Khi bé bước sang tuổi thứ 2, bé sẽ có nhiều thay đổi thất thường mà khoa học gọi là khủng hoảng tuổi lên 2. Điều này nhiều khi là nỗi ám ảnh với nhiều cha mẹ. Vậy hãy cùng tìm hiểu khủng hoảng tuổi lên 2 là gì và các biện giải quyết tình trạng này ở trẻ.
>>> Khủng Hoảng Tuổi Lên 3 – Các Nguyên Nhân Và Giải Pháp Cho Ba Mẹ
Khủng hoảng tuổi lên 2 là gì?
Rất nhiều bố mẹ cho rằng cuộc khủng hoảng lên 2 và 3 của trẻ thật sự khủng khiếp. Tuy nhiên, đó là một giai đoạn phát triển bình thường mà bất cứ trẻ nhỏ nào cũng cần phải trải qua, và thường được nhận biết bởi sự giận dữ, ăn vạ, bướng bỉnh…Thực tế, cái tên gọi “Khủng hoảng tuổi lên 2” chúng ta vẫn thường bắt gặp, nhưng không nhất thiết nó sẽ xảy ra khi con bạn được tròn 2 tuổi. Những khủng hoảng thực sự có thể bắt đầu ngay cả khi trẻ 18 tháng (hoặc sớm hơn) đến 30 tháng và có thể kéo dài đến hơn 3 tuổi. Mặc dù trên 3 tuổi, trẻ vẫn có những cơn giận dữ, khóc lóc, nhưng chắc chắn sẽ ít hơn hẳn.
![Dấu Hiệu Của Khủng Hoảng Tuổi Lên 2](https://i0.wp.com/nuoicondung.com/wp-content/uploads/2020/06/Dấu-Hiệu-Của-Khủng-Hoảng-Tuổi-Lên-2.jpg?resize=618%2C360&ssl=1)
Mặt khác, 2 tuổi là khoảng thời gian trẻ trong độ tuổi tập đi đạt được các mốc phát triển quan trọng, bao gồm giao tiếp trong các câu có hai hoặc ba từ, đi bộ, leo trèo và hiểu các khái niệm cụ thể như “của con”, “không được”, “hư quá”– những từ ngữ mà bé vẫn chưa tiếp thu được trước đó. Về cơ bản, khủng hoảng tuổi lên 2 cho phép bé thử nghiệm, khẳng định sự độc lập, học cách truyền đạt nhu cầu và mong muốn, cũng như nhận ra rằng những ham muốn đó đôi khi có thể khác với người khác.
Trẻ phát triển như thế nào trong giai đoạn này?
Bước vào giai đoạn này, ba mẹ có thể bị ngạc nhiên, bối rối, lo lắng vì sự thay đổi khó hiểu của con mình. Trước đó con có thể ăn ngoan, bú sữa giỏi, hiểu biết, ngoan ngoãn nhưng bỗng chốc lại trở nên bướng bỉnh, ăn ngủ không giờ giấc và có phần “hư”.
Thời thơ ấu là giai đoạn kéo dài từ khoảng 1 đến 3 tuổi. Đây là giai đoạn phát triển thể chất và trí tuệ mạnh mẽ. Trẻ đang bắt đầu biết đi, học nói, học cách nói lên suy nghĩ của mình, tìm tòi về cảm xúc, học cách chia sẻ.
Trong giai đoạn này, trẻ tự nhiên muốn được muốn được khám phá môi trường xung quanh và muốn làm những việc theo cách riêng mà trẻ muốn. Đó là tất cả những hành vi bình thường có thể xảy ra ở bất cứ trẻ em nào. Nhưng vì khả năng ngôn ngữ, biểu đạt cảm xúc và hành vi chưa được thành thạo nên con sẽ gặp khó khăn hơn trong giao tiếp với người lớn. Vì vậy, do không biết cách diễn đạt nên trẻ thường khóc lóc, mè nheo, ăn vạ để người lớn chú ý và hiểu những gì trẻ đang muốn. Ngoài ra, các kỹ năng vận động chưa được tốt nên các hành động có vẻ hơi vụng về như, trẻ muốn rót nước ra cốc nhưng không may làm đổ nước ra ngoài, trẻ muốn tự xúc ăn nhưng đưa trượt vào miệng…
Những biểu hiện của khủng hoảng tuổi lên 2
Tức giận
Ba mẹ có thể dễ dàng nhận thấy sự thay đổi rõ rệt khi trẻ bắt đầu bước vào cuộc khủng hoảng. Cụ thể, trẻ sẽ dễ nổi giận, khóc lóc, ăn vạ, la hét vui buồn nhanh chóng, và kèm các hành vi như: đánh, cắn, đá, ném đồ đạc…
Theo kết quả nghiên cứu từ năm 2003, ước tính có khoảng 75% cơn giận dữ ở trẻ giai đoạn 18 – 60 tháng kéo dài trong 5 phút hoặc ít hơn. Khủng hoảng ở bé trai và bé gái đều giống nhau.
![Những biểu hiện của khủng hoảng tuổi lên 2](https://i0.wp.com/nuoicondung.com/wp-content/uploads/2020/06/Những-biểu-hiện-của-khủng-hoảng-tuổi-lên-2.jpg?resize=523%2C500&ssl=1)
Sự đối lập
Mỗi ngày, trẻ sẽ học và có được những kỹ năng mới. Và điều hiển nhiên là con muốn được thử những kỹ năng đó. Điều này dẫn đến sự tò mò, nghịch ngợm, lục lọi khắp mọi nơi của trẻ.
Giai đoạn này, trẻ có tư duy riêng, muốn được tự lập hơn nên muốn tự mình làm mọi thứ, và không khó hiểu khi trẻ sẽ nói “KHÔNG” với bạn nhiều hơn.
Tâm trạng thất thường
Một phút trước trẻ có thể vui vẻ, chạy nhảy khắp nhà, nhưng chỉ với một điều gì đó không vừa ý thì trẻ có thể la hét, nằm lăn ra nhà khóc lóc. Đó là biểu hiện của sự thất vọng, không đồng ý của trẻ nhưng không biết cách diễn đạt bằng lời cho bạn hiểu.
Có phải tất cả trẻ em đều trải qua giai đoạn này.
Dù đến 18 tháng hay 3 tuổi, hầu hết trẻ nhỏ đều trải qua cuộc khủng hoảng có phần khủng khiếp này. Tuy nhiên, mức độ khủng hoảng ở mỗi trẻ là khác nhau. Nếu trẻ nào có khả năng ngôn ngữ tốt, biết diễn đạt rõ ràng mong muốn của bản thân thì khủng hoảng sẽ “nhẹ nhàng” hơn.
Cuộc khủng hoảng của trẻ có thể kéo dài từ hơn 1 tuổi đến hơn 3 tuổi. Nhưng khi trẻ lên 4 với sự phát triển về khả năng ngôn ngữ và vận động, hiểu những hướng dẫn của người lớn thì các dấu hiệu khủng hoảng sẽ giảm dần.
Cách đối phó với khủng hoảng tuổi lên 2 ở trẻ
Khi đối mặt với những thách thức về hành vi của trẻ ở giai đoạn này, Ba mẹ nên luôn tự nhắc nhở bản thân rằng trẻ không làm điều này với mục đích thách thức và muốn cho bạn phát điên lên. Mà đó chính là cách mà trẻ mới biết đi đang cố gắng thể hiện sự độc lập mà không có kỹ năng giao tiếp để diễn tả điều đó. Khi không biết diễn đạt, một đứa trẻ có thể nhanh chóng trở nên thất vọng và không có cách nào khác để thể hiện những cảm xúc đó hơn là tức giận hoặc hung hăng.
Để giúp con và cả bố mẹ vượt qua giai đoạn khủng khủng khiếp này, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ đưa ra những khuyến cáo sau:
- Giữ lịch ăn và ngủ đều đặn. Hành vi không mong muốn có nhiều khả năng xảy ra khi con bạn mệt mỏi hoặc đói.
- Khen ngợi những hành vi tốt ở trẻ và không chỉ trích những hành vi sai của trẻ.
- Không mắng, la hét, sử dụng bạo lực, vì điều này khiến cho trẻ học hỏi và sẽ cư xử tương tự như bạn.
- Hãy cố gắng chuyển hướng sự chú ý của trẻ ở nơi khác, chẳng hạn như một con chim ngoài cửa sổ, một cuốn truyện hoặc một công việc mà trẻ có thể giúp đỡ bạn. Giữ quy tắc đơn giản và những giải thích ngắn gọn, dễ hiểu.
- Hãy để con học sự kiểm soát bằng cách được lựa chọn. Ví dụ như, con được chọn món ăn, quần áo để mặc, chơi trò chơi gì…
- Tạo ra một ngôi nhà an toàn cho trẻ. Vì con sẽ tò mò và khám phá rất nhiều nên bạn cần loại bỏ những nguy hiểm ra khỏi tầm với của con như: ổ điện, vật sắc nhọn, bếp nóng…
- Đặt giới hạn của bạn và nhất quán. Vì giai đoạn này trẻ rất dễ nổi giận và ương bướng nên bạn khó tránh khỏi stress. Hãy đưa ra một giới hạn cho bản thân trước khi bạn định la hét với trẻ.
- Bình tĩnh – đây là điều quan trọng nhất. Khi con căng thẳng và bạn cũng căng thẳng thì chỉ khiến tình trạng thêm tồi tệ. Hãy đếm từ 1-10 hoặc hít thở thật sâu, hay làm bất cứ điều gì để có thể bình tĩnh lại.
- Những trận ăn vạ, khủng hoảng của trẻ lên 2 thật khủng khiếp và dễ khiến chúng ta mất kiên nhẫn. Nhưng bất cứ đứa trẻ nào cũng cần trải qua điều này để trưởng thành. Đây cũng là giai đoạn thích hợp nhất để rèn luyện các kỹ năng và nhân cách cho trẻ. Điều thú vị rằng, cứ bước qua một cuộc khủng hoảng bạn sẽ nhận ra em bé của mình “trưởng thành” lên rất nhiều đấy.
Hi vọng bài viết này sẽ cung cấp cho khụ huynh kiến thức hữu ích về khủng hoảng tuổi lên 2.
Một bình luận
Pingback: Khủng Hoảng Tuổi Lên 3 - Các Nguyên Nhân Và Giải Pháp Cho Ba Mẹ