8 Truyện Cổ Tích Ngắn Cho Bé Hay Mà Ba Mẹ Nên Đọc Cho Bé Nghe

Đọc truyện cho bé là một trong những phương pháp nuôi dưỡng tâm hồn và nhân cách cho bé tốt nhất. Dưới đây là 8 truyện cổ tích ngắn cho bé hay ba mẹ có thể đọc cho bé mỗi đêm.

Truyện Mèo và chuột già

Có lần vì một con Mèo luôn để mắt rình, nên Chuột hầu như chẳng dám thò ra khỏi hang một cọng ria vì sợ bị Mèo bắt được ăn tươi nuốt sống nó.

Con Mèo đấy dường như có mặt ở khắp mọi nơi, luôn sẵn sàng móng vuốt để vồ mồi ngay lập tức. Vì lũ Chuột cứ nép mình sát trong hang, Mèo thấy rằng nó phải dùng mẹo mới bắt được chuột.

Một hôm, nó leo lên một cái kệ và treo mình vào đấy, đầu chúi xuống đất, như thể đã chết, một sợi dây thừng cột vào chân treo lủng lẳng lên kệ.Khi lũ Chuột lén nhìn ra và thấy Mèo bị treo như thế, chúng nghĩ rằng Mèo đã bị chủ phạt treo vì đã làm điều sai trái gì đấy. Ban đầu hết sức rụt rè, chúng thò đầu ra và cẩn thận đánh hơi tất cả khu vực xung quanh. Nhưng chẳng có gì động tịnh, thế là cả một đoàn quân chuột hớn hở chui ra để ăn mừng Mèo đã chết.

1. Truyện cổ tích ngắn cho bé: Mèo và chuột già
1. Truyện cổ tích ngắn cho bé: Mèo và chuột già

Ngay khi đó, Mèo buông chân khỏi thừng, và trước khi lũ Chuột hết bàng hoàng vì quá ngạc nhiên, nó đã kết liễu cuộc đời của bốn năm chú chuột.

Bây giờ Chuột nằm nhà giới nghiêm nghiêm ngặt hơn bao giờ hết. Nhưng Mèo, vẫn thèm ăn thịt Chuột, còn lắm mưu nhiều kế khác. Nó lăn mình nó vào bột cho đến khi nhìn nó y như một cục bột, nó nằm trong thùng bột chỉ mở một mắt ra canh Chuột.

Hoàn toàn an tâm vì chẳng còn thấy Mèo đâu, lũ Chuột chẳng mấy chốc lại thò đầu ra. Chỉ một tí nữa thôi tưởng chừng như mèo đã vớ được một con Chuột con bụ bẫm thì bỗng Chuột Già, đã từng bị Mèo vồ hụt và thoát bẫy nhiều lần, thậm chí đã mất đứt cái đuôi vào một trong những lần ấy, đứng ở một nơi khá xa tại một cái lỗ chân tường của hang nó sống.

Cẩn thận đấy!” nó la lên. “Đó có thể là một đống bột ngon, nhưng trông nó lại rất giống con Mèo. Dù nó là gì chăng nữa, thì cứ tránh xa cho an toàn là khôn ngoan nhất.”

Truyện Cáo cụt đuôi

Một con Cáo bị mắc bẫy, sau nhiều lần giật mạnh đau đớn vùng vẫy thoát ra được, bèn chạy đi. Nhưng nó phải bỏ lại cái đuôi đẹp đẽ của nó lại trong bẫy.

Trong một thời gian dài, nó không dám gặp mặt những con Cáo khác, vì nó biết rất rõ rằng, tất cả lũ Cáo kia sẽ lấy nó làm trò cười, chế giễu và đùa cợt sau lưng nó. Nhưng nó sống một mình cũng khó, nó cuối cùng cũng nghĩ ra được một kế để giải quyết cái vấn đề hóc búa này.

2. Truyện cổ tích ngắn cho bé: Cáo cụt đuôi
2. Truyện cổ tích ngắn cho bé: Cáo cụt đuôi

Nó kêu gọi triệu tập một cuộc họp mặt tất cả lũ Cáo, nói rằng nó có một vài điều quan trọng cần phải nói cho cả làng biết.

Khi chúng đã đến tham dự đông đủ, con Cáo cụt đuôi đứng dậy và diễn thuyết một hồi rất lâu về việc những con Cáo đã mắc nạn chỉ vì cái đuôi của mình.

Con này thì đã bị chó săn vồ vì khi chạy đuôi bị vướng vào bụi gai. Con kia thì không thể chạy đủ nhanh để thoát vì cái đuôi quá nặng nề. Ngoài ra, như ai cũng đã biết, nó nói, rằng con người bây giờ đi săn Cáo cũng chỉ là muốn có được cái đuôi Cáo, họ cắt đuôi để treo làm chiến tích đi săn thú. Với những chứng cứ về tính nguy hiểm và vô dụng của cái đuôi, Cáo Già nói, nó khuyên tất cả các con Cáo nên về cắt đuôi đi, nếu muốn được sống cho an toàn.

Khi nó vừa nói xong, một cụ Cáo đứng dậy, nói và cười mỉm:

“Lão Cáo, xin lão vui lòng quay mặt đi chỗ khác một chút, rồi chúng tôi sẽ trả lời lão.”

Khi con Cáo Cụt Đuôi tội nghiệp quay mặt đi, cả làng Cáo ồ lên cười và la ó, lúc đó Cáo Cụt Đuôi biết là có thuyết phục lũ Cáo kia bỏ cái đuôi của chúng thì cũng chẳng có ích gì nữa.

Bài học từ truyện cổ tích ngắn cho bé – Cáo cụt đuôi

Đừng bao giờ nghe lời những người không muốn bạn hơn họ.

>>> Xem thêm:Truyện Cổ Tích Cho Bé 3 Tuổi – 5 Truyện Hay Mẹ Nên Kể Cho Bé Mỗi Tối

Truyện Cổ tích cây vú sữa

ngày xửa ngày xưa, có cậu bé ham chơi bỏ nhà đi lang thang khiến mẹ buồn bã mất đi. Khi trở về nhà, cậu chỉ thấy một cái cây có quả cho dòng sữa ngọt ngào, thơm ngon như sữa mẹ.

Ngày xưa, có một cậu bé được mẹ cưng chiều nên rất nghịch và ham chơi, không nghe lời mẹ. Một lần, bị mẹ mắng, cậu giận mẹ bỏ đi. Cậu la cà, dạo chơi khắp nơi, mẹ cậu ở nhà không lo lắng biết cậu ở đâu nên rất buồn. Bà ngày ngày mẹ ngồi ở bậc cửa ngóng con trở về.

Thời gian trôi qua mà cậu vẫn không về. Vì quá đau buồn và kiệt sức, mẹ cậu mất. Không biết cậu đã đi bao lâu. Một hôm, vừa đói vừa rét, lại bị trẻ lớn hơn đánh, cậu mới nhớ đến mẹ.

– Phải rồi, khi mình đói, mẹ vẫn cho mình ăn, khi mình bị đứa khác bắt nạt, mẹ vẫn bảo vệ mình, về với mẹ thôi.

Cậu vội tìm đường về nhà. Ở nhà, cảnh vật vẫn như xưa, nhưng không thấy mẹ đâu. Cậu gọi mẹ:

– Mẹ ơi, mẹ đi đâu rồi, con đói quá ! – Cậu gục xuống, ôm một cây xanh trong vườn mà khóc.

3. Truyện cổ tích ngắn cho bé: Cổ tích cây vú sữa
3. Truyện cổ tích ngắn cho bé: Cổ tích cây vú sữa

Kỳ lạ thay, cây xanh đó bỗng run rẩy. Từ các cành lá, những đài hoa be bé trổ ra, nở trắng như mây. Hoa tàn, quả xuất hiện, lớn nhanh, da căng mịn, xanh óng ánh. Cây nghiêng cành, một quả to mọng rơi vào tay cậu bé.

Cậu bé cắn một miếng thật to, câu thốt lên:

–  Chát quá!

Quả thứ hai rơi xuống. Cậu lột vỏ, cắn vào hạt quả. Cậu thốt lên:

–  Cứng quá!

Quả thứ ba rơi xuống. Cậu khẽ bóp quanh quanh quả, lớp vỏ mềm dần rồi khẽ nứt ra một kẻ nhỏ. Một dòng sữa trắng sóng sánh trào ra, ngọt thơm như sữa mẹ.

Cậu bé ghé môi hứng lấy dòng sữa ngọt ngào, thơm ngon như sữa mẹ.

Cây rung rinh cành lá, thì thào :

– Ăn trái ba lần mới biết trái ngon. Con có lớn khôn mới hay lòng mẹ.

Cậu oà lên khóc. Mẹ đã không còn nữa. Cậu nhìn lên tán lá, lá một mặt xanh bóng, mặt kia đỏ hoe như mắt mẹ khóc chờ con. Cậu ôm lấy thân cây mà khóc, thân cây xù xì, thô ráp như đôi bàn tay làm lụng của mẹ.

Nước mắt cậu rơi xuống gốc cây. Cây xòa cành ôm cậu, rung rinh cành lá như tay mẹ âu yếm vỗ về đứa con thân yêu.

Cậu kể cho mọi người nghe chuyện về người mẹ và nỗi ân hận của mình…

Trái cây thơm ngon ở vườn nhà cậu, ai cũng thích. Họ đem về gieo trồng khắp nơi và đặt tên là Cây Vú Sữa.

Bài học từ truyện cổ tích ngắn cho bé – Truyện cây vú sữa

– Khi bố mẹ còn sống, hãy làm bố mẹ vui, tự hào vì các con. Đừng để đến lúc bố mẹ mất rồi mới nhận ra sai lầm, ân hận thì đã quá muộn.

– Cha mẹ dù có trách mắng thế nào cũng chỉ mong điều tốt cho con cái. Với con cái, bố mẹ luôn bao dung, yêu thương, che chở dù con cái sai lầm gì.

– Đạo làm con phải đặt chữ “hiếu” lên trên hết, nếu không hiếu thảo với bố mẹ thì khó được mọi người tôn trọng, và thành công trong cuộc sống.

– Nếu chúng ta có thất bại hay thành công thì gia đình luôn là nơi luôn giang rộng vòng tay đón chúng ta trở về, yêu đương và trở che.

Truyện Sự tích hạt đậu

Có một bà lão nghèo khổ ở làng kia kiếm được một mớ đậu mang nấu. Bà vào bếp nhóm lửa. Để đun cho nhanh, bà đút một mớ rơm vào bếp. Lúc bà đổ đậu vào nồi, có một hạt rơi xuống đất mà bà không hề hay biết. Hạt đậu rơi ngay cạnh một sợi rơm. Liền sau đó có một cục than hồng bắn từ trong bếp rơi xuống chỗ đậu và rơm. Sợi rơm liền hỏi:

– Các bạn thân mến, các bạn ở đâu tới đây thế?

Than trả lời:

– May quá là may, tôi nhảy từ ngọn lửa kia ra. Nếu tôi không lấy sức để nhảy ra thì chắc hẳn là toi mạng? Giờ có lẽ tôi đã bị đốt thành tro rồi.

Truyện cổ tích: Sự tích hạt đậu

Đậu nói:

– May là tôi không bị xây xát gì cả. Nếu như bà lão không đánh rớt tôi ra ngoài, có lẽ giờ này tôi đã bị nấu nhừ thành cháo như các bạn tôi.

Rơm nói:

– Kể ra thân phận tôi cũng chẳng hơn gì! Bà lão cho tất cả anh em tôi làm mồi cho khói lửa, bà nắm một lúc sáu chục sợi và đốt sạch. Cũng may tôi luồn được qua kẽ ngón tay bà cụ.

Than hỏi:

– Thế chúng ta làm gì bây giờ?

Đậu nói:

– Tôi nghĩ, cũng may là chúng ta cùng thoát chết, vậy thì chúng ta hãy kết nghĩa anh em với nhau. Để tránh điều bất hạnh khác có thể xảy ra với chúng ta, chúng ta hãy cùng nhau đi chu du thiên hạ.

Nghe lời đề nghị ấy, cả than và rơm đều thấy vui lòng. Thế rồi cả ba cùng nhau lên đường. Chẳng bao lâu cả ba tới bên một bờ con suối nhỏ. Chẳng có cầu mà cũng chẳng có ván bắc qua suối, cả ba loay hoay, chưa biết tính làm sao qua được suối. Chợt rơm nghĩ ra một kế và nói:

– Để tôi nằm vắt ngang suối, các bạn đi lên tôi như đi qua cầu vậy.

Rơm nằm vắt từ bờ này sang bờ kia. Than vốn tính nóng nảy, bước lon ton trên chiếc cầu vừa mới bắc xong. Ra tới giữa cầu, nghe tiếng nước chảy rào rào, than hoảng sợ. Than đứng lại giữa cầu, không còn can đảm bước tiếp. Rơm bắt đầu cháy, bị đứt thành hai đoạn và rơi xuống suối. Than cũng rơi theo. Chạm mặt nước, than xèo xèo được một lát rồi tắt thở. Đậu vốn tính cẩn thận hơn, hãy còn đứng bên bờ suối. Thấy sự việc xảy ra thật tức cười, đậu cười hoài rồi cười phá lên và vỡ ra từng mảnh. Thế là suýt nữa đậu cũng hết đời. Nhưng may thay lúc đó lại có một bác thợ may đi du ngoạn đang ngồi nghỉ bên bờ suối. Vốn có lòng thương người, bác lấy kim chỉ khâu liền các mảnh đậu. Đậu vô cùng biết ơn bác thợ may. Nhưng vì bác thợ may dùng chỉ đen để khâu nên từ đó hạt đậu nào cũng có đường chỉ đen.

Truyện Cóc kiện trời

Thủa xa xưa, Ngọc Hoàng cai quản tất cả các việc trên trời và dưới đất. Ngọc Hoàng giao cho thần Mưa chịu trách nhiệm làm mưa cho tất cả các con vật và cây cỏ có nước uống.

Nhưng đã ba năm nay, không có một giọt mưa nào. Khắp nơi đất đai nứt nẻ, cây cỏ khát nước chết rụi, các con thú cũng chết dần chết mòn vì khát. Muôn loài đều kêu than ai oán, vậy mà trời đâu có thấu.

Một hôm, các con vật họp bàn nhau lại, chúng quyết định cử Cóc lên gặp Ngọc Hoàng. Cùng đi với Cóc có Cáo, Gấu và Cọp.

Bốn con vật đi mãi, cuối cùng cũng lên đến cửa nhà trời. Ở cửa có đặt cái trống rất to. Theo tục lệ nếu ai có điều gì oan ức thì đánh trống lên. Ngọc Hoàng sẽ ra giải quyết. Cóc bảo Cáo, Gấu, Cọp nấp vào bụi rậm, còn Cóc thì nhảy lên đánh trống inh ỏi.

Ngọc Hoàng nghe tiếng trống liền sai một thiên thần ra nhìn xem ai. Thiên thần bước ra nhìn ngược, nhìn xuôi mãi cũng không thấy ai, chỉ thấy con Cóc bé nhỏ ngồi trên trống. Khi biết Cóc có ý định gặp Ngọc Hoàng để kêu oan, thiên thần tỏ ý khinh bỉ Cóc, lẳng lặng đi vào và thưa với Ngọc Hoàng.

– Thưa Ngọc Hoàng, kẻ dám cả gan đánh trống ầm ĩ nhà trời là một con Cóc bé tí, xấu xí khinh khủng, thần hỏi nó đi đâu, nó nói lên Ngọc Hoàng để kiện.

Ngọc Hoàng nghe thiên thần nói như vậy thì lấy làm giận lắm, bèn sai bầy Gà ra mổ Cóc. Nhưng bầy Gà vừa ló khỏi cửa, Cóc ra hiệu cho Cáo từ bụi rậm xong ra vồ gà.

Biết Gà bị Cáo vồ mất, Ngọc Hoàng liền sai Chó ra giết Cáo. Chó chạy ra chỉ kịp sủa “Gâu gâu gâu ” mấy tiếng đã bị Gấu ra chộp lấy tha đi. Ngọc Hoàng lại sai một toán lính ra trị Gấu. Lần này, Cọp xông ra quật chết toán lính không còn sót một người nào.

Ngọc Hoàng không ngờ Cóc tuy bé nhỏ mà lại khó trị như vậy, Ngọc Hoàng đổi giận thành làm lành sai thiên thần ra mời Cóc vào. Ngọc Hoàng hỏi Cóc:

– “Cậu” lên đây có việc gì?

Cóc thưa:

– Muôn tâu Ngọc Hoàng, đã 3 năm nay chúng tôi không được một giọt mưa nào. Loài vật cử tôi lên đây để kiện trời, vì sao không làm mưa?

Ngọc Hoàng cho gọi thần mưa đến. Té ra thần Mưa mải rong chơi tối về đắp chiếu nằm ngủ, quên không làm mưa bị Ngọc Hoàng trách mắng, thần Mưa vội sai các con rồng phun nước ào ào xuống đất. Ngọc Hoàng đưa tiễn Cóc ra về và dặn:

– Từ nay về sau, nếu cần mưa thì Cóc nghiến răng ken két báo cho Ngọc Hoàng biết. Ta sẽ sai thần làm mưa ngay. Cóc không phải lên kiện trời nữa.

Cóc, Cáo, Gấu, Cọp từ biệt Ngọc Hoàng trở về dưới đất. Khi bốn con vật đến nơi thì thấy nước đã tràn đầy hồ, ao, sông, suối, cây cỏ, muôn loài uống nước thỏa thuê. Tất cả đều phục Cóc bé tí mà kiện được trời nên đặt ra câu hát:

“Con cóc là cậu ông trời

Hễ ai đánh Cóc thì trời đánh cho”.

>>> Xem thêm:Truyện Cổ Tích Cho Bé 4 Tuổi – 10 Truyện Cổ Tích Ba Mẹ Phải Kể Cho Bé

Truyện Trí khôn của ta đây

Một ngày nọ, có con cọp rất lớn từ trong rừng sâu ra ngoài, nó trông thấy ở ngay thửa ruộng cạnh rừng có bác nông dân cùng con trâu mộng chăm chỉ cày cuốc. Tuy rằng con trâu kia rất chăm chỉ kéo cày nhưng mà lâu lâu thì bác nông dân kia lại quất cho nó mấy roi tạo thành tiếng “đét… đét…” vào mông.

Thấy cảnh này thì cọp cảm thấy ngạc nhiên lắm. Nó đợi cho đến khi buổi trưa tới, đợi cho bác nông dân tháo hết cày ra cho trâu, rồi nó mới lân la tiến tới để hỏi chuyện nó vẫn tò mò:

– Này anh kia. Tôi trông anh to khỏe thế sao lại để cho bọn con người đánh đập, hành hạ đến khổ sở như thế chứ?

Trâu thấy cọp tới thì cũng tỏ vẻ bình tĩnh, nghe cọp hỏi xong thì nó mới thì thầm:

– Anh không biết đấy thôi! Nhìn con người nhỏ bé vậy nhưng họ có trí khôn, đáng sợ lắm!

Nghe trâu nói như vậy thì cọp ta lại càng cảm thấy kì lạ và khó hiểu hơn. Cọp lại hỏi:

– Trí khôn ư? Nó là gì thế? Trông nó như nào vậy anh?

Nhưng mà trâu cũng chẳng biết cách để giải thích cho cọp hiểu chuyện này, vì vậy nó liền kiếm cớ trả lời qua loa cho qua chuyện:

– Trí khôn thì là trí khôn chứ gì nữa hả? Nếu như mà anh muốn được biết rõ hơn nữa thì hãy tìm con người mà hỏi!

Truyện cổ tích: Trí khôn của ta đây

Cọp ta bước đi rất thong thả mà tiến gần lại chỗ mà bác nông dân đang nghỉ ngơi, nó liền hỏi:

– Này anh, trí khôn của anh đâu rồi, đem cho tôi xem môt chút đi nào?

Bác nông dân nhìn cọp rồi nghĩ ngợi hồi lâu, sau đó mới đáp lời:

– Tiếc là tôi để trí khôn ở nhà rồi. Hay là tôi chạy về đem nó ra đây cho anh nhìn nhé! Nếu như anh thích thì tôi có thể cho anh một chút đấy!

Nghe bác nông dân bảo vậy thì cọp ta hết sức mừng rỡ, vội vàng giục bác về nhà lấy. Nhưng bác nông dân vừa định đi thì lại chợt nhớ ra chuyện gì đó nên lại quay lại bảo với cọp rằng:

– Nhưng mà nhỡ đâu lúc tôi về nhà thì anh ở đây lại ăn mất toi con trâu kia của tôi thì tôi biết phải làm sao?

Bị hỏi vậy thì cọp ta cũng bất ngờ lắm, trong lúc nó còn đương băn khoăn chẳng biết mình phải trả lời làm sao cho hợp tình hợp lí, thì bác nông dân lại tiếp lời:

– Như vậy nhé, để tôi yên tâm trở về, anh chịu khó một chút cho tôi buộc tạm anh vào cái gốc cây kia được không?

Tất nhiên là cọp ta chẳng có chút nghi ngờ nào về chuyện này nên chấp thuận ngay được. Bác nông dân đợi cọp đồng ý thì đem tới dây thừng và trói cọp thật chặt vào dưới gốc cây cạnh đó.

Xong rồi bác lại đem tới rất nhiều rơm khô để chất xung quanh chỗ cọp. Sau cùng thì bác châm lửa để đốt rơm, rơm cháy và bác liền quát:

– Trí khôn của ta đây! Trí khôn của ta đây!

Nhìn thấy cảnh này thì con trâu ở gần đấy cũng thích thú lắm, nó bò lăn ra đất mà cười, không may là hàm trên của nó đập phải đá làm cho toàn bộ răng ở trên bị rụng sạch sẽ, không còn sót lại một cái nào cả.

Còn cọp ta thì hết sức vùng vẫy ở bên trong đám cháy. Phải một hồi lâu sau đó, lửa cháy lớn làm đám dây thừng bị đứt, đến lúc ấy thì cọp mới thoát được. Nó co chân co cẳng vùng dậy và chạy thẳng vào trong rừng sâu, cũng chẳng dám ngoảnh đầu nhìn lại nữa.

Cũng kể từ ngày đó trở đi thì đám cọp con được sinh ra thì con nào cũng đều có thêm những vằn màu đen và kéo dài ở trên người. Những vết vằn ấy chính là dấu vết còn sót lại của những vệt cháy ngày xưa.

Còn đám trâu cũng kể từ khi ấy mà con nào con ấy đều không có răng ở hàm trên, trơ trọi chỉ có mỗi lợi mà thôi.

Câu chuyện này đã cho chúng ta biết được nguyên nhân tại sao trâu thì không có rằng ở hàm trên, còn trên người của hổ (cọp) thì lại có những đường vằn đen. Qua đó cũng cho chúng ta thấy được sự thông minh, cơ trí của con người.

Vì vậy nên các em cũng phải học tập thật chăm chỉ để càng ngày càng thông minh hơn, hiểu biết nhiều hơn về thế giới xung quanh chúng ta.

Chúc tất cả các em sẽ luôn học giỏi và chăm ngoan, luôn lắng nghe lời dạy bảo của ông bà, cha mẹ và cả thầy cô nữa nhé!

Truyện Trạng Hiền

Vào thời nhà Trần, ở một làng nọ bây giờ thuộc về Nam-định có một em bé tên là Hiền. Hiền được cha mẹ cạo đầu làm tiểu, cho ở với một ông sư trên chùa.

Hàng ngày, Hiền phải hầu hạ sư, quét dọn chùa và làm các công việc vặt rồi mới được sư dạy cho học. Thế nhưng Hiền học một biết mười, chả mấy chốc đã nổi tiếng thần đồng.

Một hôm, Hiền quét chùa, nhân đề nghịch vào lưng một pho tượng mấy chữ “đày ba ngàn dặm”. Đêm ấy hòa thượng trụ trì nằm mộng thấy một vị tôn giả đến từ giã mình, bảo rằng có việc phải đi xa. Tỉnh dậy hòa thượng trong bụng lấy làm phân vân, khi nhìn thấy lưng tượng Phật có mấy chữ Hán, đoán biết là chữ của Hiền, vội quát bắt phải lấy nước rửa ngay. Đêm hôm ấy hòa thượng lại mộng thấy vị tôn giả tới cảm ơn mình. Từ đấy cả chùa đều đoán Hiền sẽ làm nên sự nghiệp hơn người.

Năm 12 tuổi, Hiền đi thi và đậu luôn Trạng nguyên. Khi Hiền vào bái mạng trước sân rồng, vua thấy Trạng bé loắt choắt trong bộ áo mũ quá khổ, bèn phán hỏi:

– Trạng học với ai?

Hiền đáp ngay:

– Tâu bệ hạ, tôi lúc nhỏ ờ chùa không học với ai cả, chỉ khi nào không hiểu mới hỏi nhà sư một vài chữ mà thôi.

Vua thấy Trạng đối đáp cộc lốc, cho là trẻ con chưa biết lễ phép bèn cho Trạng về nhà học lễ phép trong ba năm, sẽ lại cho làm quan.

** *

Hồi ấy có sứ nhà Nguyên đưa sang ta một câu đố để thử xem nước Nam có nhân tài chăng. Triều đình nhà Trần mở quốc thư ra chỉ thấy có bốn câu thơ chữ Hán:

Lưỡng nhật bình đầu nhật,

Tứ sơn điên đảo sơn,

Lưỡng vương tranh nhất quốc,

Tứ khẩu tung hoành gian

Cả vua lẫn quan đều ngẩn ra, không biết làm sao mà đoán được. Mấy ông cụ già trong Viện Hàn lâm, trong Quốc tử giám vắt óc suy nghĩ nhưng lâu lắm vẫn không tìm được câu trả lời. Mãi về sau có người nhớ đến Trạng Hiền, vua vội sai một viên quan văn đi mời ngay Trạng về triều để may ra có thể giải quyết điều bối rối cho cả triều thần.

Viên quan không quản ngày đêm, phi ngựa nước đại tìm về làng Trạng, thấy một lũ trẻ đang đùa nghịch ở gốc đa đầu làng, quan thử ra một câu đối để dò xem Trạng có mặt trong đám ấy chăng:

– Tự ( 字 ) là chữ, cất giằng đầu, chữ tử ( 子 ) là con: con ai con ấy?

Hiền tay vẫn chơi đùa, miệng đáp lại ngay:

– Vu ( 于 ) là chưng, chặt ngang lưng, chữ đinh ( 丁 ) là đứa: đứa nào đứa này .

Đáp đoạn, bỏ chạy về nhà. Khi viên quan tìm được vào nhà thì thấy Hiền đang đun bếp. Hắn lại ra một câu đối:

– Ngô văn quân tử viễn bào trù, hà tu mị táo (Tôi nghe người quân tử xa chỗ bếp núc, sao lại nịnh ông Bếp).

Hiền đối đáp lại:

– Ngã bản hữu quan cư đỉnh nại, khả tạm điều canh (Ta vốn ở ngôi khanh tướng nhưng nay tạm nêm canh).

Biết đích là Trạng, viên quan đưa chiếu chỉ của nhà vua, mời Trạng về triều để hỏi một việc quan trọng. Nhưng Hiền lắc đầu nói: – “Trước đây vua bảo ta không biết lễ phép, nhưng chính vua không biết lễ phép nữa là ai”. Nói rồi nhất định không chịu đi.

Về sau vua phải cho quân gia mang cờ quạt võng lọng đến đón Hiền vào triều. Trước mặt sứ thần của một cường quốc, ông trạng nhỏ tuổi ấy cầm cục than viết ra một chữ “điền” ( 田 ) giữa sân rồng. Thấy giải đáp đúng, sứ thần lặng lẽ rút lui. Vua và đình thần thở dài khoan khoái. Về sau, vua ban thưởng cho Trạng rất hậu và tuy Trạng còn ít tuổi cũng phong chức thượng thư

Truyện Nàng tiên ốc

Chuyện xưa kể lại rằng, ở ngôi làng nọ có bà lão sinh sống, tuổi bà cũng đã cao, lại rất nghèo khó. Bởi vì làm lụng vất vả bao năm nên nhìn hình dáng của bà rất ốm yếu, gầy gò, nét mặt của bà thì luôn nhăn nhúm, lúc nào cũng có vẻ đượm buồn.

Bà luôn sống cô đơn trong chiếc lều rách nát, nhỏ hẹp chỉ đủ để che nắng che mưa, nhưng cũng chẳng đủ để ngăn cản những đợt gió rét lạnh khi mùa đông về. Hơn nữa bà cũng chẳng có con hay là cháu để ở bên cạnh chăm nom, đỡ đần mỗi khi trái gió trở trời hay ốm đau, bệnh tật.

Hằng ngày thì bà lão đều phải ra đồng để mò cua và bắt ốc, sau đó lại đem chúng đi đổi thành tiền để mua gạo, mua rau sống cho qua ngày.Vào một ngày nọ, trong lúc bà mải mê bắt ốc thì vô tình bắt được con ốc đẹp đẽ vô cùng. Con ốc này có vỏ màu xanh ngọc bích, cũng chỉ to hơn một chút so với ngón cái của bà lão, nhưng lại tỏa ra được những ánh sáng đẹp lấp lánh khi soi dưới ánh sáng mặt trời.

Bà lão vô cùng vui mừng, liền nâng niu nó trên đôi tay nhăn nheo, gầy guộc và chất đầy những vết chai sạn của mình. Bởi vì thương cho con ốc đẹp nên bà chẳng đem nó đi bán, bà đem nó về nhà mình và nuôi nó trong chiếc chum nước để ngay sân nhà.

Và lại như thường lệ, ngày nào bà cũng chăm chỉ, cặm cụi để làm công việc quen thuộc của mình. Mỗi ngày bà vẫn mang giỏ ra đồng để bắt ốc, mò cua. Tuy nhiên thì mỗi khi về nhà bà lại ngạc nhiên vô cùng. Bởi vì sân nhà đều được quét tước sạch sẽ tươm tất, còn vườn rau ở phía sau thì được nhặt cỏ sạch sẽ, trên bàn có sẵn cơm dẻo canh ngọt tinh tươm hết cả. Dù bà lão có cố sức nghĩ nhưng cũng chẳng thể nào đoán ra được người nào lại tốt bụng mà giúp mình những công việc này.

Ngày hôm sau thì bà cũng vẫn rời nhà ra đồng, tuy nhiên thì khi giữa buổi, bà lão quyết định quay về nhà để tìm hiểu thực hư mọi chuyện ra sao. Khi đến cổng nhà thì bà bỗng nhẹ bước chân, rón ra rón rén bước tới và núp ở sau cửa, bà muốn rình xem người nào đã giúp bà dọn nhà, nấu cơm mấy ngày hôm nay.

Và bà lão đã trông thấy được từ trong chum nước, có một cô gái rất xinh đẹp bước ra ngoài, cô có làn da trắng hồng, có đôi mắt đen to tròn như là mắt của bồ câu, đôi mắt xinh đẹp ấy ẩn dưới hàng lông mi dài cong vút. Cô có một mái tóc dài đen ánh và óng ả. Trên người cô khoác chiếc áo dài màu xanh ngọc bích, và dáng đi của cô thì rất nhẹ nhàng và uyển chuyển.

Cô làm việc nhà rất thành thạo và nhanh thoăn thoắt. Từ việc dọn dẹp cửa nhà, cho tới việc quét sân hay là nhổ cỏ vườn rau, cô làm đều rất nhanh nhẹn và sạch sẽ. Sau khi hoàn thành hết những công việc đó thì cô bắt tay vào đong gạo để nấu cơm.

Nhìn lén đến lúc này, bà lão cũng nhận ra được mọi chuyện. Bà liền nhẹ nhàng đi tới chỗ chum nước, nhanh tay lấy cái vỏ ốc để đập vỡ ra. Khi nghe có tiếng động thì cô gái xinh đẹp vội vội vàng vàng chạy về phía chum nước định chui lại vào trong chiếc vỏ ốc của mình, nhưng mà mọi việc đã muộn rồi, chiếc vỏ ốc của cô đã bị bà lão đập bể tan tành.

Bà lão bước tới ôm chầm lấy cô gái và bảo:

 Con gái à! Con hãy ở lại với mẹ đi!

Kể từ đó về sau thì bà lão cùng với cô gái xinh đẹp sống cùng nhau vui vẻ, hạnh phúc.

8 Truyện Cổ Tích Ngắn Cho Bé Hay Mà Ba Mẹ Nên Đọc Cho Bé Nghe
8 Truyện Cổ Tích Ngắn Cho Bé Hay Mà Ba Mẹ Nên Đọc Cho Bé Nghe

Trên đây là 8 truyện cổ tích ngắn cho bé hay nhất. Các thầy cô và phụ huynh nhớ đọc cho bé mỗi ngày để kích thích trí thông minh cho trẻ.

>>> Xem thêm: Truyện Cổ Tích Cho Bé 2 Tuổi – 9 Truyện Phổ Biến Ba Mẹ Hay Kể Cho Bé

5/5 - (3 votes)

Check Also

Nội dung truyện Con hổ có nghĩa

[ FULL ] Truyện Con Hổ Có Nghĩa Lớp 6 – Nội Dung, Bài Soạn và Ý Nghĩa

Truyện con hổ có nghĩa đề cao lối sống nghĩa tình trong cuộc sống. Thấy …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *