Thuyết đa trí tuệ là một học thuyết thể hiện sự nhìn nhận con người trên nhiều khía cạnh. Học thuyết này có ý nghĩa to lớn trong việc phát triển con người đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Cùng tìm hiểu về thuyết này trong bài viết dưới nha.
Các Nội Dung Chính
Thuyết đa trí tuệ là gì
Thuyết đa trí tuệ là một lý thuyết về trí thông minh của con người được nhìn nhận bằng nhiều cách, mang tính đa dạng, được nghiên cứu và công bố bởi tiến sĩ Howard Gardner. Ban đầu Howard Gardner đưa ra 7 Trí thông minh. Hai Trí thông minh đầu tiên có giá trị điển hình trong trường học; ba Trí thông minh tiếp theo thường được gắn với nghệ thuật; và hai Trí thông minh cuối cùng được Howard Gardner gọi là “Trí thông minh cá nhân”.
Năm 1996 ông tiếp tục đưa ra thêm Trí thông minh về tự nhiên. Hiện nay ông nghiên cứu thêm một loại hình Trí thông minh nữa, đó là Trí thông minh Sinh tồn. Theo Howard Gardner, Trí thông minh đa dạng cho thấy mỗi con người có khả năng biểu đạt tri thức của mình theo 9 cách khác nhau và khi đã biết trí thông minh của mình là gì thì bạn sẽ biết học theo cách tốt nhất là như thế nào.
Tác giả thuyết đa trí tuệ
Howard Earl Gardner (sinh ngày 11 tháng 7 năm 1943) là một nhà tâm lý học phát triển người Mỹ và là giáo sư nghiên cứu về nhận thức và giáo dục của John H. và Elisabeth A
>>> Tìm hiểu thêm về Howard Gardner và sách thuyết đa trí tuệ của ông trong bài viết Howard Gardner – Toàn Bộ Thông Tin Về Cha Đẻ Của Đa Trí Thông Minh
Các trí thông minh trong của thuyết đa trí tuệ
1. Trí thông minh logic- Toán học trong thuyết đa trí tuệ
Trí thông minh logic-toán học bao gồm khả năng phân tích các vấn đề một cách logic, thực hiện các hoạt động liên quan đến toán học tốt, xem xét các vấn đề một cách khoa học. Theo Howard Gardner thì những người có trí thông minh này có khả năng phát hiện, suy diễn được các quy trình, có cách tự suy theo dạng nguyên nhân – kết quả. Họ cũng có khả năng lên ý tưởng cho khoa học và toán học, sáng tạo ra các học thuyết mới, tìm ra các mô hình số học hoặc quy tắc dựa trên các khái niệm, đồng thời thích đưa ra các quan điểm dựa trên lý trí trong cuộc sống nói chung.
![1. Trí thông minh logic- Toán học trong thuyết đa trí tuệ](https://i0.wp.com/nuoicondung.com/wp-content/uploads/2020/08/1.-Trí-thông-minh-logic-Toán-học-trong-thuyết-đa-trí-tuệ-.jpg?resize=618%2C337&ssl=1)
Đặc điểm của người có trí thông minh logic
Người có trí thông minh logic là người có các đặc điểm sau:
-Có khả năng suy luận, tính toán với các con số, biểu đồ, thống kê.
-Hiểu rõ nguyên nhân của các vấn đề cũng như luôn tìm ra giải pháp cho các vấn đề đó.
-Hiểu được cấu trúc của nguyên nhân – kết quả và diễn giải được quá trình.
Sự phát triển của trí thông minh logic
Trong lịch sử, trí thông minh logic vốn đã được nghiên cứu như một nhánh của triết học. Kể từ giữa thế kỉ 19, logic đã là khái niệm thường xuyên trong toán học và luật khoa.
Ngày nay, dưới tác động của cách mạng khoa học – công nghệ, logic học (hình thức) phát triển hết sức mạnh mẽ dẫn đến sự hình thành một loạt các bộ môn logic học hiện đại, như logic học mệnh đề, logic học vị từ, logic học đa trị, logic học tình thái, logic học xác suất, v.v.. Các bộ môn đó cung cấp cho nhân loại những công cụ sắc bén giúp tư duy con người ngày càng đi sâu hơn vào nhận thức các bí mật của thế giới khách quan.
Sự ra đời của trí thông minh logic hiện đại tạo ra bước ngoặt trong sự phát triển của khoa học và công nghệ. Điều này là hoàn toàn rõ ràng và thể hiện rõ nét nhất trong lĩnh vực công nghệ hiện đại. Logic học hiện đại đã cung cấp cho nhân loại những công cụ để xây dựng các bộ điều khiển, từ đó xây dựng nên các công nghệ tự động hoá. Nó cũng cung cấp các phương tiện logic cho việc chế tạo máy tính điện tử. Gần đây nhất logic được áp dụng vào khoa học máy tính và trí tuệ nhân tạo.
Chính vì vậy, có thể nói rằng, không có logic học hiện đại thì khó có khoa học hiện đại phát triển như ngày nay. Hơn thế nữa, các hệ thống logic phi cổ điển (tình thái, đa trị, xác suất, v.v.) cũng trang bị cho nhân loại những phương tiện logic để nhận thức ngày càng sâu sắc hơn, đầy đủ hơn “cái biện chứng” khách quan bằng các công cụ chính xác.
Một số cách phát triển trí thông minh Logic – Toán học:
Bạn có thể tăng trí thông minh Logic – Toán học theo những cách sau:
-Chơi các trò chơi logic toán học, giải các câu đố logic và các vấn đề về trí não: Mua những cuốn sách về các câu đố hoặc vào trang web có các bài toán vui và câu đố hóc búa…, rồi tự mình hoặc cùng bạn bè giải đố.
– Học cách sử dụng bàn tính
– Thực hành các tính toán đơn giản mà không dùng máy tính (bạn có thể sử dụng giấy bút khi đã tính xong để kiểm tra lại kết quả). Nếu nhận thấy mình có thể tính nhẩm dễ dàng, hãy luyện các bài toán khó hơn.
– Thảo luận cùng gia đình, bạn bè… về toán học, về các khái niệm hoặc các sự kiện khoa học.
– Học một ngôn ngữ máy tính như Basic, Pascal… Nếu bạn thích, hãy học ngôn ngữ máy tính HTML hay Java để tạo trang web cho mình.
– Tham gia khóa học cơ bản về khoa học hoặc Toán học ở trường ĐH, bạn cũng có thể mua sách hướng dẫn tự học
– Đọc báo hàng ngày về các mục kinh doanh, tìm hiểu các khái niệm về tài chính và kinh tế mà bạn chưa biết rõ.
– Đọc những khám phá và những tìm tòi về khoa học hoặc toán học nổi tiếng.
– Đến tham quan một phòng thí nghiệm hoặc môi trường có sử dụng toán học hoặc các khái niệm toán học. Thăm các bảo tàng khoa học, nhà mô hình vũ trụ, bể nuôi sinh vật biển, viện nghiên cứu, hoặc các trung tâm khoa học khác.
– Học cách sử dụng “phương pháp thử và sai” trong việc giải quyết vấn đề liên quan đến toán học.
– Hình thành các nhóm học tập để thảo luận về những khám phá khoa học gần đây và những vấn đề liên quan của chúng với cuộc sống hàng ngày.
– Xem các chương trình (truyền hình), các phim tài liệu về khoa học và toán học.
– Chú ý những khái niệm khoa học, các biểu thức toán học không quen thuộc mà bạn tìm thấy trong lúc đọc sách. Và tìm lời giải thích trong sách giáo khoa hoặc từ những người am hiểu về các vấn đề đó. Không tránh né những vấn đề có liên quan đến toán học mà bạn gặp phải trong cuộc sống hàng ngày.
– Tự ghi âm khi bạn nói to về lời giải một bài toán khó.
– Nhận xét và xác định các nguyên lý khoa học đang diễn ra xung quanh bạn. Tìm hiểu các ý tưởng toán học và khoa học được sử dụng như thế nào trong cuộc sống.
– Hãy kiếm một kính thiên văn, kính hiển vi hoặc công cụ khuếch đại khác và sử dụng nó để khám phá thế giới chung quanh bạn.
– Hãy dạy toán hoặc các khái niệm khoa học khác cho người nào đó ít hiểu biết hơn bạn về mặt này.
Trí thông minh ngôn ngữ trong thuyết đa trí tuệ
Trí thông minh ngôn ngữ chính là khả năng nói và viết, khả năng học và sử dụng ngôn ngữ hiệu quả nhất, để đạt được mục tiêu. Trí thông minh này bao gồm cả khả năng sử dụng ngôn ngữ viết, ngôn ngữ nói bằng hùng biện hoặc thông qua thi ca; hoặc khả năng nhớ thông tin thông qua ngôn ngữ. Các nhà văn, nhà thơ, luật sư và diễn giả là những người mà theo Howard Gardner có trí thông minh ngôn ngữ tốt nhất.
![Trí thông minh ngôn ngữ trong thuyết đa trí tuệ](https://i0.wp.com/nuoicondung.com/wp-content/uploads/2020/08/Trí-thông-minh-ngôn-ngữ-trong-thuyết-đa-trí-tuệ.jpg?resize=618%2C337&ssl=1)
Đặc điểm của người có trí thông minh ngôn ngữ
Những người có trí thông minh ngôn ngữ thường có những đặc điểm sau:
-Sử dụng ngôn từ rất linh hoạt trong cả văn nói và văn viết.
-Khả năng ghi nhớ sự kiện dữ liệu con số chính xác.
-Vốn từ vựng phong phú.
-Đây cũng là người có khả năng trình bày cho người khác hiểu rất dễ.
-Trẻ con có trí thông minh ngôn ngữ vượt trội có thể học hiệu quả bằng việc thảo luận nhóm.
Làm sao tôi biết mình là người có trí thông minh ngôn ngữ?
Bạn là người có trí thông minh ngôn ngữ khi:
-Những quyển sách rất quan trọng với bạn.
-Bạn có thể nghe thấy những từ vang lên trong đầu trước khi đọc, hay viết chúng ra.
-Bạn nghe đài hoặc nghe băng nhiều hơn là xem ti vi hay xem phim.
-Bạn có khả năng từ ngữ trong các trò chơi như sắp xếp chữ, đảo chữ hay mật khẩu.
-Bạn thích giải trí và chơi những trò nào có sự xoắn lưỡi, có âm điệu lạ hay có chơi chữ.
-Đôi khi những người khác phải dừng lại và đề nghị bạn giải thích ý nghĩa của những từ ngữ mà bạn sử dụng khi viết và nói.
-Tiếng Anh, các môn học xã hội và lịch sử đối với bạn dễ hơn nhiều so với toán và khoa học trong thời gian bạn đi học phổ thông.
-Khi lái xe thong thả trên xa lộ, bạn chú ý vào những từ ngữ viết trên bảng quảng cáo nhiều hơn chú ý vào quang cảnh xung quanh.
-Cuộc nói chuyện, trao đổi của bạn thường liên quan đến những thông tin tham khảo mà bạn vừa được đọc hoặc nghe thấy.
-Gần đây bạn đã viết về một số điều đã làm bạn đặc biệt tự hào hoặc giúp bạn được nhận ra những người khác.
-Và những năng lực ngôn ngữ khác: …
Làm sao để phát triển trí thông minh ngôn ngữ cho trẻ?
Ngay từ lúc một tháng tuổi, bé đã biết chú ý lắng nghe và dõi theo những động tác của mẹ,vì vậy dù chưa nói được nhưng bé có thể tương tác với mẹ khi nghe mẹ nói và cười với mình. Thông thường, khi được 6 tháng bé có thể gọi “Ba ba, mama” hay một số âm tiết đơn giản như “ê, a” khi “giao tiếp” với người lớn. Từ 9 tháng tuổi, bé có thể nói được những từ đơn giản, thực hành theo những yêu cầu của mẹ như “nheo mắt”, “làm mưa”, “lắc đầu”, “vỗ tay” hay cười khi mẹ gọi tên… Trước 3 tuổi, bé đã có vốn từ vựng tương đương 300 từ để trò chuyện và có thể “lý sự” với người khác.
Dưới đây là một số gợi ý giúp mẹ phát triển trí thông minh ngôn ngữ của bé:
– Khi bé 12-18 tháng: Mẹ hãy dạy bé gọi tên các bộ phận của cơ thể hay những đồ vật xung quanh. Cha mẹ nên nói với bé một cách chậm rãi, rõ ràng và sửa cách phát âm cho bé nếu bé nói chưa đúng. Mẹ cũng có thể chọn những loại sách có tranh đơn giản, in đẹp với nhiều màu sắc để đọc và tạo cảm hứng cho bé.
– Khi bé 18-24 tháng: mẹ nên thường xuyên đọc truyện cho bé nghe, điều đó sẽ giúp bé phát triển khả năng ngôn ngữ rất hiệu quả. Khi đọc, mẹ hãy chú ý thay đổi giọng đọc và làm hành động minh họa theo các nhân vật trong truyện để giúp bé hiểu rõ và tạo cảm hứng cho bé. Cha mẹ cũng không nên ép bé nếu bé có dấu hiệu chán hay mất tập trung. Thêm vào đó, mẹ cũng cần dạy bé yêu những câu mệnh lệnh đơn giản, khuyến khích bé nhắc lại các câu ngắn. Thường xuyên trò chuyện, chơi đùa, tâm sự với bé giúp bé kích hoạt khả năng ngôn ngữ.
– Khi bé 24-36 tháng: Mẹ cần đọc, kể truyện và tập cho bé bắt chước kể lại những câu truyện ngắn mẹ đã kể. Mẹ cũng nên tạo điều kiện cho bé giao lưu, tiếp xúc với những trẻ khác. Nhu cầu được giao tiếp với các bạn của trẻ là rất lớn. Khi bé học cách chia sẻ (hay đòi hỏi), bé cần phát triển khả năng truyền đạt nhu cầu đó. Nếu như bé được chơi đùa với bạn bè, bé sẽ sớm học được cách truyền tải suy nghĩ, cảm giác của bé thành lời. Vì thế, mẹ nên dẫn bé đến các sân chơi hay công viên và khuyến khích bé giao tiếp với những bạn khác nhé
Trí thông minh âm nhạc trong thuyết đa trí tuệ
Thông minh về âm nhạc bao gồm các kỹ năng biểu diễn, sáng tác, và cảm nhận về âm nhạc. Theo Howard Gardner, trí thông minh âm nhạc song song với trí thông minh về ngôn ngữ, nó trí thông minh về âm nhạc còn có trong tiềm thức của bất cứ cá nhân nào, miễn là người đó có khả năng nghe tốt, có thể hát theo giai điệu, biết dành thời gian cho âm nhạc và nghe được nhiều tiết mục âm nhạc khác nhau với sự chính xác và sáng suốt của các giác quan.
Bài viết nằm trong chùm bài của Apax về Trí thông minh đa dạng của Howard Gardner.
Đặt điểm của những người có trí thông minh âm nhạc cao
Bạn là người có trí thông minh âm nhạc cao khi bạn có những đặc điểm sau:
- Bạn có giọng hát cuốn hút,
- Bạn dễ dàng nhận ra những nốt nhạc lạc điệu trong một ban nhạc
- Bạn dễ dàng nhận biết ra được các loại nhạc cụ đang chơi trong một dàn nhạc giao hưởng
- Bạn thích tìm hiểu về âm nhạc, và có một vốn kiến thức rất phong phú về các thể loại âm nhạc
- Bạn thích ca hát và thường xuyên thể hiện ở các buổi gặp mặt bạn bè
- Bạn có thể chơi một vài loại nhạc cụ
- Bạn có thể sáng tác một đoạn nhạc và chơi với một dụng cụ âm nhạc
- Bạn cảm thấy phấn khích khi nghe dòng nhạc mình ưa thích
- Bạn nghe và phân biệt được các dòng nhạc khác nhau và nhớ tên những người nổi bật trong dòng nhạc đó
- Bạn làm việc hiệu quả hơn khi có âm nhạc
- Bạn thích hát một mình khi đi dạo và bạn cảm thấy không gian xung quanh tràn ngập âm nhạc
- Bạn dễ dàng chơi lại một đoạn nhạc khi nghe qua một vài lần
- Bạn thấy vang vọng trong đầu một đoạn nhạc mình ưa thích mỗi khi đi dạo
- Trong khi làm việc bạn thường dùng các dụng cụ đơn giản để gõ và tạo nhịp
- Bất cứ khi nào ngồi xuống bên máy tính, trở về nhà việc đầu tiên là bạn bật đĩa nhạc mình ưa thích
Sự phát triển của trí thông minh âm nhạc
Trước đây, trí thông minh âm nhạc không được coi trọng do cuộc sống của con người chưa đạt đến mức hưởng thụ và đề cao các loại hình giải trí, cũng như chưa ai biết về trí thông minh âm nhạc để tập trung phát triển nó.
Đến gần đây, trí thông minh âm nhạc mới được khuyến khích và đào tạo. Các trường học bắt đầu chú trọng đến việc dạy về âm nhạc cho học sinh.
Những người điển hình có loại trí thông minh này là : Elvis Presley, Michael Jackson, John Lennon, Lady Gaga, Sơn Tùng MTP…
Ngày nay, các ca sĩ, nhạc sĩ ngày càng được coi trọng. Và trí thông minh âm nhạc, trở thành một trong những trí thông minh giúp người ta thành công nhanh nhất, nổi trội nhất trong thị trường, nhất là khi người ta đã có tài năng.
Những cách tăng cường trí thông minh âm nhạc cho trẻ
1. Hãy bắt đầu ngày mới bằng một bài hát: Dậy đi thôi mau dậy bạn ơi chim hót vang khi thấy ông mặt trời… Bài hát trước khi chải răng. Chải răng trắng nào. Chải răng trắng nào. Cùng chải răng. Cùng chải răng. Cùng chải răng thật trắng nào. Cùng chải răng thật trắng nào. Cùng chải răng. Hát theo nhạc bài Kìa con bướm vàng. Bài hát chúc bé ngủ ngon.
2. Hát về bất cứ cái gì, con gì, quả gì… mà bé nhìn thấy trong sách, trên đường phố hay trong phim để bé liên kết được kiến thức đã học với thực tế. Ví dụ ăn cơm trứng thì hát bài có quả trứng. Nhìn thấy bạn mèo thì hát bài con mèo. Đi vườn thú thấy con voi thì hát Chú voi con…
3. Bật nhạc không lời trong các bữa ăn. Nhưng nhớ là nhạc chứ không phải đĩa hình vì bé sẽ xem thay vì tập trung vào ăn.
4. Bật nhạc sôi nổi, tiết tấu nhanh và nhảy cùng bé.
5. Hát ru hay bật những bài hát ru cho trẻ trước khi ngủ.
6. Bật cho trẻ nghe độc tấu các loại nhạc cụ để trẻ phân biệt được các loại nhạc cụ và âm thanh của chúng.
7. Trao đổi với cô giáo ở trường để biết bé học những bài hát gì, trường hay bật đĩa gì để mua và cũng bật ở nhà cho bé nghe. Hát cùng bé những bài hát bé học ở trường để bé nhớ.
8. Khi bé được 5 tuổi hãy cho bé thử học nhạc nếu bé thích. Học nhạc, tập chơi nhạc hằng ngày giúp bé tăng khả năng tập trung, tư duy, phối hợp vận động, rèn tính kiên nhẫn và biểu diễn nhạc giúp bé trở nên tự tin hơn.
9. Giúp bé ôn các bài hát và học thêm một bài hát mới mỗi ngày qua youtube. Bé có thể nghe các bài hát bằng các ngôn ngữ khác nhau chứ không phải chỉ tiếng Việt. Điều này giúp bé rèn thính giác nghe được các âm khác nhau trong các ngôn ngữ khác nhau, rèn bộ máy phát âm để phát âm được các âm khác nhau giúp bé học bất cứ một ngôn ngữ nào sau này một cách đơn giản. Tuy nhiên bạn không nên hát cho trẻ những bài hát đó.
10. Làm các nhạc cụ đơn giản như xúc xắc, trống ống bơ, đàn bằng dây chun, đàn nước… cùng bé và để bé tự khám phá và sáng tác nhạc của mình.
Âm nhạc là một trong những ngôn ngữ không biên giới. Và không phải chỉ có ích với trẻ mà âm nhạc làm cho cuộc sống của tất cả mọi người trở nên thú vị hơn. Hãy cùng bé trân trọng món quà quý giá đó.
Trí thông minh thể chất trong thuyết đa trí tuệ
Thông minh Thể chất (hay còn gọi là Trí thông minh Vận động) là khả năng sử dụng cơ thể hoặc một phần cơ thể để giải quyết vấn đề, bao gồm cả khả năng điều hướng trí não để điều khiển các hoạt động đó. Howard Gardner nhận thấy, có một sự gắn kết mật thiết giữa hoạt động trí óc và thể chất, quyết định cho sự thành công của con người.
Đặc điểm của người có trí thông minh vận động.
Người có trí thông minh vận động là người có khả năng sử dụng linh hoạt các bộ phận cơ thể và phối hợp nhuần nhuyễn chúng để đạt được hiệu quả cao nhất. Đó là các vận động viên thể thao, những người làm nghề thủ công, những thợ cơ khí và các bác sĩ phẫu thuật. Họ có đôi bàn tay khéo léo và ham thích những hoạt động cơ thể như đi bộ đường dài, khiêu vũ, chạy bộ, cắm trại, bơi lội hoặc đua thuyền. Đó là những người thực hành, nhạy cảm, thường xuyên muốn vận động cơ thể và có “phản ứng bản năng” với các tình huống, sự vật.
Khi bạn có những đặc điểm sau, thì bạn là người có trí thông minh Vận động
– Bạn yêu thích thể thao, thích chơi thể thao. Khi chơi thể thao bạn cảm thấy hạnh phúc
– Bạn có một môn thể thao ưa thích và thường xuyên chơi
– Bạn khó có thể ngồi im một chỗ trong thời gian dài
– Bạn thích học khi vận động
– Bạn thích các công việc bằng tay như chạm khắc, thêu thùa, hoặc thiết kế mẫu.
– Bạn thích chạm vào đồ vật khi khám phá nó, khi giao tiếp bạn thích chạm vào người khác
– Bạn có khả năng vận động cơ thể tốt cũng như bạn có khả năng phối hợp nhịp nhàng với người khác
– Bạn thích tham gia vào vận động để trải nghiệm hơn là chỉ đọc sách hoặc xem băng hình
– Bạn thích các trò chơi mạo hiểm, liều lĩnh hoặc tham giam vào hoạt động cơ thể đem lại cảm giác mạnh
– Bạn nói chậm và nhịp điệu từ tốn, đôi khi việc này khiến người khác nói bạn phải nói nhanh hơn.
– Trong ngôn từ bạn thích dùng những từ như cảm thấy, cảm giác, để mô tả sự vật cũng như hiểu biết của minh : Ví dụ : Bạn sẽ nói : ” Tôi cảm thấy sự việc không được rõ ràng ” Trái ngược với bạn là kiểu người nói : ” Tôi nhìn thấy mọi việc không sáng sủa ”
– Trong tình cảm bạn thích ôm ấp, hơn là khen tặng người khác những từ có cánh như nhóm người ngôn ngữ hay những quà tặng độc đáo như nhóm người thiên về hình ảnh và không gian.
– Bạn thích chơi thể thao hơn là đọc sách và xem phim.
Một số cách phát triển trí thông minh vận động:
Bạn có thể phát triển trí thông minh vận động thông qua các cách sau:
-Luyện khả năng phối hợp tay-mắt thông qua các môn thể thao, một số trò chơi như tung hứng, đánh bóng rổ, bóng chuyền…
-Chơi trò chơi đố chữ với người thân và bạn bè bằng việc sử dụng cơ thể.
-Tìm kiếm ý tưởng trong khi di chuyển và luyện tập. Luôn giữ một cuốn sổ tay nhỏ hoặc máy ghi âm bên mình khi bạn chạy bộ hoặc đi bộ đường dài. Hãy viết hoặc phác thảo bất cứ ý tưởng thú vị nào mà bạn có.
-Rèn luyện cơ thể. Hãy rèn luyện để tim và phổi khỏe mạnh, đồng thời nâng cao khả năng chịu đựng bằng các hoạt động thể dục nhịp điệu.
-Học một môn nghệ thuật điêu khắc hoặc nghề thủ công.
-Giải tỏa căng thẳng và thư giãn. Yoga và thái cực quyền là những cách thức hữu hiệu để loại bỏ căng thẳng. Chúng sẽ giúp bạn học tốt, ngủ ngon và tinh thần lạc quan hơn.
-Tham gia một lớp kịch hoặc thử một vai diễn. Nếu thích diễn kịch, hãy tìm kiếm những địa điểm thuộc khu vực sinh sống − những nơi bạn có thể tham gia.
Tham gia các khóa học võ thuật. Võ thuật có nhiều hình thức khác nhau. Ví dụ: aikido có tính -chất phòng thủ thuần túy sẽ dạy cho bạn cách sử dụng chính đòn của đối thủ để chống lại họ; karate, jujitsu hoặc taekwondo đề cao cách tiếp cận mang tính chủ động hơn.
-Tập trung học hoặc tự luyện tập một môn thể thao cá nhân. Các môn thể thao cá nhân bao gồm: bơi, chạy, bắn cung, đi xe đạp, …Thể thao giúp bạn rèn luyện cơ thể, kết bạn và giải tỏa căng thẳng.
-Tham gia đội thể thao trong khu phố hoặc ở trường học.
Trí thông minh hội hoạ dân gian
Thông minh hội họa không gian là trí thông minh liên quan đến suy nghĩ bằng hình ảnh, với khả năng chuyển đổi và tái tạo lại thế giới thông qua những tưởng tượng trực quan. Người sở hữu trí thông minh này thường có sự nhạy cảm sắc bén với những chi tiết cụ thể và có khả năng phác họa lại những suy nghĩ, ý tưởng của mình dưới dạng hình vẽ, đồ hoạ, cũng như nhìn sự vật trong không gian 3 chiều một cách dễ dàng.
Đặc điểm của những người có Trí thông minh hội họa không gian
Bạn là người có Trí thông minh hội họa, không gian nếu bạn có những đặc điểm sau:
-Bạn có khả năng đánh giá, nhận định về những hình ảnh, vật thể mà bạn nhìn thấy.
-Bạn có trí nhớ tốt về đồ vật và có khả năng quan sát, đánh giá hiện tượng.
Khả năng quan sát được chia làm 2 loại:
- Quan sát trực tiếp: Là quan sát sự việc và con người ngay tại bối cảnh mà sự việc ấy diễn ra.
- Quan sát gián tiếp: Là quan sát không phải ở thời điểm sự việc diễn ra mà là hành vi đi thu thập các dấu vết còn sót lại (ví dụ: chương trình đào tạo, lịch hoạt động của phòng thí nghiệm, phòng nghe nhìn…). Quan sát gián tiếp đòi hỏi một khả năng tổng hợp và bao quát thông tin tốt.
-Bạn có khả năng liên tưởng và kết nối hình học, thích làm việc trong không gian thoáng rộng và cởi mở.
-Bạn có xu hướng thích xem phim, chơi game hoặc thích tương tác trong không gian 3 chiều.
-Bạn có xu hướng làm các ngành hội họa và thiết kế.
Tầm quan trọng của Trí thông minh hội họa không gian
Trí thông minh hội họa không gian có thể nhìn thấy trong rất nhiều ngành nghề, dù bạn là nhà quảng cáo, họa sỹ phim hoạt hình, kiến trúc sư, giáo viên dạy mỹ thuật, kỹ sư xây dựng, nhà thiết kế hay nhiếp ảnh gia, bạn đều phải có Trí thông minh này. Ngành nghề của những người có Trí thông minh hội họa rất đa dạng. Dù là giáo viên nghệ thuật, chuyên viên vẽ bản đồ, phi công, nghệ sĩ mỹ thuật, điêu khắc, hay thợ thủ công, nhà quy hoạch đô thị,… Chỉ số Thông minh hội họa đều phải lớn, mới đạt được thành tựu trong nghề.
Sự phát triển vũ bão của công nghệ, nhất là cuộc cách mạng 4.0, với trí tuệ nhân tạo và Thực tế ảo AV, thiết kế trong không gian 3 chiều với những mô phỏng càng quan trọng. Trí thông minh hội họa không gian, bởi vậy, sẽ là một trong những trí thông minh quan trọng nhất của tương lai, vì đó là điều kiện cần của các nhà lập trình, mô phỏng thế giới.
Khi con bạn có Trí thông minh hội họa không gian vượt trội hơn người khác, nghĩa là cơ hội của bé trong các ngành công nghệ mũi nhọn có thể được đảm bảo. Nhất là khi trí thông minh này kết hợp với Trí thông minh logic-toán học và Trí thông minh ngôn ngữ nữa.
Cách phát triển Trí thông minh hội họa không gian cho trẻ
Hãy dạy con bạn cách phát huy Trí thông minh hội họa không gian qua những bài tập sau:
-Chơi các trò chơi ô chữ. Học sử dụng bản đồ, hình ảnh kí hiệu.
-Tự trang trí phòng ngủ của mình.
-Chơi các trò chơi nhanh tay lẹ mắt.
-Sử dụng hình vẽ kết hợp khi diễn đạt, trình bày ý kiến
-Học đồ họa và sketch-note
Với trẻ sơ sinh, bạn có thể phát huy Trí thông minh hội họa cho bé theo các cách sau:
-Bé sơ sinh thích nhìn hình có họa tiết mang màu sắc tương phản đặt cạnh nhau (ví dụ: quả bóng có sọc đen trắng); hình có nội dung phong phú, phức tạp (ví dụ: gương mặt người xung quanh) và bé đặc biệt thích màu đỏ.
-Bé có thể nhìn được người hoặc đồ vật ở cách mắt khoảng 20 cm, ở quá gần hay quá xa mắt, bé đều không nhìn thấy rõ. Bên cạnh đó, bé sơ sinh còn có khả năng ghi nhớ đồ vật mình đã nhìn thấy, vì thế bạn cần liên tục “đổi mới” đồ vật trước mắt bé để duy trì “hứng thú” nhìn của bé nhằm kích thích thị giác phát triển.
-Cho trẻ học flashcard để tăng khả năng tập trung và chú ý.
Trí thông minh nội tâm trong thuyết đa trí tuệ
Trí thông minh nội tâm: Một người có Trí thông minh nội tâm cao, có thể dễ dàng tiếp cận và nhìn rõ được những cảm xúc bên trong mình, phân biệt được nhiều loại trạng thái và sử dụng được hiểu biết đó để làm phong phú thêm, hay vạch ra con đường cho cuộc đời mình. Họ có thể là người luôn trầm tư suy nghĩ, thích được ở trong trạng thái tĩnh để đào sâu thế giới nội tâm. Mặt khác, họ có thể là người có tính độc lập rất mạnh mẽ, sự thẳng thắn cao độ và cực kỳ tự giác, kỷ luật. Trong bất cứ trường hợp nào, họ cũng tự lập và ưa làm việc một mình hơn làm việc với người khác.
Trí thông minh nội tâm giúp gì cho bạn?
Người có trí thông minh nội tâm cao thường là người rất sâu sắc, do họ có sự chiêm nghiệm và nhìn cuộc sống bằng lăng kính phẳng lặng hơn. Họ hiểu được bản thân cần gì, muốn gì, rất ít khi gây phiền hà cho người khác. Khả năng độc lập, tự cân bằng, là một trong những ưu điểm quan trọng nhất của Thông minh nội tâm.
Thông minh nội tâm cũng giúp bạn sống hạnh phúc. Vì bạn luôn biết mình muốn gì, ghét điều gì. Bạn biết đâu là điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, để biết cách sống hòa hợp với nó. Tính kỷ luật giúp bạn luôn quản trị được cảm xúc và thời gian của mình. Cũng chính đức tính đó, sẽ luôn giúp bạn giữ được một ý chí độc lập và sự nhẫn nại, để vượt qua mọi khó khăn,, để luôn học hỏi trong cuộc đời và trở nên hoàn thiện.
Điển hình của mẫu người Thông minh nội tâm là nhà lập quốc nổi tiếng Benjamin Flanklin. Ông đi lên từ một thợ in, rồi trở thành chủ biên tập báo, người đấu tranh cho Chủ nghĩa Bãi nô, và thậm chí là một nhà khoa học. Một người đàn ông lặng lẽ, nhưng mạnh mẽ, và nỗ lực phi thường, nắm trong tay cả kho tri thức của nhân loại lúc đó. Đúng với tiêu chí của những người có Trí thông minh nội tâm – ngồi lặng lẽ một chỗ, mà nắm được vận động của cả thế giới.
Đặc điểm của người có trí thông minh nội tâm
Bạn là người có trí thông minh nội tâm, nếu bạn:
-Hay dành thời gian một mình để suy ngẫm và tưởng tượng về những vấn đề quan trọng
-Thường xuyên tham gia vào các cuộc hội thảo để hiểu rõ hơn về bản thân mình
-Có chính kiến độc lập khác với đám đông. Đôi khi còn bị coi là lập dị
-Thường xuyên xem lại bản thân xem đã sống đúng với giá trị mình đưa ra chưa
-Không có thói quen tiết lộ bí mật của bản thân
-Luôn nhìn nhận rõ điểm mạnh và điểm yếu của mình
-Có ý chí độc lập mạnh mẽ
-Ghi lại những diễn biến tâm lý của bản thân
-Thích làm chủ thay vì làm theo người khác
-Thích ở nhà vào cuối tuần trong một ngôi nhà nhỏ yên tĩnh vào cuối tuần thay vì đi nghỉ ở đô thị ồn ào
-Có thể diễn giải nôi tâm của mình thông suốt với người khác
-Thích đọc sách về tâm lý và nghiên cứu về tâm lý
-Thích sống với những triết lý sống đã được kiểm chứng
-Thường hồi tưởng lại những điều mình nói và đánh giá chúng để lần sau làm tốt hơn
-Khi tham gia các khóa học, bạn thường nhận xét và so sánh với những chính kiến của mình để tìm ra điểm khác biệt và những điểm chung, để hành xử được tốt hơn trong những lần sau.
Cách luyện trí thông minh nội tâm
Luyện trí thông minh nội tâm tương đối khó, nhất là với những người chưa tự tại, vẫn còn nhiều vướng bận trong cuộc đời. Mấu chốt của Thông minh nội tâm là đạt được cân bằng và kỷ luật, để ra được những lựa chọn đúng. Vì chỉ khi chúng ta cân bằng và biết “xét lại”, mới đào sâu trong tư duy, để xem mình đúng hay sai, và mới đủ bình tĩnh, để ra được những quyết định đúng.
Cách luyện trí thông minh nội tâm, bởi vậy, sẽ nghiêng về tính cân bằng và kỷ luật này, cùng thói quen tự xét lại.
-Hãy bắt đầu trước tiên với việc đọc sách. Sách là kho tri thức của nhân loại, và khi đọc sách, bạn sẽ có thời gian để suy ngẫm, tự hỏi những điều đang nói trong sách là đúng hay sai. Đọc sách, nhất là đọc hàng ngày, là cách để luyện tính kiên nhẫn và kỷ luật.
-Sau thói quen đọc, chính là thói quen viết. Mấu chốt của Thông minh Nội tâm là Nhìn lại. Viết, chính là một cách nhìn lại, đào sâu vào bên trong vấn đề đã xảy ra.
-Sau thói quen đọc và viết, chính là các bài tập học cách tĩnh tại, đi sâu vào chiêm nghiệm và nuôi dưỡng tinh thần, như Thiền, yoga, tham gia các hoạt động đối thoại cộng đồng, hoặc làm việc vì xã hội.
Những cách luyện Thông minh nội tâm hàng ngày:
- Tự hỏi bản thân: “Tôi là ai?” Ngay đầu trang giấy, hãy viết dòng chữ “Tôi là ai?” Viết càng nhiều câu trả lời càng tốt. Liệt kê những việc bạn yêu và ghét, sở thích của bạn hay bất cứ thứ gì khác xuất hiện trong đầu. Câu trả lời càng chi tiết càng tốt.
- Ghi nhật ký. Viết ra những cảm xúc, ý tưởng, kỉ niệm hay bất cứ thứ gì khác bạn đang nghĩ đến.
- Lập một danh sách bao gồm tất cả những việc bạn có khả năng làm tốt. Sau đó, lập danh sách những việc bạn muốn làm hơn. Dựa trên danh sách này, hãy lập một danh sách các mục tiêu cho bản thân.
- Lập mục tiêu cho bản thân. Dành khoảng thời gian đều đặn mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng để lập các mục tiêu cụ thể bạn muốn đạt được sau một khoảng thời gian. Hãy đánh giá bản thân đã làm được những gì trong việc đạt mục tiêu cuối mỗi khoảng thời gian, sau đó lập các mục tiêu mới.
- Viết tự truyện. Viết một câu chuyện về cuộc đời bạn, về những gì bạn đã trải qua cho đến ngày hôm nay.
- Suy ngẫm về mỗi ngày trôi qua. Hãy viết ra ba điều khiến bạn biết ơn hay hạnh phúc trong ngày hôm đó.
- Học cách thư giãn. Dành những khoảng thời gian đều đặn để thư giãn. Bạn có thể sử dụng phương pháp luyện yoga.
- Đọc sách rèn luyện khả năng tự lực. Những cuốn sách sẽ giúp bạn hiểu được bản thân. Các tác phẩm hay tiểu sử của những nhân vật như Rosa Parks, Mahatma Gandhi, Martin Luther King, Eleanor Roosevelt hay Gloria Steinem.
- Làm những việc bạn yêu thích. Dành thời gian mỗi ngày hay mỗi tuần để làm những việc bạn yêu thích. Đó có thể là việc bạn làm theo sở thích, tự nguyện tham gia một hoạt động bạn quan tâm, hay học hỏi những điều mới mẻ.
- Bắt đầu những việc có ý nghĩa quan trọng đối với bản thân.
Trí thông minh giao tiếp xã hội
Trí thông minh giao tiếp xã hội là năng lực hiểu, cảm thông và làm việc được với người khác. Một cá nhân có trí thông minh giao tiếp có thể rất giàu lòng trắc ẩn và có tinh thần trách nhiệm cao với xã hội, hoặc là người có sức lôi cuốn với tập thể, có khả năng thấu hiểu người khác và từ đó nhìn ra viễn cảnh của thế giới bên ngoài bằng chính cặp mắt của những người bên trong. Trong thực tế, họ thường rất tuyệt vời trong vai trò của người hòa giải, kết nối, hoặc trên tư cách của một thầy giáo, một nhà tư vấn tâm lý.
Vị trí của Thông minh giao tiếp trong kỷ nguyên toàn cầu hóa
Như chúng ta đã biết, một người có trí thông minh giao tiếp thường là người thấu hiểu được người khác, có xu hướng hướng ngoại và có khả năng phối hợp cao.
Bạn là một nhà ngoại giao, một nhà lãnh đạo… nếu bạn có trí thông minh giao tiếp, bạn đang nắm trong tay một tài sản cực lớn nếu bạn biết tận dụng ưu thế ấy của mình.
Gandhi, Obama, Bill Clinton… là những người có Trí thông minh giao tiếp cao. Họ có khả năng lôi cuốn người khác thông qua sự nhạy cảm và cách tiếp xúc của họ với người khác. Những nhà lãnh đạo biết sử dụng giao tiếp, thường có một hàng dài những người đi theo.
Bạn đã bao giờ nghe câu: 80 % thành công của một người là do khả năng giao tiếp quyết định. Chỉ có 20 % đến từ kiến thức chưa? Trong kỷ nguyên Toàn cầu hóa, Trí thông minh giao tiếp càng trở nên quan trọng, vì nó là mấu chốt chính kéo con người lại với nhau. Khi ranh giới giữa các quốc gia đã dần xóa nhòa, liên kết thương mại gia tăng và kết nối văn hóa trở thành câu chuyện chính, thì những người biết đứng lên, hòa giải mọi thứ, kết nối những bất ổn để tạo ra một xã hội tốt đẹp hơn, là những người, mà một thế giới toàn diện và phát triển, luôn luôn cần, luôn luôn mong đợi.
Có Trí thông minh giao tiếp, đi đâu bạn cũng có thể kết thêm bạn, bạn cũng không cô đơn. Ở vị trí nào, bạn cũng tìm được tiếng nói của mình trong tập thể. Nó không chỉ giúp bạn, mà còn giúp bạn hỗ trợ những người xung quanh, để tìm về một tiếng nói chung.
Trong một thế giới không phân biệt tôn giáo, màu da, giàu-nghèo xã hội, thông minh giao tiếp trở thành một tiền đề quan trọng, để kết nối thế giới, và mang lại những giá trị tốt đẹp hơn.
Đặc điểm của những người có Thông minh giao tiếp
Bạn là người người có trí thông minh giao tiếp, nếu bạn đạt được những điểm sau:
- Thường được người khác tìm đến để nghe lời khuyên và tư vấn về công việc.
- Bạn thích lãnh đạo và thích làm việc trong một nhóm hơn là làm việc một mình.
- Khi tham gia vào một tập thể, bạn thường nghĩ ra nhiều ý tưởng hay hơn ngồi một mình.
- Bạn cảm thấy thoải mái khi đứng trước đám đông.
- Bạn có khả năng diễn đạt lưu loát ý tưởng của mình trước một cũng như nhiều người.
- Bạn nhận được sự ủng hộ của nhiều người khi đề xuất ý kiến.
- Bạn có ít nhất 3 người bạn thân.
- Bạn có một nhóm chuyên gia, sẵn sàng tư vấn bạn khi cần.
- Bạn là người kiên nhẫn lắng nghe và thấu hiểu người khác cũng như quan điểm của người khác.
- Bạn thích chơi các môn thể thao mang tính đồng đôi. Bạn thích lãnh đạo cả đội đạt được mục tiêu thay vì tự mình làm để đạt lấy nó.
- Bạn không thích các trò chơi mang tính cá nhân.
- Bạn thích tham gia vào các hoạt động xã hội liên quan đến công việc của mình.
- Bạn thích ngồi với bạn bè và người thân vào buổi tối hơn là ngồi nhà một mình suy ngẫm.
- Bạn thích đọc các sách về nghệ thuật lãnh đạo, thuật giao tiếp.
- Khi có một sự kiện cần người dẫn dắt, bạn thường cảm thấy thôi thúc phải xung phong nhận nhiệm vụ lãnh đạo, mà bạn cũng thực sự làm tốt vai trò lãnh đạo này.
Các biện pháp tăng cường trí thông minh giao tiếp
Để học được trí thông minh giao tiếp, bạn nên bắt đầu từ những bài tập sau:
Nói với giọng nhiệt tình, quyết đoán
Nói lí nhí là dấu hiệu của sự thiếu tự tin. Nếu là người nói chậm, bạn nên luyện tập cách nói to, nhanh và dứt khoát hơn. Hãy ngẩng cao đầu và nói một cách rõ ràng, khẳng khái.
Không nói vòng vo
Khi được hỏi, hãy trả lời thẳng thắn và trực tiếp. Bạn có thể dành vài giây suy nghĩ nhưng đừng trả lời một cách vòng vo, đi ra ngoài chủ đề cuộc đối thoại. Hãy nói một cách trực tiếp để chứng tỏ sự tự tin của mình cũng như thể hiện sự tôn trọng thời gian của đối phương.
Tránh ậm ừ
Những từ dư thừa như “à, ừ” đã tố cáo sự lo lắng, hồi hộp hay không nắm rõ thông tin của bạn. Đặc biệt trong những buổi thuyết trình, sự ậm ừ sẽ khiến mọi người đánh giá thấp bạn. Vì vậy, bạn cần hạn chế tối đa thêm các từ đó trong cuộc nói chuyện của mình.
Sử dụng ngôn ngữ cử chỉ “phản chiếu”
Ngôn ngữ cử chỉ cũng quan trọng không kém lời nói. Theo Susan Constantine, một chuyên gia về ngôn ngữ cử chỉ, 90% giao tiếp của chúng ta là phi ngôn ngữ. Vì vậy, khi giao tiếp hãy chú ý tới ngôn ngữ cử chỉ của bạn.
Đặc biệt, bạn nên tận dụng ngôn ngữ cử chỉ “phản chiếu”, tức là có hành động giống như người nói chuyện cùng mình. Chẳng hạn, trong cuộc phỏng vấn tìm việc, nếu nhà tuyển dụng hơi ngả người về phía trước, bạn cũng nên làm như vậy. Tất nhiên, bạn phải thực hiện một cách tế nhị, khéo léo, tránh để người phỏng vấn có cảm giác bạn đang trêu tức anh/cô ấy.
Hỏi lại những điều chưa rõ
Đây là cách bạn thể hiện sự tham gia và tập trung vào cuộc nói chuyện. Hơn nữa, hỏi lại những điều mình chưa rõ sẽ giúp bạn nhìn nhận và tương tác với người nói chuyện một cách chính xác, hiệu quả hơn.
Liên lạc qua ánh mắt
Ánh mắt có thể thể hiện sự tự tin, quả quyết và thấu hiểu. Người đối diện sẽ biết bạn có thoải mái, tự tin và nắm được vấn đề trong cuộc nói chuyện hay không thông qua ánh mắt của bạn.
Chứng tỏ khả năng giao tiếp qua văn viết
Bên cạnh nói, viết cũng là cách thức thể hiện phong cách giao tiếp của bạn bởi các công việc hiện nay đều đòi hỏi kỹ năng viết ở một mức độ nào đó, đơn giản nhất là qua email trao đổi nhiệm vụ hằng ngày. Vì vậy, bạn có thể chứng tỏ sự tiến bộ trong kỹ năng giao tiếp của mình qua các bài viết trên blog, mạng xã hội… Tất nhiên, nội dung của chúng phải liên quan tới lĩnh vực của bạn.
Nhớ tên người đối diện
Khi gặp đối tác, khách hàng hay sếp/đồng nghiệp mới, hãy nhanh chóng nhớ tên của họ và gọi một cách thân mật. Ví dụ, thay vì nói một cách chung chung “Rất vui được gặp anh”, hãy nêu tên cụ thể của người đó “Rất vui được gặp anh Minh”. Như vậy, bạn sẽ gây thiện cảm tốt hơn với người nói chuyện cùng.
Tạo sự thân mật
Những cuộc nói chuyện thành công là những cuộc nói chuyện mang lại cảm giác như một cuộc trao đổi thân tình chứ không phải như một cuộc thẩm vấn. Hãy thoải mái, thân thiện khi giao tiếp, tỏ ra cứng rắn khi cần thiết và không nên liên tục ngắt lời đối phương.
Trí thông minh thiên nhiên
Thông minh thiên nhiên giúp cho con người nhận thức, phân loại và rút ra được những đặc điểm của môi trường. Những người có trí thông minh thiên nhiên luôn hòa hợp với thiên nhiên và thích nuôi trồng, khám phá thiên nhiên, tìm hiểu sinh vật. Những người này cũng thích cắm trại, làm vườn, khám phá thế giới và không hứng thú với những đề tài không gắn với môi trường.
Những điểm chung
Trí thông minh thiên nhiên ít được đề cập đến và gần đây mới được đưa vào nghiên cứu nghiêm túc. Thực chất thì chúng ta đều có một phần nào đó hướng về thiên nhiên.
Gardner đã thêm vào danh sách trí thông minh loại thứ 8 được gọi là trí thông minh thiên nhiên. Trí thông minh thiên nhiên là khả năng nhận biết thực vật, động vật và các thành phần khác của môi trường tự nhiên như núi đá, cây cối, hoa hay đám mây. Những người này thích các hoạt động liên quan đến tự nhiên như câu cá, đi bộ đường dài, cắm trại.
Bạn thử nhìn nhận xem trong nhà của bạn luôn có tranh ảnh, cây cảnh, vật nuôi phải không. Tuy nhiên, tình yêu với thiên nhiên có người ít người nhiều. Nếu bạn thích các công việc về cây cảnh, thú nuôi thì nhiều khả năng bạn thuộc nhóm người này.
Đặc điểm của người có có trí thông minh thiên nhiên cao
Bạn có trí thông minh thiên nhiên khi bạn có những đặc điểm sau:
- Bạn thích làm vườn, khi có một mảnh đất trống. Ví dụ: tìm cách trồng thêm một vài loại cây quanh nhà
- Bạn thích du lịch ở những thắng cảnh tự nhiên hơn là những thành phố lớn ồn ào.
- Bạn tích tham gia vào các tổ chức làm sạch vệ sinh môi trường đô thị.
- Khi thấy những bông hoa đẹp, những cảnh đẹp, bạn có xu hướng ghi hình lại thay vì bẻ hoặc lấy chúng mang về nhà.
- Bạn thích nuôi những muông thú trong nhà hơn là chỉ nuôi chó, mèo.
- Bạn có sở thích sưu tầm các mẫu vật thiên nhiên như sưu tâm bướm, sưu tầm mẫu côn trùng.
- Bạn thích đi tham quan các công viên quốc gia.
- Bạn thích xem các chương trình discovery, Planet…. thay vì những cuộc trình diễn thời trang.
- Bạn thường chọn những tranh ảnh phong cảnh hơn là những bức chân dung.
- Bạn có khả năng phân biệt tốt các loài chim, cây và hoa.
- Bạn thích đọc sách tìm hiểu về cây cỏ, loài vật.
- Bạn thích lang thang một mình trong rừng để ngắm hay tìm kiếm một loại thảo mộc hay một mẫu bướm, sâu.
- Bạn có xu hướng bảo vệ và ủng hộ các tổ chức bảo vệ môi trường, thường xuyên tham gia vào tổ chức gây quĩ để bảo vệ môi trường.
- Bạn ước mơ một lần đến khám phá Nam Cực hay thám hiểm đại dương.
- Bạn biết tất cả các cảnh đẹp thiên nhiên ở quê hương đang sống và từng đến đó nhiều lần nhưng vẫn muốn tới.
Trẻ em thông minh thiên nhiên thường có sự kết nối mạnh mẽ với thế giới bên ngoài hay động vật và yêu thích các hoạt động ngoài trời. Trẻ nhận biết các mô hình và các thứ liên quan đến tự nhiên một cách dễ dàng và cũng thích sưu tập các loại hoa và đá.
Trẻ có thể yêu thích những câu chuyện, chương trình hay bất cứ vấn đề nào có quan hệ tới động vật hay các diễn biến tự nhiên. Trẻ cũng quan tâm và chăm sóc cây cối, động vật. Những đứa trẻ này cũng thể hiện sự hứng thú với sinh vật học, thiên văn học, xã hội học và động vật học.
Những đứa trẻ có trí thông minh thiên nhiên thường có xu hướng trở thành các nhà bảo vệ môi trường, làm việc cho các tổ chức bảo vệ thiên nhiên và bảo tồn thế giới.
Cách tăng cường trí thông minh thiên nhiên
Chúng ta có thể tăng cường trí thông minh thiên nhiên bằng các cách sau:
- Sưu tập các loại lá cây, đá, côn trùng, hoa…
- Nhận biết các loại hoa, cây cối trong sân nhà hoặc khu phố.
- Tìm hiểu các đặc trưng riêng biệt của các loại động vật. Ví dụ như đặc trưng của chó và mèo, các loài động vật hoang dã, sóc, chim, …
- Khuyến khích niêm say mê sưu tập tranh ảnh động thực vật.
- Tham gia các hoạt động ngoài trời như cắm trại, câu cá, làm vườn…
- Xem các chương trình địa lý quốc gia, kênh khám phá. Hoặc xem các chương trình khảo sát động vật hoang dã. Ví dụ: cá voi và các loài động vật khác.
Để phát hiện trẻ có trí thông minh thiên nhiên hay không, chúng ta sẽ quan sát trẻ thích và hứng thú với điều gì nhất khi chơi và học tập:
- Thực sự thích ở ngoài trời và ưa các hoạt động. Ví dụ như: câu cá, đi bộ, đạp xe, cắm trại, leo núi.
- Thích sưu tầm những vật liên quan đến tự nhiên như lá, hoa, đá…
- Thích thú với điều gì đó đặc biệt trong tự nhiên và tìm hiểu nó trong từng chi tiết.
- Thích quan sát và nhận biết những khác biệt tinh tế của thế giới tự nhiên.
- Kiểm tra những gì mình tìm thấy trong tự nhiên.
- Muốn trở thành một nhà khoa học.
- Thích quan sát các hiện tượng tự nhiên. Ví dụ như: trăng, sao, thủy triều và lấy thông tin để tìm hiểu về chúng.
- Thích động vật và tìm hiểu về chúng.
Một bình luận
Pingback: Chỉ Số AQ Là Gì? Cách Cải Thiện Chỉ Số Vượt Khó AQ