực tâm nhẫn nhục, như thế thì tu gì mà tu. Có tu hú!
Bất Nhẫn thẹn quá đành cúi đầu nhận lỗi.
Phật bà Quan âm sau đó bắt Bất Nhẫn hóa thành một giống chim mà người đời sau quen gọi là chim tu hú. Họ bảo thứ chim đó vào khoảng cuối hè sang thu hay xuất hiện, đúng vào lúc xảy ra câu chuyện giữa Bất Nhẫn với Phật Bà.
Chuyện số 8: Sự tích chim Cuốc
Ngày ấy có đôi bạn chí thân là Quắc và Nhân. Họ đều là con nhà học trò nghèo, lại đều mồ côi cha mẹ, Quắc được học nhiều hơn bạn: anh chàng làm thầy đồ dạy trẻ.
Tuy bổng lộc chẳng có là bao nhưng Quắc vẫn thường giúp đỡ Nhân. Đối lại, có lần Quắc bị ốm nặng, giá không có bạn thuốc thang ngày đêm thì anh khó lòng sống nổi. Sau đó cũng vì sinh kế, đôi bạn phải chia tay mỗi người một ngả.
Trong khi Quắc sống cuộc đời dạy trẻ thì Nhân cũng đi lang thang đến các vùng xa lạ làm thuê làm mướn. Trải qua một thời kỳ lang bạt, cuối cùng anh chàng vào làm công cho một phú thương. Thấy chàng thật thà chăm chỉ, phú thương rất tin cậy.
Chẳng bao lâu Nhân được phú thương gả con gái cho. Vợ Nhân có nhiều của riêng. Vì thế Nhân nghiễm nhiên trở nên một phú ông có cơ nghiệp kha khá ở trong vùng. Nhân giàu nhưng không quên tình bầu bạn. Nhân vẫn nhớ tới lời thề “sống chết sướng khổ có nhau” với Quắc. Nhân cất công đi tìm và sung sướng thấy Quắc còn sống. Tuy Quắc đang dở năm dạy, nhưng Nhân cũng thương lượng được với cha mẹ học trò cho con em chuyển sang một cụ đồ khác rồi đưa Quắc về nhà mình.
Nhân dặn người nhà phải coi Quắc không khác gì mình, cơm nước hầu hạ không được bê trễ. Nhưng tính vợ Nhân không được như chồng. Xưa nay đối với những kẻ rách rưới, chị ta thường tỏ vẻ coi thường. Vả, chị ta không cùng sống những ngày hàn vi với Nhân nên có thấy đâu tình nghĩa giữa Nhân và Quắc như thế nào. Nhưng thấy chồng trọng đãi khách nên lúc đầu chị không dám nói gì.
Nhân luôn luôn bảo vợ: “Đây là người thân nhất trong đời tôi. Nếu không có bạn thì tôi chưa chắc đã sống để gặp nàng”. Vợ Nhân chỉ lẩm bẩm: “Khéo! Bạn với bè! Chỉ có ngồi ăn hại”. Dần dần vợ Nhân bực mình ra mặt. Chị ta khó chịu vì cái ông khách lạ tự dưng ở đâu đến chả giúp ích gì cho nhà mình, chỉ chễm chệ trên giường cao, cơm rượu mỗi ngày hai bữa. Vợ Nhân trước còn nói mát sau thì ngoa ngoắt ra mặt.
Có hôm người đàn bà ấy đay nghiến cả chồng lẫn khách:
– Chẳng phải bố già, không phải khách nợ, ở đâu lại rước về thờ phụng: ăn no lại nằm. Thôi liệu mà tống quách đi!
Thấy thái độ vợ ngày càng quá quắt, chồng chỉ sợ mất lòng bạn. Một mặt Nhân thân hành chăm chút bạn chu đáo hơn cả lúc trước, mặt khác Nhân tỷ tê khuyên dỗ vợ. Nhưng vợ Nhân chứng nào vẫn giữ tật ấy. Về phần Quắc thì chàng hiểu tất cả. Đã hai lần Quắc cáo bạn xin về nhưng Nhân cố giữ lại. Thấy bạn chí tình, Quắc lại nấn ná ít lâu. Nhưng hôm đó Quắc quả quyết ra đi vì chàng vừa nghe được những câu nói xúc phạm nặng nề. Quắc nghĩ, nếu mình không đi sớm thì có ngày bị nhục với người đàn bà này. Mà nếu ra đi như mấy lần trước thì sẽ bị bạn chèo kéo lôi thôi.
Một hôm, trời còn mờ sương, Quắc cất lẻn ra khỏi nhà. Để cho bạn khỏi mất công tìm kiếm, khi đi qua một khu rừng, chàng cởi khăn áo treo lên một cành cây bên đường. Đoạn Quắc lần mò đến xứ khác trở lại cuộc đời dạy trẻ. Thấy mất hút bạn, Nhân bổ đi tìm. Khi nghe tin có người bắt được khăn áo ở mé rừng phía Nam, chàng lật đật đến xem. Nhận rõ ấy là khăn áo của bạn, Nhân rất thương cảm: “Ta nuôi bạn thành ra hại bạn! Chắc bạn ta bị cướp giết chết”.
Nhưng sau đó Nhân lại nghĩ khác: “Bạn ta ra đi trong túi không có một đồng một chữ thì dầu có gặp cướp cũng không việc gì. Đây một là hùm beo ăn thịt, hai là bị lạc trong rừng sâu”. Nhân bắt đầu vào rừng tìm Quắc. Không thấy có vết máu, chàng lại càng hy vọng. Băng hết chông gai, chui hết bụi rậm, Nhân luôn luôn cất tiếng gọi: “Anh Quắc ơi! Quắc! Quắc!”. Nhân đi mãi, gọi mãi, quanh quẩn trong rừng mênh mông. Cho đến hơi thở cuối cùng con người chí tình ấy vẫn không quên gọi: “Quắc! Quắc!”. Rồi đó Nhân chết hóa thành chim quốc, cũng gọi là đỗ quyên.
Vợ Nhân đợi mãi không thấy chồng về, lấy làm hối hận. Một hôm chị ta bỏ nhà bỏ cửa đi tìm chồng. Cuối cùng cũng đến khu rừng phía Nam. Nghe tiếng “Quắc! Quắc!”, chị ta mừng quá kêu to: “Có phải anh đấy không anh Nhân!” Không có tiếng trả lời ngoài những tiếng “Quắc! Quắc!”. Vợ Nhân cứ thế theo tiếng gọi tiến dần vào rừng sâu. Sau cùng không tìm được lối ra, chết bên cạnh một gốc cây.
Chuyện số 9 Cô bé quàng khăn đỏ
Ngày xửa ngày xưa, có một cô bé rất ngoan ngoãn tốt bụng, cô luôn được mọi người yêu mến, bà ngoại là người yêu cô nhất. Sinh nhật cô bé, bà đan tặng cô một chiếc khăn màu đỏ rất đẹp, hễ đi đâu cô bé cũng quàng. Vì thế nên mọi người gọi cô là cô bé quàng khăn đỏ. Một hôm nọ, bà ngoại bị ốm, mẹ dặn Khăn Đỏ đem bánh sang biếu bà. Trước khi cô bé ra khỏi nhà mẹ dặn cô rất kĩ:- Con à, sang bà thì con đi đường thẳng đến nhà bà luôn nhé, đừng la cà dọc đường. Đường vòng qua rừng có rất nhiều chó sói đấy.
Cô bé ngoan ngoãn nghe lời mẹ rồi cầm giỏ bánh đi sang nhà bà ngoại. Nhưng vốn tình ham chơi, trên đường đi, cô bé thấy đường qua rừng có rất nhiều hoa thơm, những con bướm màu sắc sặc sỡ đang tung tăng bay lượn, mải chơi quá cô bé quên mất lời mẹ dặn, cứ thế đi men theo đường rừng. Đi được 1 đoạn đường thì gặp bạn Sóc, Sóc nhắc nhở cô bé:
– Cô bé quàng khăn đỏ ơi, cô quên lời mẹ dặn rồi à? Cô quay lại đi đường thẳng đi, đi đường vòng sẽ bị sói ăn thịt đấy.
Mặc cho sóc can ngăn, cô bé vẫn rong ruổi theo đàn bướm. Cô bé vừa tung tăng trên đường, vừa bắt bướm hái hoa. Đến tới giữa khu rừng thì cô bé gặp chó Sói. Sói nhìn thấy Khăn Đỏ thì mừng lắm, vậy là đã có bữa ăn rồi. Sói ngay lập tức nhảy ra từ bụi rậm tiến đến trước mặt cô, chó Sói cất giọng ồm ồm:
– Này, nhóc con, đang tung tăng đi đâu thế?
Nhìn thấy chó Sói Khăn Đỏ sợ hãi, cô run run trả lời:
– Bà ngoại cháu bị ốm, mẹ cháu sai mang bánh sang biếu bà ạ.
cô bé quàng khăn đỏ gặp chó sói trong rừng
Sói nghe thấy cô bé quàng khăn đỏ nói đang đi sang bà ngoại tặng bánh, nó thầm nghĩ trong bụng: “À, hoá ra con bé này lại còn có bà ngoại nữa, thế thì ta phải tính ăn thịt cả 2 bà cháu nó mới được”. Sói tiếp tục hỏi:
– Thế nhà bà ngoại cháu ở đâu?
Cô bé quàng khăn đỏ đáp:
– Nhà bà ngoại cháu ở bên kia khu rừng này. Ngôi nhà gỗ có cái ống khói cao tít, chỉ cần đẩy cửa là vào nhà được luôn.
Biết tính cô ham chơi, sói ta liền bảo:
– Bà cháu đang ốm, vậy cháu hãy đi hái ít hoa mang cho bà đi.
Chuyện số 10: Khỉ và cá sấu
Ngày xưa, có một con khỉ sống trên một cây cao lớn và làm bạn với một con cá sấu sống ở dòng sông gần đó.
Mỗi ngày, con khỉ sẽ hái những quả táo ngon ở trên cây và đem tặng bạn cá sấu. Nhận được quà từ khỉ, cá sấu đem về và ăn chung với vợ mình. Vợ của cá sấu là một người rất tham ăn và muốn ăn cả trái tim của chú khỉ. Nghe mong muốn đó của vợ, cá sấu rất băn khoăn nhưng vẫn làm theo ý vợ.
Cá sấu đã mời khỉ ngồi trên lưng mình để đưa đi tham quan dòng sông nhưng thật ra nó có ý định giết khỉ và lấy quả tim khi bơi đến giữa dòng. Khi khỉ biết được mưu đồ xấu xa của cá sấu, nó đã nhanh trí nói với cá sấu rằng mình để quả tim ở trên cây. Nếu muốn lấy thì hãy chở nó quay lại. Cá sấu tin lời, chở khỉ quay trở lại để lấy quả tim. Thế nhưng, khi đến nơi, khỉ đã thoăn thoắt trèo lên cây và chẳng mấy chốc biến mất. Và thế là, kế hoạch của cá sấu đã hoàn toàn thất bại.
Hi vọng 10 chuyện kể đêm khuya cho bé trên sẽ giúp bé nhà bạn ngủ ngon và có những giấc mơ đẹp
>>> Ngoài các chuyện kể đêm khuya cho bé này các bố mẹ có đọc thêm Chuyện Cổ Tích Cho Bé 3 Tuổi – 8 Chuyện Hay Và Ý Nghĩa Nhất
2 Những bình luận
Pingback: Kể Chuyện Cho Bé 3 Tuổi - 10 Truyện Hay Giúp Bé Thông Minh Mỗi Ngày
Pingback: Kể Chuyện Cho Bé Ngủ Ngon - 5 Chuyện Giúp Bé Dễ Ngủ Nhất