Câu chuyện sự tích về hồ Ba Bể muốn ca ngợi những con người có lòng nhân ái, sẵn sàng giúp đỡ, cưu mang những người nghèo khổ, hoạn nạn. Cùng theo dõi nội dung truyện sự tích hồ Ba Bể bên dưới.
Các Nội Dung Chính
Nội dung truyện sự tích Hồ Ba Bể
Ngày xưa, ở vùng Bắc Cạn, mỗi năm dân làng Năm Mẫu đều có tổ chức lễ cúng Phật lớn, gọi là lễ Vô Giá. Dân chúng khắp miền mạn ngược tề tựu lại rất đông. Một hôm, có một bà lão bệnh cùi đến làng dự lễ. Quần áo bà rách rưới, tả tơi. Người bà bốc mùi hôi hám, rất khó chịu, khiến mọi người phải lánh xa. Bà lão hủi này đến nhà nào xin ăn, đều bị xua đuổi, mắng nhiếc. Người ta sợ lây bệnh cùi hủi.
Tuy nhiên, có người biết động lòng thương hại. Đó là một người đàn bà goá, ở với con trai. Bà không kinh tởm, gọi bà lão hủi vào nhà cho ăn uống no đủ. Sau đó, bằng lòng cho bà lão ăn mày ngủ nhờ một đêm, ở góc vựa lúa, trong lều. Đến nửa đêm, hai mẹ con bỗng giật mình thức giấc, nghe có tiếng động ầm ầm dữ dội từ phiá vựa thóc. Mở cửa vựa thóc ra, không thấy bà lão cùi đâu, mà là một con rắn lớn uốn mình ầm ầm như tiếng sấm. Hai mẹ con kinh hãi trở ra, thao thức, lo sợ, không ngủ được nữa. Đến sáng, thấy bà lão đi ra từ vựa thóc, nói:
– Tôi thật sự không phải là người, chỉ giả dạng ăn mày để thử lòng từ thiện của tín hữu nam nữ đến làng Năm Mẫu lễ Phật. Tất cả mọi người đều xua đuổi tôi, ngoại trừ 2 mẹ con nhà này. Họ đều là khẩu Phật tâm xà, sẽ không tránh khỏi hình phạt của bề trên đã giao phó cho tôi thi hành. Hai mẹ con bà biết thương kẻ khốn cùng, cho nên tôi xin báo trước là sắp có tai họa lớn xảy ra. Hễ khi nào thấy có nước nguồn bắt đầu đổ về đây, thì hai mẹ con hãy mau mau chạy lên đỉnh núi mà tránh.
Nói xong, bà lão biến mất. Qua ngày hôm sau, trong lúc mọi người đang chen nhau đến dự lễ Phật giữa làng, bỗng nhiên, nước ở đâu cuồn cuộn đổ tới tứ phía, tràn vào thung lũng. Người ta trèo lên mái nhà, trèo lên cây. Nhưng nước cứ dâng tràn đầy lên mãi, ngập cả những nóc nhà và cây cao. Tất cả mọi người đều bị chết ngộp, trừ 2 mẹ con bà goá kia đã chạy vội thoát lên được trên đỉnh núi cao.
Trên núi, hai mẹ con dựng lên một gian nhà nhỏ sinh sống. Nơi này, về sau trở thành một ngôi làng đông đúc, và ngày nay vẫn có tên là làng Năm Mẫu. Cả thung lũng bị nước tràn ngập thì hoá thành 3 cái hồ rộng lớn, mênh mông như bể, nên người ta gọi là Hồ Ba Bể. Nước ở ba hồ lưu thông nhau, nhưng ghe thuyền không thể đi được từ hồ này sang hồ kia, vì có các đập đá lớn ngăn trở. Hồ Ba Bể rộng bát ngát, nước trong xanh như ngọc bích, nổi bật giữa núi rừng hùng vĩ của miền thượng du Bắc Việt.
Ý nghĩa câu truyện Hồ Ba Bể:
Câu chuyện sự tích về hồ Ba Bể muốn ca ngợi những con người có lòng nhân ái, sẵn sàng giúp đỡ, cưu mang những người nghèo khổ, hoạn nạn. Chúng ta không được ích kỷ cũng như vô cảm với những người khó khăn xung quanh chúng ta.
Kể chuyện sự tích hồ ba bể lớp 4
Bài văn mẫu 1 về truyện sự tích Hồ Ba Bể
Ngày xưa, có lần dân làng Nam Mẫu thuộc tỉnh Bắc Kạn mở ngày hội cúng Phật. Mọi người nô nức đi xem hội. Bỗng nhiên, xuất hiện một bà cụ ăn mày không biết từ đâu đến. Trông bà thật gớm ghiếc, thân thể gầy còm, lở loét, mùi hôi thối xông ra rất khó chịu. Bà cụ chỉ phều phào mấy tiếng: “Tôi đói lắm, các ông, các bà ơi!”, rồi chìa tay ra bốn phía cầu xin.
Ngày xưa, có lần dân làng Nam Mẫu thuộc tỉnh Bắc Kạn mở ngày hội cúng Phật. Mọi người nô nức đi xem hội.
Bỗng nhiên, xuất hiện một bà cụ ăn mày không biết từ đâu đến. Trông bà thật gớm ghiếc, thân thể gầy còm, lở loét, mùi hôi thối xông ra rất khó chịu. Bà cụ chỉ phều phào mấy tiếng: “Tôi đói lắm, các ông, các bà ơi!”, rồi chìa tay ra bốn phía cầu xin.
Nhưng đến đâu bà cụ cũng bị xua đuổi. Lê bước khỏi đám hội, vào nhà nào bà cũng bị hắt hủi. May sao đến ngã ba, bà gặp mẹ con nhà kia vừa đi chợ về. Thấy bà lão ăn xin tội nghiệp, người mẹ thương tình đưa về nhà, lấy cơm cho ăn, rồi mời nghỉ lại qua đêm.
Đến giữa khuya, hai mẹ con bỗng thấy chỗ bà cụ nằm sáng rực lên. Nhưng lạ thay, ở đấy không còn bà lão ăn xin già yếu, lở loét nữa mà có một con giao long to lớn đang cuộn mình, đầu gác lên xà nhà, đuôi thò xuống đất. Mẹ con bà goá rụng rời kinh hãi, đành nhắm mắt nằm im, phó mặc cho số phận.
Sáng hôm sau tỉnh dậy, họ chẳng thấy giao long đâu cả. Trên chõng vẫn là bà cụ ăn mày ốm yếu. Bà cụ đang sửa soạn ra đi. Bà nói: “Vùng này sắp có lụt lớn. Ta cho hai mẹ con chị gói tro này, nhớ rắc ngay xung quanh nhà mới tránh được nạn”.
Người mẹ nghe vậy lấy làm lạ, bèn hỏi: “Thưa cụ, vậy làm sao để cứu mọi người khỏi chết chìm?”. Bà cụ suy nghĩ giây lát rồi nhặt một hạt thóc, cắn vỡ ra, đưa vỏ trấu cho hai mẹ con và bảo: “Hai mảnh vỏ trẩu này sẽ giúp mẹ con nhà chị làm việc thiện”.
Nói rồi, vụt một cái, đã không thấy bà cụ đâu nữa. Hai mẹ con vội làm theo lời dặn rồi đi báo cho mấy người gần đó biết. Họ đều bật cười, cho đó là chuyện bâng quơ.
Tối hôm ấy, đám hội đang náo nhiệt, mọi người đang sì sụp lễ bái, bỗng có một cột nước từ dưới đất phun lên, mỗi lúc một mạnh. Đất xung quanh lở dần. Lúc đó. mọi người đều kinh hoảng, chen nhau chạy tháo thân. Nhưng không kịp nữa rồi. Đất dưới chân họ rung chuyển. Một tiếng ầm dữ dội nổi lên, nhà cửa, người và vật đều chìm sâu dưới nước.
Trong khi tất cả đều ngập trong biển nước thì ngôi nhà nhỏ của hai mẹ con người đàn bà goá vẫn khô ráo vì nền nhà của họ mỗi lúc một cao lên. Đau xót trước cảnh nước lũ bất ngờ tàn phá, hai mẹ con đem hai mảnh vỏ trấu ra. Vừa đặt xuống nước, vỏ trấu hoá thành hai chiếc thuyền lớn. Thế là mặc gió mưa, họ chèo thuyền đi khắp nơi, cố sức vớt những người bị nạn.
Chỗ đất sụt xuống ấy chính là hồ Ba Bể. Còn cái nền nhà của hai mẹ con thành một hòn đảo nhỏ trong hồ. Người địa phương gọi chỗ ấy là gò Bà Goá.
Bài văn mẫu 2
Xưa ở xã Nam Mẫu (thuộc tỉnh Bắc Kạn) có mở ngày hội cúng Phật rất đông vui. Mọi người thi nhau cúng Phật cầu phúc. Một hôm, bỗng nhiên xuất hiện một bà già ăn xin, trông bà ta thật bẩn thỉu, gớm giếc, mọi người ai cũng ghét và xa lành bà ta.
Cách đó không xa, có một gia đình chỉ có hai mẹ con sống rất nghèo khổ thấy bà cụ đói rách thì thương xót, cho ăn, cho ngủ. Đêm hôm ấy người mẹ tỉnh giấc thấy trên chiếc chông giữa nhà có một luồng ánh sáng, rực lên trong đêm mà chẳng thấy bà lão đâu cả. Người mẹ chỉ thấy một con Giao Long to lớn đang cuộn mình nằm ngủ. Người mẹ vô cùng sợ hãi, nhưng cũng chẳng biết phải làm gì và ngủ thiếp đi.
Sáng hôm sau, bà lão chuẩn bị đồ đạc để ra đi, bà lão nói: Chúng nó thờ Phật mà kì thực là buôn Phật. Đáng phải chịu tội chết chìm, chỉ có mẹ con nhà bà là tốt bụng. Thế rồi bà cho hai mẹ con một gói tro, dặn rắc quanh nhà và một chiếc vỏ trấu rồi vụt biến mất.
Hai mẹ con đem chuyện kỳ lạ kể cho mọi người nghe nhưng chẳng có ai tin. Họ chỉ cười. tối đến, khi mọi người đang làm lễ bái thì bỗng từ dưới đất có một dòng nước phun lên chính giữa bàn thờ Phật, nước phun mỗi lúc một mạnh và cuốn phăng đi tất cả đồ đạc, người, vật, nhà cửa, đất đá…tạo thành một cái hố rất sâu. Nhưng lạ thay, nền nhà của hai mẹ con nhà kia vẫn còn và được nâng lên cao theo dòng nước.
Nhớ lời bà lão dặn, hai mẹ con lấy mảnh trấu ra, vừa đặt xuống thì ngay lập tức nó biến thành chiếc thuyền, hai mẹ con họ chèo thuyền, cố hết sức để cứu giúp những người gặp nạn.
Ngày nay, chỗ đất sự do nước lũ đó chính là hồ Ba Bể, giữa hồ có một hòn đảo nhỏ, đó là nền nhà của hai mẹ con nhà kia. Mọi người gọi đó là “Pô Giả mải” nghĩa là “Gò Bà Góa”
Bài văn mẫu 3
Ngày xửa ngày xưa, ở xã Nam Mẫu thuộc tỉnh Bắc Kạn có phong tục mở hội cầu Phật vào dịp đầu năm. Dân làng ăn mặc đẹp đẽ, nô nức lên chùa thắp hương, khấn vái, mong được nhiều điều may mắn.
Một hôm, bỗng có một bà lão ăn xin từ đâu tới. Trông bà già thật gớm ghiếc. Thân hình bà gầy gò, lở loét, quần áo bẩn thỉu bốc mùi hôi thối. Vừa đi bà vừa thều thào xin ăn: “Tôi đói quá! Mong các ông các bà nhón tay làm phúc!”. Mọi người sợ hãi, xua đuổi bà ra khỏi đám đông.
Bà lão lê bước tới ngã ba thì gặp hai mẹ con cậu bé đi chợ về. Thấy bà lão ăn xin tội nghiệp, người mẹ đưa về nhà, lấy cơm cho ăn rồi mời nghỉ lại qua đêm.
Đến khuya, hai mẹ con nhìn ra chỗ bà già nằm thì thấy sáng rực lên. Một con giao long khổng lồ đầu gác lên xà nhà, đuôi thò xuống đất. Hai mẹ con kinh hãi rụng rời, đành nhắm mắt, nín thở, nằm im phó mặc cho số phận.
Sáng ra, họ chẳng thấy con giao long đâu cả. Trên chõng, vẫn là bà cụ ăn mày ốm yếu, lở loét. Bà cụ đang chuẩn bị ra đi, vẫy người mẹ lại gần, bà bảo rằng vùng này sắp có lụt lớn và đưa cho một gói tro bếp dặn đem rắc quanh nhà. Nghe vậy, người mẹ lo lắng hỏi làm thế nào để cứu người bị nạn. Bà cụ nhặt hạt thóc, cắn vỡ ra rồi đưa hai mảnh vỏ trấu và dặn dùng nó để làm việc thiện. Vụt một cái, bà cụ biến mất. Hai mẹ con bàng hoàng khôn xiết. Người mẹ mang chuyện kể cho dân làng nghe nhưng chẳng ai tin cả.
Quả nhiên, tối hôm đó, lúc mọi người đang sì sụp lễ bái thì một cột nước dưới đất phụt mạnh lên. Nước phun đến đâu, đất lở đến đấy. Dân làng kinh hoàng, chen nhau chạy tháo thân. Bỗng một tiếng ầm rung chuyển mặt đất, nhà cửa và muôn vật trong phút chốc chìm sâu trong biển nước.
Riêng ngôi nhà nhỏ của hai mẹ con tốt bụng vẫn khô ráo, nguyên vẹn và nền nhà mỗi lúc một cao lên. Người mẹ xót xa trước thảm cảnh, sực nhớ lời bà lão dặn, liền thả hai mảnh vỏ trấu xuống nước. Kì lạ thay, chúng biến thành hai chiếc thuyền. Thế là mặc gió lớn, mưa to, hai mẹ con ra sức cứu người bị nạn. Khi nước rút, chỗ đất bị sụp xuống biến thành hồ Ba Bể, còn nền nhà của hai mẹ con thành chiếc gò nổi giữa hổ, người ta gọi là gò Bà Goá.
Bài văn mẫu 4
Chuyện kể rằng, ngày xưa tại một ngôi làng nọ thuộc xã Năm Mẫu, tỉnh Bắc Kạn hằng năm thường tổ chức lễ cúng Phật cầu an lành và giúp đỡ những người khổ cực. Họ luôn nói về chuyện làm phúc, hành thiện trong cuộc sống.
Mọi người ai nấy chuẩn bị đầy đủ, quần áo tươm tất, gọn gàng để đi lễ. Bỗng đâu xuất hiện một bà cụ áo quần rách rưới, người toả ra một mùi hôi khó chịu. Đi đến đâu, cụ cũng đưa cái bát nhỏ ra rồi thều thào: “Làm ơn, làm phúc cứu tôi với, làm ơn thương tôi với”. Nhưng không một ai giúp đỡ, họ xa lánh, xua đuổi cụ khiến cụ buồn rất nhiều. Trời sắp xế chiều mà cụ vẫn một mình lủi thủi dọc đường. May mắn thay, có hai mẹ con bà goá đi lễ về thương tình mà giúp cụ, mời cụ về nhà qua đêm kẻo trời cũng sắp tối, đi giữa đường lại nguy hiểm. Mẹ con bà goá nhường chiếc giường nhỏ của mình cho cụ ngủ, cụ cảm động lắm, nhìn mẹ con bà goá bằng ánh mắt hiền từ rồi ân cần bảo: “Hai mẹ con tuy nghèo nhưng rất tốt bụng. Trời sẽ phù hộ cho hai người”, rồi nằm xuống ngủ.
Trong đêm, mẹ con bà goá thấy chỗ bà cụ nằm là một con giao long to, sáng rực, dù sợ hãi nhưng không dám la lớn, đành phó mặc cho số phận. Sáng hôm sau, mọi chuyện vẫn yên bình, bà lão dặn dò mẹ con bà goá: “Vùng này sắp có lụt lớn đấy, con cầm gói tro này rồi rắc xung quanh nhà để được an toàn”. Nói rồi cụ đưa thêm hai miếng vỏ trấu mà rằng khi nước dâng lên thì thả vỏ trấu xuống mà tìm cách cứu giúp mọi người. Rồi bà cụ biến mất trong phút chốc. Hai mẹ con bà goá ngỡ ngàng. Đem chuyện kể lại cho mọi người nhưng không ai tin. Đêm ấy, mọi người đang làm lễ thì giông tố nổi cuồn cuộn, đất đá sạt lở, cuốn trôi bảo nhà cửa của mọi người. Duy chỉ có nhà mẹ con bà goá vẫn ăn toàn vì nước không tràn vào được nhờ làm theo lời bà cụ rắc tro quanh nhà. Hai mẹ con thả vỏ trấu xuống, dùng thuyền chèo cứu mọi người thoát chết. Họ ân hận vô cùng về hành động sai trái của mình, và luôn biết ơn hai mẹ con bà goá.
Từ đó, nơi bị thần Giao Long làm sụt đất ấy biến thành một hố sâu mà mọi người gọi là Hồ Ba Bể. Nhà mẹ con bà goá nổi cao giữa biển nước mênh mông gọi là gò Bà Goá. Về sau, khi nhắc lại chuyện xưa người ta thường đem câu chuyện này gắn với tích Hồ Ba Bể.
Truyện Trí Khôn Của Ta Đây – Lời Kể Chi Tiết Và Bài Học Rút Ra