Đọc truyện cho bé mang lại nhiều tác dụng to lớn, lứa tuổi thiếu nhi là lứa tuổi mà be đang mong muốn khám phá cuộc sống xung quanh. Dưới đây là 11 truyện cổ tích thiếu nhi hay giúp bé học được những bài học ý nghĩa trong cuộc sống
Các Nội Dung Chính
Truyện Truyện bó đũa
Ngày xửa ngày xưa, có một người cha trước khi chết gọi ba người con trai đến bên giường, đưa cho họ một bó đũa và bảo:
– Các con hãy thử bẻ bó đũa này xem ai có thể bẻ gãy được.
Người con cả gắng hết sức nhưng không thể bẻ nổi bó đũa. Người con thứ cũng bẻ, nhưng vô ích. Người con út lấy hết sức bình sinh để bẻ, bó đũa vẫn không bị gãy một chiếc nào.
Người cha cầm lấy bó đũa và tháo ra, rồi bẻ từng chiếc một, không cần mất sức cũng bẻ gãy hết rồi ôn tồn nói với các con:
– Đó chính là sức mạnh của sự đoàn kết. Nếu các con biết đoàn kết với nhau thì không ai có thể đánh bại được các con. Hãy hứa với cha rằng, ba con sẽ chung sống hoà thuận và đoàn kết, thương yêu nhau sau khi cha nhắm mắt xuôi tay.
Nói xong, người cha trút hơi thở cuối cùng. Ba người con chỉ biết khóc thương cho cha. Sau khi, người cha chết đi đã để lại cho các con của ông rất nhiều tài sản, nhưng lại không nói phải phân chia như thế nào. Ba anh em đều muốn mình tranh lấy
phần hơn, không ai chịu nhường ai. Thế rồi, họ dứt khoát chia riêng rẽ mỗi người một gian nhà và không qua lại với nhau nữa, quên hẳn lời cha dặn trước khi qua đời.
Chẳng bao lâu sau, có một chủ nợ đến nhà, đòi 3 anh em phải trả món nợ mà cha họ đã vay trước đây. Ba anh em đùn đẩy nhau, không ai chịu trả nợ cho cha. Chủ nợ kiện 3 người lên quan. Quan phủ bắt 3 anh em mỗi người phải bỏ ra một phần đủ để trả món nợ. Họ vẫn ngoan cố không chịu. Quan phủ liền tịch thu tài sản của họ. Tới lúc ấy, họ mới nhớ tới lời cha nhưng tất cả đều đã “muộn” mất rồi.
Bài học rút ra từ truyện cổ tích thiếu nhi – Câu chuyện bó đũa:
“Câu chuyện bó đũa” là câu chuyện rất thú vị mà mẹ nên kể cho bé nghe. Câu chuyện mang đến ý nghĩa về tình đoàn kết, yêu thương nhau giữa các thành viên trong gia đình, đúng với câu tục ngữ “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Chỉ cần đoàn kết nhất định vượt qua khó khăn.
>>> Xem thêm: 38 Truyện Cho Bé Từ 1 Đến 5 Tuổi Hay Nhất Theo Từng Độ Tuổi Bé
Truyện Thánh Gióng
Vào đời Hùng Vương thứ VI, có một người đàn bà đã có tuổi nhưng vẫn sống một mình. Một buổi sáng đi thăm nương, bà bỗng nhìn thấy một vết chân giẫm nát luống cà. Bà kinh ngạc kêu lên: – “Ôi! Bàn chân ai mà to thế này!”.
Thử đưa bàn chân ướm thử vào dấu chân lạ kia, bà bỗng rùng mình sững sờ. Từ hôm đó bà bất ngờ có bầu. Thai đủ ngày tháng, bà sinh được một bé trai bụ bẫm và đặt tên là Gióng. Thế nhưng, thằng bé lên ba tuổi rồi mà vẫn nằm ngửa đòi ăn, không biết ngồi biết lẫy, cũng không biết nói biết cười gì cả.
Lúc bấy giờ giặc Ân đang kéo vào cướp nước ta. Chúng rất hung hăng tàn ác, cầm đầu là một viên tướng tên gọi Ân vương, tướng mạo cổ quái dữ tợn. Chúng nó đi đến đâu là đốt phá nhà cửa, giết người cướp của đến đấy.
Quân đội nước ta nhiều lần xuất trận, nhưng đánh không nổi. Vua Hùng hết sức lo lắng vội phái sứ giả đi khắp nơi tìm bậc tướng tài để giúp vua cứu nước.
Một hôm sứ giả đi đến làng của mẹ con Gióng. Nghe tiếng loa rao nói đến việc nhà vua cầu người tài, mẹ Gióng đang ru con, liền bảo đùa con rằng:
– Con ơi! Con của mẹ chậm đi chậm nói như vậy, biết bao giờ mới đi đánh giặc giúp vua được đây!
Không ngờ Gióng nhìn mẹ mở miệng bật lên thành tiếng:
– Mẹ cho gọi sứ giả vào đây cho con!
Nói xong lại im bặt. Người mẹ vừa mừng vừa sợ, vội đi kể chuyện với xóm giềng. Mọi người đổ tới, ai nấy cho là một sự lạ. Sau cùng một người nói:
– Ta cứ đi mời sứ giả đến xem thử nó muốn cái gì.
Khi sứ giả của nhà vua bước vào nhà nhìn thấy chú bé Gióng liền hỏi rằng:
– Cháu là đứa trẻ lên ba mới học nói, cháu định mời ta đến để làm gì?
Gióng trả lời rất chững chạc:
– Về bảo với vua rèn cho ta một con ngựa sắt, một thanh gươm sắt, một giáp sắt và một nón sắt, ta sẽ đánh đuổi giặc dữ cho!
Ai nấy đứng nghe khôn xiết lạ lùng. Cho là thần nhân xuất hiện, sứ giả lập tức phi ngựa về tâu vua. Nghe nói, Hùng Vương mừng rỡ liền ra lệnh cho thợ rèn góp tất cả sắt lại rèn ngựa, gươm, áo giáp và nón như lời xin của chú bé.
Mọi thứ rèn xong rất nặng. Hàng chục người mó vào thanh gươm mà không nhúc nhích. Vua Hùng phải cho hàng ngàn quân sĩ tìm mọi cách chở đến cho Gióng.
Khi được tin quân sĩ khiêng ngựa sắt sắp đến làng, mẹ Gióng sợ hãi chạy về bảo con:
– Con ơi! Việc nhà vua đâu phải là chuyện chơi. Hiện quân sĩ đang kéo đến ầm ầm ngoài bãi, biết làm thế nào bây giờ?
Nghe nói thế, Gióng ngồi bật dậy, nói:
– Việc đánh giặc thì mẹ đừng lo. Nhưng mẹ phải cho con ăn thật nhiều mới được!
Mẹ vội thổi cơm cho con ăn, nhưng nấu lên được nồi nào Gióng ăn hết nồi ấy. Mỗi lần ăn một nồi cơm thì Gióng lại lớn thêm một ít và đòi ăn thêm. Mẹ càng cho con ăn thì con lại càng lớn như thổi, bỗng chốc đã thành một chàng thanh niên khỏe mạnh. Hết gạo, bà mẹ đi kêu gọi xóm làng.
Mọi người nô nức đem gạo khoai, hoa quả, bánh trái đến đầy một sân. Nhưng đưa đến bao nhiêu, Gióng ăn vợi hết bấy nhiêu, mà vẫn đòi ăn không nghỉ.
Sau đó, Gióng lại bảo tiếp:
– Mẹ kiếm vải cho con mặc.
Người làng lại đua nhau mang vải lụa tới may áo quần cho Gióng mặc. Nhưng thân thể Gióng lớn vượt một cách kỳ lạ, áo quần vừa may xong đã thấy chật, thấy ngắn, lại phải mang vải lụa tới để chắp nối thêm. Không mấy chốc đầu Gióng đã chạm nóc nhà.
Ai nấy chưa hết kinh ngạc thì vừa lúc quân sĩ đã hì hục khiêng được ngựa, gươm, áo giáp và nón sắt tới. Gióng bước ra khỏi nhà vươn vai một cái, người bỗng cao to sừng sững, chân dài hơn trượng, hét lên một tiếng như tiếng sấm:
– Ta là tướng nhà Trời!
Thế rồi Gióng mặc giáp sắt, đội nón sắt, tay cầm gươm múa quanh mấy vòng. Sau đó từ biệt mẹ và dân làng, nhảy lên lưng ngựa. Ngựa sắt bỗng chồm lên, phun thẳng ra đằng trước một luồng lửa đỏ rực. Gióng thúc chân, ngựa phi như bay, sải từng bước dài hàng chục con sào, rung chuyển cả trời đất.
Chỉ trong chớp mắt, ngựa đã phi thẳng đến đồn trại giặc. Lưỡi gươm của Gióng vung lên loang loáng như chớp giật. Quân giặc xông ra chừng nào chết chừng ấy. Ngựa thét ra lửa thiêu cháy từng dãy đồn trại, lửa thiêu luôn cả mấy khu rừng. Khói bụi mịt mù, tiếng la hét kêu khóc như ri.
Thế nhưng tướng giặc Ân vương vẫn cố gào thét hô quân xông tới, Gióng càng đánh càng khỏe, thây giặc nằm ngổn ngang đầy rừng. Bỗng chốc gươm gãy. Không bối rối, Gióng thuận tay nhổ những bụi tre hai bên đường quật tới tấp vào các toán giặc đang cố gắng trụ lại theo lệnh chủ tướng.
Chẳng mấy chốc quân giặc đã tẩu tán khắp nơi, Ân vương bị quật chết tan xác. Bọn tàn binh giặc lạy lục xin hàng. Quân đội của Hùng Vương cũng như dân các làng chỉ còn việc xông ra trói nghiến chúng lại. Không đầy một buổi, Gióng đã trừ xong nạn nước.
Lúc bấy giờ ngựa Gióng đã tiến đến chân núi Sóc-sơn. Đến đây, Gióng bèn cởi giáp bỏ nón lại, rồi cả người lẫn ngựa bay thẳng lên trời.
Sau khi thắng trận, để nhớ ơn người anh hùng, vua Hùng sai lập đền thờ Gióng ở làng quê, phong làm Phù Đổng thiên vương.
Ngày nay chúng ta còn thấy dấu vết những dãy ao tròn nối nhau kéo dài suốt từ Kim Anh, Đa Phúc cho đến Sóc-sơn, người ta bảo đó là những vết chân ngựa của Thánh Gióng. Khu rừng bị ngựa sắt phun lửa thiêu cháy nay còn mang cái tên là làng Cháy. Những cây tre mà Gióng nhổ quật vào giặc bị lửa đốt màu xanh ngả thành màu vàng và có những vết cháy lốm đốm, ngày nay giống ấy vẫn còn, người ta gọi là tre là ngà (hay đằng ngà).
>>> Mách ba mẹ một ứng dụng đọc truyện cho bé siêu hay mà phụ huynh phải đăng ký cho bé
Truyện Cây tre trăm đốt
Ngày xửa ngày xưa, ở làng kia có một lão nhà giàu. Lão thuê một anh nông dân nghèo, khỏe mạnh để cày ruộng cho lão.
Nhà giàu nhiều thóc, nhiều tiền nhưng tính tình chủ nhà lại rất keo kiệt. Lão phải trả tiền công cày cho người làm, vì thế lão suy tính ngày đêm. Cuối cùng thì lão đã nghĩ ra một kế để lừa anh nông dân. Lão nhà giàu cho gọi anh đến và dỗ dành:
– Anh chịu khó cày ruộng cho ta trong ba năm. Hết thời gian đó, ta sẽ cho anh cưới con gái ta.
Anh nông dân thật thà tin lời của lão. Hết vụ lúa mùa đến vụ lúa chiêm, không ngại nắng mưa, sương gió, anh chăm chỉ cày bừa trên cánh đồng của lão nhà giàu. Mỗi mùa gặt, anh thu về cho lão ta rất nhiều thóc lúa. Nhà lão đã giàu lại càng giàu hơn nữa.
Ba năm đã trôi qua, thời hạn làm thuê của anh nông dân cũng đã hết. Lão nhà giàu không muốn cho anh nông dân nghèo khổ cưới con gái của mình, lão lại tìm mưu kế để đánh lừa anh. Lão nhà giàu gọi anh đến và dỗ dành:
– Con ơi, bấy lâu nay con đã chăm chỉ làm việc, ta sẽ cho con cưới con gái ta. Nhưng bây giờ, con phải vào rừng tìm cho được cây tre trăm đốt, đem về đây để làm đũa cho cả làng ăn cỗ cưới.
Anh nông dân thật thà tin lời, vác dao đi ngay vào rừng để tìm và chặt tre.
Đợi anh nông dân đi khỏi làng, lão nhà giàu liền gả con gái lão cho một tên nhà giàu khác ở trong làng. Lão cho giết bò, giết lợn, nấu xôi, mở rượu làm cỗ cưới thật linh đình.
Trong khi đó, anh nông dân một mình lang thang trong rừng. Anh ngả hết cây tre này đến cây tre khác. Anh cẩn thận đếm từng đốt trên các cây tre nhưng chẳng cây nào có đủ một trăm đốt.
Không nản lòng, anh lại tìm đến bụi tre già, anh cố chặt một cây cao nhất, mặc cho gai làm rách cả áo, xước da, cây tre đổ xuống, anh đếm đi, đếm lại vẫn chỉ có hơn bốn mươi đốt. Anh buồn quá, ngồi bên đống tre đốn dở và khóc. Bỗng nhiên anh thấy một ông lão đầu tóc bạc phơ, da dẻ hồng hào khoan thai đi đến, ông lão hỏi anh:
– Làm sao cháu khóc?
Anh lễ phép thưa rõ đầu đuôi câu chuyện. Nghe xong ông lão nói:
– Cháu hãy đi chặt cho đủ một trăm đốt tre mang lại đây, ông sẽ giúp cháu.
Anh nông dân mừng quá, liền chặt đủ một trăm đốt tre rồi đem đến cho ông lão. Ông lão chỉ tay vào đống tre và bảo anh đọc “ Khắc nhập, khắc nhập” ba lần. Lạ thay, anh vừa đọc xong thì một trăm đốt tre dính liền lại với nhau thành một cây tre dài trăm đốt. Ông lão căn dặn anh:
– Cháu không thể vác cây tre này về nhà được vì nó quá dài cháu ạ. Cháu hãy đọc ba lần câu “Khắc xuất, khắc xuất”, các đốt tre sẽ rời ra như cũ. Cháu hãy bó lại và đem về nhà.
Anh nông dân chưa kịp cảm ơn ông lão thì ông lão đã biến mất. Anh đành vác hai bó tre đi về làng.
Về tới nơi, thấy mọi người đang ăn uống vui vẻ, anh nông dân mới biết lão nhà giàu đã lừa dối anh. Anh lẳng lặng để bó tre ngoài sân rồi vào nhà gọi lão nhà giàu ra nhận. Lão nhà giàu không thấy tre, mà chỉ thấy toàn là đốt tre. Lão cười bảo anh:
– Tao bảo mày chặt đem về một cây tre có trăm đốt, chứ có bảo mày đem về một trăm đốt tre đâu?
Chẳng cần trả lời lão, anh lẩm nhẩm đọc “Khắc nhập, khắc nhập” ba lần, tức thì các đốt tre dính liền lại thành cây tre. Lão nhà giàu nhìn thấy lạ quá, bèn chạy lại sờ tay vào cây tre. Anh nông dân thấy vậy đọc luôn “Khắc nhập, khắc nhập”, lão nhà giàu bị dính ngay vào cây tre, không có cách nào gỡ ra được.
Thấy vậy mấy tên nhà giàu khác chạy tới định gỡ cho lão, anh nông dân lại đọc “Khắc nhập, khắc nhập” thế là cả bọn lại bị dính hết vào cây tre. Lão nhà giàu ra sức van xin anh, lão hứa sẽ cho anh cưới ngay con gái lão và từ nay về sau không dám bày mưu lừa gạt anh nữa.
Lúc bấy giờ anh nông dân mới khoan thai đọc “Khắc xuất, khắc xuất” ba lần, tức thì cả bọn nhà giàu rời ra khỏi cây tre. Anh nông dân cưới cô con gái lão nhà giàu làm vợ và hai người sống bên nhau rất hạnh phúc.
Bài học rút ra từ truyện cổ tích thiếu nhi – Cây tre trăm đốt
– Người tốt, lương thiện sẽ nhận được sự đền đáp xứng đáng, hạnh phúc sau những khó khăn, vất vả đã trải qua.
– Kẻ gian ác, tham lam, dối trá sẽ phải nhận sự trừng phạt thích đáng.
– Người hiền lành, thật thà, tốt bụng sẽ luôn được giúp đỡ vào lúc khó và tuyệt vọng nhất.
>>Truyện Cho Bé 1 Tuổi – 10 Truyện Bố Mẹ Nên Kể Cho Bé Mỗi Đêm
Truyện Cây Vú Sữa
Ngày xửa ngày xưa, có cậu bé ham chơi bỏ nhà đi lang thang khiến mẹ buồn bã mất đi. Khi trở về nhà, cậu chỉ thấy một cái cây có quả cho dòng sữa ngọt ngào, thơm ngon như sữa mẹ.
Ngày xưa, có một cậu bé được mẹ cưng chiều nên rất nghịch và ham chơi, không nghe lời mẹ. Một lần, bị mẹ mắng, cậu giận mẹ bỏ đi. Cậu la cà, dạo chơi khắp nơi, mẹ cậu ở nhà không lo lắng biết cậu ở đâu nên rất buồn. Bà ngày ngày mẹ ngồi ở bậc cửa ngóng con trở về.
Thời gian trôi qua mà cậu vẫn không về. Vì quá đau buồn và kiệt sức, mẹ cậu mất. Không biết cậu đã đi bao lâu. Một hôm, vừa đói vừa rét, lại bị trẻ lớn hơn đánh, cậu mới nhớ đến mẹ.
– Phải rồi, khi mình đói, mẹ vẫn cho mình ăn, khi mình bị đứa khác bắt nạt, mẹ vẫn bảo vệ mình, về với mẹ thôi.
Cậu vội tìm đường về nhà. Ở nhà, cảnh vật vẫn như xưa, nhưng không thấy mẹ đâu. Cậu gọi mẹ:
– Mẹ ơi, mẹ đi đâu rồi, con đói quá ! – Cậu gục xuống, ôm một cây xanh trong vườn mà khóc.
Kỳ lạ thay, cây xanh đó bỗng run rẩy. Từ các cành lá, những đài hoa be bé trổ ra, nở trắng như mây. Hoa tàn, quả xuất hiện, lớn nhanh, da căng mịn, xanh óng ánh. Cây nghiêng cành, một quả to mọng rơi vào tay cậu bé.
Cậu bé cắn một miếng thật to, câu thốt lên:
– Chát quá!
Quả thứ hai rơi xuống. Cậu lột vỏ, cắn vào hạt quả. Cậu thốt lên:
– Cứng quá!
Quả thứ ba rơi xuống. Cậu khẽ bóp quanh quanh quả, lớp vỏ mềm dần rồi khẽ nứt ra một kẻ nhỏ. Một dòng sữa trắng sóng sánh trào ra, ngọt thơm như sữa mẹ.
Cậu bé ghé môi hứng lấy dòng sữa ngọt ngào, thơm ngon như sữa mẹ.
Cây rung rinh cành lá, thì thào :
– Ăn trái ba lần mới biết trái ngon. Con có lớn khôn mới hay lòng mẹ.
Cậu oà lên khóc. Mẹ đã không còn nữa. Cậu nhìn lên tán lá, lá một mặt xanh bóng, mặt kia đỏ hoe như mắt mẹ khóc chờ con. Cậu ôm lấy thân cây mà khóc, thân cây xù xì, thô ráp như đôi bàn tay làm lụng của mẹ.
Nước mắt cậu rơi xuống gốc cây. Cây xòa cành ôm cậu, rung rinh cành lá như tay mẹ âu yếm vỗ về đứa con thân yêu.
Cậu kể cho mọi người nghe chuyện về người mẹ và nỗi ân hận của mình…
Trái cây thơm ngon ở vườn nhà cậu, ai cũng thích. Họ đem về gieo trồng khắp nơi và đặt tên là Cây Vú Sữa.
Bài học rút ra từ truyện cổ tích thiếu nhi – Sự tích cây vú sữa
– Khi bố mẹ còn sống, hãy làm bố mẹ vui, tự hào vì các con. Đừng để đến lúc bố mẹ mất rồi mới nhận ra sai lầm, ân hận thì đã quá muộn.
– Cha mẹ dù có trách mắng thế nào cũng chỉ mong điều tốt cho con cái. Với con cái, bố mẹ luôn bao dung, yêu thương, che chở dù con cái sai lầm gì.
– Đạo làm con phải đặt chữ “hiếu” lên trên hết, nếu không hiếu thảo với bố mẹ thì khó được mọi người tôn trọng, và thành công trong cuộc sống.
– Nếu chúng ta có thất bại hay thành công thì gia đình luôn là nơi luôn giang rộng vòng tay đón chúng ta trở về, yêu đương và trở che.
Cóc Kiện Trời
Ngày xửa ngày xưa, khi mà các loài vật vẫn còn biết nói, có một năm trời “hạn hán” rất lớn. Ánh nắng chiếu xuống khắp nơi vô cùng gay gắt, những cánh đồng bị khô và nứt nẻ. Nước trong ao hồ cạn dần, cây cỏ bị khô héo và úa vàng hết. Cả người và vật đều không còn thức ăn, nước uống.
Rất nhiều tháng trôi qua, người và vật dưới trần gian đều cầu xin Trời mưa để có nước uống, có thức ăn để ăn nhưng hình Ông Trời vẫn không nghe thấy. Lúc đó, Cóc sống trong hang đã lâu và rất thèm nước uống, bèn rủ thêm Cua Đồng, quyết định cùng kéo lên để hỏi Ông Trời tìm cho ra lẽ. Khi đi ngang một khu rừng thì cả bọn gặp một con Cọp to lớn nhưng gầy trơ xương, mắt nhắm lờ đờ và thở hổn hển. Cọp nói:
– Trời đang nắng chang chang, cháy cả thịt mà các anh đi đâu vậy?
Cả Cóc và Cua Đồng đều hậm hực đáp:
– Gần một năm nay, ông Trời không cho một giọt nước, họ hàng Cóc và Cua chúng tôi đang dần dần chết khát trong hang, đã kêu khản cổ mà ông Trời không chịu mưa. Chúng tôi phải tìm gặp ông Trời để kêu nài, nếu không thì chết hết mất.
Nghe thấy thế, Cọp mừng rỡ kêu lên:
– Vậy các bạn hãy cho tôi đi theo với, loài Cọp của chúng tôi cũng thế, khát nước đến nơi cũng không đi nổi. Bị lũ thỏ, chồn trêu ghẹo trước mặt mà không thể làm gì được. Tức chết được ấy!
Đi thêm một đoạn nữa thì Cóc, Cua và Cọp gặp thêm đàn ong bò vẽ. Đàn ong đã nhập hội và tất cả cùng kéo nhau rầm rộ lên đến cửa Trời kêu nài. Khi đến nơi, Cóc đã phân công: Cóc và Ong thì đứng nấp đằng sau cột phía trước của đại sảnh. Còn Cóc sẽ được Cọp đi cùng vào gặp Ông Trời. Nếu như việc thương thuyết không thành công, xảy ra cơ sự đánh nhau thì Cóc sẽ nghiến răng để Cua và Ong ra tiếp ứng.
Ông Trời nghe thấy tiếng ồn ào bên ngoài cổng thì cho là những loài động vật nổi loạn, liền sai Thiên Lôi ra đánh dẹp. Thấy Thiên Lôi hùng hục bước ra, Cọp nhào vào đánh nhau rất dữ dội với Thiên Lôi. Liền lúc đó, Cóc nghiến răng trèo trẹo, nghe thấy thế, đàn Ong và Cua ra tiếp ứng. Ong phóng kim chích tới tấp, còn Cua thì nhào vô kẹp mạnh. Thiên Lôi không đánh được phải xin tha và Ông Trời đã đồng ý với yêu cầu của cả bọn.
Từ đó về sau, chỉ cần mỗi lần Cóc nghiến răng là Ông Trời lại cho mưa xuống. Vì thế, dân gian có câu “Con Cóc là cậu Ông Trời – Hễ ai đánh Cóc là Trời đánh cho”.
Cô bé quàng khăn đỏ
Ngày xửa, ngày xưa, có một cô bé thường hay quàng chiếc khăn màu đỏ, vì thế, mọi người đều gọi cô là cô bé quàng khăn đỏ.
Một hôm, mẹ cô bảo cô mang bánh sang để biếu bà ngoại. Trước khi đi, mẹ cô có dặn rằng:
– Con đi thì nhớ đi đường thẳng, đừng đi đường vòng qua rừng mà chó sói ăn thịt con đấy. Trên đường đi, cô thấy đường vòng qua rừng có rất nhiều hoa, nhiều bướm, vì không nghe lời mẹ dặn nên cô tung tăng đi theo đường đó. Đi được một quãng thì gặp chú Sóc, Sóc nhắc:
– Cô bé quàng khăn đỏ ơi, lúc nãy tôi có nghe mẹ cô dặn đi đường thẳng, đừng đi đường vòng cơ mà. Sao cô lại đi đường này?
Cô bé không trả lời Sóc. Cô vẫn cứ đi theo đường vòng qua rừng. Vừa đi, cô vừa hái hoa, bắt bướm. Khi vào đến cửa rừng thì cô gặp chó sói. Con chó sói rất to đến trước mặt cô. Nó cất giọng ồm ồm rồi hỏi:
– Này, cô bé đi đâu thế?
Nghe chó sói hỏi nên cô bé quàng khăn đỏ sợ lắm, nhưng cũng đành bạo dạn trả lời:
– Tôi đi sang nhà bà ngoại tôi.
Nghe cô bé nói đi sang bà ngoại, chó sói đang nghĩ bụng: À, thì ra nó lại còn có bà ngoại nữa, thế thì mình phải ăn thịt cả hai bà cháu. Nghĩ vậy nên chó sói lại hỏi:
– Nhà bà ngoại của cô ở đâu?
– Ở bên kia khu rừng. Cái nhà có ống khói đấy, cứ đẩy cửa là sẽ vào được ngay.
Nghe xong, chó sói bỏ cô bé quàng khăn đỏ ở đấy rồi chạy một mạch đến nhà bà ngoại của cô. Nó đẩy cửa vào vồ lấy bà cụ rồi nuốt chửng ngay vào bụng. Xong xuôi, nó lên giường nằm đắp chăn giả là bà ngoại ốm.
Lúc cô bé quàng khăn đỏ đến tới nơi, cô thấy chó sói đắp chăn nằm trên giường, cô tưởng “bà ngoại” bị ốm thật, cô hỏi:
– Bà ơi! Bà ốm đã lâu chưa?
Sói không đáp giả vờ rên hừ… hừ…
– Bà ơi, mẹ cháu bảo mang bánh sang biếu bà.
– Thế à, thế thì bà cám ơn cháu và mẹ cháu. Cháu bà ngoan quá. Cháu lại đây với bà.
Cô bé quàng khăn đỏ chạy ngay đến cạnh giường, nhưng cô vô cùng ngạc nhiên lùi lại hỏi:
– Bà ơi! Sao hôm nay tai bà dài thế?
– Tai bà dài để bà nghe cháu nói được rõ hơn. Chó sói đáp
– Thế còn mắt bà, sao hôm nay mắt bà to thế?
– Mắt bà to để bà nhìn cháu được rõ hơn.
Chưa tin, cô bé quàng khăn đỏ lại hỏi:
– Thế còn mồm bà, sao hôm nay mồm bà to thế?
– Mồm bà to để bà ăn thịt cháu đấy.
Sói vừa nói xong liền nhảy ra khỏi giường, nuốt chửng em bé Khăn Đỏ đáng thương.
Sói no nê lại nằm xuống giường ngủ ngáy o o. May sao, lúc đó có bác thợ săn đi ngang qua thấy thế. Bác giơ súng lên định bắn. Nhưng bác chợt nghĩ ra là chắc sói đã ăn thịt bà lão, và tuy vậy vẫn còn có cơ hội cứu bà. Bác nghĩ không nên bắn mà nên lấy kéo rạch bụng con sói đang ngủ ra. Vừa rạch được vài mũi thì thấy chiếc khăn quàng đỏ chóe, rạch được vài mũi nữa thì cô bé nhảy ra kêu:
– Trời ơi! Cháu sợ quá! Trong bụng sói, tối đen như mực. Bà lão cũng còn sống chui ra và thở hổn hển. Khăn đỏ vội đi nhặt đá to nhét đầy bụng sói. Sói tỉnh giấc muốn nhảy lên, nhưng đá nặng quá, nó ngã khuỵu xuống, lăn ra chết.
Từ dạo ấy, cô bé quàng khăn đỏ không bao giờ dám làm sai lời mẹ dặn.
Sự Tích Mèo Và Chuột
Xưa kia, chuột vốn là một loài ở trên trời được Ngọc Hoàng giao giữ chìa khóa để trông coi kho thóc của nhà trời.
Nhưng từ khi được cầm chìa khóa, chúng tự do mở cửa kho thóc rồi rồng rắn nhau vào ăn rúc rích biết bao nhiêu là thóc lúa.
Một thời gian sau thì Ngọc Hoàng biết chuyện nên vô cùng tức giận, Ngọc Hoàng quyết định không để cho loài chuột ở trên trời nữa mà đuổi chúng xuống dưới nhân gian cho chúng coi giữ kho thóc dưới hạ giới.
Truyện cổ tích: Sự tích mèo và chuột
Nhưng chuột vẫn chứng nào tật ấy, được coi giữ kho thóc của nhân gian, chúng lại mở cửa rồi kéo nhau vào trong ăn rả rích. Đến nỗi người phát thốt lên rằng:
“Chuột kia xưa ở nơi nào?
Bây giờ ăn lúa nhà tao thế này ?”
Người thấy thóc lúa ngày càng thâm hụt bèn đến kêu than với vua bếp. Vì thấy cứ để chuột coi thóc cho người thì quá nguy hại nên vua bếp đem chúng mang lên trả lại trời và tâu với Ngọc Hoàng:
– Chuột vốn là loài vật của trời, cớ sao Ngọc Hoàng lại thả chúng xuống dưới hạ giới?
Ngọc Hoàng đáp:
– Uh, trước kia thì ta cho chúng trông giữ kho thóc của thiên đình nhưng bởi vì chúng không chịu coi giữ mà lại còn rủ nhau ăn vụng biết bao nhiêu thóc của ta nên ta đuổi chúng xuống dưới hạ giới cho chúng coi giữ thóc dưới ấy.
Vua bếp nói:
– Bẩm Ngọc Hoàng, chúng xuống dưới đó lại tiếp tục ăn vụng thóc lúa của người. Con nghĩ thế này xem Ngọc Hoàng có ưng thuận: “Lúa của thiên đình thì nhiều còn lúa của người thì lại ít. Của thiên đình thì chuột nó ăn cũng khó có thể hết được nhưng còn của người thì nó cứ ăn thế này có ngày người chả còn thóc để mà ăn. Vậy con xin bây giờ Ngọc Hoàng lại cho nó trở về trời để trông coi kho thóc thiên đình như xưa”.
Ngọc Hoàng nghe vua bếp tâu liền phán rằng:
– Không thể được, ta đã đuổi chúng xuống nhân gian thì không thể cho chúng quay trở lại thiên đình nữa. Thôi giờ ta có một cách này: Ta có một con mèo, ta cho ngươi đem xuống dưới nhân gian để khi nào chuột nó vào ăn lúa thóc thì thả mèo ra để cho nó bắt chuột, rồi gầm gừ ăn chuột đi. Còn khi nào mà mèo không bắt chuột thì cứ bảo mèo nó kêu rằng: “nghèo, nghèo, nghèo” thì chuột nó nghe thấy cũng sợ mà chạy đi.
Vua bếp cúi đầu tạ Ngọc Hoàng rồi mang cả mèo và chuột quay trở lại hạ giới theo lời chỉ bảo của Ngọc Hoàng mà làm theo.
Thành thử bây giờ, cứ mỗi khi mà mèo rình bắt được chuột thì mèo cứ kêu “gầm gừ, gầm gừ”. Còn khi nào mèo nằm nghỉ không bắt chuột thì nó kêu: “nghèo, nghèo, nghèo, nghèo”…
Những lúc ấy, mèo nằm nghĩ lại cảm thấy oán giận vua bếp vì tại vua bếp mà chúng đang ở trên trời sung sướng lại phải xuống dưới dương gian. Tức tối mà không làm gì được vua bếp, loài mèo c
Sự Tích Mùa Xuân
Bé biết không, ngày xưa ngày xưa, mỗi năm chỉ có ba mùa mà thôi: mùa Hạ, mùa Thu, mùa Đông mà không có mùa Xuân đâu nhé. Người thường bảo rằng, mùa Xuân sẽ chỉ đến khi mà chiếc cầu vồng có nhiều màu sắc xuất hiện và có trăm hoa đua nở, khoe sắc mà thôi.
Cầu vồng thì chỉ có vào mùa Hạ, khi ông mặt trời xuất hiện sau cơn mưa rào. Còn hoa thì nở rải rác quanh năm, rải rác khắp nơi trên trái đất nên không thể hẹn nhau cùng nở một lúc được. Vì thế, sau mùa Đông giá lạnh là đến ngay mùa Hạ nóng bức, thời tiết thay đổi đột ngột khiến cho muôn loài hết sức khổ sở. Ai cũng mong ước có một mùa ấm áp, nên ai cũng thích nghe câu chuyện về mùa Xuân và ước ao được đón mùa Xuân.
Có một chú Thỏ sống trong khu rừng xanh nọ với mẹ. Mỗi lần chuyển mùa, mẹ của Thỏ lại bị ốm. Thương mẹ quá, Thỏ con liền bàn với bác Khỉ già thông thái:
– Bác Khỉ ơi, hay là chúng ta hãy cùng nhau làm một chiếc cầu vồng thật đẹp để đón cô mùa Xuân đến với chúng ta?
– Nhưng làm bằng cách nào? – Bác Khỉ già đắn đo hỏi lại.
– Cháu sẽ rủ các bạn trong rừng góp những chiếc lông đẹp nhất để làm chiếc cầu vồng thật nhiều màu sắc.
Bác Khỉ đồng ý với Thỏ. Tin tức lan truyền đi khắp nơi. Muôn thú trong rừng đều muốn gặp mùa Xuân dịu hiền, ấm áp nên vui vẻ góp những màu sắc đẹp nhất. Nào là màu nâu của Gấu, màu vàng tơ của Hươu sao, màu xám của Sóc… Rồi chim Công, Vẹt, Vành Khuyên cũng góp những chiếc lông sặc sỡ của mình. Bầy cá cũng cử cá Chép mang đến một túi đầy vây cá lấp lánh sắc cầu vồng. Chim Sâu khéo tay bắt đầu kết nối những mảng màu với nhau để làm chiếc cầu vồng.
Trong khi đó, Thỏ lên đường đi tìm các loài hoa. Thỏ đi khắp nơi, băng qua hết khu rừng này đến khu rừng khác để gặp từng loại hoa, thuyết phục các loài hoa nở cùng một lúc để đón mùa Xuân về. Cảm động trước tấm lòng hiếu thảo của Thỏ dành cho mẹ, các loài hoa đều đồng ý sẽ tích tụ dưỡng chất để chờ chị Gió báo tin đồng loạt nở.
Một buổi sáng cuối mùa Đông, chim Sâu đã dệt xong những mảng màu cuối cùng. Chiếc cầu vồng xuất hiện làm muôn loài trên mặt đất xôn xao. Chị Gió nhanh chóng báo tin cho các loài hoa. Như đã hẹn, những nụ hoa lần lượt vươn lên, nở muôn màu rực rỡ. Cả mặt đất lộng lẫy sắc màu. Nàng mùa Xuân xinh đẹp đã đến với trái đất. Từ đó, trên trái đất có đủ bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Nếu để ý, các bé sẽ thấy các loài hoa đều khoe sắc rực rỡ khi những làn gió xuân nhè nhẹ thổi về.
Còn riêng chú Thỏ đáng yêu thì đã được mùa Xuân tặng một chiếc áo trắng tinh, mềm mại vì tấm lòng hiếu thảo và đã biết đoàn kết các bạn muông thú cùng các loài hoa để cùng nhau đón mùa Xuân về.
Vì sao gà trống gáy?
“Vì sao gà trống gáy” là truyện cổ tích hay không chỉ giúp bé học được những đức tính tốt đẹp để hình thành tính cách mà còn có thể giúp trẻ dễ dàng khám phá được thế giới đa dạng của các loài vật.
Ngày xửa ngày xưa, khi các loài vật vẫn còn biết nói. Gà Trống là chú gà có một bộ lông thật là sặc sỡ, đẹp lộng lẫy trong tất cả các loài. Trong khi đó, Công chỉ có một bộ lông khá óng ả, nhưng không được đẹp bằng lông của Gà Trống.
Một hôm, Gà đang đi dạo trong rừng thì gặp Công. Cả hai chuyện trò hợp tính nên kết bạn cùng nhau. Từ đó công có nhiều dịp nhìn ngắm bộ lông của gà, và thường mơ ước được có bộ lông đẹp như thế. Còn Gà thì vô tình không biết sự mong ước của công, nên vẫn vô tình phô trương nét đẹp của bộ lông mình cho công thấy. Khiến Công ngày càng thêm thèm muốn chiếm đoạt bộ lông đó.
Đến ngày kia, Công chợt nghĩ ra một kế để gạt Gà. Công giả bộ buồn rầu và than phiền cùng gà:
– Buồn quá bạn ạ, chiều nay tôi phải dự tiệc cùng bạn bè nhưng lại chẳng có bộ áo nào đẹp để đi dự tiệc cả.
– Gà ngắm nghía Công rồi nói:
– Bộ áo của bạn cũng đẹp lắm. Chẳng mấy ai có được bộ áo như bạn đâu. Công ạ, bạn đừng buồn nữa.
Công vẫn thở dài, rồi ngỏ ý:
– Bộ áo của tôi tuy cũng không tệ, nhưng bì sao được với bộ của bạn. Kìa, bạn nhìn thử mà xem. Dáng bạn oai phong lẫm liệt. Trên đầu thì có cái mào đỏ dựng đứng trông như vương miện của vua. Đôi chân vàng óng trông như đôi hia vàng. Còn bộ lông của bạn thì quả thật tuyệt vời vô cùng. Óng ánh đủ màu cầu vồng. Trông thật rực rỡ và uy nghi. Đẹp vô cùng. Giá mà bạn cho tôi mượn tạm bộ áo bạn để đi dự tiệc thì quý biết chừng nào.
Gà vui khi nghe Công khen ngợi bộ áo của mình nên tỏ vẻ dễ dãi, đồng ý cho Công mượn. Công mừng quá vội trao đổi áo với Cà ngay lập tức. Trước khi chia tay với Gà, Công còn hứa chắc chắn rằng sẽ trả lại bộ áo cho Gà ngay sớm hôm sau, trước lúc mặt trời mọc. Gà tin lời nên vui vẻ chờ đợi.
Nhưng than ôi! Gà cứ chờ mãi, chờ mãi. Mặt trời mọc rồi lại lặn, lặn rồi lại mọc mà vẫn chẳng thấy bóng dáng của công. Gà tiếc bộ áo lộng lẫy của mình vô cùng nên cứ thao thức. Trời vừa hửng sáng, mặt trời sắp sửa mọc thì Gà đã vội choàng dậy mà cất cao giọng gọi:
– Ò…ó…o…o… Ò…ó…o…o…. Sáng rồi, Công ơi, trả áo cho tôi… Ò…ó…o…o… Ò…ó…o…o..
Và cũng từ đó đến nay, công mới có bộ lông thật lộng lẫy như ta thường thấy. Mỗi khi nhớ lại chuyện xưa, Công lại thích chí giương cánh, xòe bộ lông đuôi óng ánh rực rỡ ra để khoe. Còn Gà Trống chỉ còn có bộ lông như hiện tại, và gà vẫn cất cao giọng mỗi buổi sáng đến mong Công nghe mà trả lại áo cho Gà.
Ý nghĩa của câu chuyện rút ra cho bé
Không nên quá tin tưởng vào những lời nịnh nọt có cánh. Tuy nhiên, khi mượn đồ của ai đó thì cũng nên trả lại, không nên vơ vào làm của mình
Chú Thỏ thông minh
Tại một khu rừng nọ, có một chú Thỏ con lông trắng tinh sống cùng với mẹ. Ngày nào, Thỏ con cũng chạy ra bờ suối để chơi đùa và uống nước. Trước khi chú đi, Thỏ Mẹ cũng thường nhắc nhở:
– Con hãy thật cẩn thật đấy nhé vì Cáo già cũng rất hay ra bờ suối để dạo chơi lắm đấy! Nếu Cáo bắt được con, nó sẽ ăn thịt con đấy nhé.
Thỏ con vâng lời mẹ và tung tăng đi vào bờ suối ở bìa rừng. Vào một ngày kia, khi vừa mới chuẩn bị cúi mặt xuống suối để uống nước thì Thỏ con bất ngờ thấy Cáo già. Lão Cáo già tỏ ra rất thân thiện với Thỏ con và nói:
– Chào Thỏ con, em có mỏi chân không, lên lưng anh, anh cõng vào rừng để hái hoa, nấm và tìm thức ăn nào!
Thỏ con rất lo lắng và sợ hãi nhưng chú đã nhanh trí nghĩa ra một mẹo. Chú đã trả lời cáo già rằng:
– Chào anh Cáo, ôi nếu được như vậy thì thích quá anh Cáo ơi. Anh chờ em chút, em chạy nhanh về nhà lấy mũ để che nắng đã anh nhé!
Cáo đồng ý đứng đợi Thỏ con. Nói rồi, Thỏ con nhanh chân chạy thật nhanh về nhà và kể câu chuyện gặp Cáo cho Thỏ Mẹ nghe. Thỏ Mẹ đã ôm Thỏ con vào lòng, khen ngợi Thỏ con thông minh, nhanh trí nhưng lần sau hãy cẩn thận hơn.
Đây là một câu truyện cổ tích rất phù hợp để mẹ kể cho bé trước khi đi ngủ. Mẹ có thể biến tấu linh hoạt câu chuyện này theo nhiều hướng khác nhau để khiến bé cảm thấy thật mới lạ. Mỗi biến tấu sẽ là một chuyến phiêu lưu khiến bé cảm thấy thích thú hơn. Chẳng hạn như đóng vai từng nhân vật, hoặc hỏi bé các câu hỏi như: Con gì có lông màu trắng tinh, tai dài, mắt sáng, hay Con có biết con gì vừa chạy nhanh lại vừa thông minh nhất không?
Con lừa khôn ngoan
Ngày xửa ngày xưa, ở một ngọn đồi nọ, có một con Lừa đang vui vẻ ăn cỏ, không hề biết là có một con Sói đang rình rập nó. Khi vừa mới ăn xong và ngẩng đầu lên, nó ngỡ ngàng và ngạc nhiên nhận ra con Sói đang đứng nhìn mình. Con Lừa biết rằng, mình cần phải thật nhanh để cứu lấy bản thân, nếu không sẽ bị chó Sói ăn thịt mất.
Nó bắt đầu hét lên thất thanh giống như mình đang bị thương rất nặng. Vừa nghe thấy tiếng hét, con Sói đang không biết chuyện gì xảy ra nên đã tiến lại gần và hỏi:
– Này Lừa, anh bị làm sao vậy?
– Một cái gai sắc nhọn vừa đâm vào chân tôi, anh có thể lấy cái gai đó ra giúp tôi được không?. Lừa nói.
– Tại sao ta phải làm như thế?, Sói nghi ngờ.
– À, tại vì điều này rất có lợi đối với anh. Cái gai rất sắc nhọn, nếu như anh ăn thịt tôi thì cái gai sẽ kẹt trong cổ họng của anh đấy.
Nghe thấy có lý, Sói liền chạy lại định giúp Lừa lấy cái gai ra. Tuy nhiên, khi Sói vừa đến gần thì Lừa liền lấy chân đấm cho Sói mấy cái và nhanh chân chạy trốn. Lúc này, Sói bị choáng váng và không biết chuyện gì vừa xảy ra. Khi vừa bình tĩnh lại thì Sói nhận ra rằng, mình vừa bị mất mấy cái răng. Nó cảm thấy vô cùng xấu hổ vì sợ tham lam và ngu ngốc của mình.
Hi vọng 11 truyện cổ tích thiếu nhi trên sẽ bồi dưỡng ngôn ngữ và các bài học hay cho bé nhà bạn
Ngoài những truyện trên các phụ huynh có thể tham khảo một ứng dụng đọc truyện cho bé được hàng triệu phụ huynh đang dùng là Vmonkey với ưu đãi hấp dẫn sau
Tặng 5 cuốn truyện tranh cho bé và 1 khoá học “Học cùng con không khó |
>Nhận Ưu Đãi Trên |
>>> Cho bé nghe thêm truyện trong chuỗi video của chúng tôi trên youtube