Khủng Hoảng Tuổi Lên 3 – Các Nguyên Nhân Và Giải Pháp Cho Ba Mẹ

Khủng hoảng tuổi lên 3″, là sự bướng bỉnh và khó bảo của trẻ ở giai đoạn 3 tuổi. Nguyên nhân của sự bướng bỉnh là các bé muốn được khẳng định bản thân và tự quyết định mọi điều. Dưới đây chúng tôi đã tổng hợp những dấu hiện, nguyên nhân và biện pháp trong việc phát hiện và giải quyết khủng hoảng tuổi lên 3 ở trẻ. 

Những thay đổi thể hiện sự khủng hoảng tuổi lên 3

Từ nhu cầu muốn khẳng định mình, muốn được trở nên như người lớn bên cạnh đó sự tự ý thức ở trẻ bắt đầu xuất hiện, trẻ lên 3 bắt đầu có những nguyện vọng độc lập. Trẻ muốn tự mình làm trong một số trường hợp: tự thay quần áo, tự xúc ăn, tự chọn mặc quần áo mà trẻ thích, muốn phụ giúp mẹ việc nhà, tự chọn đồ chơi, tự chọn sách mà trẻ thích… Trẻ thường nói “Con làm, con ăn…” mà không muốn có sự can thiệp hay giúp đỡ của người lớn.
Những thay đổi thể hiện sự khủng hoảng tuổi lên 3
Những thay đổi thể hiện sự khủng hoảng tuổi lên 3
Những phản ứng kệ con, tự con… chứng tỏ trẻ muốn tách khỏi người lớn khẳng định cái tôi của mình, mặt khác trẻ muốn có quan hệ sâu rộng hơn với người lớn. Hoạt động của người lớn vẫn là mối quan hệ thích thú đối với chúng. Người lớn như là hình mẫu của các chức năng tâm lý xã hội. Trẻ cũng tự thấy mình là thành viên của xã hội. Trong cuốn “Về nhân cách trẻ 3 tuổi”, nhà tâm lý học V. Keler đã mô tả những biểu hiện thường gặp ở trẻ trong lứa tuổi này:
  • Tiêu cực: Trẻ thường có biểu hiện không chịu phục tùng một số yêu cầu của người lớn.
  • Ngoan cố: Trẻ kiên quyết nghiêng về phía sự thoả mãn đòi hỏi của bản thân, sự quyết định của mình.
  • Ngang ngạnh: Gần như sự ngoan cố và tiêu cực, nhưng nó có đặc điểm đặc trưng của ngang ngạnh là có tính công khai và thiếu cá tính hơn. Đây là sự phản kháng lại trật tự trong gia đình.
  • Tự tiện: Là xu hướng giải thoát khỏi người lớn. Trẻ muốn tự mình làm điều gì đó. Phần nào ta thấy dấu hiệu này có cả ở đợt khủng hoảng một tuổi.
  • Vô lễ với người lớn: Trẻ có biểu hiện nói trống không hoặc nói hỗn với người lớn.
  • Chống đối – nổi loạn: Hiện tượng này xuất hiện trong các cuộc cãi vã thường xuyên với cha mẹ “tất cả hành vi của trẻ đều thể hiện sự chống đối, dường như trẻ luôn nằm trong trạng thái chiến tranh với người xung quanh, trong trạng thái ẩu đả với người lớn”.
  • Chuyên quyền: ở những gia đình có độc nhất một trẻ sẽ gặp phải xu hướng chuyên quyền. Trẻ tỏ ra chuyên quyền trong quan hệ với tất cả mọi thứ xung quanh.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia tâm lí thì đây là một hiện tượng bình thường, tất yếu trong quá trình phát triển của trẻ. Do đó, khi thấy con có những hành vi thái quá chớ nên quy chụp cho bé là hư, láo, càng không nên quát mắng, nhất là đánh trẻ. Bởi điều đó chỉ làm các bé thêm căng thẳng, có thể sợ lúc đó mà im lặng nhưng sẽ chất chứa uẩn ức trong lòng và có lúc bột phát, trở nên hung dữ hơn. Chiều chuộng theo mọi yêu cầu của con cũng không phải cách. Nó chỉ giúp củng cố thêm những hành vi tiêu cực ở bé khi nó nhận thấy khóc lóc, ăn vạ hay đập phá là cơ hội để được bố mẹ đáp ứng mọi đòi hỏi.

Nguyên nhân trẻ khủng hoảng tuổi lên 3

“Sự mâu thuẫn giữa nhu cầu và năng lực là nguyên nhân chính gây ra khủng hoảng tuổi lên 3 của trẻ”.
Trẻ lên 3 bắt đầu sự ý thức được các khả năng của mình: Sự phát triển các cơ tay, sự khéo léo của các cơ ngón tay, sự phát cảm ngôn ngữ cùng với khả năng diễn đạt mong muốn thông thường của mình với người khác, tri thức về thế giới xung quanh của trẻ đang được tích lũy dần, một số kỹ năng vận động, khả năng tự phục vụ mình …
Trẻ hay so sánh mình với người lớn, muốn được làm mọi việc như người lớn. Tuy nhiên, với khả năng của mình, các bé chưa thể tự làm được mọi việc hoặc bị bố mẹ ngăn cấm nên nảy sinh xung đột.
Bên cạnh đó, ở tuổi này, do khả năng ngôn ngữ chưa phát triển hoàn thiện khiến các bé chưa biết cách diễn đạt trọn vẹn những mong muốn của mình với người lớn. Và chính điều này gây ức chế, làm các bé dễ cáu bẳn và nổi khùng.

Giải pháp để giải quyết tình trạng khủng hoảng tuổi lên 3

Dưới đây là chia sẻ cách giải quyết của MC Minh Trang Nguyễn với bé Daisy khi giải quyết tình trạng khủng hoảng tuổi lên 3 ở bé.

Bày tỏ sự đồng cảm với con

Dấu hiệu dễ nhận nhất của các hình thức khủng hoảng hay ăn vạ là khóc. Mình hiểu khi Daisy đã khóc, để nín ngay lập tức là gần như không thể. Nếu bắt đầu câu chuyện bằng “Nín, nín ngay lập tức” với giọng điệu cao, cáu gắt sẽ chỉ làm con thêm căng thẳng và khóc to thêm. Thế là đôi bên cùng mệt mỏi, cơn nóng giận sẽ đến rất nhanh.

– Nếu con khóc vì vòi vĩnh món đồ gì đó, trước tiên, mình di dời con khỏi hiện trường hoặc cắt sự chú ý của con vào những món đồ đó (quay lưng lại hàng đồ chơi, dắt tay con đi ra chỗ khác…).

– Nếu con khóc vì đau (ngã, ốm, tiêm, tự làm đau…), mình bình tĩnh và nhẹ nhàng hỏi thăm con đau ở đâu, đau ra sao. Mình không bao giờ phủ nhận cảm xúc của con kiểu “Ngã tí mà kêu đau, đau gì mà đau” hay trách con “Đi đứng thế à?”.

– Nếu mình chưa rõ nguyên nhân con gào khóc, mình hay bắt đầu bằng một cái ôm thật lâu thật chặt. Cái ôm là điều tuyệt vời nhất mà một đứa trẻ mong muốn khi có cảm giác buồn, mệt, bất an, thất vọng… Sau đó, mình sẽ hỏi con: “Bây giờ con thấy ổn hơn chưa? Bình tĩnh nói cho mẹ nghe xem có chuyện gì?”, “Con cứ khóc thế này có mệt không? Nếu vừa khóc vừa nói, mẹ chẳng nghe được rõ con muốn nói gì”, “Mẹ muốn nghe xem có chuyện gì, để giúp con. Nếu con muốn mẹ giúp thì bình tĩnh kể cho mẹ xem nào”, “Cứ khóc nốt chỗ dở đi vậy, khi nào xong thì nói cho mẹ nghe xem có chuyện gì nhé”… Những điều này sẽ làm con cảm giác được lắng nghe, cảm giác mẹ đang ở cùng phía với mình, có thiện chí với mình.

– Mình tuyệt đối không bao giờ để cho Daisy khóc một mình mà chưa nói chuyện để cùng con giải quyết vấn đề. Mình nghĩ với người lớn như mình cũng vậy thôi, việc bị bỏ mặc gào khóc một mình thật là tồi tệ, nó có thể là nguyên nhân của vô số những ý nghĩ tiêu cực hoặc nghiêm trọng hơn là chứng bệnh trầm cảm sau này.

Tìm hiểu, cùng con gọi tên vấn đề của con

Sau bước một, mình đã có được sự tin tưởng và thiện chí muốn chia sẻ của Daisy. Bước hai, nói đơn giản thì mình hoàn toàn đóng vai là “tiếng vọng” của con.

Ví dụ, nếu Daisy nói: “Con không thích ăn sữa chua xoài”, mình sẽ nói: “Okay, vậy là con không thích ăn xoài trộn với sữa chua có đúng không?”. Hoặc “Con không thích đi tất” – “Rồi, mẹ hiểu rồi, vậy là sáng nay mặc dù đang rất lạnh và tẹo nữa mẹ con mình sẽ đi bộ ngoài trời lạnh để đi học nhưng con vẫn không thích đi tất đúng không?”

Mình thấy việc này cực hiệu quả ở chỗ Daisy thấy mẹ lắng nghe và hiểu những gì bạn ấy muốn. Cách hỏi lại cũng để bạn ấy có thời gian nghĩ xem thực ra vấn đề này có thực sự là vấn đề hay không, đồng thời “câu giờ” để cơn khóc quấy… của bạn ấy từ từ lắng xuống.

Lắng nghe nhu cầu, cách giải quyết con mong muốn, phân tích vấn đề dựa trên thực tế (không dựa trên ý kiến chủ quan của mẹ)

Giải pháp để giải quyết tình trạng khủng hoảng tuổi lên 3
Giải pháp để giải quyết tình trạng khủng hoảng tuổi lên 3u

Vấn đề là của con, vậy con là người biết rõ nhất con muốn giải quyết như thế nào. Mình hỏi Daisy trước, xem bạn ấy muốn gì. Trong trường hợp hạn chế về thời gian, mình sẽ hỏi rất nhanh và đề xuất luôn phương án của mình. Nhiều khi nói một hồi, cái bạn ấy thực sự muốn lại khác xa cái lúc đầu bạn ấy khóc để đòi nhưng mình không vội đánh giá, cứ để con được nói ra những mong muốn của mình.

– “Vì sao con lại không thích đi tất?” (Có thể câu trả lời là vì chân con bị nốt mụn sưng đau chẳng hạn. Nhiều trường hợp khóc quấy của bạn ấy đến từ những vấn đề hoàn toàn có thật và nghiêm túc).

– “Con thử nghĩ xem nếu không đi tất, đi bộ đi học ngoài trời lạnh thì chuyện gì sẽ xảy ra?”

– “Nếu không đi tất, con có cách nào khác để giữ chân không bị lạnh rồi bị ốm không?”

Đưa ra phương án mẹ mong muốn thông qua các lựa chọn

Thay vì ép con bằng được vào một thứ mình muốn, mình thường cùng con nghĩ. Đưa ra các lựa chọn cho con luôn phát huy hiệu quả với Daisy. Thay vì bắt con chọn “Có” hoặc “Không”, mình hay cố gắng nghĩ ra vài phương án kiểu “Có” và “Gần với có” để con chọn. Dù con chọn phương án nào cũng vẫn là trong điều mình mong muốn.

“Mẹ nghĩ nếu không đi tất thì cũng được thôi, nhưng chắc chắn đi bộ con sẽ bị lạnh chân, mà lạnh chân thì rất dễ ốm, ốm lâu là phải vào viện. Bây giờ con thử chọn xem con thích đôi nào hơn. Đây mẹ thấy có một đôi Hello Kitty hồng với một đôi ếch xanh này” (trong 2-3 phương án, mình cố gắng có một phương án mạnh, đúng sở thích của con, khả năng cao là con sẽ chọn phương án đấy).

“Hay đôi Kitty hồng này đi, mẹ cũng vào thay đôi tất hồng, thế là 2 mẹ con đi tất sinh đôi nhé”.

Hỗ trợ con giải quyết vấn đề (nếu con cần)

Bước này thường mình hay để Daisy tự làm, hơi lâu nhưng tập cho con khả năng tự giải quyết những vấn đề cá nhân.

 Tuyên bố kết thúc khủng hoảng (chạm tay, ôm thật chặt, thật dài…)

Thường mình hay có vài câu tổng kết nhanh về sự khủng hoảng vừa kết thúc, rồi hỏi Daisy về những gì bạn ấy tự nhận ra. Tất cả gói gọn lại bằng một cái chạm tay thật to hoặc một cái ôm thật chặt. Cái ôm luôn luôn kì diệu, đó là sự chia sẻ, đồng cảm, sự thừa nhận, tình yêu thương.

Mình luôn tự dặn mình rằng “cái sự khủng hoảng này chỉ nhất thời, mẹ luôn phải giữ cái đầu lạnh, mình bình tĩnh thì mới cầm tay bạn bé bình tĩnh giải quyết khủng hoảng được. Căng lên là hỏng bét, khổ con mà mình tự dưng chuốc bực vào người. Mình tuyệt đối tránh những kiểu câu mệnh lệnh như “Nín ngay”, “Đứng dậy ngay”, “Đi tất vào”, tránh dùng những cụm từ phủ định mạnh, ví dụ “Không được, mẹ nói không là không…”, tránh trách móc chung chung như “Sao con hay ăn vạ thế?”, “Sao con hư/quấy thế?”.

Ngoài ra cha mẹ nên làm gì?

Thật ra, “khủng hoảng tuổi lên 3” là cơ hội để cha mẹ điều chỉnh cách dạy con, giúp bé hình thành nền tảng nhân cách lành mạnh. Các chuyên gia tâm lý chỉ ra rằng: Tính tự lập và tích cực của trẻ đòi hỏi người lớn phải thay đổi hệ thống nhìn nhận và xử sự với trẻ. Nếu tính tự lập của trẻ bị hạn chế thì trẻ sẽ xuất hiện các tính cách như: tính trái ngược (đứa trẻ không làm một việc gì đó chỉ vì điều đó do người lớn yêu cầu mà trẻ không thích đề nghị làm) vì người lớn đã cấm đoán nó quá nhiều.
TS Đinh Thị Kim Thoa, chuyên gia tâm lý trường Mầm non Hoàng Gia cho rằng: những biến đổi về tâm lý của trẻ khi bắt đầu vào trường mẫu giáo về khoa học người ta gọi là khủng hoảng tuổi lên 3. Hơn nữa, sự thay đổi môi trường, không được thỏa mãn một số điều ở trường nên khi về nhà cháu sẽ “bùng phát” và đòi được đáp ứng nhưng chính trẻ lại rất mơ hồ về mong muốn của mình. Chính vì thế người lớn đưa cho gì cũng lắc đầu và cách duy nhất mà nhiều trẻ làm đó là khóc ăn vạ…
Trước hiện tượng khủng hoảng tâm lý trên của trẻ, theo TS Kim Thoa, các bậc phụ huynh cần bình tĩnh, đừng bị kích động rồi chính mình lại bực tức và rồi dồn sang con và vòng luẩn quẩn này làm cho cả nhà căng thẳng, không kiểm soát được cảm xúc. Tốt hơn hết, vào những lúc trẻ ăn vạ như vậy, cha mẹ cũng không cần hỏi là con muốn cái này hay cái kia không, bởi cái gì trẻ cũng không đồng ý hoặc để cho bé tự chọn lấy (trong những cái mình đã đề xuất).
Nếu trẻ bị quá khích thì hãy ôm chặt trẻ vào lòng và nói nhỏ lại nhưng cũng không nói với trẻ mà như đang nói chuyện với ai đó (một chú gấu chẳng hạn). Nguyên tắc ở đây là không tập trung vào hành vi của trẻ nữa mà chuyển hướng sang chuyện khác để lôi sự chú ý của trẻ sang câu chuyện của mình… Sau đó vào những lúc trẻ ngoan ngoãn, cha mẹ cần nói lại hành vi chưa ngoan của cháu và dạy cháu điều mình mong muốn.
Bé thường nói “không”, nhưng không phải chống đối mà chỉ là chứng tỏ “mình khác biệt”. Chưa hết, bé còn muốn làm ngược lại, cho nên việc cha mẹ ra lệnh, ép buộc bé có thể gây nguy hiểm cho bé, chẳng hạn khi cha mẹ cấm trẻ tra tay vào nước sôi hay ổ điện. Cha mẹ cần dựa theo theo nhu cầu độc lập của bé để tác động giúp bé bước đầu tự lập. Cụ thể là cho bé tự làm những việc trong khả năng, hướng dẫn bé làm những việc cần sự trợ giúp mới làm được, và thử thách bé bằng những việc hơi quá khả năng để bé chinh phục. Ngoài ra, cha mẹ có thể bày trò cho bé sắm vai anh, chị, ông, bà… để bé được thoải mái thể hiện “cái tôi” đang hình thành.
Mức độ và cách biểu hiện “khủng hoảng” của bé còn là kết quả/hậu quả của quá trình nuôi dạy trước đây của cha mẹ, nhưng đây cũng là cơ hội để cha mẹ điều chỉnh và “bày keo khác”. Nếu cha mẹ tác động phù hợp trong giai đoạn “khủng hoảng” đặc biệt này, bé sẽ tự tin vào bản thân và biết quý trọng các giá trị bản thân, hai yếu tố cần thiết làm nền tảng cho sự phát triển nhân cách sau này. Ngược lại, nếu cha mẹ đàn áp hoặc quá chiều chuộng thì khi trẻ lớn hơn sẽ mất tự tin hoặc ích kỷ, chỉ quen đòi hỏi, coi mình như “cái rốn vũ trụ”.

Lời khuyên của chuyên gia tâm lý

Thứ nhất: trẻ lên 3 xuất hiện tính “bướng bỉnh”, trẻ muốn có thẫm quyền với mọi vật xung quanh bằng cách luôn luôn giành đồ chơi về phía mình…
==> Với những biểu hiện trên của trẻ, không nên quát mắng trẻ, hay giật đồ chơi từ tay trẻ. Bố mẹ cần giải thích cho bé hiểu cái gì là của mình, cái gì là của bạn hay của chung. Tránh thái độ tiêu cự cho rằng bé tham lam, hư đốn, không ngoan.
Thứ hai: suy nghĩ mình là trung tâm và mong muốn độc lập khiến trẻ luôn muốn làm theo ý mình. Tuy nhiên, do vốn kinh nghiệm và hiểu biết của trẻ về thế giới xung quanh còn hạn chế cùng với sự nhận thức về các chuẩn mực trong các mối quan hệ của trẻ chưa hoàn thiện, trẻ thường làm “sai” so với điều người lớn mong muốn ở trẻ, bắt người lớn làm theo ý mình…
==> Do đó, nếu trẻ có ý muốn thỏa đáng thì cha mẹ nên đồng tình và cho trẻ thực hiện, trong trường hợp trẻ có những đòi hỏi quá quắt, người lớn cần tỏ thái độ kiên quyết không đáp ứng sau khi giải thích cho trẻ hiểu lý do vì sao người lớn không chấp nhận ý muốn của trẻ. Không nên cứng nhắc ngăn cấm trẻ cũng không nên chiều theo ý trẻ một cách vô điều kiện. Với một số trẻ, việc bị người lớn ngăn cấm sẽ dẫn đến trẻ bướng bỉnh, tỏ thái độ chống đối, người lớn bảo một đằng trẻ làm một nẻo… đặc biệt với người quá quan tâm và chăm sóc chúng… Đôi khi còn bày tỏ thái độ ích kỹ, hỗn láo… đặc biệt với người thân hay chăm sóc trẻ. Do đó, cách người lớn ứng xử với trẻ cũng bày tỏ sự thông hiểu về các đặc điểm tâm lý cũng như sự quan tâm đến trẻ trong đời sống hàng ngày.
Thứ ba: cuối tuổi ấu nhi, trẻ bắt đầu xuất hiện sự tự ý thức, trẻ ý thức được mình là một con người riêng biệt, khác với những người xung quanh và có những ý muốn riêng biệt so với mọi người xung quanh… Trẻ bắt đầu nhận ra “cái tôi” của trẻ, nhận biết được “cái tên” của mình và đồng nhất cái tên với bản thân mình do đó tỏ ra thiện chí với những bạn có tên giống như mình.
==> Để giáo dục trẻ, ba mẹ nên giành thời gian trò chuyện với trẻ để hiếu mong muốn của trẻ, có thể kể chuyện cho trẻ nghe, khi kể chuyện, ba mẹ nên dùng tên bé đặt tên cho nhân vật của truyện, lồng vào đó những đức tính tốt muốn ở trẻ để khuyên bảo trẻ một cách nhẹ nhàng, khéo léo. Sự tự ý thức ở trẻ còn thể hiện thông qua viêc trẻ bắt đầu để ý đến hình dáng bên ngoài của mình. Trẻ muốn tự chọn quần áo cho mình, và đôi khi điều đó không phù hợp với hoàn cảnh hay thời tiết khiến người lớn không cho phép. Sự ngăn cản một cách vô điều kiện của ngừoi lớn sẽ khiến trẻ bướng bỉnh và chống đối, đôi khi trẻ chống lại bằng một số hành động ngỗ ngược. Việc này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lí của trẻ.
==> Người lớn cần khuyến khích trẻ làm theo những yêu cầu của mình thay vì áp đặt trẻ làm theo, cần giải thích cho trẻ hiểu vì sao phải như vậy, bày tỏ thái độ tôn trọng trẻ cũng như tôn trọng những việc làm và khả năng của trẻ. Hơn nữa, khả năng hoạt động có chủ định của trẻ lên 3 không dài. Trẻ mau quên và dễ thay đổi suy nghĩ, do đó trong một số trường hợp trẻ bướng bỉnh, người lớn không nên nói chuyện với trẻ nhiều về vấn đề trẻ quan tâm, hãy hướng suy nghĩ và mục đích của trẻ vào điều khác – có thể gọi là “đánh lạc hướng” của trẻ.
Thứ tư: sự phát triển các hoạt động với đồ vật giúp trẻ có khả năng tự mình thực hiện một số “công việc” mà không cần sự giúp đỡ của người lớn. Trẻ đã có khả năng phục vụ bản thân trong một số trường hợp đơn giản. Nhiều ông bà, bà mẹ lo lắng trẻ chưa có khả năng tự chăm sóc bản thân, hay làm sai nên thường tự mình chăm sóc trẻ theo ý mình, thường làm thay trẻ thay vì khuyến khích trẻ thực hiện theo ý mình.
==> Người lớn cần tạo cho trẻ cơ hội để trẻ tự phục vụ. “Tin tưởng” vào khả năng và việc thử sai của trẻ. Quan tâm hướng dẫn trẻ kịp thời để tránh hình thành những thói quen xấu. Chẳng hạn như, việc tập cho trẻ cầm đũa, nhiều người thường lo lắng trẻ cầm vậy nhọn khi ăn thì nguy hiểm nên thường chỉ cho trẻ tập dùng muỗng khi ăn. Trong khi đó, người lớn thường dùng đũa của mình gắp thức ăn cho trẻ. Bên cạnh đó, có trẻ được tập dùng đũa từ sớm nhưng lại không được hướng dẫn ngay từ đầu sau này hình thánh thói quen cầm đủ 5 ngón chạm đũa.
Tạo nhiều cơ hội cho trẻ hoạt động là điều tốt nhất chúng ta có thể làm để giúp trẻ phát triển. Theo chuyên gia giáo dục, điều quan trọng nhất mà bố mẹ có thể làm để giúp bé sớm vượt qua được giai đoạn này là tạo điều kiện cho trẻ được vui chơi thật nhiều.
5/5 - (1 vote)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *