Đối với trẻ em tại Việt Nam, việc học tiếng Việt là nền tảng để học mọi môn học khác, vì tiếng Việt là công cụ giúp các bé giao tiếp với ba mẹ, với thầy cô, và cũng là phương tiện truyền tải thông tin, kiến thức cho các bé. Vì vậy việc dạy tiếng việt cho bé cực kỳ quan trọng. Vì nó là viên ghạch đầu tiên trong nền móng của kiến thức bé sau này, Dưới đây là 6 phương pháp giúp việc dạy tiếng Việt cho bé một cách hiệu quả
Dạy tiếng Việt cho bé bằng cách cho bé tập làm quen với chữ từ nhỏ
Khi bé sơ sinh bắt đầu nhận biết mọi người thân quen, biết mọi vật xung quanh, cũng là lúc ba mẹ nên để cho bé nhìn thấy mặt chữ. Với bé dưới 6 tháng tuổi, ba mẹ có thể bế bé để bé quan sát “thế giới chữ”, chẳng hạn như: cho bé nhìn thấy các chữ có màu sặc sỡ, nhìn người lớn đọc báo, đọc sách. Khi bé lớn hơn 6 tháng tuổi, ba mẹ cho bé chơi các đồ chơi có hình chữ, cầm sách báo…
Việc cho bé làm quen sớm với chữ ngay từ khi có thể giúp bé hình thành sự nhạy cảm học chữ, đọc sách. Từ đó, ba mẹ có thể khích lệ bé để bé thích học chữ, giống như bé thích xem đồ vật mới, thậm chí có thể yêu sách hơn đồ chơi, bánh kẹo. Sau này, bất cứ ở đâu, bé cũng chủ động tìm sách, đọc sách và học chữ.
Để bé cảm thấy muốn học chữ hơn, ba mẹ có thể tạo động cơ, hứng thú học tập Tiếng Việt bằng cách cho các bé thấy lợi ích của việc học tập, của việc học chữ: “Con mà biết chữ thì thật là thú vị. Ba/mẹ có thể viết cho con lời nhắn, con có thể đọc truyện…”, “Con làm được một đồ chơi đẹp, vẽ được một bức tranh đẹp, làm thế nào để ba mẹ biết là của con? Con hãy học để biết cách viết tên mình nhé!”, “Và đây là căn nhà đầy đồ chơi. Chìa khoá để mở có ghi một chữ, ai biết đọc sẽ mở được ngay.”, “Còn đây là một vương quốc thật diệu kì dành cho những người biết đọc, biết viết…”.
Thường xuyên nói chuyện, luyện tập cùng con
Ngay từ khi con còn nhỏ, ba mẹ hãy thường xuyên nói chuyện với bé, đặt câu hỏi cho bé, trả lời bé và hướng dẫn bé quan sát, khuyến khích con đặt câu hỏi cho ba mẹ.
Ba mẹ hãy tạo môi trường “toàn chữ” cho bé. Ví dụ cho bé nghe những bài hát thiếu nhi, dạy bé hát vè và đồng dao, xem những câu đối ngày tết, kể chuyện cho bé nghe… Bé sẽ “bị” ảnh hưởng, từng bước liên tục xem chữ, đọc từ, đọc câu. Bé càng thích nghe kể chuyện, đọc chữ, bé càng nhanh biết chữ.
Một trong những thời điểm thích hợp giúp con luyện tập là khi ba mẹ tắm cho con, bởi lúc này con không có nhiều đồ chơi hay có nhiều sự xao nhãng nên con dễ tập trung hơn vào cuộc hội thoại với ba mẹ.
Trong lúc tắm, ba mẹ có thể đố con những từ vựng về một chủ đề nhất định như đồ ăn, đồ dùng học tập, thời tiết, con vật,… Ví dụ: “Hôm nay con đã ăn những món gì?”, “Con đựng món ăn đó bằng cái gì?”, “Con uống nước bằng cái gì?”,…
Tạo ra các trò chơi lồng ghép vào các bài học
Ba mẹ dạy chữ cho bé qua các trò chơi là có dụng ý. Nhưng đối với các bé thì nên là được học một cách tự nhiên. Học mà chơi, chơi mà học. Ba mẹ không nên đặt ra các chỉ tiêu, mức độ mà hãy tạo cho bé sự vui vẻ, thoải mái và thích thú trong việc học.
Mỗi lần, ba mẹ có thể chỉ cần dạy cho bé trong vài phút, thậm chí là vài giây, và nên kết thúc “việc học” trước khi bé thấy chán. Làm như vậy bé mới giữ được hứng thú học lâu dài, sẽ chủ động yêu cầu bố mẹ dạy chữ, không cần người lớn ép học.
Người lớn trong gia đình thường xuyên đọc chữ, đọc sách trước mặt bé để kích thích sự tò mò của bé. Ba mẹ cũng luôn nhớ động viên, khích lệ bé dù bé có học được nhiều hay không. Không nên so sánh giữa bé này và bé khác trong cùng gia đình.
Mục đích giảng dạy quan trọng nhất của ba mẹ là xây dựng sự hứng thú và lòng ham học hỏi của bé. Không nên áp đặt bé học hay nóng lòng muốn bé phải biết chữ ngay, như vậy sẽ tạo áo lực cho các bé và khiến các bé cảm thấy sợ học.
Học chữ thông qua cuộc sống và áp dụng các kiến thức đã học vào cuộc sống
Cách để bé học nhanh nhất và ghi nhớ lâu nhất là học nói trong cuộc sống, qua những tình huống cụ thể.
Từ khi sinh ra tới lúc 2 tuổi, bé chỉ nhớ mặt chữ một cách máy móc mà hoàn toàn không hiểu ý nghĩa biểu đạt của chữ. Vì vậy, ba mẹ nên dạy bé học chữ gắn liền với cuộc sống hàng ngày. Hãy để bé nhận biết được từ thực liên quan đến những sự vật quen thuộc mà bé được tiếp xúc hàng ngày. Khi ba mẹ thấy bé chú ý tới sự vật nào, hãy nắm bắt cơ hội cho bé học từ đó.
Ví dụ: khi bé nhìn thấy trời mưa, mẹ hãy dạy bé từ “trời mưa”, bé cầm vào những món đồ chơi, ba mẹ hãy dạy bé tên của các đồ chơi đó, dần dần là những cái bát ăn cơm, cái thìa, cái bàn, cái ghế,… Như vậy vốn từ của bé sẽ tăng dần và khả năng quan sát, nhận thức của bé cũng tăng dần.
Đối với những bé đã vào Tiểu học, ba mẹ giúp con áp dụng những kiến thức đã học trên trường lớp vào thực tiễn cuộc sống.
Ví dụ khi con học về các từ xưng hô thông dụng khi giao tiếp ở nhà và ở trường, hay khi con học về một số nghi thức giao tiếp thông dụng ở nhà và ở trường như chào hỏi, giới thiệu, cảm ơn, xin lỗi, xin phép,… thì ba mẹ giúp con thực hành luôn tại nhà. Chẳng hạn như đố con về mối quan hệ giữa họ hàng trong gia đình, tạo ra các tình huống gặp người lớn thì cần chào hỏi như nào, con được ba mẹ giúp cho việc gì thì nên cảm ơn ra sao, con làm sai thì cần xin lỗi như nào,…
Hình thành thói quen học tập là cách tốt để dạy tiếng Việt cho bé
Điều quan trọng nhất là ba mẹ nên hình thành cho bé một thói quen học tập. Ví dụ như việc học chữ, cũng phải hình thành thói quen tốt như kiên trì, tập trung học…
Tâm lý của ba mẹ luôn là nôn nóng cho con mình nhanh biết đọc, biết nói, nhưng cũng đừng vì thế mà ba mẹ dùng các biện pháp bạo lực, ép buộc con phải học. Ba mẹ hãy nhẹ nhàng và khuyến khích con, bé rất thích những điều vui vẻ vì thế đừng tạo áp lực cho chúng. Cho dù mỗi ngày bé chỉ tiếp nhận một ít thì dần dần, vốn từ của con cũng sẽ “tích tiểu thành đại” mà tăng lên dần.
Do con còn nhỏ nên thường rất hiếu động, ước mơ con ngồi “ôm sách” là điều khó có thể xảy ra, vì vậy, ba mẹ hãy xem xét độ hào hứng của bé, nếu bé thích có thể dạy nhiều chữ, còn bé không có hứng thú thì chỉ nên dạy khoảng 2-3 chữ. Sau đó, khi bé xem phim thì ba mẹ nhắc lại những chữ đã dạy để bé nhớ. Thường xuyên khen ngợi và khuyến khích nếu con đánh vần, ghép đúng được 1 từ.
Ngoài ra, mỗi tối trước khi đi ngủ, ba mẹ có thể kể cho con nghe 1 câu chuyện, có thể là truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, hoặc 1 câu chuyện thực tế diễn ra trong cuộc sống, để bé có thể tiếp thu tiếng Việt một cách tự nhiên nhất, thích thú nhất, mà con lại học được thêm nhiều điều hay qua các câu chuyện. Bởi truyện kể luôn có một sức hấp dẫn và khả năng đặc biệt trong việc kích thích trí tưởng tượng, khả năng sáng tạo – đặc biệt là với trẻ nhỏ trong giai đoạn vàng của cuộc đời (từ 0 – 11 tuổi).
Học tiếng Việt với các ứng dụng
Hiện nay việc dạy tiếng Việt cho bé trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn khi các phụ huynh sử dụng các ứng dụng trong việc học.
Ứng dụng Vmonkey
VMonkey là ứng dụng rèn kỹ năng Nghe – Đọc hiểu cho trẻ Mầm non & Tiểu học theo Chương trình Giáo dục Phổ thông mới, bám sát chuẩn đầu ra cấp Tiểu học. VMonkey giúp ba mẹ đồng hành cùng con yêu rèn luyện môn Tiếng Việt và phát triển ngôn ngữ lứa tuổi Mầm non, Tiểu học (từ 0 – 11 tuổi).
Ứng dụng Dino Đi Học
Ứng dụng Dino đi học là sản phẩm của IRIS MEDIA tích hợp 5 môn học cơ bản theo chương trình chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo bao gồm: Anh ngữ, Tiếng Việt, Toán học, Kỹ năng xã hội và Thể chất thông qua hơn 1.000 bài học đa dạng, linh hoạt dưới dạng các trò chơi.
>>> Bố mẹ đọc thêm về phần mềm trong bài viết Dino Đi Học – Tổng Hợp Và Đánh Giá Về Ứng Dụng