Kể chuyện cho bé 3 tuổi: Truyện số 1 – Sự tích cá chép hóa rồng
Huyền thoại xưa ở Á Châu có kể rằng, khi trời đất mới hình thành, chính Trời đã làm ra mưa gió.
Nước từ mưa gió, sông, biển, và những sinh vật sống trong nước được Trời tạo ra đầu tiên, đó chính là nguồn phát sinh ra mọi thứ.
Sau vì bận bịu tạo ra người và vạn vật nên Trời không làm mưa gió nữa, mà sai rồng là con vật ở cõi trời, bay lượn ở trên không và phun nước xuống trần gian làm ra mưa.
Nhưng vì số Rồng trên trời ít, không đủ làm mưa cho đều khắp mọi nơi, Trời mới đặt ra một kỳ thi kén chọn các con vật lên làm rồng, gọi là “thi Rồng”.
Khi chiếu chỉ của Trời ban xuống dưới Thủy cung, vua Thủy tề là vì vua trông coi các công việc ở dưới nước, loan báo cho tất cả các giống sống ở đó, chúng tranh nhau đi thi.
Cuộc thi gồm ba kỳ, mỗi kỳ phải vượt qua một đợt sóng, con vật nào đủ sức, đủ tài, vượt qua cả ba đợt thì mới đậu để được hóa Rồng.
Trong một tháng trời, bao nhiêu loài thủy tộc đến thi đều bị loại, vì không con nào vượt trót được cả ba đợt sóng. Có con cá rô nhảy qua được một đợt, đợt sau thì bị rớt.
Có con tôm nhảy qua được hai đợt, ruột gan vây vẩy râu đuôi đã gần hóa rồng. Khi đến đợt ba, đuối sức bị té nên lưng cong lại.
Đến lượt có một con cá chép vào cuộc thi, con cá này bản chất của nó đã là quý hiếm đặc biệt, vì trong miệng nó có ngậm một viên ngọc trai…
Thần gió thấy lạ bay đến để xem, gió, mây ào ạt kéo đến, sấm sét ầm trời, và những đợt sóng cao trổi dậy…
Cá chép nhờ đợt sóng cao đưa lên, vượt luôn một lần qua ba đợt sóng, nhả ngọc vượt qua Vũ Long Môn và hóa rồng.
Cá chép hóa rồng vì vậy biểu trưng cho sự can đảm, may mắn, trót lọt, thành công, chiến thắng!
Cả bầy cá chép con nào cũng muốn vượt qua Vũ Long Môn, bởi chúng biết hễ vượt qua được cửa đó, chúng sẽ từ những con cá chép tầm thường trở thành con rồng siêu phàm, thoát tục… và biến thành Rồng thiên, được sống đời đời.
Vẫy, đuôi, râu, sừng tự nhiên mọc đủ, hình dạng trọn vẻ oai phong, rạng rỡ, một biểu tượng cho sự khát vọng của con người trên thế gian…
Nhưng không phải con nào cũng có tính chất quí sáng (mang ngọc quý trong thân) và không phải cá chép nào cũng có phẩm chất, khả năng khắc phục khó khăn, trở ngại để đạt được thành công!
Cá chép hóa rồng phun nước làm cho đất đai màu mỡ, cây cối xanh tươi, đem lại sức sống cho muôn loài.
Bởi vậy người ta thường xem hình ảnh cá chép hóa rồng là biểu tượng của sự an lành và sung túc, thịnh vượng. Thăng tiến trong học hành, thi cử, công danh và may mắn về tài lộc trong thương mại.
Kể chuyện cho bé 3 tuổi: Truyện số 2 – Sự tích cây khoai lang
Ở bìa rừng, có hai bà cháu nghèo khổ sinh sống. Hằng ngày, hai bà cháu phải đi đào củ mài để ăn. Một hôm, cậu bé nói với bà:
– Bà ơi, bây giờ cháu đã lớn. Từ nay trở đi, cháu sẽ đi kiếm củi đổi lấy thóc giống và cây lúa để có gạo nấu cơm cho bà ăn, ăn củ mài mãi thì khổ lắm!
Từ đó, cậu bé cấy cày và chăm chút cho nương lúa của mình. Nhìn cây lúa trổ bông, rồi chín vàng, cậu sung sướng nghĩ: “Thế là bà sắp được ăn cơm rồi!”.
Nhưng chẳng may, một hôm cả khu rừng bị cháy thành tro. Cậu bé buồn quá, bưng mặt khóc. Bỗng có ông Bụt hiện lên và bảo:
– Hỡi cậu bé hiếu thảo chăm chỉ, ta cho con một điều ước, con hãy ước đi!
– Thưa ông, con chỉ mong bà của con không bị đói thôi, bà con già yếu lắm rồi…
Ông Bụt gật đầu và biến mất.
Buổi trưa cậu bé vào rừng đào củ mài nhưng kiếm mãi cũng chẳng còn củ nào. Đến vài cái nấm hay khóm măng chua cũng chẳng có.
Bỗng cậu bé đào được một củ gì rất lạ. Ruột nó màu vàng nhạt và bột mịn mềm. Cái củ đó cũng bị lửa rừng hâm nóng và bốc mùi thơm ngòn ngọt. Cậu bé bẻ một miếng nếm thử thì thấy ngon tuyệt, Cậu bèn đào thêm mấy củ nữa đem về mời bà ăn. Bà cũng tấm tắc khen ngon và thấy khỏe hẳn ra. Bà hỏi:
– Củ này ở đâu mà ngon vậy hả cháu?
Cậu bé hào hứng kể lại câu chuyện được gặp ông Bụt cho bà nghe. Bà nói:
– Vậy thì thức củ này là của ông Bụt ban cho người nghèo chúng ta đấy. Cháu hãy vào rừng tìm thứ cây quý đó đem trồng khắp bìa rừng, bờ suối để cho mọi người nghèo cũng có cái ăn.
Nếu ai muốn trồng, chỉ cần đem vài dây khoai xuống đất và chăm bón thì tới mùa sẽ thu hoạch được rất nhiều củ.
Và cho đến bây giờ, khoai lang vẫn được nhiều người ưa thích.
Kể chuyện cho bé 3 tuổi: Truyện số 3 – Sự tích Phật bà Quan âm
Ngày xưa, có một ông vua sinh ra liên tiếp hai người con gái đầu lòng. Không có con trai, vua lo lắng không kẻ nối ngôi, ngày đêm cầu khẩn Trời Phật cho hoàng hậu sinh ra hoàng nam. Nhưng đến khi đứa con thứ ba ra đời, cũng vẫn là con gái. Vua lấy tên thứ ba mà đặt cho công chúa út, giận cho các đấng thiêng liêng đã không phù trợ giúp mình đạt được ý nguyện. Tuổi thọ đã cao, vua muốn cho công chúa thứ ba lấy chồng, định sẽ truyền ngôi cho vị phò mã.
Trái hẳn với hai chị là Diệu Thanh và Diệu Âm, công chúa Ba không đắm mình trong cung vàng điện ngọc mà say mê theo tiếng kệ câu kinh, rồi hiến thân cho đạo Phật. Nàng nhất quyết không chịu lấy chồng khiến vua và hoàng hậu nổi giận, bắt giam nàng ở riêng tại vườn sau hoàng cung.
Một hôm vua cùng hoàng hậu ngự ra ngoài, công chúa Ba chạy đến đón xa giá thăm hỏi. Vua lại phán bảo nàng bỏ ý định tu hành để tính việc trăm năm song nàng vẫn một mực từ chối, và xin phép vua cha xuất gia đầu Phật. Vua giả vờ chiều theo ý con, cho nàng đến tu ở chùa Bạch Tước, đồng thời ra lệnh cho các nhà sư bị mua chuộc phải khuyên nhủ công chúa Ba trở về cung để lấy chồng. Nếu việc không thành thì chùa sẽ bị thiêu cháy và tất cả nhà sư cùng Ni Cô đều bị chém đầu.
Các nhà sư sợ hãi tìm đủ mọi cách để làm cho công chúa xiêu lòng mà hồi tục, nhưng đều vô hiệu. Vua hay tin liền nổi cơn thịnh nộ ra lệnh đốt chùa để giết luôn công chúa không tuân lệnh vua cha, nhưng ngọn lửa vừa ùn ùn nổi lên bao vây cả bốn phía chùa thì trời đang tạnh ráo bỗng tuôn mưa xối xả dập tắt ngay. Vua bèn cho bắt công chúa Ba để xử tử, nhưng trời lại nổi bão táp dữ dội, sét đánh văng xa lưỡi đao của đao phủ nhắm bổ vào cổ công chúa. Vua vẫn không nguôi giận, lại ra lệnh xử giảo nàng. Quân lính đang sửa soạn dây để treo cổ nàng lên thì bỗng đâu một con cọp lớn phóng qua hàng rào binh sĩ bao vây cướp mất công chúa Ba, cõng nàng đưa đến chùa Hương Tích.
Chùa Hương Tích ở về xã Phù Lưu, thuộc tỉnh Hà Đông, dựng lên vào thời Chính Hòa nhà Lê (1687) do hai bà vợ chúa Trịnh, hai chị em Đào Thị Cư và Đào Thị Niên cùng nằm mộng thấy Phật Bà Quan Âm rồi xây cất lên. Đời Hồng Đức, vua Lê Thánh Tôn cho khắc ngay trên cửa vào Hương Tích là Nam Thiên Đệ Nhất Động. Giữa chốn lâm tuyền này, qua Bến Đục Đò Suối, rải rác các ngôi chùa Ngoài Thiên Chủ, chùa Giải Oan, chùa Cửa Võng, chùa Tiên, chùa Trong, cùng nhiều hang động thạch nhũ, hang Phật Tích, động Tuyết Quỳnh, đồi Không Lộ của Thần Trụ Trời, núi Gà, núi Tượng, núi Trống, núi Chiêng, núi Các Cô, núi Các Cậu cho các bà không con đến cầu tự, các cửa Võng, cửa Vương, cửa Chấn Song, lối xuống âm phủ, đường đi lên trời… Tương truyền trong động có một Lẫm Thóc vô tận trời sinh để nuôi các nhà sư tu hành ở Hương Tích, cùng Kho Tiền, Nhà Tầm Tiên, Chuồng Lợn Tiên, Phòng Sách Tiên, Quần Áo Tiên, ngày nay đã hóa thành đá.
Chùa Hương Tích thờ Phật Bà Quan Âm một ngàn tay một ngàn mắt (thiên thủ thiên nhãn), cọp cõng công chúa Ba đến đây ở tu hành. Các thú dữ trong rừng núi được cảm hóa đến nghe kinh, rồi chia nhau chim hái trái, nai lấy nước, cọp bổ củi, khỉ vo gạo, rồng thổi lửa nấu cơm… giúp đỡ trong công việc hàng ngày.
Trong khi ấy, ở triều, vua cha bị phát bệnh hủi (phong) ghê gớm. Các vị danh y được mời đến đều bó tay trước chứng bệnh nan y. Da thịt vua sần sùi lở lói, các ngón tay chân dần dần rơi rụng, mất cả hai bàn tay rồi mù cả hai mắt. Công chúa Ba tu đến thời kỳ gần đắc đạo, khoác lốt Ni Cô về thăm nhà, thấy vua cha bị bệnh thê thảm, liền tự moi lấy hai mắt trong sáng của mình, và chặt cả hai tay để tháp chữa cứu cho cha được lành mạnh trở lại. Sau đó, công chúa hóa về Niết Bàn, rồi sau lại độ cho vua, hoàng hậu cùng hai chị được thành Phật.
Tục truyền rằng công chúa Ba vốn là Phật Bà Quan Âm đầu thai xuống thế. Sự tích trên đây được giới tu hành truyền tụng thành kinh chữ Nôm cho thiện nam tín nữ nhắc nhở đến trong lúc trẩy hội chùa Hương vào tiết đầu xuân hàng năm, từ mồng mười tháng giêng đến cuối tháng ba.
Kể chuyện cho bé 3 tuổi: Truyện số 4 – Vì sao chú gà trống lại gáy?
Ngày xưa, gà trống có một bộ lông thật là sặc sỡ, đẹp lộng lẫy. Trong khi đó, công chỉ có một bộ lông khá óng ả, nhưng không được đẹp bằng lông của gà trống.
Một hôm, gà đang đi dạo trong rừng thì gặp công. Cả hai chuyện trò hợp tính nên kết bạn cùng nhau. Từ đó công có nhiều dịp nhìn ngắm bộ lông của gà, và thường mơ ước được có bộ lông đẹp như thế. Còn gà thì vô tình không biết sự mong ước của công, nên vẫn vô tình phô trương nét đẹp của bộ lông mình cho công thấy. Khiến công ngày càng thêm thèm muốn chiếm đoạt bộ lông đó.
Đến ngày kia, công chợt nghĩ ra một kế để gạt gà. Công giả bộ buồn rầu và than phiền cùng gà:
– Buồn quá bạn ạ, chiều nay tôi phải dự tiệc cùng bạn bè nhưng lại chẳng có bộ áo nào đẹp để đi dự tiệc cả.
– Gà ngắm nghía công rồi nói:
– Bộ áo của bạn cũng đẹp lắm. Chẳng mấy ai có được bộ áo như bạn đâu. Công ạ, bạn đừng buồn nữa.
Công vẫn thở dài, rồi ngỏ ý:
– Bộ áo của tôi tuy cũng không tệ, nhưng bì sao được với bộ của bạn. Kìa, bạn nhìn thử mà xem. Dáng bạn oai phong lẫm liệt. Trên đầu thì có cái mào đỏ dựng đứng trông như vương miện của vua. Đôi chân vàng óng trông như đôi hia vàng. Còn bộ lông của bạn thì quả thật tuyệt vời vô cùng. Óng ánh đủ màu cầu vồng. Trông thật rực rỡ và uy nghi. Đẹp vô cùng. Giá mà bạn cho tôi mượn tạm bộ áo bạn để đi dự tiệc thì quý biết chừng nào.
Gà vui khi nghe công khen ngợi bộ áo của mình nên tỏ vẻ dễ dãi, đồng ý cho công mượn. Công mừng quá vội trao đổi áo với gà ngay lập tức. Trước khi chia tay với gà, công còn hứa chắc chắn rằng sẽ trả lại bộ áo cho gà ngay sớm hôm sau, trước lúc mặt trời mọc. Gà tin lời nên vui vẻ chờ đợi.
Nhưng than ôi! Gà cứ chờ mãi, chờ mãi. Mặt trời mọc rồi lại lặn, lặn rồi lại mọc mà vẫn chẳng thấy bóng dáng của công. Gà tiếc bộ áo lộng lẫy của mình vô cùng nên cứ thao thức. Trời vừa hửng sáng, mặt trời sắp sửa mọc thì gà đã vội choàng dậy mà cất cao giọng gọi:
– Ò…ó…o…o… Ò…ó…o…o…. Sáng rồi, công ơi, trả áo cho tôi… Ò…ó…o…o… Ò…ó…o…o..
Và cũng từ đó đến nay, công mới có bộ lông thật lộng lẫy như ta thường thấy. Mỗi khi nhớ lại chuyện xưa, công lại thích chí giương cánh, xòe bộ lông đuôi óng ánh rực rỡ ra để khoe. Còn gà trống chỉ còn có bộ lông như hiện tại, và gà vẫn cất cao giọng mỗi buổi sáng đến mong công nghe mà trả lại áo cho gà.
Kể chuyện cho bé 3 tuổi: Truyện số 5 – Sự tích con kiến Dương
Thuở xưa ở một làng nọ có anh chàng họ Dương, rất keo kiệt và lười biếng. Tối ngày chỉ rong chơi đây đó và la cà những nơi đình đám để kiếm ăn. Thấy anh chàng còn trẻ mà không lo chuyện học hành, cũng chẳng lo làm lụng nên dân làng rất khinh ghét, chẳng ai chịu cho ăn, khiến cho anh chàng đói khổ rồi bỏ làng mà đi.
Lang thang khắp nơi để kiếm ăn, rồi một ngày kia vì quá đói khát anh ta mệt lả ngã ra bất tỉnh bên đường. Trong cơn mê man anh ta thấy trước mắt tự nhiên hiện ra một núi vàng. Mừng rỡ, anh ta định chạy đến hốt vàng thì bỗng nghe một tiếng quát :
– Ngươi kia, ở đâu tới đây mà dám ngang nhiên lấy vàng của ta? Ngươi không biết ta là thần núi vàng hay sao?
Anh chàng họ Dương hốt hoảng nhìn lên thì thấy một cụ già dáng điệu hiền từ nhân hậu, chàng ta liền khóc lóc than van.
Vị thần thấy vậy động lòng nhân từ:
– Thôi được ta sẽ giúp ngươi. Nhưng khi được giàu sang rồi, ngươi sẽ xử sự với đời như thế nào?
Anh chàng họ Dương thề là sẽ lấy lòng nhân mà ở đời và sẽ giúp đỡ người nghèo khó, và thề độc nếu trái lời thì sẽ bị hoá thành loài sâu bọ phải tự đi kiếm ăn và bị người đời ghét bỏ, lúc nào cũng chui rúc trong khe vách, chân tường.
Vị thần nghe nói vậy liền trao cho anh chàng họ Dương một cái túi rồi xô anh chàng xuống núi. Anh ta giật mình tỉnh giấc thấy trong tay mình đang nắm một túi đầy vàng thì mừng rỡ trở về mua sắm đủ thứ và sống một cuộc sống rất xa hoa .
Những người trước kia hay xua đuổi anh chàng họ Dương lân la tới làm thân. Anh chàng họ Dương nhớ tới thù xưa nên căm tức tìm đủ mọi cách để làm nhục họ. Còn những người nghèo đến xin ăn thì bị anh ta khinh rẻ, xua đuổi.
Một hôm có một lão ăn mày, mình mẩy lở loét, áo quần rách rưới đến xin ăn. Anh chàng họ Dương cũng xua đuổi nhưng lão già cứ ngồi lì trước nhà không chịu đi.
Anh chàng thấy thế giận lắm, nghĩ nhà đẹp mà lại bị một lão già hôi hám, dơ dáy ngồi ngay lối vào nên xách gậy ra đánh đuổi. Nhưng khi đưa gậy lên lão ăn mày hiện hình thành vị thần núi vàng năm xưa và mắng rằng :
– Nhà ngươi thật là bạc ác, tội không thể tha. Nhà ngươi có nhớ lời thề khi xưa chăng?
Nói rồi vị thần hoá phép và biến anh chàng thành loài sâu bọ mà người đời sau này gọi là kiến Dương. Chỉ chui rúc suốt ngày, hễ đụng đến thì cuộn tròn mình lại để giấu sự xấu hổ …
Ngoàn việc kể chuyện cho bé 3 tuổi với các chuyện trong bài viết này các bố mẹ có thể đọc thêm Chuyện Kể Đêm Khuya Cho Bé – 10 Chuyện Hay Giúp Bé Ngủ Ngon
Kể chuyện cho bé 3 tuổi: Truyện số 6 – Người nghèo, người giàu
Ngày xửa ngày xưa, khi Chúa còn sống chung với con người ở dưới trần gian. Một hôm, Người chưa về tới nhà thì trời đã sập tối. Trong lúc mệt mỏi, Người đứng trước hai căn nhà đối diện nhau, một căn thì to và đẹp, còn căn kia nhỏ bé, xấu xí. Căn nhà to đẹp là của người giàu, còn căn nhỏ bé kia là của người nghèo. Người nghĩ: “Ta phải năn nỉ người giàu để ngủ qua đêm vậy!.”Khi nghe tiếng gõ cửa, người giàu mở cửa sổ ra ngó và hỏi người lạ cần gì. Chúa đáp:
– Cho tôi xin ngủ qua đêm.
Người giàu liếc nhìn người lữ hành từ đầu tới chân. Vì Chúa ăn mặc giản dị và không có nhiều tiền rủng rẻng trong túi, người giàu lắc đầu nói:
– Nhà tôi chất đầy lương thực, nên không còn chỗ cho người ngủ nhờ. Nếu ai gõ cửa xin ngủ nhờ cũng cho thì tôi cũng chỉ còn cách chống gậy đi ăn xin. Đi tìm chỗ khác mà ngủ nhờ!
Người giàu đóng cửa sổ để mặc cho người lạ đứng ngoài. Chúa đành quay sang nhà đối diện. Vừa mới gõ cửa thì người nghèo đã kéo then mở cửa và mời người lữ hành vào nhà. Anh ta nói:
– Tối nay ở lại nhà tôi nhé. Trời tối đen như mực thế này thì làm sao đi tiếp được nữa.
Chúa cảm thấy nhẹ nhõm, hài lòng và bước vào nhà. Vợ chủ nhà đon đả ra chào khách và nói, ông cứ tự nhiên coi như ở nhà mình, vợ chồng tuy nghèo, nhưng sẵn lòng mời khách những gì có trong nhà. Rồi chủ nhà đặt nồi nấu khoai tây, vợ đi vắt sữa dê để cả chủ lẫn khách có sữa uống. Thức ăn dọn lên bàn, khách ngồi chung với chủ nhà ăn tối, tuy bữa ăn đạm bạc nhưng khách ăn rất ngon miệng, vì chủ nhà rất niềm nở với khách. Ăn xong, trước khi đi ngủ, vợ nói với chồng:
– Tối nay mình giành giường cho khách. Ta trải rơm nằm tạm đêm nay. Khách đi cả ngày nên chắc đã thấm mệt.
Chồng bảo:
– Anh thấy cũng nên hiếu khách như vậy.
Rồi chồng lại nói với khách, rằng khách tối nay có thể ngủ ở giường cho giãn xương giãn cốt. Khách nói không muốn như vậy mà chỉ muốn nằm ở ổ rơm. Hai vợ chồng chủ nhà không đồng ý. Cuối cùng khách đành nằm giường theo ý của chủ nhà, còn vợ chồng chủ nhà thì trải rơm ngủ. Hôm sau, chủ nhà dậy sớm nấu cho khách một bữa ăn sáng ngon miệng. Khách dậy lúc ánh sáng mặt trời chiếu qua cửa sổ. Cả chủ lẫn khách cùng ngồi ăn sáng. Ăn xong, khách định lên đường. Ra tới cửa thì khách quay lại nói:
– Ông bà thật tốt bụng, ông bà có được ba điều ước, tôi sẽ giúp ông bà thực hiện ba điều ước.
Chủ nhà nói:
– Tôi chỉ mong suốt đời được thanh thản, có nghĩa là hàng ngày đủ ăn, mạnh khỏe. Tôi cũng chẳng biết dùng điều ước thứ ba vào việc gì.
Khách nói:
– Ông muốn có một căn nhà mới không để thay cho túp lều này.
Chủ nhà đáp:
– Ối dào, lại được một căn nhà mới thì còn gì bằng!
Chúa ban phước cho vợ chồng chủ nhà, khi nhìn thấy họ ở trong căn nhà mới thì Chúa lên đường.
Sau khi ngủ cho đã mắt, người nhà giàu kia thức dậy nhìn ra ngoài qua cửa sổ thì thấy không còn túp lều, trước mắt ông là một căn nhà mới khang trang lợp ngói đỏ. Ông mở to mắt ngắm và gọi vợ lại nói:
– Bà thử nghĩ xem, đúng là chuyện lạ trên đời. Hôm qua chỉ là túp lều, qua đêm tới sáng đã là một căn nhà khang trang đẹp đẽ. Phải sang hỏi họ mới được!
Vợ người nhà giàu chạy sang gặng hỏi vợ chồng nhà nghèo sao lại được như vậy. Người chồng kể:
– Tối qua có một khách bộ hành tới xin ngủ qua đêm, lúc chia tay sáng nay, người khách ấy cho chúng tôi ba điều ước: sống thanh thản, hàng ngày đủ ăn và luôn luôn mạnh khỏe. Rồi còn cho chúng tôi căn nhà mới khang trang này thay cho túp lều cũ.
Vợ người nhà giàu chạy ngay về nhà và kể cho chồng nghe đầu đuôi câu chuyện. Người chồng bảo:
– Đúng là tôi đáng bị trừng phạt! Giá như mà biết trước nhỉ? Người khách ấy trước đó có tới cổng nhà mình xin ngủ qua đêm, thế mà mình lại từ chối.
Vợ khuyên:
– Nhanh chân lên nào, lên ngựa chắc còn đuổi kịp người khách lạ ấy để xin ba điều ước!
Người nhà giàu vội lên ngựa và đuổi theo kịp người khách lạ. Ông ta ăn nói dịu dàng, rằng ông rất lấy làm tiếc là khi tìm được chìa khóa để mở cổng thì không thấy khách đâu nữa. Ông xin mời khách khi quay trở lại thì ngủ ở nhà mình. Người khách lạ nói:
– Khi nào quay trở lại, tôi sẽ ngủ ở nhà ông.
Người nhà giàu hỏi liệu mình có được ba điều ước như người hàng xóm không. Người khách lạ nói chắc chắn là được, nhưng tốt nhất là đừng có ước một cái gì cả. Người nhà giàu nghĩ bụng, mình phải suy tính xem cái gì mang lại giàu có và mong nó biến thành hiện thực. Giữa lúc đó người khách lạ nói:
– Cứ lên ngựa về nhà, những điều ước sẽ trở thành hiện thực.
Giờ đây người giàu có được ba điều ước, anh phi ngựa về nhà, trên đường về trong lúc anh mải suy nghĩ nên ước những gì nên nới lỏng dây cương. Vì thế con ngựa thỉnh thoảng nhảy chồm chồm làm cho anh ta không sao nghĩ được những gì mình muốn ước, anh lấy tay vỗ lưng ngựa và bảo: “Liese, ngoan nào!.” Chàng vừa nói xong thì ngựa lại nhảy chồm chồm. Bực mình, chàng buộc miệng nói:
– Ta mong ngươi ngã gãy cổ.
Lập tức ngựa lăn ra đất và chết thẳng cẳng. Và như thế là điều ước thứ nhất đã được thực hiện. Vốn tính keo kiệt, anh lấy dao cắt yên khỏi ngựa và đeo yên ngựa vào lưng và đi bộ. Anh tự an ủi mình:
– Mình cũng còn hai điều ước nữa!
Trời nắng chang chang lại đi trên cát nóng, lại bị yên ngựa tì nặng trên lưng nên chàng nghĩ vẩn vơ:
– Ước gì mình có nhiều châu báu đến mức có thể trang hoàng nhà mình theo ý muốn.
Rồi chàng lại nghĩ:
– Giá mình là một nông dân vùng Bayer có ba điều ước, thì mình ước sao có bia uống cho đỡ khát, ước uống bao nhiêu cũng có và ước sao lại có sẵn một thùng dự trữ.
Rồi bất chợt chàng nghĩ tới người vợ đang ngồi ăn một mình ở nhà trong khi chàng đang đi dưới trời nắng nóng, chẳng còn suy tính gì, chàng buột miệng nói:
– Ước gì cô ta cứ phải ngồi trên chiếc yên ngựa và thế là mình thoát được cảnh phải đeo chiếc yên ngựa trên lưng!
Vừa nói xong thì chiếc yên ngựa biến mất và ngay lúc ấy chàng biết là điều ước thứ hai đã được thực hiện. Chàng tiếp tục đi dưới trời nắng chang chang, trong lòng chàng chỉ mong sao mau về tới nhà để ngồi nghĩ điều ước thứ ba. Tới nhà, chàng mở cửa thì thấy vợ ngồi như dính chặt vào yên ngựa, mồm thì càu nhàu ta thán. Chàng nói:
– Cứ yên tâm đi, cứ ngồi yên đó, anh sẽ ước chúng ta giàu nứt đố đổ vách.
Vợ bực mình la mắng và bảo chồng là đồ dê đực, rồi nói:
– Giàu có cũng chẳng giúp ích gì khi cứ phải ngồi dính chặt trên yên ngựa như thế này. Anh đã ước để tôi ngồi thế này thì giờ phải tìm cách đỡ tôi ra khỏi cảnh ngồi này!
Chẳng còn cách nào khác là phải nói điều ước thứ ba. Khi chàng vừa nói xong, thì vợ bước được ra khỏi yên ngựa. Và như thế là điều ước thứ ba đã được thực hiện. Chẳng được gì ngoài bực tức, mệt nhọc, ngựa chết. Người nghèo kia sống trong sung túc, an bình tới khi khuất núi.
Truyện số 8 – Con thỏ và con hổ
Hổ bị thỏ chơi một mẻ mất mặt, thề từ nay không đội trời chung với thỏ. Một hôm, hổ đi chơi gặp thỏ đang trèo cây ăn mật ong. Hổ đứng đón dưới gốc, trừng mắt bảo thỏ:
– Mày đừng có hòng chạy nữa nhé! Tao tìm mày lâu lắm rồi. Muốn tốt xuống đây nộp mạng!
Thỏ bèn làm kế hoãn binh:
– Ông làm ơn cho tôi đánh một hồi trống rồi tôi xin xuống để ông bắt tội.
– Được, hổ trả lời.
Thỏ giơ tay giả làm điệu bộ đánh trống liên hồi vào tổ ong. Bấy giờ tiếng ong bay vù vù, văng vẳng có âm thanh phát ra làm cho hổ nghe tưởng là trống thật. Thích quá, hổ bảo thỏ:
– Mày cho tao đánh với!
– Ông đánh cũng được thôi – thỏ đáp – nhưng có điều, ông mà đánh thì tôi sẽ điếc tai long óc mất. Vậy ông làm ơn để tôi đi thật xa đây đã, bao giờ không nghe tiếng hú của tôi nữa thì hãy đánh.
Thế là hổ ta quên mất việc trị tội thỏ, để cho thỏ nhảy xuống chạy trốn mất. Khi không còn nghe tiếng hú, hổ mới trèo lên cây, đánh mạnh vào tổ ong. Tổ ong vỡ ra, cả bầy ong xông tới đốt cho hổ tối mày tối mặt. Hổ kinh hoàng sẩy chân rơi xuống đất đau điếng cả người. Nhưng ong vẫn không tha, hổ chạy đến đâu chúng đuổi theo đến đó, đốt cho mặt sưng húp mới chịu thôi. Hổ biết là mắc mưu thỏ, giận bầm gan tím ruột.
Hôm khác hổ tình cờ gặp lại thỏ đang đứng bên bụi tre. Hổ chặn đường hét:
– Mày làm ông khốn nạn bao nhiêu phen rồi? Thôi, đứng đó cho ông trị tội.
Thỏ nghĩ ra được một kế khác, nói:
– Ông hãy cho tôi gẩy một khúc đàn cha ông nghe đã rồi tôi sẽ để ông bắt tội. Tôi không dám trốn đâu mà ông lo.
Hổ bằng lòng. Thỏ liền nhảy lên bụi tre giả làm như cách gảy đàn. Kỳ thực, lúc nào gió thổi hai cây tre sắp cọ vào nhau thì nó rút chân ra, lúc hai cây tre rời nhau thì nó đút chân vào.
Tiếng tre cót két làm vui tai hổ, cho nên hổ lại bảo thỏ:
– Mày để cho tao gảy một lúc chơi.
Thỏ nói:
– Ông cứ gảy tùy thích, những chơi cho khéo kẻo hỏng mất đàn của tôi đi!
– Mày dạy tao cách gảy thế nào đã.
– Tay ông to quá đánh hỏng đàn mất. Vậy ông hãy cứ đánh bằng đuôi thì tốt hơn. Đây này! Cứ lúc nào hai cây tre rời nhau thì ông cho đuôi vào giữa, thế là nó bật thành tiếng nghe rất thú. Nhưng ông hãy chờ cho tôi đi xa đây đã. Nói rồi, thỏ nhảy xuống, ba chân bốn cẳng chạy mất. Còn hổ làm đúng như lời của thỏ, bị tre nghiến đứt mất một khúc đuôi. Hổ đau đớn không thể nói hết, gầm rống vang trời, trông bộ dạng rất thiểu não. Hắn quyết bắt cho được thỏ xé xác ra mới hả dạ.
Bẵng đi một ít lâu, hổ lại gặp thỏ. Nhưng lần này đang lúc thỏ vô ý sa xuống một cái hố sâu không làm sao lên được. Thấy mặt hổ, thỏ vội gọi:
– Trời ơi! Ông còn chưa biết ư? Mau lên không thì nguy khốn đến nơi rồi!
Hổ nghe nói thế, cuống lên hỏi lại thỏ:
– Thế nào? Nói mau!
– Ông ơi – thỏ đáp – ông có thấy gió thổi ào ào, cây cối rung chuyển đó không, đó là dấu hiệu trời sắp sập rồi, chỉ còn một cách nhảy xuống đây mới có thể thoát được mà thôi!
– Thật thế à? Cho tao xuống với nhé!
– Ông xuống ngay đi! Ở lại trên đó là chết bẹp xác.
Thế là hổ không suy nghĩ gì nữa nhảy ngay xuống hố sâu, trong lòng lo ngay ngáy không còn nghĩ gì đến chuyện trị tội thỏ nữa. Thấy thế, thỏ tìm cách chọc hổ chơi. Bèn dùng tay cù vào nách hổ. Hổ không chịu được lối đùa nghịch của thỏ, mắng:
– Yên. Mày nghịch như quỷ ấy! Nếu còn như thế nữa tao sẽ không đánh mày mà quẳng mày lên trên kia, cho trời sập đè bẹp xác.
Thỏ chỉ yên lặng được một chốc rồi lại lẻn tới cù hổ. Tức mình, hổ nắm lấy hai chân thỏ vứt lên miệng hố. Thỏ đắc mưu, chạy một mạch vào làng báo cho mấy ông thợ săn biết. Lập tức họ vác cung tên giáo mác đến hố giết chết hổ.
Truyện số 9 – Câu chuyện về con bướm
Một người tìm thấy một cái kén bướm. Đến ngày nọ, một cái lỗ nhỏ xuất hiện. Anh ngồi chăm chú theo dõi con bướm trong vài giờ đồng hồ khi nó vùng vẫy tìm cách chui ra ngoài qua cái lỗ nhỏ đó. Rồi dường như nó không có thêm một tiến triển nào nữa. Trông cứ như thể nó đã làm hết mức có thể rồi và không thể xoay xở gì thêm được.
Vì vậy, người đàn ông quyết định giúp con bướm. Anh lấy một cái kéo và cắt cái kén.
Khi ấy, con bướm dễ dàng thoát ra. Nhưng nó có một cái thân căng phồng và đôi cánh nhỏ bé, teo quắt.
Người đàn ông tiếp tục quan sát con bướm bởi vì anh mong đợi rằng, đến một lúc nào đấy, đôi cánh của con bướm sẽ to lên và dang rộng ra để có thể nâng được phần thân, trong khi cùng lúc ấy phần thân sẽ nhỏ đi.
Chẳng có điều gì xảy ra cả! Trong thực tế, con bướm dùng cả cuộc đời còn lại của nó bò loanh quanh với một cái thân căng phồng và những chiếc cánh nhăn nheo. Nó không bao giờ có thể bay được.
Người đàn ông, tốt bụng nhưng hấp tấp, đã không hiểu rằng chiếc kén chật hẹp và sự chật vật của con bướm để chui qua được cái lỗ nhỏ ấy chính là cái cách mà Tạo Hóa buộc chất lỏng trong thân con bướm chảy vào cánh để sẵn sàng cho nó cất cánh bay ngay khi nó thoát khỏi cái kén và giành được sự tự do.
Đôi khi, những cuộc đấu tranh chính xác là những gì chúng ta cần trong cuộc sống của mình. Nếu Tạo Hóa cho phép chúng ta trải qua cuộc sống mà không có bất kỳ trở ngại nào thì điều đó sẽ làm chúng ta trở nên “tàn tật”. Chúng ta sẽ không mạnh mẽ như đáng lẽ ra chúng ta đã có thể. Chúng ta sẽ không thể bay cao!
Truyện số 9 Hãy hát đi, Ve con!
Mỗi năm đến hè, dân cư loài Ve vẫn hay thường tổ chức cuộc thi giọng ca hay. Ai thắng cuộc sẽ được trao giải “Micrô vàng mùa hè”, đây cũng là giải thưởng danh giá nhất, chứng tỏ đẳng cấp chuyên nghiệp của cá nhân thí sinh tham dự nói riêng và cộng đồng dân cư nơi chú Ve ấy sống nói chung.
Do đó, khi thời tiết rục rịch sang mùa cũng là lúc các chú Ve sầu nô nức tập dợt để đến ngày thi tranh tài cùng nhau. Nhưng năm nay cơ cấu giải thưởng có khác chút, thể thức thi cũng khác luôn. Năm nay, từng khu phố Ve thi với nhau chứ không phải tự cá nhân ai muốn thi thì thi. Giải thưởng này nhằm tôn vinh hợp âm mùa hè đặc trưng của cộng đồng Ve.
Cuộc thi được diễn ra với qui mô thật to lớn và nhộn nhịp hẳn, đi đâu cũng nghe xôn xao bàn tán về cuộc thi. Năm nay ban giám khảo đã cho từng khu phố Ve bốc thăm để thi đấu. Ve cây nhãn sẽ thi với Ve cây bàng, Ve cây phượng thi với Ve cây bã đậu, Ve cây me sẽ thi cùng với Ve cây chùm ruột…
Cuộc thi diễn ra sôi nổi suốt mấy ngày liền, ngày nào mọi người cũng nghe ra rả những âm thanh náo động cả một khoảng trời. Hôm thì nghe ầm ào phát ra từ cây phượng, hôm lại lao xao phía cây chùm ruột… Những dàn hợp âm ấy vang lên lanh lảnh, inh ói, nhặng xị cả một khoảng không mùa hè.
Nhưng mùa hè thì hay có mưa. Mà hổng mưa sao gọi là hè được. Thế là, xảy ra một chuyện thật đáng tiếc cho khu phố Ve cây bàng.
Khu phố Ve cây bàng có anh Ve lửa. Gọi anh là Ve lửa vì trên lưng anh có vệt sọc màu lửa. Bữa trước đội Ve cây bàng của anh đã xuất sắc qua được vòng bán kết, và đang chờ ngày thi trận chung kết quyết định. Từ bữa đó, chiều nào anh cũng ra sức luyện tập để chuẩn bị cho buổi biểu diễn cuối cùng. Anh siêng năng, cần mẫn tập luyện, quyết chí phải cùng với khu phố mình đoạt lấy giải nhất. Cả những chiều mưa anh cũng chẳng bỏ tập bao giờ. Cố sức quá, thế là anh ốm. Ban đầu anh nghĩ anh chỉ ốm thường thôi, chẳng ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Nhưng qua hôm sau thì anh không thể nhấc nổi cánh của mình lên, dù cố gắng cách mấy anh cũng chẳng hát nổi một câu nào cả. Tự dưng anh thấy buồn quá chừng, thấy sao mà chán hết mọi sự. Không chán sao được, cố gắng quá, hy vọng quá mà tự nhiên cái bệnh hà. Anh Ve lửa buồn hiu buồn hắt. Làm kiếp Ve sầu mà bảo anh không thể biểu diễn thì chi bằng làm… con gì khác đi chứ làm Ve làm gì.
Cư dân Ve cây bàng biết tin anh bị ốm, mọi người kéo đến hỏi thăm anh, khuyên anh dưỡng sức cho mau khỏe. Nhưng mà coi bộ anh Ve lửa hổng khỏe kịp rồi. Giờ, cứ nhấc cánh lên là anh ho sù sụ à.
Ngày thi đấu gần kề rồi, bệnh anh Ve lửa có giảm thì cũng giảm xíu xiu à, khỏe lên chút, nhưng mà nói chuyện thì vẫn còn thều thào thều thào chớ nói gì là hát hò. Chẳng ai bảo ai, Ve cây bàng bèn phải tìm một anh Ve khác thay thế anh Ve lửa thôi. Mà khổ nỗi, cũng chẳng còn ai có thể thay thế cả. Đây là cuộc thi tập thể, các chú Ve đều thi hết rồi, đội hình biểu diễn không thể vắng mặt anh Ve lửa được. Các chú Ve khu phố cây bàng bắt đầu lo lắng, chẳng lẽ lại bỏ cuộc, đã qua được vòng bán kết rồi mà. Chút xíu nữa thôi, là có cơ hội giành cái micrô vàng mùa hè rồi. Tội tình gì mà phải bỏ cuộc! Mọi người bối rối quá đi, lo lắng quá đi. Cả ngày cả đêm cứ cãi nhau inh ỏi xem phải tính thế nào đây.
Gần nhà anh Ve lửa có chú Ve con. Ve con bé xí xi (thì Ve… con mà). Bình thường chú không quan tâm đến hội hè, đình đám lắm vì chú nghĩ cuộc thi ấy là của người lớn, chú không thèm quan tâm làm gì (quan tâm cũng đâu được đi thi đâu). Ngày nào chú cũng rong chơi cùng bạn Dế cơm và bạn Bươm bướm xinh xinh thôi. Bữa nọ, đang nhức đầu vì cứ mãi suy nghĩ đến cuộc thi, anh Ve lửa thấy bức bối quá, nằm trên giường bệnh mà cứ nghĩ ngợi kiểu này hoài chắc… xụi luôn quá, anh muốn thử đi dạo quanh vườn nhà cho thoải mái chút, vận động chút cho khỏe. Anh đứng tựa cửa hàng rào nhìn mặt trời buổi chiều lặng dần. Ve lửa cố tạo ra một hợp âm hòa cùng thiên nhiên, nhưng không gian im lặng và anh biết mình còn phải dưỡng bệnh dài dài. Anh ngồi nghĩ mông lung, anh thấy chú Ve con đang lào xào đùa giỡn với dế cơm và bươm bướm. Anh nghe tiếng Dế cơm rủ một đứa bạn nào đấy, khi đứa bạn Dế xuất hiện, nó lại réc lên inh ỏi khiến cho chú Ve con giật cả mình . Chú Ve con liền vang lên những tiếng èo èo vui tai lắm. Anh Ve lửa cười thầm, rõ là con nít, cũng chỉ là mới vỡ giọng thôi. Anh lắc đầu và cười, rồi anh khẽ nói:
– Ve con này, con không thể gáy như bạn dế được đâu.
Ve con nhìn anh và nói:
– Con đâu cần phải gáy như bạn dế đâu, con đang cho bạn ấy biết, con cũng có khả năng như bạn ấy chớ bộ!
Ve lửa khuyên răn:
– Con cần tập luyện, chứ con cứ phát ra những tiếng è è ấy nghe mắc cười lắm .
Ve lửa nói xong, nghĩ chắc tụi nhỏ sẽ im lặng chấp nhận lời nhận xét của mình. Nhưng cậu Dế cơm nói:
– Tiếng è è đâu có sao đâu nè, bọn cháu thích là được rồi. Chú không thấy là âm thanh này nghe hay hay lắm sao!
Bây giò Ve lửa bắt đầu chú ý hơn đến tiếng è è của Ve con. Tự nhiên Ve lửa như phát hiện ra điều gì đó, chạy một mạch sang nhà trưởng nhóm biểu diễn, chẳng mấy chốc cả đòan biểu diễn đến tập trung trứơc sân nhà Ve con. Họ yêu câu Ve con hát lại cho họ nghe, sau đó là những tiếng phê bình, nhận xét . Đêm ấy cả khu vực cây Bàng tự nhiên xôn xao khó hiểu lắm.
Trưa hôm sau, trận chung kết bắt đầu trong sự nô nức háo hức của cộng đồng họ Ve. Không khí buổi trưa ấy căng thẳng và gây cấn biết chừng nào. Hôm nay Ve cây bàng thi đấu bằng sự cổ vũ nhiệt tình của cư dân Ve, chắc vị họ biết trước một đội đương kim vô định như Ve cây phượng, trận đấu này đáng giá biết bao nhiêu. Sau khi đội hình được dàn ra, các nhạc công hai đội bắt đầu tranh nhau từng giai điệu, từng âm thanh, từng tiết tấu. Bên nào cũng cố sức chơi hết khả năng của mình, Ve cây phượng vẫn giữ phong thái ung dung, tự tin của một nhà vô địch. Riêng đội Ve cây bàng, hợp âm của họ ban đầu hùng hồn, lúc sau lại như trầm lắng xuống, rồi vang lên những tràng è è pha lẫn những tiếng phụ họa của các nhạc công, làm sân khấu như vỡ ra. Bản nhạc hôm nay có gì đó kỳ lạ mà thu hút quá. Chú Ve con xuất hiện giữa các anh Ve, ban đầu hơi khớp (toàn là người lớn không mà) nhưng rồi chú tự tin lên, và rồi chú hát è è bằng tất say mê. Khán giả bắt đầu hét lên: “Hát đi nào Ve con, hát nào!”.
Buổi biểu diễn ấy được kết thúc bằng một tràng cổ vũ cũng… è è từ khán giả. Đương nhiên rằng, giải thưởng năm nay thuôc về Ve cây bàng với dàn hợp âm cực kì độc đáo ấy. Chú Ve con hôm ấy cũng thấy tự hào lắm lắm, ai dè đâu mình lại được giải.
Về phần anh Ve lửa, anh nói với mọi người rằng, tiếng è è đấy có nghĩa lắm. Hợp âm Ve vang lên bao nhiêu thì tiếng è è vang đệm theo, nhắc nhở một mùa hè hè hè đã về rồi đấy. Micrô vàng năm này là hợp âm từ chú Ve con với những tiếng è è è, gọi hè đang về, gần gũi và rộn rã tiếng Ve.
Chẳng có lý do gì lại không trao giải cho một chú Ve con biết gọi hè hè hè cả!
Hi vọng các sẽ kể chuyện cho bé 3 tuổi nhà mình với 10 câu chuyện trên mỗi ngày để bé thông minh hơn và có nhiều vốn từ ngữ hơn trong cuộc sống
2 Những bình luận
Pingback: Truyện Cho Bé 2 Tuổi - 7 Truyện Siêu Hay Mà Các Mẹ Nên Kể Cho Bé.
Pingback: 9 Truyện Kể Cho Bé Đi Ngủ Siêu Hay Được Nhiều Ba Mẹ Kể Mỗi Đêm