Tổng hợp 11 truyện cổ tích cho thai nhi hay và ý nghĩa. Bố mẹ đều đặn kể cho bé nghe ngay từ trong bụng mẹ mỗi ngày 10-15 phút sẽ giúp bé thông minh và phát triển đều đặn ngay từ trong bụng mẹ.
Các Nội Dung Chính
- 1. Truyện cổ tích cho thai nhi số 1: Cây tre trăm đốt
- 2. Truyện cổ tích cho thai nhi số 2: Cóc Kiện Trời
- 3. Truyện cổ tích cho thai nhi số 3: Vì sao gà trống gáy?
- 4. Truyện cổ tích cho thai nhi số 4: Sự tích cây ngô
- 5. Truyện cổ tích cho thai nhi số 5: Sự tích cây vú sữa
- 6. Truyện cổ tích cho thai nhi số 6: Sự tích dưa hấu
- 7. Truyện cổ tích cho thai nhi số 7: Cậu bé Tích Chu
- 8. Truyện cổ tích cho thai nhi số 8: Sự tích Hoa Mào Gà
- 9. Truyện số 9: Bắc Kim Thang
- 10. Truyện số 10 Sự tích bánh trưng bánh giầy
- 11. Truyện số 11: Bà Chúa Bèo
- Đọc truyện cho bé từ khi trong bụng mẹ có lợi ích gì?
- Thai nhi có thể tiếp thu truyện từ tháng thứ mấy?
1. Truyện cổ tích cho thai nhi số 1: Cây tre trăm đốt
Ngày xửa ngày xưa, ở làng kia có một lão nhà giàu. Lão thuê một anh nông dân nghèo, khỏe mạnh để cày ruộng cho lão.
Nhà giàu nhiều thóc, nhiều tiền nhưng tính tình chủ nhà lại rất keo kiệt. Lão phải trả tiền công cày cho người làm, vì thế lão suy tính ngày đêm. Cuối cùng thì lão đã nghĩ ra một kế để lừa anh nông dân. Lão nhà giàu cho gọi anh đến và dỗ dành:
– Anh chịu khó cày ruộng cho ta trong ba năm. Hết thời gian đó, ta sẽ cho anh cưới con gái ta.
Anh nông dân thật thà tin lời của lão. Hết vụ lúa mùa đến vụ lúa chiêm, không ngại nắng mưa, sương gió, anh chăm chỉ cày bừa trên cánh đồng của lão nhà giàu. Mỗi mùa gặt, anh thu về cho lão ta rất nhiều thóc lúa. Nhà lão đã giàu lại càng giàu hơn nữa.
Ba năm đã trôi qua, thời hạn làm thuê của anh nông dân cũng đã hết. Lão nhà giàu không muốn cho anh nông dân nghèo khổ cưới con gái của mình, lão lại tìm mưu kế để đánh lừa anh. Lão nhà giàu gọi anh đến và dỗ dành:
– Con ơi, bấy lâu nay con đã chăm chỉ làm việc, ta sẽ cho con cưới con gái ta. Nhưng bây giờ, con phải vào rừng tìm cho được cây tre trăm đốt, đem về đây để làm đũa cho cả làng ăn cỗ cưới.
Anh nông dân thật thà tin lời, vác dao đi ngay vào rừng để tìm và chặt tre.
Đợi anh nông dân đi khỏi làng, lão nhà giàu liền gả con gái lão cho một tên nhà giàu khác ở trong làng. Lão cho giết bò, giết lợn, nấu xôi, mở rượu làm cỗ cưới thật linh đình.
Trong khi đó, anh nông dân một mình lang thang trong rừng. Anh ngả hết cây tre này đến cây tre khác. Anh cẩn thận đếm từng đốt trên các cây tre nhưng chẳng cây nào có đủ một trăm đốt.
Không nản lòng, anh lại tìm đến bụi tre già, anh cố chặt một cây cao nhất, mặc cho gai làm rách cả áo, xước da, cây tre đổ xuống, anh đếm đi, đếm lại vẫn chỉ có hơn bốn mươi đốt. Anh buồn quá, ngồi bên đống tre đốn dở và khóc. Bỗng nhiên anh thấy một ông lão đầu tóc bạc phơ, da dẻ hồng hào khoan thai đi đến, ông lão hỏi anh:
– Làm sao cháu khóc?
Anh lễ phép thưa rõ đầu đuôi câu chuyện. Nghe xong ông lão nói:
– Cháu hãy đi chặt cho đủ một trăm đốt tre mang lại đây, ông sẽ giúp cháu.
Anh nông dân mừng quá, liền chặt đủ một trăm đốt tre rồi đem đến cho ông lão. Ông lão chỉ tay vào đống tre và bảo anh đọc “ Khắc nhập, khắc nhập” ba lần. Lạ thay, anh vừa đọc xong thì một trăm đốt tre dính liền lại với nhau thành một cây tre dài trăm đốt. Ông lão căn dặn anh:
– Cháu không thể vác cây tre này về nhà được vì nó quá dài cháu ạ. Cháu hãy đọc ba lần câu “Khắc xuất, khắc xuất”, các đốt tre sẽ rời ra như cũ. Cháu hãy bó lại và đem về nhà.
Anh nông dân chưa kịp cảm ơn ông lão thì ông lão đã biến mất. Anh đành vác hai bó tre đi về làng.
Về tới nơi, thấy mọi người đang ăn uống vui vẻ, anh nông dân mới biết lão nhà giàu đã lừa dối anh. Anh lẳng lặng để bó tre ngoài sân rồi vào nhà gọi lão nhà giàu ra nhận. Lão nhà giàu không thấy tre, mà chỉ thấy toàn là đốt tre. Lão cười bảo anh:
– Tao bảo mày chặt đem về một cây tre có trăm đốt, chứ có bảo mày đem về một trăm đốt tre đâu?
Chẳng cần trả lời lão, anh lẩm nhẩm đọc “Khắc nhập, khắc nhập” ba lần, tức thì các đốt tre dính liền lại thành cây tre. Lão nhà giàu nhìn thấy lạ quá, bèn chạy lại sờ tay vào cây tre. Anh nông dân thấy vậy đọc luôn “Khắc nhập, khắc nhập”, lão nhà giàu bị dính ngay vào cây tre, không có cách nào gỡ ra được.
Thấy vậy mấy tên nhà giàu khác chạy tới định gỡ cho lão, anh nông dân lại đọc “Khắc nhập, khắc nhập” thế là cả bọn lại bị dính hết vào cây tre. Lão nhà giàu ra sức van xin anh, lão hứa sẽ cho anh cưới ngay con gái lão và từ nay về sau không dám bày mưu lừa gạt anh nữa.
Lúc bấy giờ anh nông dân mới khoan thai đọc “Khắc xuất, khắc xuất” ba lần, tức thì cả bọn nhà giàu rời ra khỏi cây tre. Anh nông dân cưới cô con gái lão nhà giàu làm vợ và hai người sống bên nhau rất hạnh phúc.
Bài học rút ra từ truyện cổ tích cây tre trăm đốt
– Người tốt, lương thiện sẽ nhận được sự đền đáp xứng đáng, hạnh phúc sau những khó khăn, vất vả đã trải qua.
– Kẻ gian ác, tham lam, dối trá sẽ phải nhận sự trừng phạt thích đáng.
– Người hiền lành, thật thà, tốt bụng sẽ luôn được giúp đỡ vào lúc khó và tuyệt vọng nhất.
2. Truyện cổ tích cho thai nhi số 2: Cóc Kiện Trời
Ngày xửa ngày xưa, khi mà các loài vật vẫn còn biết nói, có một năm trời “hạn hán” rất lớn. Ánh nắng chiếu xuống khắp nơi vô cùng gay gắt, những cánh đồng bị khô và nứt nẻ. Nước trong ao hồ cạn dần, cây cỏ bị khô héo và úa vàng hết. Cả người và vật đều không còn thức ăn, nước uống.
Rất nhiều tháng trôi qua, người và vật dưới trần gian đều cầu xin Trời mưa để có nước uống, có thức ăn để ăn nhưng hình Ông Trời vẫn không nghe thấy. Lúc đó, Cóc sống trong hang đã lâu và rất thèm nước uống, bèn rủ thêm Cua Đồng, quyết định cùng kéo lên để hỏi Ông Trời tìm cho ra lẽ. Khi đi ngang một khu rừng thì cả bọn gặp một con Cọp to lớn nhưng gầy trơ xương, mắt nhắm lờ đờ và thở hổn hển. Cọp nói:
– Trời đang nắng chang chang, cháy cả thịt mà các anh đi đâu vậy?
Cả Cóc và Cua Đồng đều hậm hực đáp:
– Gần một năm nay, ông Trời không cho một giọt nước, họ hàng Cóc và Cua chúng tôi đang dần dần chết khát trong hang, đã kêu khản cổ mà ông Trời không chịu mưa. Chúng tôi phải tìm gặp ông Trời để kêu nài, nếu không thì chết hết mất.
Nghe thấy thế, Cọp mừng rỡ kêu lên:
– Vậy các bạn hãy cho tôi đi theo với, loài Cọp của chúng tôi cũng thế, khát nước đến nơi cũng không đi nổi. Bị lũ thỏ, chồn trêu ghẹo trước mặt mà không thể làm gì được. Tức chết được ấy!
Đi thêm một đoạn nữa thì Cóc, Cua và Cọp gặp thêm đàn ong bò vẽ. Đàn ong đã nhập hội và tất cả cùng kéo nhau rầm rộ lên đến cửa Trời kêu nài. Khi đến nơi, Cóc đã phân công: Cóc và Ong thì đứng nấp đằng sau cột phía trước của đại sảnh. Còn Cóc sẽ được Cọp đi cùng vào gặp Ông Trời. Nếu như việc thương thuyết không thành công, xảy ra cơ sự đánh nhau thì Cóc sẽ nghiến răng để Cua và Ong ra tiếp ứng.
Ông Trời nghe thấy tiếng ồn ào bên ngoài cổng thì cho là những loài động vật nổi loạn, liền sai Thiên Lôi ra đánh dẹp. Thấy Thiên Lôi hùng hục bước ra, Cọp nhào vào đánh nhau rất dữ dội với Thiên Lôi. Liền lúc đó, Cóc nghiến răng trèo trẹo, nghe thấy thế, đàn Ong và Cua ra tiếp ứng. Ong phóng kim chích tới tấp, còn Cua thì nhào vô kẹp mạnh. Thiên Lôi không đánh được phải xin tha và Ông Trời đã đồng ý với yêu cầu của cả bọn.
Từ đó về sau, chỉ cần mỗi lần Cóc nghiến răng là Ông Trời lại cho mưa xuống. Vì thế, dân gian có câu “Con Cóc là cậu Ông Trời – Hễ ai đánh Cóc là Trời đánh cho”.
>>> Xem thêm: Truyện Ngắn Cho Thai Nhi – 11 Truyện Ngắn Hay Nhất Bố Mẹ Phải Kể Cho Bé
3. Truyện cổ tích cho thai nhi số 3: Vì sao gà trống gáy?
“Vì sao gà trống gáy” là truyện cổ tích hay không chỉ giúp bé học được những đức tính tốt đẹp để hình thành tính cách mà còn có thể giúp trẻ dễ dàng khám phá được thế giới đa dạng của các loài vật.
Ngày xửa ngày xưa, khi các loài vật vẫn còn biết nói. Gà Trống là chú gà có một bộ lông thật là sặc sỡ, đẹp lộng lẫy trong tất cả các loài. Trong khi đó, Công chỉ có một bộ lông khá óng ả, nhưng không được đẹp bằng lông của Gà Trống.
Một hôm, Gà đang đi dạo trong rừng thì gặp Công. Cả hai chuyện trò hợp tính nên kết bạn cùng nhau. Từ đó công có nhiều dịp nhìn ngắm bộ lông của gà, và thường mơ ước được có bộ lông đẹp như thế. Còn Gà thì vô tình không biết sự mong ước của công, nên vẫn vô tình phô trương nét đẹp của bộ lông mình cho công thấy. Khiến Công ngày càng thêm thèm muốn chiếm đoạt bộ lông đó.
Đến ngày kia, Công chợt nghĩ ra một kế để gạt Gà. Công giả bộ buồn rầu và than phiền cùng gà:
– Buồn quá bạn ạ, chiều nay tôi phải dự tiệc cùng bạn bè nhưng lại chẳng có bộ áo nào đẹp để đi dự tiệc cả.
– Gà ngắm nghía Công rồi nói:
– Bộ áo của bạn cũng đẹp lắm. Chẳng mấy ai có được bộ áo như bạn đâu. Công ạ, bạn đừng buồn nữa.
Công vẫn thở dài, rồi ngỏ ý:
– Bộ áo của tôi tuy cũng không tệ, nhưng bì sao được với bộ của bạn. Kìa, bạn nhìn thử mà xem. Dáng bạn oai phong lẫm liệt. Trên đầu thì có cái mào đỏ dựng đứng trông như vương miện của vua. Đôi chân vàng óng trông như đôi hia vàng. Còn bộ lông của bạn thì quả thật tuyệt vời vô cùng. Óng ánh đủ màu cầu vồng. Trông thật rực rỡ và uy nghi. Đẹp vô cùng. Giá mà bạn cho tôi mượn tạm bộ áo bạn để đi dự tiệc thì quý biết chừng nào.
Gà vui khi nghe Công khen ngợi bộ áo của mình nên tỏ vẻ dễ dãi, đồng ý cho Công mượn. Công mừng quá vội trao đổi áo với Cà ngay lập tức. Trước khi chia tay với Gà, Công còn hứa chắc chắn rằng sẽ trả lại bộ áo cho Gà ngay sớm hôm sau, trước lúc mặt trời mọc. Gà tin lời nên vui vẻ chờ đợi.
Nhưng than ôi! Gà cứ chờ mãi, chờ mãi. Mặt trời mọc rồi lại lặn, lặn rồi lại mọc mà vẫn chẳng thấy bóng dáng của công. Gà tiếc bộ áo lộng lẫy của mình vô cùng nên cứ thao thức. Trời vừa hửng sáng, mặt trời sắp sửa mọc thì Gà đã vội choàng dậy mà cất cao giọng gọi:
– Ò…ó…o…o… Ò…ó…o…o…. Sáng rồi, Công ơi, trả áo cho tôi… Ò…ó…o…o… Ò…ó…o…o..
Và cũng từ đó đến nay, công mới có bộ lông thật lộng lẫy như ta thường thấy. Mỗi khi nhớ lại chuyện xưa, Công lại thích chí giương cánh, xòe bộ lông đuôi óng ánh rực rỡ ra để khoe. Còn Gà Trống chỉ còn có bộ lông như hiện tại, và gà vẫn cất cao giọng mỗi buổi sáng đến mong Công nghe mà trả lại áo cho Gà.
Ý nghĩa của câu chuyện rút ra cho bé
Không nên quá tin tưởng vào những lời nịnh nọt có cánh. Tuy nhiên, khi mượn đồ của ai đó thì cũng nên trả lại, không nên vơ vào làm của mình
4. Truyện cổ tích cho thai nhi số 4: Sự tích cây ngô
Các bé có biết vì sao lại có cây ngô như ngày nay không? Nếu các bé chưa biết thì xin mời bé cùng đọc câu chuyện cổ tích “Sự tích cây ngô” để biết được nguồn gốc hình thành loài cây này nhé.
Năm ấy, trời hạn hán. Cây cối chết khô vì thiếu nước, bản làng xơ xác vì đói khát. Nhiều người phải bỏ bản ra đi tìm nơi ở mới. Ở nhà nọ chỉ có hai mẹ con. Người mẹ ốm đau liên miên và cậu con trai lên 7 tuổi. Cậu bé tên là Aưm, có nước da đen nhẫy và mái tóc vàng hoe.
Tuy còn nhỏ nhưng Aưm đã trở thành chỗ dựa của mẹ. Hằng này, cậu dậy sớm vào rừng kiếm măng, hái nấm, hái quả mang về cho mẹ. Nhưng trời ngày càng hạn hán hơn. Có những lần cậu đi cả ngày mà vẫn không tìm được thứ gì để ăn.Một hôm, vừa đói vừa mệt cậu thiếp đi bên bờ suối. Trong mơ, cậu nhìn thấy một con chim cắp quả gì to bằng bắp tay, phía trên có chùm râu vàng như mái tóc của cậu. Con chim đặt quả lạ vào tay Aưm rồi vỗ cánh bay đi. Tỉnh dậy Aưm thấy quả lạ vẩn ở trên tay. Ngạc nhiên, Aưm lần bóc các lớp vỏ thì thấy phía trong hiện ra những hạt màu vàng nhạt, xếp thành hàng đều tăm tắp. Aưm tỉa một hạt bỏ vào miệng nhai thử thì thấy có vị ngọt, bùi. Mừng quá, Aưm cầm quả lạ chạy một mạch về nhà.
Mẹ của cậu vẫn nằm thiêm thiếp trên giường. Thương mẹ mấy ngày nay đã đói lả, Aưm vội tỉa những hạt lạ đó mang giã và nấu lên mời mẹ ăn. Người mẹ dần dần tỉnh lại, âu yến nhìn đứa con hiếu thảo. Còn lại ít hạt, Aưm đem gieo vào mảnh đất trước sân nhà. Hằng ngày, cậu ra sức chăm bón cho cây lạ.
Nhiều hôm phải đi cả ngày mới tìm được nước uống nhưng Aưm vẫn dành một gáo nước để tưới cho cây. Được chăm sóc tốt nên cây lớn rất nhanh, vươn những lá dài xanh mướt. Chẳng bao lâu, cây đã trổ hoa, kết quả.
Mùa hạn qua đi, bà con lũ lượt tìm về bản cũ. Aưm hái những quả lạ có râu vàng hoe như mái tóc của cậu biếu bà con để làm hạt giống. Quý tấm lòng thơm thảo của Aưm, dân bản lấy tên câu bé đặt tên cho cây có quả lạ đó là cây Aưm, hay còn gọi là cây ngô. Nhờ có cây ngô mà từ đó, những người dân Pako không còn lo thiếu đói nữa.
5. Truyện cổ tích cho thai nhi số 5: Sự tích cây vú sữa
Ngày xưa, có một cậu bé được mẹ cưng chiều nên rất nghịch và ham chơi. Một lần, bị mẹ mắng, cậu vùng vằng bỏ đi. Cậu la cà khắp nơi, mẹ cậu ở nhà không biết cậu ở đâu nên buồn lắm. Ngày ngày mẹ ngồi trên bậc cửa ngóng cậu về. Một thời gian trôi qua mà cậu vẫn không về. Ví quá đau buồn và kiệt sức, mẹ cậu gục xuống. Không biết cậu đã đi bao lâu. Một hôm, vừa đói vừa rét, lại bị trẻ lớn hơn đánh, cậu mới nhớ đến mẹ.-“Phải rồi, khi mình đói, mẹ vẫn cho mình ăn, khi mình bị đứa khác bắt nạt, mẹ vẫn bênh mình, về với mẹ thôi”.
Cậu liền tìm đường về nhà. Ở nhà, cảnh vật vẫn như xưa, nhưng không thấy mẹ đâu. Cậu khản tiếng gọi mẹ:
– Mẹ ơi, mẹ đi đâu rồi, con đói quá ! – Cậu bé gục xuống, rồi ôm một cây xanh trong vườn mà khóc.
Kỳ lạ thay, cây xanh bỗng run rẩy. Từ các cành lá, những đài hoa bé tí trổ ra, nở trắng như mây. Hoa tàn, quả xuất hiện, lớn nhanh, da căng mịn, xanh óng ánh. Cây nghiêng cành, một quả to rơi vào tay cậu bé.
Cậu bé cắn một miếng thật to. Chát quá
Quả thứ hai rơi xuống. Cậu lột vỏ, cắn vào hạt quả. Cứng quá.
Quả thứ ba rơi xuống. Cậu khẽ bóp quanh quanh quả, lớp vỏ mềm dần rồi khẽ nứt ra một kẽ nhỏ. Một dòng sữa trắng sóng sánh trào ra, ngọt thơm như sữa mẹ.
Cậu bé ghé môi hứng lấy dòng sữa ngọt ngào, thơm ngon như sữa mẹ.
Cây rung rinh cành lá, thì thào :
“Ăn trái ba lần mới biết trái ngon. Con có lớn khôn mới hay lòng mẹ”.
Cậu oà lên khóc. Mẹ đã không còn nữa. Cậu nhìn lên tán lá, lá một mặt xanh bóng, mặt kia đỏ hoe như mắt mẹ khóc chờ con. Cậu ôm lấy thân cây mà khóc, thân cây xù xì, thô ráp như đôi bàn tay làm lụng của mẹ. Nước mắt cậu rơi xuống gốc cây, Cây xòa cành ôm cậu, rung rinh cành lá như tay mẹ âu yếm vỗ về.
Cậu kể cho mọi người nghe chuyện về người mẹ và nỗi ân hận của mình…
Trái cây thơm ngon ở vườn nhà cậu, ai cũng thích. Họ đem về gieo trồng khắp nơi và đặt tên là Cây Vú Sữa.
6. Truyện cổ tích cho thai nhi số 6: Sự tích dưa hấu
Ngày xưa, Vua Hùng Vương thứ 18 có nuôi một đứa trẻ thông minh khôi ngô, đặt tên là Mai Yển, hiệu là An Tiêm.
Lớn lên, vua cưới vợ cho An Tiêm, và tin dùng ở triều đình. Cậy nhờ ơn Vua cha, nhưng An Tiêm lại kiêu căng cho rằng tự sức mình tài giỏi mới gây dựng được sự nghiệp, chứ chẳng nhờ ai. Lời nói này đến tai vua, vua cho An Tiêm là kẻ kiêu bạc vô ơn, bèn đày An Tiêm cùng vợ con ra một hòn đảo xa, ở ngoài biển Nga Sơn (Thanh Hoá, Bắc Việt).
Người vợ là nàng Ba lo sợ sẽ phải chết ở ngoài cù lao cô quạnh, nhưng An Tiêm thì bình thản nói: “Trời đã sinh ra ta, sống chết là ở Trời và ở ta, việc gì phải lo”.
Hai vợ chồng An Tiêm cùng đứa con đã sống hiu quạnh ở một bãi cát, trên hoang đảo. Họ ra sức khai khẩn, trồng trọt để kiếm sống. Một ngày kia, vào mùa hạ, có một con chim lạ từ phương tây bay đến đậu trên một gò cát. Chim nhả mấy hạt gì xuống đất. Được ít lâu, thì hạt nẩy mầm, mọc dây lá cây lan rộng.
Cây nở hoa, kết thành trái to. Rất nhiều trái vỏ xanh, ruột đỏ. An Tiêm bảo vợ: “Giống cây này tự nhiên không trồng mà có tức là vật của Trời nuôi ta đó”. Rồi An Tiêm hái nếm thử, thấy vỏ xanh, ruột đỏ, hột đen, mùi vị thơm và ngon ngọt, mát dịu. An Tiêm bèn lấy hột gieo trồng khắp nơi, sau đó mọc lan ra rất nhiều.
Một ngày kia, có một chiếc tàu bị bão dạt vào cù lao. Mọi người lên bãi cát, thấy có nhiều quả lạ, ngon. Họ đua nhau đổi thực phẩm cho gia đình An Tiêm. Rồi từ đó, tiếng đồn đi là có một giống dưa rất ngon ở trên đảo. Các tàu buôn tấp nập ghé đến đổi chác đủ thứ vật dụng và thực phẩm cho gia đình An Tiêm. Nhờ đó mà gia đình bé nhỏ của An Tiêm trở nên đầy đủ, cuộc sống phong lưu.
Vì chim đã mang hột dưa đến từ phương Tây, nên An Tiêm đặt tên cho thứ trái cây này là Tây Qua. Người Tàu ăn thấy ngon, khen là “hẩu”, nên về sau người ta gọi trại đi là Dưa Hấu.
Ít lâu sau, vua sai người ra cù lao ngoài biển Nga Sơn dò xét xem gia đình An Tiêm ra làm sao, sống hay chết. Sứ thần về kể lại cảnh sống sung túc và nhàn nhã của vợ chồng An Tiêm, nhà vua ngẫm nghĩ thấy thầm phục đứa con nuôi, bèn cho triệu An Tiêm về phục lại chức vị cũ trong triều đình.
An Tiêm đem về dâng cho vua giống dưa hấu mà mình may mắn có được. Rồi phân phát hột dưa cho dân chúng trồng ở những chỗ đất cát, làm giàu thêm cho xứ Việt một thứ trái cây danh tiếng. Hòn đảo mà An Tiêm ở, được gọi là Châu An Tiêm.
7. Truyện cổ tích cho thai nhi số 7: Cậu bé Tích Chu
Ngày xưa, có một bạn tên là Tích Chu. Bố mẹ Tích Chu mất sớm, Tích Chu ở với bà.
Hàng ngày bà phải làm việc quần quật kiếm tiền nuôi Tích Chu, có thức gì ngon bà cũng dành cho Tích Chu. Ban đêm, khi Tích Chu ngủ thì bà thức quạt. Thấy bà thương Tích Chu, có người bảo:
– Bà ơi! Lòng bà thương Tích Chu cao hơn trời, rộng hơn biển. Lớn lên, Tích Chu sẽ không khi nào quên ơn bà.
Thế nhưng lớn lên, Tích Chu lại chẳng thương bà. Bà thì suốt ngày làm việc vất vả, còn Tích Chu suốt ngày rong chơi. Vì làm việc vất vả, ăn uống lại kham khổ nên bà bị ốm. Bà lên cơn sốt nhưng chẳng ai trông nom. Tích Chu mãi rong chơi với bạn bè, chẳng nghĩ gì đến bà đang ốm. Một buổi trưa, trời nóng nực, cơn sốt lên cao, bà khát nước quá liền gọi:
– Tích Chu ơi, cho bà ngụm nước. Bà khát khô cổ rồi!
Bà gọi một lần, hai lần…rồi ba lần nhưng vẫn không thấy Tích Chu đáp lại. Mãi sau Tích Chu thấy đói mới chạy về nhà kiếm cái ăn. Tích Chu ngạc nhiên hết sức thấy bà biến thành chim và vỗ cánh bay lên trời. Tích Chu hoảng quá kêu lên:
– Bà ơi! Bà đi đâu? Bà ở lại với cháu. Cháu sẽ mang nước cho bà, bà ơi!
– Cúc cu … cu! Cúc … cu cu! Chậm mất rồi cháu ạ, bà khát quá không thể chịu nổi phải hóa thành chim để bay đi kiếm nước. Bà đi đây, bà không về nữa đâu!
Nói rồi chim vỗ cánh bay đi. Tích Chu hoảng quá chạy theo bà, cứ nhằm theo hướng chim bay mà chạy. Cuối cùng Tích Chu gặp chim đang uống nước ở một dòng suối mát. Tích Chu gọi:
– Bà ơi! Bà trở về với cháu đi. Cháu sẽ đi lấy nước cho bà, cháu sẽ giúp đỡ bà, cháu sẽ không làm bà buồn nữa!
– Cúc …cu…cu, muộn quá rồi cháu ơi! Bà không trở lại được nữa đâu!
Nghe chim nói, Tích Chu òa khóc, Tích Chu thương bà và hối hận. Giữa lúc đó, có một bà tiên hiện ra, bà bảo Tích Chu:
– Nếu cháu muốn bà trở lại thành người thì cháu phải đi lấy nước suối Tiên cho bà cháu uống. Đường lên suối Tiên xa lắm, cháu có đi được không?
Nghe bà Tiên nói, Tích Chu mừng rỡ vô cùng, vội vàng hỏi đường đến suối Tiên, rồi chẳng một phút chần chừ, Tích Chu hăng hái đi ngay.
Trải qua nhiều ngày đêm lặn lội trên đường, vượt qua rất nhiều nguy hiểm, cuối cùng Tích Chu đã lấy được nước suối mang về cho bà uống. Được uống nước suối Tiên, bà Tích Chu trở lại thành người và về ở với Tích Chu.
Từ đấy, Tích Chu hết lòng yêu thương chăm sóc bà.
8. Truyện cổ tích cho thai nhi số 8: Sự tích Hoa Mào Gà
9. Truyện số 9: Bắc Kim Thang
“Ngày xửa ngày xưa, ở một làng quê nọ, có hai người bạn làm nghề buôn bán cùng nhau. Một người đi soi đèn bắt ếch về đêm, còn anh kia thì chuyên đi bán dầu thắp đèn vào rạng sáng. Nhà họ dựng trên một cù lao nhỏ ven sông, tách biệt với làng xóm, muốn đi vào chợ làng phải đi ngang một cây cầu khỉ vắt vẻo. Do hoàn cảnh đơn chiếc, nên hai anh cũng thân thiết với nhau. Có lần vì mẹ già của anh bán ếch bệnh mà không có tiền chạy chữa nên qua đời, anh bán dầu liền bỏ tiền ra giúp đỡ ma chay mà không hề tính toán, vì thế mà anh bắt ếch càng quý trọng tình bạn của anh bán dầu.
Một đêm nọ, trong lúc đi làm việc, anh bắt ếch nghe tiếng kêu thảm thiết phát ra từ một cái bẫy trên đồng. Tính tò mò, anh lại mở ra coi thì phát hiện ra hai con chim le le và bìm bịp nằm trong bẫy, do chúng giành ăn với nhau mới bất cẩn rơi vào bẩy của con người. Hai con chim ra sức năn nỉ anh bắt ếch mở bẩy tha cho mình, rồi hứa sẽ đền ơn báo đáp. Vốn là người có tính nhân từ, anh bắt ếch cũng xuôi lòng rồi giải thoát cho chúng.
Vài ngày sau, hai con chim cùng bay đến nhà anh bắt ếch để cảnh báo cho anh biết tai ương sắp đến. Chúng nghe được hai con ma da ở sông bàn với nhau rằng sẽ kéo chân anh bán dầu và anh bắt ếch, cho hai anh chết, thế mạng cho chúng để chúng được đầu thai. Vì hai con ma này chết đã lâu, nếu trong 7 ngày không bắt được người thay thế sẽ bị hồn phách tứ tán, không được đầu thai nữa. Thêm vào đó, ma da cũng chỉ có thể bắt hai anh khi trời vừa rạng sáng, lúc anh bán dầu ra chợ và lúc anh bắt ếch về nhà, bởi vì khi mặt trời lên thì chúng không còn ma phép.
Ban đầu anh bắt ếch đem cớ sự nói anh cho bán dầu nghe, khuyên anh nên ở nhà, nghỉ bán một tuần lễ, nhưng anh bán dầu lại không tin, cho rằng đấy là mê tín vớ vẩn, trên đời không có ma, quỷ. Theo lời le le và bìm bịp, anh bắt ếch viện cớ đến ngày cúng mẹ, gọi anh bán dầu qua nhà tiệc tùng ăn nhậu, chuốc cho anh say mèm đến mức sáng hôm sau không ra chợ bán được. Ngày kia lại lấy cớ sang nhà cảm ơn anh bán dầu đã giúp đỡ, lại bày tiệc ăn uống no say, trì hoãn việc đi ngang cây cầu kia.
Hôm ấy là ngày cuối cùng của thời hạn 7 ngày ma da bắt hồn, do say sỉn nhiều ngày liền nên anh bắt ếch ngủ quên. Anh bán dầu sực tỉnh vào sáng sớm, nhận ra mình đã bỏ buôn bán mấy ngày liền bèn nhanh chóng quẩy hàng ra chợ. Do bước vội vàng qua cầu khỉ cheo leo, lại bị bọn ma da biến phép cho cầu trơn trượt nên sẩy chân rơi xuống nước mà chết. Anh bắt ếch vì tiếc thương bạn nhưng do còn sợ bọn ma da nên phải đợi hết một ngày sau mới dám vớt xác bạn lên mà làm ma chay. Thấy ân nhân của mình đau lòng, le le và bìm bịp cũng bay đến, cất tiếng kêu thảm thiết như tiếng kèn trống đám ma để tiễn biệt một người chết oan.”
Đọc hết truyện cổ tích này thì có lẽ mọi người đều sáng tỏ vì sao trong bài đồng dao “Bắc kim thang” có 4 câu cuối là:
Chú bán dầu, qua cầu mà té.
Chú bán ếch, ở lại làm chi.
Con le le đánh trống thổi kèn,
Con bìm bịp thổi tò tí te tò te.
Thực chất là để diễn tả lại câu chuyện cổ tích đề cao tình bạn và tính chất cứu vật vật trả ơn của người xưa.
Thế nên vấn đề còn lại nằm ở hai câu:
Bắc kim thang, cà lang bí rợ
Cột qua kèo, là kèo qua cột.
Ở câu đầu tiên, “cà, lang, bí rợ” là để chỉ cho 3 loại củ, quả có cùng một đặc tính là thuộc họ dây leo, trái cà, khoai lang và bí rợ. Đặc biệt với từ bí rợ, là một từ thuần chất của miền Nam, cũng đã nói lên xuất xứ của bài đồng dao này là từ miền Tây Nam bộ.
Nói đến “bắc kim thang” thì phải hiểu hơi “hàn lâm” một chút, là từ kim thang ở đây hiểu cho đúng phải là cái thang hình chữ KIM -金- tức là hình tam giác cân. Từ “kim tự tháp” cũng là bắt nguồn từ chữ “kim” này mà có, do chỉ hình dạng cái tháp của người Ai Cập cổ là hình tam giác cân.
Còn cái “kim thang” của con nít ngày xưa là do người lớn dùng hai thanh tre dài, bắt chéo vào nhau tạo thành một hình tam giác cân rồi cắm trên mặt đất, cách vài mét lại đặt một cái như vậy, tạo thành một hàng dài. Bản thân của cái kim thang này trở thành một cái cột (do không có cây cột dựng đứng giữa nên hai thanh tre chéo vào trở thành cột luôn). Những cái kim thang được nối vào nhau bởi cái “vì kèo” là những thanh tre chạy dọc theo giàn, cứ như thế tạo thành một giàn cốt là để cho cà, lang, bí rợ leo lên mà sinh sôi, phát triển.
Vậy “cột qua kèo, kèo qua cột” là chỉ mối quan hệ gắn bó vào nhau của hai vật thể. Cả câu “bắc kim thang, cà lang bí rợ, cột qua kèo, là kèo qua cột” cốt để miêu tả mối quan hệ keo sơn, quấn quít, gắn bó vào nhau của anh bán dầu và anh bán ếch ở bốn câu sau.
Cả bài đồng dao này được viết lại dựa trên câu chuyện cổ tích kia, nên cách lý giải cũng vì thế mà nên hiểu cho đúng. Tuy nhiên trải qua thời gian dài, người lớn không còn kiên nhẫn để giải thích cho con trẻ hiểu về truyện cổ tích kia, thế nên bài đồng dao “bắc kim thang” cứ thế mà lưu truyền, gây ra sự hoang mang, khó hiểu cho người nghe.
Bên cạnh đó, cũng còn nhiều lời bàn, tranh cãi xung quanh việc lý giải ý nghĩa cho bài đồng dao này. Điển hình là ông Nguyễn Hữu Hiệp ở An Giang đã phát biểu trong hội thảo khoa học tại trường Đại học Cần Thơ năm 2003, rằng hiểu cho đúng thì bài đồng dao này phải được hát là:
Bắt kim than, cà lang bí rợ
Cột quai chèo, chèo qua chèo lại,
Bắt ngựa ô, chạy vô vườn mít,
Hái lá mít, chùi đít ngựa ô.
Tuy nhiên cách giải thích này lại khập khiễng và vô cùng tối nghĩa, khó hiểu.
Vậy nên tôi mới mạn phép truy tìm nguồn gốc, đọc và thẩm định rồi giải thích để mọi người hiểu hơn về bài đồng dao này. Nếu mọi người thấy cách lý giải này là hợp lý thì nhớ đặng mà con cháu có hỏi, thì ta biết trả lời rằng vì sao trẻ con hay hát:
Bắc kim thang, cà lang bí rợ,
Cột qua kèo, là kèo qua cột…
10. Truyện số 10 Sự tích bánh trưng bánh giầy
Ngày xưa, đời Vua Hùng Vương thứ 6, sau khi đánh dẹp xong giặc Ân, vua có ý định truyền ngôi cho con.
Nhân dịp đầu Xuân, vua mới họp các hoàng tử lại, bảo rằng: “Con nào tìm được thức ăn ngon lành, để bày cỗ cho có ý nghĩa nhất, thì ta sẽ truyền ngôi vua cho”.
Các hoàng tử đua nhau tìm kiếm của ngon vật lạ dâng lên cho vua cha, với hy vọng mình lấy được ngai vàng.
Trong khi đó, người con trai thứ 18 của Hùng Vương, là Tiết Liêu (còn gọi là Lang Liêu) có tính tình hiền hậu, lối sống đạo đức, hiếu thảo với cha mẹ. Vì mẹ mất sớm, thiếu người chỉ vẽ, nên ông lo lắng không biết làm thế nào.
Một hôm, Tiết Liêu nằm mộng thấy có vị Thần đến bảo: “Này con, vật trong Trời Đất không có gì quý bằng gạo, vì gạo là thức ăn nuôi sống con người. Con hãy nên lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng hình Trời và Đất. Hãy lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột bánh, để tượng hình Cha Mẹ sinh thành.”
Tiết Liêu tỉnh dậy, vô cùng mừng rỡ. Ông làm theo lời Thần dặn, chọn gạo nếp thật tốt làm bánh vuông để tượng hình Đất, bỏ vào chõ chưng chín gọi là Bánh Chưng. Và ông giã xôi làm bánh tròn, để tượng hình Trời, gọi là Bánh Dầỵ Còn lá xanh bọc ở ngoài và nhân ở trong ruột bánh là tượng hình cha mẹ yêu thương đùm bọc con cái.
Đến ngày hẹn, các hoàng tử đều đem thức ăn đến bày trên mâm cỗ. Ôi thôi, đủ cả sơn hào hải vị, nhiều món ngon lành. Hoàng tử Tiết Liêu thì chỉ có Bánh Dầy và Bánh Chưng. Vua Hùng Vương lấy làm lạ hỏi, thì Tiết Liêu đem chuyện Thần báo mộng kể, giải thích ý nghĩa của Bánh Dầy Bánh Chưng. Vua cha nếm thử, thấy bánh ngon, khen có ý nghĩa, bèn truyền ngôi Vua lại cho Tiết Liêu con trai thứ 18.
Kể từ đó, mỗi khi đến Tết Nguyên Đán, thì dân chúng làm bánh Chưng và bánh Dầy để dâng cúng Tổ Tiên và Trời Đất.
11. Truyện số 11: Bà Chúa Bèo
Ngày xửa ngày xưa ở một làng nọ có một cô bé hiền lành, chịu thương chịu khó. Một ngày cô ngồi ở bờ ruộng lặng nhìn những cây lúa nghẹn đòng ở ruộng nhà.
Cô thương cho lúa và lo cho gia đình mình. Năm nay mất mùa thì lại bữa cơm bữa cháo!
Cô nhìn cánh đồng làng rộng thẳng cánh cò bay. Ðất bạc màu, lúa ốm yếu, xanh một màu vàng vọt. Cô thương cho lúa và lo cho làng xóm. Năm nay mất mùa thì lại có người chết đói!
Cô ôm mặt khóc. Bỗng Bụt hiện ra sáng lòa, hỏi:
– Tại sao con khóc?
Cô bé vừa mếu máo vừa thưa:
– Con khóc vì con thương cây lúa nghẹn đòng.
– Nhưng nước mắt của con có làm cho cây lúa trổ bông, sây hạt được đâu?
Nghe Bụt nói thế, cô bé càng khóc to hơn. Bụt lại hỏi:
– Con có muốn cứu lúa không?
– Dạ, có.
– Muốn cứu lúa, thì con phải đưa cho ta một vật gì con quý nhất.
Cô bé nhìn áo mình thì áo nâu vá, sờ vào túi thì túi nhẵn không, nhòm vào giỏ thì giỏ chỉ có mấy con cua vừa mới bắt được. Sực nhớ đến đôi hoa tai bằng ngọc quý, cô vội gỡ ra, rồi hai tay dâng lên Bụt:
– Thưa Bụt, con chỉ có đôi bông tai hoa dâu, mẹ con trước khi chết đã trao lại. Mẹ con dặn rằng: “Bông hoa tai ngọc này là của quý của dòng họ ta đấy”.
Nói đến đây, cô bé ngừng lại. Bụt giục nói tiếp. Cô bé nhìn đôi hoa tai lóng lánh:
– Mẹ con còn bảo: “Dòng họ có lời nguyền hễ ai được đeo hoa tai mà làm mất hoặc đem bán đi, thì người đó suốt đời sẽ bị dòng họ xa lánh, hắt hủi, suốt đời sẽ sống một cuộc sống lẻ loi, buồn tủi”.
– Con đưa cho ta vật quý, con không sợ bị trừng phạt sao?
Nhìn ruộng lúa nhà mình, nhìn cánh đồng làng, cô bé mạnh dạn thưa:
– Ðể cứu lúa, con xin chịu trừng phạt.
Cô bé quỳ xuống, hai tay dâng đôi hoa tai lên cho Bụt. Bụt nâng cô bé dậy, chỉ vào một đám ruộng nước, bảo:
– Con hãy ném đôi hoa tai bằng ngọc quý này xuống ruộng kia!
Cô bé làm ngay theo lời Bụt. Lạ chưa! Bông hoa tai sáng rực lên một mầu xanh rồi chìm xuống nước. Sau đó nổi lên một cây bèo hình hoa dâu, giống hệt hoa tai của cô bé.
Bụt bảo:
– Con hãy nhân cây bèo lên hàng triệu triệu cây mà bón cho lúa. Lúa sẽ xanh, hết nghẹn đòng, sây hạt, nặng bông. Con xuống ruộng, đụng vào cây bèo đi! Khi nào con làm cho cánh đồng làng này xanh tốt, dòng họ sẽ rút lời nguyền cho con.
Dứt lời, Bụt biến mất. Cô bé xuống ruộng, đụng vào cây bèo xanh mượt. Hễ đụng vào một cây hóa thành hai, đụng vào hai cây, hóa thành bốn, đụng vào bốn cây, hóa thành tám. Thoạt đầu, cô lấy một ngón tay đụng vào bèo, dần dần lấy cả năm ngón tay rồi cả bàn tay mà nhân bèo. Cô mải mê làm đến chiều tối, bèo đã xanh kín cả ruộng. Hôm sau, cô lại đem một ít bèo sang ruộng bên cạnh, và cứ thế nhân lên.
Ruộng nào có bèo hoa dâu, thì lúa xanh tốt, mập khỏe hẳn lên. Dân làng thấy thế, ai cũng mừng rỡ và cùng cô bé ra sức nhân bèo. Chẳng bao lâu, cả cánh đồng mênh mông được phủ một lớp bèo hoa dâu xanh mượt.
Mùa năm ấy, lúa chín vàng trĩu hạt. Dân làng chung quanh thấy bón bèo hoa dâu lúa tốt, đến mua giống. Bèo hoa dâu dần dần lan rộng ra nhiều làng, nhiều huyện.
Một hôm, bố nhìn hai tai cô bé, hỏi:
– Ðôi hoa tai ngọc của con đâu rồi?
Cô bé cúi đầu, ngập ngừng, rồi kể hết cho bố nghe câu chuyện cô ngồi Khóc thương lúa và gặp Bụt.
Bố cảm động, ôm con vào lòng, nói:
– Bụt nói đúng. Dòng họ, dân làng nhờ con mà được ấm no, dòng họ sẽ bỏ lời nguyền, và thương con, yêu con mãi mãi. Ngày nay, không phải chỉ có một đôi hoa tai làm đẹp cho một người mà có hàng triệu triệu hoa tai làm cho mọi người ấm no.
Người ta kể lại rằng: sau khi cô chết, để tỏ lòng nhớ ơn cô, dân làng La Vân, tỉnh Thái Bình lập đền thờ và gọi cô là: “Bà Chúa Bèo“.
Đọc truyện cho bé từ khi trong bụng mẹ có lợi ích gì?
Không chỉ truyện cổ tích, mà những câu chuyện ngụ ngôn, truyện ngắn, những bài thơ cũng mang đến rất nhiều lợi ích. Trong đó phải kể đến việc mối liên kết giữa mẹ và con thêm bền vững. Bởi khi được mẹ kể chuyện bằng giọng điệu nhẹ nhàng, con sẽ cảm nhận được tình yêu và biết được đâu là giọng của mẹ.
Việc kể chuyện cho thai nhi còn giúp em bé có được vốn từ ngữ nhất định. Nhờ đó mà sau này bé sẽ học nói, học tập nhanh hơn những bạn đồng trang lứa.
Ngoài ra, những câu chuyện cổ tích còn giúp cả bé và mẹ được thư giãn tinh thần. Từ đó giúp quá trình mang thai diễn ra tốt đẹp hơn.
Thai nhi có thể tiếp thu truyện từ tháng thứ mấy?
Từ cuối tam cá nguyệt thứ hai (tức 3 tháng giữa thai kỳ) trở đi là thai nhi đã có thể tiếp thu những câu chuyện cổ tích. Đây là lúc em bé đã có thể nghe và phản ứng lại những âm thanh từ bên ngoài.
Vì thế, đây là thời điểm thích hợp để các gia đình cho bé nghe những câu chuyện cổ tích có ý nghĩa.
>> Cho bé nghe thêm truyện trong chuỗi video của chúng tôi trên youtube
Một bình luận
Pingback: 100+ Truyện Cổ Tích Song Ngữ Anh Việt PDF Không Thể Bỏ Qua