Cách Sử Dụng Thuốc Methylprednisolon Cho Phụ Nữ Có Thai Và Cho Con Bú

Các thuốc kháng viêm corticoid được sử dụng rất phổ biến để điều trị nhiều bệnh khác nhau. Trong số đó thông dụng nhất là thuốc methylprednisolone. Vậy thuốc methylprednisolone có tác dụng gì và sử dụng như thế nào?

Thuốc methylprednisolone chữa bệnh gì?

Thuốc methylprednisolone được dùng để điều trị các bệnh lý như viêm xương khớp, các bất thường về máu, một số phản ứng dị ứng nguy hiểm, một số bệnh ung thư, bệnh về mắt, bệnh về da, thận, đường ruột và bệnh phổi hoặc bất thường hệ thống miễn dịch.

Thuốc methylprednisolone có tác dụng ức chế hệ thống miễn dịch của cơ thể để đáp ứng với các bệnh lý khác nhau, qua đó giúp giảm các triệu chứng khó chịu như sưng, đau và dị ứng. Corticoid bản chất là một loại hormon của cơ thể (cortisol). Do đó, thuốc methylprednisolone còn được dùng kèm với một số thuốc khác để điều trị tình trạng rối loạn hormone cơ thể.

Biệt dược: Medrol (4mg, 16mg), Urselon, Amedred, Somidex.

Phân loại mức độ an toàn cho phụ nữ có thai: A

*Mức độ an toàn loại A:Thuốc đã được nhiều phụ nữ mang thai và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng và không quan sát thấy bất kì sự gia tăng dị tật thai nhi hoặc các tác hại trực tiếp hay gián tiếp khác đến thai nhi.

Riêng loại thuốc methylprednisolon aceponat dùng tại chỗ: mức độ an toàn loại C

*Mức độ an toàn loại C: thuốc có bản chất dược lý gây ra hoặc nghi ngờ gây ra các tác hại lên thai nhi hoặc trẻ sơ sinh nhưng không gây dị tật thai nhi. Các tác hại này có thể hết khi ngưng sử dụng thuốc.

Nhóm thuốc: thuốc glucocorticoid tổng hợp.

Tên hoạt chất: methylprednisolon.

Chỉ định: Chủ yếu là thuốc chống viêm hoặc ức chế miễn dịch để điều trị một số bệnh bao gồm nguyên nhân do huyết học, dị ứng, viêm, ung thư và tự miễn. Dự phòng và điều trị thải ghép.

Chống chỉ định: Nhiễm khuẩn nặng, trừ sốc nhiễm khuẩn và lao màng não. Quá mẫn với methylprednisolon. Thương tổn da do virus, nấm hoặc lao. Đang dùng vắc xin virus sống.

Liều và cách dùng:

Liều methylprednisolon: ban đầu 2 – 60 mg/ngày, tùy thuộc bệnh, chia 4 lần/ngày. Dùng dài ngày nên giảm liều dần trước khi ngừng thuốc.

Chuyển hóa

Thuốc chuyển hóa ở gan, chất chuyển hóa được bài tiết qua nước tiểu. Thời gian để nửa lượng thuốc thải khỏi cơ thể là khoảng 3 giờ.

Thuốc có qua nhau thai

Thuốc vào được sữa mẹ với lượng thấp

Độc tính

Ở PNCT: Chưa có bằng chứng về việc liệu thuốc có gây độc tính sinh sản trên trẻ sơ sinh hay không. Dùng kéo dài đường toàn thân có thể dẫn tới giảm cân nặng trẻ sơ sinh.. Nghiên cứu trên động vật cho thấy dùng corticosteroid nói chung có thể gây bất thường phát triển của thai nhi, trong đó có: hở hàm ếch, chậm phát triển tử cung, tăng nguy cơ chậm phát triển thai nếu dùng dài ngày hoặc lặp đi lặp lại trong thời kỳ mang thai.

Ở PNCCB: Liều tới 40 mg hàng ngày methylprednisolone ít có khả năng ảnh hưởng toàn thân tới trẻ bú mẹ nhưng liều cao có thể liên quan đến tình trạng suy thượng thận cấp ở trẻ sơ sinh bú mẹ. Các nghiên cứu về độc tính sinh sản trên động vật cũng chưa được thực hiện nhiều, vì vậy chỉ nên dùng nếu lợi ích vượt trội so với nguy cơ ảnh hưởng đến trẻ bú mẹ.

Sử dụng tại chỗ ít có khả năng gây hại cho trẻ bú mẹ.

Sử dụng  cho phụ nữ có thai và cho con bú

Sử dụng cho phụ nữ có thai

Cần cân nhắc kỹ lợi ích – nguy cơ khi sử dụng thuốc, chỉ dùng khi lợi ích vượt trội các nguy cơ rủi ro có thể xảy ra với cả mẹ và thai nhi.

Mặc dù bằng chứng chưa đầy đủ để khuyến cáo nhưng tốt nhất trẻ sơ sinh mà có mẹ dùng corticosteroid trong thời kỳ mang thai cần được theo dõi và đánh giá cẩn thận dấu hiệu của suy thượng thận.

Sử dụng cho phụ nữ cho con bú

Hết sức cẩn thận khi dùng thuốc cho phụ nữ cho con con bú. chỉ nên dùng nếu lợi ích vượt trội so với nguy cơ trên trẻ bú mẹ.

Tuy nhiên, cùng với prednisolone, prednisone, methylprednisolone là corticoid lựa chọn ưu tiên điều trị toàn thân trong thời kỳ cho con bú. Nếu dùng liều cao lặp lại, sau khi uống thuốc nên cách ít nhất 3 – 4 giờ rồi mới cho con bú.

Một số tác dụng phụ:

Tác dụng phụ xảy ra nhiều nhất khi dùng liều cao và dài ngày. Thuốc ức chế tổng hợp prostaglandin vì vậy cũng làm mất tác dụng của prostaglandin trên đường tiêu hóa, gây tăng tiết acid dạ dày, giảm bảo vệ niêm mạc dạ dày.

Thường gặp mất ngủ, khó tiêu, tăng ngon miệng, đau khớp, đục thủy tinh thể.

Ít gặp chóng mặt, tăng huyết áp, trứng cá và teo da, hội chứng Cushing, loét dạ dày, yếu cơ, loãng xương, gãy xương.

Chú ý (nếu có): Thận trọng khi dùng thuốc ở người bệnh loãng xương, loét dạ dày tá tràng, đái tháo đường, tăng huyết áp, suy tim, suy thận, suy gan. Sau khi điều trị trong một thời gian dài hoặc stress, thuốc có thể gây suy thượng thận cấp khi ngừng thuốc.

Các biện pháp phòng ngừa tác dụng phụ do thuốc methylprednisolone

Trước khi sử dụng thuốc methylprednisolone, trao đổi với bác sĩ về tiền sử dị ứng của bạn, bao gồm cả dị ứng thuốc methylprednisolone hoặc prednisone hoặc bất kỳ loại dị ứng nào khác.

Trước khi tiến hành điều trị, khai báo với bác sĩ hoặc dược sĩ tiền sử bệnh tật như:

  • Các bất thường về máu như dễ chảy máu, cục máu đông;
  • Loãng xương;
  • Đái tháo đường;
  • Các bệnh về mắt (như đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, nhiễm trùng herpes ở mắt);
  • Các vấn đề về tim (như nhồi máu cơ tim hoặc suy tim sung huyết), tăng huyết áp;
  • Các bệnh nhiễm trùng đang mắc (như lao, herpes, nấm);
  • Bệnh lý gan, thận;
  • Bất thường về tâm thần: rối loạn tâm thần, trầm cảm, lo lắng quá mức;
  • Các vấn đề về dạ dày ruột (như viêm túi thừa , loét, viêm loét đại tràng);
  • Động kinh.

Các biện pháp giảm tác dụng phụ của thuốc methylprednisolone:

  • Thuốc methylprednisolone có thể gây xuất huyết dạ dày. Do đó, những bệnh nhân nghiện rượu sẽ tăng nguy cơ mắc phải tác dụng phụ này, vì vậy nên hạn chế đồ uống có cồn;
  • Thuốc methylprednisolone khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng hoặc làm trầm trọng hơn tình trạng nhiễm trùng hiện tại. Do đó, vệ sinh cơ thể sạch sẽ để để ngăn ngừa lây lan vi trùng. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân mắc các bệnh dễ lây lan như thủy đậu, sởi, cúm… Tham khảo ý kiến bác sĩ về các bệnh nhiễm trùng khi dùng thuốc methylprednisolone;
  • Thuốc methylprednisolone có thể làm mất tác dụng của một số loại vắc xin. Vắc xin sống có thể ảnh hưởng đến cơ thể nếu tiêm ngừa trong khi đang điều trị bằng thuốc methylprednisolone. Do đó, không chủng ngừa khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ điều trị;
  • Sử dụng corticosteroid (trong đó có thuốc methylprednisolone) trong thời gian dài có thể làm cơ thể giáp đáp ứng với các stress thể chất. Do đó, trước khi cần phẫu thuật, điều trị cấp cứu hoặc nếu bạn mắc bệnh hoặc một chấn thương nặng, hãy khai báo với bác sĩ điều trị về việc đang sử dụng hoặc đã sử dụng thuốc methylprednisolone trong vòng 12 tháng gần đây. Trao đổi ý kiến bác sĩ nếu bạn có những bất thường, mệt mỏi hoặc sụt cân;

Người cao tuổi là đối tượng nhạy cảm hơn với các tác dụng phụ của thuốc methylprednisolone, đặc biệt gãy hoặc đau xương, chảy máu dạ dày ruột và thay đổi tâm thần (như lú lẫn).

Thuốc methylprednisolone làm chậm sự phát triển của trẻ nếu sử dụng trong thời gian dài. Theo dõi, kiểm tra chiều cao và sự phát triển của trẻ thường xuyên nếu đang điều trị bằng thuốc methylprednisolone.

Phụ nữ mang thai chỉ sử dụng thuốc methylprednisolone khi thật cần thiết. Mặc dù nó hiếm khi gây hại cho thai nhi những vẫn phải cân nhắc về những lợi ích và rủi ro của thuốc này. Đặc biệt, đối với trẻ sơ sinh được sinh ra từ những bà mẹ đã sử dụng thuốc methylprednisolone trong một thời gian dài có thể gặp vấn đề về hormone.

Thuốc methylprednisolone đi vào sữa mẹ nhưng ít có khả năng gây hại cho trẻ sơ sinh, nên tham khảo ý kiến ​​bác sĩ trước khi cho con bú.

Tương tác của thuốc methylprednisolone

Các loại thuốc có thể gây tương tác với thuốc methylprednisolone bao gồm:

  • Aldesleukin;
  • Mifepristone;
  • Các loại thuốc có thể gây chảy máu, xuất huyết như thuốc chống kết tập tiểu cầu clopidogrel, thuốc kháng đông máu như warfarin, dabigatran;
  • Các loại NSAID như ibuprofen, celecoxib, aspirin… Đối với bệnh nhân đang uống aspirin liều thấp để phòng ngừa nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ (liều khoảng 81-325mg mỗi ngày) thì vẫn tiếp tục dùng trừ khi bác sĩ có hướng dẫn khác.

Một số loại thuốc làm giảm thải trừ thuốc methylprednisolone khỏi cơ thể và ảnh hưởng đến tác dụng của methylprednisolone, bao gồm:

  • Thuốc kháng nấm nhóm azole (như ketoconazole);
  • Boceprevir, Cyclosporine, Estrogen, chất ức chế protease HIV (như ritonavir);
  • Kháng sinh nhóm macrolid (như erythromycin), rifamycins;
  • Một số loại thuốc điều trị co giật (như phenytoin, phenobarbital).

Thuốc methylprednisolone có thể ảnh hưởng và làm sai lệch kết quả của một số xét nghiệm. Do đó, để đảm bảo chính xác bạn nên báo ngay cho bác sĩ hoặc kỹ thuật viên xét nghiệm nếu đang sử dụng thuốc này.

Sử dụng thuốc methylprednisolone trong thời gian dài, bệnh nhân nên được thăm khám và làm các xét nghiệm (bao gồm đường huyết, điện giải đồ, đo huyết áp, khám mắt, đo mật độ xương, đo chiều cao, cân nặng) định kỳ để theo dõi sự tiến triển của bệnh hoặc kiểm tra các tác dụng phụ.

Dùng thuốc methylprednisolone trong thời gian dài có thể gây loãng xương. Các biện pháp giúp xương khỏe mạnh bao gồm thay đổi lối sống, duy trì cân nặng, tập thể dục, bỏ hút thuốc lá, bổ sung thêm canxi và vitamin D và hạn chế rượu bia.

Để hạn chế các tác dụng phụ khi sử dụng thuốc methylprednisolone, người bệnh cần thực hiện theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ tư vấn sử dụng thuốc.

=>>Xem thêm: 7 Truyện Thai Giáo Cho Bé Trong Bụng Mẹ Được Các Mẹ Kể Nhiều Nhất.

5/5 - (4 votes)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *