Truyện người mẹ Hiền nằm trong chương trình tập đọc lớp 2 cho bé. Dưới đây là nội dung chi tiết bài đọc cũng như hướng dẫn soạn bài và trả lời câu hỏi trong sách giáo khoa.
Các Nội Dung Chính
Truyện Người Mẹ Hiền
1. Giờ ra chơi, Minh thì thầm với Nam : “Ngoài phố có gánh xiếc, bọn mình ra xem đi !”
Nghe vậy, Nam không nén nổi tò mò. Nhưng cổng trường khóa, trốn ra sao được. Minh bảo :
– Tớ biết có một chỗ tường thủng.
2. Hết giờ ra chơi, hai em đã ở bên bức tường. Minh chui đầu ra. Nam đẩy Minh lọt ra ngoài. Đang đến lượt Nam cố lách ra thì bác bảo vệ vừa tới, nắm chặt hai chân em :”Cậu nào đây ? Trốn học hả ?” Nam vùng vẫy, Bác càng nắm chặt cổ chân Nam. Sợ quá, Nam khóc toáng lên.
3. Bỗng có tiếng cô giáo :
– Bác nhẹ tay kẻo cháu đau. Cháu này là học sinh lớp tôi.
Cô nhẹ nhàng kéo Nam lùi lại và đỡ em ngồi dậy. Cô phủi đất cát lầm lem trên người Nam và đưa em về lớp.
4. Vừa đau, vừa xấu hổ, Nam bật khóc. Cô xoa đầu Nam và gọi Minh đang thập thò ở cửa lớp vào, nghiêm giọng hỏi :
– Từ nay các em có trốn học đi chơi nữa không ?
Hai em cùng đáp :
– Thưa cô, không ạ. Chúng em xin lỗi cô.
Cô hài lòng, bảo hai em về chỗ rồi tiếp tục giảng bài.
Theo NGUYỄN VĂN THỊNH
Chú giải từ khó
– Gánh xiếc : nhóm xiếc nhỏ thường đi biểu diễn ở nhiều nơi.
– Tò mò : muốn biết mọi chuyện
– Lách : lựa khéo để qua chỗ chật hẹp.
– Lấm lem : bị dính bẩn nhiều chỗ.
– Thập thò : ló ra rồi lại ẩn đi.
Ý nghĩa và nội dung chính bài đọc
Cô giáo vừa yêu thương, vừa nghiêm khắc dạy bảo học sinh nên người. Cô như người mẹ hiền của các em. Câu chuyện cũng nhắc nhở các em phải ngoan ngoãn, vâng lời cô dạy, không nên làm thầy cô phải phiền lòng.
Hướng dẫn soạn bài Người mẹ hiền và trả lời câu hỏi SGK
Câu 1 Giờ ra chơi Minh rủ Nam đi đâu?
Phương pháp giải:
Em đọc đoạn 1 của truyện.
Lời giải chi tiết:
Giờ ra chơi, Minh rủ Nam ra ngoài phố xem gánh xiếc.
Câu 2 Các bạn ấy định ra phố bằng cách nào?
Phương pháp giải:
Em đọc đoạn 1 và 2 của truyện.
Lời giải chi tiết:
Các bạn ấy định ra phố bằng cách chui qua lỗ tường thủng.
Câu 3 Khi Nam bị bác bảo vệ giữ lại, cô giáo làm gì?
Phương pháp giải:
Em đọc đoạn 3 của truyện.
Lời giải chi tiết:
Khi Nam bị bác bảo vệ giữ lại, cô giáo nhắc bác bảo vệ nhẹ tay với Nam rồi cô đỡ em ngồi dậy, phủi đất cát lấm lem trên người và đưa Nam về lớp.
Câu 4 Cô giáo làm gì khi Nam khóc?
Phương pháp giải:
Em đọc đoạn 4 của truyện.
Lời giải chi tiết:
Cô xoa đầu Nam an ủi khi bạn ấy khóc.
Câu 5 Người mẹ hiền trong bài là ai?
Phương pháp giải:
Em đọc truyện và tìm ra hình ảnh người mẹ hiền.
Lời giải chi tiết:
Người mẹ hiền trong bài là cô giáo.
Trắc nghiệm bài tập đọc lớp 2: Người mẹ hiền
1. Giờ ra chơi, Minh thì thầm với Nam về điều gì?
a. Minh rủ Nam đi đá bóng.
b. Minh rủ Nam trốn học.
c. Minh rủ Nam đi xem gánh xiếc ngoài phố
2. Giờ ra chơi, Minh rủ Nam đi đâu?
a. đi ăn quà vặt
b. chơi bắn bi
c. chơi bài
d. xem xiếc
3. Nam và Minh định trốn đi xem xiếc bằng cách nào?
a. giả vờ ốm để bố mẹ đến đón
b. chui qua chỗ tường thủng
c. xin phép bác bảo vệ cho đi
d. đi qua cổng trường
4. Khi Nam đang cố lách ra ngoài bức tường thì gặp chuyện gì?
a. Nam bị mắc kẹt giữa bức tường.
b. Nam bị thương ở chân.
c. Nam bị bác bảo vệ phát hiện và cầm chặt chân.
5. Khi Nam và Minh đang lách để trốn ra ngoài thì bị ai giữ lại?
a. bác bảo vệ
b. cô giáo
c. các bạn
d. thầy hiệu trưởng
6. Nam đã làm gì khi bị bác bảo vệ nắm chân?
a. Nam cố gắng thoát ra ngoài cùng bạn.
b. Nam sợ quá, khóc toáng lên.
c. Nam khoanh tay nhận lỗi với bác
7. Khi bắt gặp, cô đã làm thế nào với hai bạn Nam và Minh?
a. Phạt hai bạn
b. Cho hai bạn đi chơi tiếp
c. Cô xoa đầu và nhắc các bạn không trốn học nữa
8. Vì sao Nam lại bật khóc với cô giáo
a. Vì bạn ấy bị đau và xấu hổ.
b. Vì bạn ấy buồn khi bị cô phát hiện.
c. Vì Nam không được đi xem gánh xiếc.
9. Cô giáo nói với bác bảo vệ điều gì
a. Cô nhắc bác nhẹ tay kẻo làm đau Nam.
b. Cô nói đó là học sinh của lớp cô.
c. Cả hai đáp án trên đều đúng
10. Cô đã có thái độ như thế nào với hai bạn mắc lỗi
a. Nhẹ nhàng.
b. Nghiêm khắc.
c. Yêu thương.
11. Nội dung của câu chuyện là gì?
a. Cô giáo vừa yêu thương, vừa nghiêm khắc dạy bảo học sinh nên người. Cô như người mẹ hiền của các em.
b. Em không nên trốn học để khiến thầy cô buồn phiền.
c. Em không được ham vui
12. Qua câu chuyện em thấy cô giáo là người như nào?
a. Cô rất khó tính
b. Cô rất nghiêm khắc
c. Cô rất hiền và sâu sắc.