Ngoài phương pháp Glenn Doman chú trọng việc dạy trẻ biết chữ và làm toán sớm, hầu hết các phương pháp giáo dục sớm khác đều chú trọng vào sự phát triển toàn diện của trẻ, tôn trọng trẻ, tạo điều kiện để trẻ phát triển tốt nhất. Chính vì thế, bố mẹ khi tìm hiểu các phương pháp giáo dục sớm thấy khá hoang mang vì các phương pháp đều na ná như nhau, không hiểu cốt lõi mỗi phương pháp theo đuổi là gì. Thêm vào đó, nhiều thông tin lại chỉ nói tốt về phương pháp đó, những cái hay, cái được mà bỏ qua những khiếm khuyết của phương pháp. Vì vậy các bạn hãy theo dõi seri các bài về giáo dục sớm trên Nuôi con đúng, và chủ đề của bài này là phương pháp Montessori.
Các Nội Dung Chính
Montessori là gì? Phương pháp Montessori là gì?
Phương pháp Montessori được phát triển bởi bác sĩ Maria Montessori vào năm 1907, là một phương pháp giáo dục trẻ từ 0 tuổi nổi tiếng và phổ biến nhất trên thế giới hiện nay. Montessori là một phương pháp tạo ra để giáo dục trẻ trong các trường học, tuy nhiên bố mẹ có thể áp dụng tinh thần của phương pháp này để giáo dục con tại nhà.
Phương pháp Montessori chấp nhận sự duy nhất của mỗi trẻ và cho phép trẻ phát triển tuỳ theo những khả năng riêng của mình và thời gian riêng của mình. Do đó việc tổ chức các lớp học theo mô hình Montessorri phải đảm bảo sự tôn trọng tính riêng biệt của mỗi trẻ và phải bố trí phòng học và bài học phù hợp những nhu cầu và mục đích của từng trẻ.
>>> Tìm hiểu thêm về Montessori Là Gì? Montessori Khác Gì Giáo Dục Truyền Thống?
Những đặc trưng chính của phương pháp Montessori
Tự chọn hoạt động riêng, ưu tiên phát triển tính tập trung cá nhân: Trẻ được tự chọn hoạt động yêu thích và phát triển theo đúng nhịp độ riêng đó của trẻ, không hề có một giáo trình chung hay cách đánh giá chung cho cả lớp. Trong suốt quá trình tự học tập thông qua học cụ và hoạt động riêng của mình, trẻ sẽ không bị ngắt quãng, làm phiền.
Học cụ là công cụ học tập chính: Trong quá trình làm việc với trẻ em, Montessori nhận ra rằng trẻ em hoàn toàn bị cuốn hút bởi các vật dụng và chất liệu được thiết kế để trợ giúp sự cảm nhận của giác quan. Vì thế, bà đã phát triển những học cụ dạy học chuyên biệt để tạo ra một môi trường thích hợp cho trẻ.
Các đồ vật đó được gọi là học cụ, chứ không phải đồ chơi như trong các phương pháp giáo dục khác. Các học cụ Montessori rất nhiều, chi tiết và khá cầu kì, được tạo ra nhằm mục đích giúp trẻ học hỏi các vấn đề đa dạng từ địa lí, toán học…. Tất cả các học cụ đều được thiết kế ẩn chứa một bài học nào đó, trẻ sẽ tự mày mò, khám phá cho đến khi tự tìm ra cách sử dụng đúng của học cụ đó và bài học ẩn sau đó.
Giáo viên là người hỗ trợ: Trong lớp học, giáo viên đóng vai trò như người hỗ trợ hơn là người giảng dạy. Giáo viên không đứng lên và dạy trẻ làm cái này, cái kia, thay vào đó, trẻ tự chọn hoạt động yêu thích của mình và làm hoạt động đó. Khi trẻ gặp khó khăn, giáo viên sẽ hỗ trợ trẻ. Hình ảnh thường gặp nhất trong một lớp học Montessori là mỗi trẻ một góc phòng, say sưa với hoạt động riêng của mình và không bị làm phiền, ngắt quãng trong suốt quá trình làm việc. Montessori cho rằng chính sự tập trung làm việc đó là cách trẻ tự học hỏi tốt nhất và nhớ lâu nhất.
Trộn độ tuổi: Lớp học Montessori bao gồm các học sinh khác độ tuổi học cùng nhau. Thông thường các bé từ 0-3 tuổi học một lớp và từ 3-6 tuổi học một lớp. Montessori cho rằng các bé khác tuổi nhau sẽ có thể hỗ trợ nhau tốt hơn, học hỏi từ nhau.
Môi trường trật tự hài hoà: các lớp học được thiết kế dựa trên yêu cầu của trẻ và phù hợp với trẻ với đồ dùng vừa tầm tay để trẻ có thể tự làm. Lớp học bố trí có trật tự nhất định và màu sắc hài hòa để trẻ học tập được tốt nhất. Tính trật tự là một trong những yêu cầu chính của phương pháp này, hướng đến sự ngăn nắp.
>>> Xem thêm: Phương Pháp Montessori – 6 Nội Dung Quan Trọng Nhất Bố Mẹ Cần Biết
Phương pháp Montessori phù hợp với lứa tuổi nào?
- Montessori chú trọng vào phát triển cá nhân, hoạt động riêng của từng trẻ hơn là khả năng kết nối, làm việc nhóm của trẻ. Vì thế, những em bé khá trầm tính, phát triển nội tâm, hướng nội sẽ rất phù hợp với phương pháp này.
- Việc học theo Montessori thường chú trọng tương tác với học cụ có sẵn nên việc phát triển khả năng sáng tạo có thể không bằng một số phương pháp khác.
- Những em bé tính khí mạnh, “thường phá luật” có thể sẽ mất một thời gian dài hơn để thích nghi với môi trường chú trọng sự trật tự, ngăn nắp của Montessori.
Một số lưu ý khi chọn trường Montessori cho con
Bất kì trường nào cũng có thể xưng là trường “Montessori”, không có quy chuẩn nào cho một ngôi trường theo phương pháp này. Cách tốt nhất để đảm bảo bạn chọn đúng một trường Montessori cho con là chắc chắn giáo viên của trường có chứng chỉ do AMI – Hiệp hội Montessori quốc tế cấp và có giá trị trên toàn thế giới. Các giáo viên để có chứng chỉ này phải trải qua quá trình học tập và thi tuyển, thực hành thực sự, khoảng vài năm. Những giáo viên có chứng chỉ AMI có thể hoạt động ở bất kì trường Montessori nào trên thế giới, nhất là các trường Montessori chuẩn và có uy tín.
>>> Xem thêm: Phương Pháp Montessori Tại Nhà – 12 Điều Bố Mẹ Cần Phải Nhớ
Hiện nay có nhiều tổ chức tự xưng đào tạo và cấp chứng chỉ Montessori khiến nhiều bố mẹ lẫn lộn giữa giáo viên Montessori chuẩn quốc tế do Hiệp hội Montessori quốc tế công nhận và giáo viên Montessori do một tổ chức, cá nhân nào đó công nhận. Việc đào tạo giáo viên ở các tổ chức này chất lượng cũng không đồng đều, tùy thuộc vào từng tổ chức.
Vì vậy, nếu bố mẹ không thể chọn một trường Montessori có giáo viên AMI (thường có học phí khá cao, khoảng 10 triệu đồng/ tháng), hãy chọn một trường bất kì, giáo viên có chứng chỉ bất kì nhưng đảm bảo người đó đã nghiên cứu kĩ về Montessori, hiểu kĩ về phương pháp đó và có lòng yêu trẻ.
>>> Tìm hiểu thêm: Tài Liệu Montessori Và Tài Liệu Về Hệ Thống Giáo Cụ Montessori