Người Công Dân Số Một – Tập Đọc Lớp 5 – Trọn Bộ Bài Đọc và Bài Giải

Bài đọc người công dân số một là một trong những bài đọc mà không chỉ các em học sinh mà còn rất nhiều phụ huynh nhớ đến. Dưới đây là nội dung bài đọc, bài giảng (câu hỏi và câu trả lời trong sách giáo khoa) của bài đọc tiếng Việt lớp 5 này

Bài đọc người công dân số một 

Người công dân số Một

Cảnh trí: Một ngôi nhà ở Xóm Chiếu, Sài Gòn. Dưới ngọn đèn dầu lù mù, anh Thành đang ngồi ghi chép. Anh Lê vào.

Lê:                   – Anh Thành! Mọi thứ tôi thu xếp xong rồi. Sáng mai anh có thể đến nhận việc đấy.

Thành:             – Có lẽ thôi, anh ạ.

Lê:                   – Sao lại thôi? Anh chỉ cần cơm nuôi và mỗi tháng một đồng. Tôi đã đòi cho anh thêm mỗi năm hai bộ quần áo và mỗi tháng thêm năm hào….   (Nói nhỏ) Vì tôi nói với họ:  anh biết chữ Tàu, lại có thể viết phắc-tuya bằng tiếng  Tây.

Thành:             – Nếu chỉ cần miếng cơm manh  áo thì tôi đã ở Phan Thiết cũng đủ sống….

Lê:                   – Vậy anh vào Sài Gòn này làm gì?

Thành:             – Anh Lê này! Anh học trường Sa-xơ-lu Lô-ba… thì… ờ anh là người nước nào/

Lê:                   – Anh hỏi lạ thật. Anh người nước nào thì tôi là người nước ấy.

Thành:             – Đúng! Chúng ta là đồng bào. Cùng máu đỏ da vàng với nhau. Nhưng… anh có khi nào nghĩ đến đồng bào không?

Lê:                   – Sao lại không? Hôm qua ông đốc học nhắc lại nghị định của giám đốc Phú Lãng Sa tháng 5 năm 1881 về việc người bản xứ muốn vào làng Tây….

Thành:           – À… Vào làng Tây để có tên Tây, đi lại, ăn ở, làm việc, lương bổng như Tây… Anh đã làm đơn chưa?

Lê:                   – Không bao giờ! Không bao giờ tôi quên dòng máu chảy trong cánh tay này là của họ Lê, anh hiểu không? Nhưng tôi chưa hiểu vì sao anh thay đổi  ý kiến, không định xin việc làm ở Sài Gòn này nữa.

Thành:             – Anh Lê ạ, vì đèn dầu ta không sáng bằng đèn hoa kì. Đèn hoa kì lại không sáng bằng đèn toạ đăng. Hôm qua, tôi đi xem chớp bóng lại thấy ngọn đèn điện mới thật là sáng nhất. Sáng như ban ngày mà không có mùi, không có khối.

Lê:                   – Anh kể chuyện đó làm gì?

Thành:             – Vì anh với tôi…. Chúng ta là công dân của nước Việt….

 

Người công dân số Một

(tiếp theo)

Lê: – Phải, chúng ta là con dân nước Việt. Nhưng chúng ta sẽ làm được cái gì nào? cái gì nào? Súng kíp của ta mới bắn được một phát thì sung của họ đã bắn được năm, sáu mươi phát. Quan ta lạy súng thần công bốn lạy rồi mới bắn, trong khi ấy đại bác của họ đã bắn được hai mươi viên. Những công dân yếu ớt như anh với tôi thì làm được gì?

Thành: – Tôi muốn đi sang nước họ. Để giành lại non sông, chỉ có hùng tâm tráng khí chưa đủ, phải có trí, có lực… Tôi muốn sang nước họ, xem cách làm ăn của họ, học cái trí khôn của họ để về cứu dân mình…

Lê: – Anh ơi, Phú Lãng Sa ở xa lắm đấy. Tàu biển chạy hàng tháng mới tới nơi. Một suất vé hàng ngàn đồng. Lấy tiền đâu mà đi?

Thành: – Tiền đây chứ đâu? (Xoè hai bàn tay ra) Tôi có anh bạn tên là Mai, quê Hải Phòng. Anh ấy làm bếp dưới tàu La-tút-sơ Tơ-rê-vin. Tôi đang nhờ anh ấy xin cho một chân gì đó….

Lê: – Vất vả lắm. Lại còn say sóng nữa…

(Có tiếng gõ cửa. Anh Mai vào.)

Mai: – (Với anh Lê) Chào ông. (Quay sang anh Thành) Anh Thành ạ, tôi đã xin được cho anh một chân phụ bếp.

Thành: – Cảm ơn anh. Bao giờ phải trình diện?

Mai: – Càng sớm càng tốt. Nhưng đêm nay anh hãy nghĩ kĩ đi đã. Vất vả, khó nhọc lắm đấy. Sóng Biển Đỏ rất dữ dội, có thể chết được. Mà chết thì người ta bỏ vào áo quan, bắn một loạt súng chào, rồi “A-lê hấp!”, cho phăng xuống biển là rồi đời.

Thành: – Tôi nghĩ kĩ lắm rồi. Làm thân nô lệ mà muốn xoá bỏ kiếp nô lệ thì sẽ thành công dân, còn yên phận nô lệ thì mãi mãi là đầy tớ cho người ta…. Đi ngay có được không, anh?

Mai: – Cũng được.

(Thành cho sách vào túi quần áo, khoác lên vai.)

Lê: – Này… Còn ngọn đèn hoa kì…

Thành: – Sẽ có một ngòn đèn khác anh ạ. Chào anh nhé! (Cùng Mai đi ra cửa)

Lê: – Ch… ào!

(Tắt đèn)

(còn nữa)

Theo Hà Văn Cầu – Vũ Đình Phòng

Chú Giải bài đọc người công dân số 1

– Anh Thành: (Nguyễn Tất Thành): tên Bác Hồ thời trẻ.

– Phắc-tuya: hóa đơn

– Trường Sa-xơ-lu Lô-ba: Một trường học ở Sài Gòn hồi đầu thế kỉ XX dành cho con cái người Pháp và những gia đình Việt Nam khá giả.

– Đốc học: người phụ trách giáo dục ở một tỉnh, thành phố thời trước.

– Nghị định: văn bản của cơ quan hành chính cấp cao quy định những điều cần thực hiện trong một lĩnh vực cụ thể.

– Giám quốc: người đứng đầu nước Pháp lúc đó.

– Phú Lãng Sa: nước Pháp

– Vào làng Tây: nhập quốc tịch Pháp (trở thành công dân Pháp)

– Đèn hoa kì: đèn dầu hỏa nhỏ, có bấc tròn.

– Đèn tọa đăng: đèn để bàn loại to, thắp bằng đèn dầu hỏa

– Chớp bóng: chiếu phim

 – Súng thần công: súng lớn thời xưa, đặt trên bệ cố định hoặc trên giá có bánh xe, có đoạn bằng đá, đồng hoặc gang, hình cầu, được nạp từ miệng nòng; tầm bắn xa khoảng hơn 200 mét

– Hùng tâm tráng khí: lòng quả cảm và khí phách mạnh mẽ

– Tàu la-tút-sơ Tơ-rê-vin: một tàu buôn của người Pháp. Trên chiếc tàu này, năm 1911, Bác Hồ rời Tổ quốc đi tìm đường cứu nước.

– Biển Đỏ (còn gọi là Hồng Hải) biển thuộc Ấn Độ Dương, nước có sắc đỏ.

– A-lê-hấp (tiếng Pháp): lời thúc giục hành động

Xem thêm: Từ Vựng Tiếng Anh Lớp 5 – Tổng Hợp Trọn Bộ Chương Trình Học

Soạn bài Người công dân số Một

Câu 1

Anh Lê giúp anh Thành việc gì?

Phương pháp giải:

Con đọc đoạn đầu anh Thành và anh Lê nói chuyện với nhau.

Lời giải chi tiết:

Anh Lê giúp anh Thành tìm việc ở Sài Gòn

Câu 2

Những câu nói nào của anh Thành cho thấy anh luôn luôn nghĩ tới dân, tới nước?

Phương pháp giải:

Con xem lại những lời anh Thành đã nói trong đoạn trích.

Lời giải chi tiết:

Nhìn chung, các câu nói của anh Thành trong đoạn trích này đều trực tiếp hay gián tiếp liên quan đến vấn đề cứu dân cứu nước. Những câu nói thể hiện trực tiếp của anh Thành về dân về nước là:

*   Chúng ta là đồng bào, cùng máu mủ da vàng với nhau. Nhưng… anh có khi nào nghĩ đến đồng bào không?

*   Vì anh với tôi… chúng ta là công dân nước Việt…

Câu 3

Câu chuyện giữa anh Thành và anh Lê nhiều lúc không ăn nhập với nhau. Hãy tìm những chi tiết thể hiện điều đó và giải thích vì sao như vậy.

Phương pháp giải:

– Con xem lại vở kịch để tìm những đoạn không ăn nhập đó.

– Con thử nghĩ xem, anh Thành đang nghĩ đến chuyện gì và mục đích để làm gì? còn anh Lê lại đang nghĩ đến chuyện gì và mục đích để làm gì?

Lời giải chi tiết:

Câu chuyện giữa anh Thành và anh Lê nhiều lúc không ăn nhập với nhau.

Những chi tiết cho thấy câu chuyện giữa anh Thành và anh Lê không ăn nhập với nhau là:

–  Anh Lê gặp anh Thành đế báo tin đã xin được việc làm cho anh Thành nhưng anh Thành lại không nói đến chuyện đó.

–   Anh Thành thường không trả lời vào câu hỏi anh Lê, rõ nhất là hai lần đối thoại:

+ Anh Lê hỏi: Vậy anh vào Sài Gòn này làm gì?

Anh Thành đáp: Anh học trường Sa-xơ-lu Lô-ba… thì… ờ… anh là người nước nào?

+ Anh Lê nói: Nhưng tôi chưa hiểu vì sao anh thay đổi ý kiến, không xin việc lảm ở Sài Gòn này nữa.

Anh Thành trả lời: …vì đèn dầu ta không sáng bằng đèn Hoa Kì.

Sở dĩ câu chuyện giữa hai người nhiều lúc không gặp nhau vì mỗi người theo đuổi một ý nghĩ khác nhau. Anh Lê chỉ nghĩ đến công việc làm ăn của bạn, đến cuộc sống hằng ngày. Anh Thành nghĩ đến việc cứu nước, cứu dân.

Soạn bài Người công dân số Một (tiếp theo) 

Câu 1 (trang 11 sgk Tiếng Việt 5)

Anh Lê, anh Thành đều là những thanh niên yêu nước, nhưng giữa họ có gì khác nhau?

Trả lời:

Năm lời thoại giữa anh Thành và anh Lê mở đầu đoạn kịch cho thấy cả anh Lê và anh Thành đều yêu nước. Anh Lê thấy rất nhiều khó khăn khi tìm đường cứu nước (súng của ta kém địch xa, đi sang nước Pháp rất khó vì ở xa, không có phương tiện, tiền nong đi lại…). Ngược lại anh Thành đầy quyết tâm và luôn sáng tạo (muốn sang Pháp để học cái trí khôn, cách làm ăn của họ về cứu dân mình, dùng hai bàn tay lao động kiếm tiền để sang Pháp…).

Câu 2 (trang 11 sgk Tiếng Việt 5)

Quyết tâm của anh Thành đi tìm đường cứu nước được thể hiện qua những lời nói, cử chỉ nào?

Trả lời:

Quyết tâm của anh Thành đi tìm đường cứu nước được thể hiện:

– Qua lời nói: “Tôi muốn sang nước họ, xem cách làm ăn của họ, học cái trí khôn của họ để về cứu dân mình… Làm thân nô lệ mà muốn xóa bỏ kiếp nô lệ thì sẽ thành công dân, còn yên phận nô lệ thì mãi mãi làm đầy tớ cho người ta… Đi ngay có được không, anh?”

– Qua cử chỉ: Xòe hai bàn tay ra để trả lời câu hỏi của anh Lê: Tiền đây chứ đâu?

– Qua hành động: Cho sách vào túi quần áo, khoác lên vai và đi ngay cùng anh Mai để nhận việc.

Câu 3 (trang 11 sgk Tiếng Việt 5)

“Người công dân số Một” trong đoạn kịch là ai? Vì sao có thể gọi như vậy?

Trả lời:

Người công dân số một trong đoạn kịch là Nguyễn Tất Thành vì ý thức là công dân của một nước Việt Nam độc lập được thức tỉnh rất sớm ở Người. Với ý thức này Nguyễn Tất Thành đã ra nước ngoài tìm con đường cứu nước, lãnh đạo nhân dân giành độc lập cho đất nước.

 

4.7/5 - (16 votes)

Check Also

Cách Nối Các Vế Câu Ghép Lớp 5 - Lý Thuyết - 4 Dạng Bài Tập Có Lời Giải Theo SGK

Cách Nối Các Vế Câu Ghép Lớp 5 – Lý Thuyết – 4 Dạng Bài Tập Có Lời Giải Theo SGK

Ngoài phần lý thuyết và các dạng bài tập về cách nối các vế câu …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *