Dạy Con Sai Cách – 7 Sai Lầm Phổ Biến Và Nguy Hiểm Nhất

Các bố mẹ thân mến, theo một nghiên cứu của Amy Morin, nhà trị liệu tâm lý được The Guardian gọi là “bậc thầy tâm lý” thì những cách dạy con sai cách sau đây có thể huỷ hoại sự tự tin và lòng tự trọng của trẻ. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển và tương lai sau này của trẻ. Vậy cùng tìm hiểu các sai lầm đó là gì nha.

Cách dạy con sai cách nguy hiểm nhất – Để con trốn tránh trách nhiệm

Một số cha mẹ cho rằng con cái nên tập trung vào việc học tập, hoặc sợ con bị stress, đã miễn cho con khỏi việc nhà. Nhưng chính việc nhà lại giúp trẻ trở thành những công dân có trách nhiệm. Tùy theo độ tuổi, trẻ có thể được giao các việc nhà phù hợp. Vậy nên hãy lưu ý, khi bạn giao cho đứa con 10 tuổi việc giặt giũ quần áo hay đứa con 4 tuổi việc đi vứt rác, đó chính là cơ hội để trẻ phát triển khả năng và phát huy trách nhiệm.

Cách dạy con sai cách nguy hiểm số 2 – Không cho phép con mắc lỗi

Nhiều ba mẹ thấy áy náy khi thấy con làm sai, làm hỏng, vụng về hay thất bại. Kết quả là, họ nóng lòng làm hộ cho con trước khi con kịp mắc lỗi. Nhưng chính việc không cho phép con mắc lỗi tước đi ở con cơ hội biết cách đi lên từ sai lầm. Cho dù con sút hỏng trong một trận bóng đá, hay tính toán sai vài câu hỏi trong bài tập Toán, các lỗi này có thể chính là người thày giáo tốt nhất trong cuộc đời chúng. Mỗi một lần thất bại, trẻ sẽ được rèn bản lĩnh và xây dựng được sức mạnh tinh thần để làm tốt hơn lần sau.

Cách dạy con sai cách nguy hiểm số 3 – Không cho con tự xử lý cảm xúc tiêu cực

Khi thấy con buồn chán hay tức giận, nhiều cha mẹ sốt ruột muốn vỗ về, tìm cách đáp ứng ngay các đòi hỏi của con để tránh cho con phải chịu đựng cảm xúc tiêu cực. Tuy nhiên, cách làm này không khiến trẻ học được cách điều tiết và quản lý cảm xúc của bản thân. Ba mẹ nên giúp trẻ tìm ra nguyên nhân kích hoạt cảm xúc tiêu cực của trẻ, cũng như cách để tự điều tiết, tìm ra cơ chế xử lý để sẵn sàng cho đầy rẫy các tình huống còn khó khăn hơn thế ngoài xã hội sau này.

Cách dạy con sai cách nguy hiểm số 4 – Hình thành tâm lý nạn nhân

Một số ba mẹ có thói quen nói với trẻ: “Ba mẹ không thể mua được đôi giày mới cho con, bởi vì con biết đấy, nhà mình vốn nghèo” vô tình dạy cho trẻ rằng hầu hết các tình huống bi đát của cuộc đời là ngoài tầm kiểm soát. Thay vì làm gương cho trẻ khi kể lể phàn nàn về những bất hạnh, kém may mắn của bản thân, hãy khuyến khích trẻ có những hành động tích cực để cải thiện cuộc sống. Ví dụ, khi trẻ đã đủ tuổi có thể đi làm thêm bán thời gian các công việc vừa sức để tự kiếm thu nhập. Đây là một điểm vô cùng quan trọng, giúp trẻ phát triển tư duy tự lực và bản lĩnh độc lập trong cuộc sống.

Cách dạy con sai cách nguy hiểm số 5 – Quá bao bọc con

Người ta nói rằng, ngay cả khi đứa con đến tuổi trung niên, đối với bố mẹ, họ vẫn như những đứa trẻ. Không khó hiểu khi nhiều ba mẹ có tâm lý quá bảo bọc, sợ hãi không dám cho con có nhiều trải nghiệm mới trong cuộc sống. Việc này thực chất không giúp cho con, mà còn làm hại con. Ba mẹ nên cung cấp sự chỉ dẫn, tư vấn của người đồng hành ; chứ không phải chăm chăm làm lá chắn cho mọi gió bão của cuộc đời con.

Điều số 6: Kỳ vọng sự hoàn hảo

Kỳ vọng và mục tiêu là tốt, nhưng đặt mục tiêu quá sức lại có hậu quả tệ hại. Nếu trẻ thấy rằng mong đợi của ba mẹ là phi lý, sẽ chẳng bao giờ đạt được, trẻ sẽ chán nản và mất đi động lực. Cách thức phù hợp hơn là đưa ra mục tiêu dài hạn, và cùng trẻ xây dựng các bước nhỏ trên lộ trình đạt được mục tiêu đó. Ví dụ để thi đỗ đại học, thì cần có những mục tiêu mini gì trên chặng đường? Có thể là hoàn thành tưng đây bài Toán, tưng kia bài Văn, hay đọc những cuốn sách này,…

Điều số 7 trừng phạt thay vì kỷ luật

Tất nhiên, trẻ cần biết rằng một số hành vi sai sẽ dẫn đến những hệ quả xấu. Tuy nhiên, có sự khác biệt lớn giữa trừng phạt và kỷ luật. Trẻ được kỷ luật sẽ nghĩ, “Cách làm này của mình là chưa đúng rồi”, còn trẻ bị trừng phạt sẽ nghĩ, “Tôi là một con người tồi tệ”. Nói cách khác, kỷ luật đúng cách phải khiến trẻ biết rõ được điều gì là sai, cách làm nào là đúng, lần tới ta nên sửa chữa như thế nào ; chứ không phải khiến trẻ lo lắng rằng chúng sẽ không làm nên trò trống gì về sau.
7 SAI LẦM LỚN NHẤT TRONG CÁCH DẠY CON KHIẾN PHÁ HỦY SỰ TỰ TIN VÀ LÒNG TỰ TRỌNG CỦA TRẺ
Việt hoá bởi Ms June Đỗ
Rate this post

Check Also

Áo Ngực Cho Con Bú Là Gì? Kinh Nghiệm Chọn Mua Hiệu Quả

Với các bà mẹ bỉm sữa việc chọn mua áo ngực cho con bú là …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *