Truyện Sọ Dừa là truyện cổ tích Việt Nam thuộc thể loại thần kì. Cùng với Tấm Cám, Thạch Sanh, Ăn khế trả vàng v.v…, Sọ Dừa là một trong những câu truyện cổ tích quen thuộc trong kho tàng truyện dân gian Việt Nam. Dưới đây là nội dung câu chuyện Sọ Dừa.
Các Nội Dung Chính
Nội dung truyện Sọ Dừa
Truyện cổ tích sọ dừa
Ngày xưa, có hai vợ chồng một lão nông nghèo đi ở cho nhà một phú ông. Họ hiền lành, chăm chỉ nhưng đã ngoài năm mươi tuổi mà chưa có lấy một mụn con.
Một hôm, người vợ vào rừng lấy củi. Trời nắng to, khát nước quá, thấy cái sọ dừa bên gốc cây to đựng đầy nước mưa, bà bèn bưng lên uống. Thế rồi, về nhà, bà có mang.
Ít lâu sau, người chồng mất. Bà sinh ra một đứa con không có chân tay, mình mẩy, cứ tròn lông lốc như một quả dừa. Bà buồn, toan vứt nó đi thì đứa bé lên tiếng bảo.
– Mẹ ơi! Con là người đấy! Mẹ đừng vứt con mà tội nghiệp. Bà lão thương tình để lại nuôi rồi đặt tên cho cậu là Sọ Dừa.
Lớn lên, Sọ Dừa vẫn thế, cứ lăn lông lốc chẳng làm được việc gì. Bà mẹ lấy làm phiền lòng lắm. Sọ Dừa biết vậy bèn xin mẹ đến chăn bò cho nhà phú ông.
Nghe nói đến Sọ Dừa, phú ông ngần ngại. Nhưng nghĩ: nuôi nó thì ít tốn cơm, công sá lại chẳng đáng là bao, phú ông đồng ý. Chẳng ngờ cậu chăn bò rất giỏi. Ngày ngày, cậu lăn sau đàn bò ra đồng, tối đến lại lăn sau đàn bò về nhà. Cả đàn bò, con nào con nấy cứ no căng. Phú ông lấy làm mừng lắm!
Vào ngày mùa, tôi tớ ra đồng làm hết cả, phú ông bèn sai ba cô con gái thay phiên nhau đem cơm cho Sọ Dừa. Trong những lần như thế, hai cô chị kiêu kì, ác nghiệt thường hắt hủi Sọ Dừa, chỉ có cô em vốn tính thương người là đối đãi với Sọ Dừa tử tế.
Một hôm đến phiên cô út mang cơm cho Sọ Dừa. Mới đến chân núi, cô bỗng nghe thấy tiếng sáo véo von. Rón rén bước lên cô nhìn thấy một chàng trai khôi ngô tuấn tú đang ngồi trên chiếc võng đào thổi sáo cho đàn bò gặm cỏ. Thế nhưng vừa mới đứng lên, tất cả đã biến mất tăm, chỉ thấy Sọ Dừa nằm lăn lóc ở đấy. Nhiều lần như vậy, cô út biết Sọ Dừa không phải người thường, bèn đem lòng yêu quý.
Đến cuối mùa ở thuê, Sọ Dừa về nhà giục mẹ đến hỏi con gái phú ông về làm vợ. Bà lão thấy vậy tỏ ra vô cùng sửng sốt, nhưng thấy con năn nỉ mãi, bà cũng chiều lòng.
Thấy mẹ Sọ Dừa mang cau đến dạm, phú ông cười mỉa mai:
– Muốn hỏi con gái ta, hãy về sắm đủ một chĩnh vàng cốm, mười tấm lụa đào, mười con lợn béo, mười vò rượu tăm đem sang đây.
Bà lão đành ra về, nghĩ là phải thôi hẳn việc lấy vợ cho con. Chẳng ngờ, đúng ngày hẹn, bỗng dưng trong nhà có đầy đủ mọi sính lễ, lại có cả gia nhân ở dưới nhà chạy lên khiêng lễ vật sang nhà của phú ông. Phú ông hoa cả mắt lúng túng gọi ba cô con gái ra hỏi ý. Hai cô chị bĩu môi chê bai Sọ Dừa xấu xí rồi ngúng nguẩy đi vào, chỉ có cô út là cúi đầu e lệ tỏ ý bằng lòng.
Trong ngày cưới, Sọ Dừa cho bày cỗ thật linh đình, gia nhân chạy ra chạy vào tấp nập. Lúc rước dâu, chẳng ai thấy Sọ Dừa trọc lốc, xấu xí đâu chỉ thấy một chàng trai khôi ngô tuấn tú đứng bên cô út. Mọi người thấy vậy đều cảm thấy sửng sốt và mừng rỡ, còn hai cô chị thì vừa tiếc lại vừa ghen tức.
Từ ngày ấy, hai vợ chồng Sọ Dừa sống với nhau rất hạnh phúc. Không những thế, Sọ Dừa còn tỏ ra rất thông minh. Chàng ngày đêm miệt mài đèn sách và quả nhiên năm ấy, Sọ Dừa đỗ trạng nguyên. Thế nhưng cũng lại chẳng bao lâu sau, Sọ Dừa được vua sai đi sứ. Trước khi đi, chàng đưa cho vợ một hòn đá lửa, một con dao và hai quả trứng gà nói là để hộ thân.
Ganh tị với cô em, hai cô chị sinh lòng ghen ghét rắp tâm hại em để thay làm bà trạng. Nhân quan trạng đi vắng, hai chị sang rủ cô út chèo thuyền ra biển rồi cứ thế lừa đẩy cô em xuống nước. Cô út bị cá kình nuốt chửng, nhưng may có con dao mà thoát chết. Cô dạt vào một hòn đảo, lấy dao khoét bụng cá chui ra, đánh đá lấy lửa nướng thịt cá ăn. Sống được ít ngày trên đảo, hai quả trứng gà cũng kịp nở thành một đôi gà đẹp để làm bạn cùng cô út.
Một hôm có chiếc thuyền đi qua đảo, con gà trống nhìn thấy bèn gáy to:
ò… ó… o
Phải thuyền quan trạng rước cô tôi về.
Quan cho thuyền vào xem, chẳng ngờ đó chính là vợ mình. Hai vợ chồng gặp nhau, mừng mừng tủi tủi. Đưa vợ về nhà, quan trạng mở tiệc mừng mời bà con đến chia vui, nhưng lại giấu vợ trong nhà không cho ai biết. Hai cô chị thấy thế khấp khởi mừng thầm, tranh nhau kể chuyện cô em rủi ro ra chiều thương tiếc lắm. Quan trạng không nói gì, tiệc xong mới cho gọi vợ ra. Hai cô chị nhìn thấy cô em thì xấu hổ quá, lén bỏ ra về rồi từ đó bỏ đi biệt xứ.
Truyện Trí Khôn Của Ta Đây – Lời Kể Chi Tiết Và Bài Học Rút Ra
Tóm tắt câu chuyện Sọ Dừa
Ngày xưa, tại một làng nọ có đôi vợ chồng già đi ở cho nhà phú ông. Họ sống hiền lành, chăm chỉ nhưng mãi mà chưa có lấy một mụn con. Một hôm, người vợ đi vào rừng hái củi. Hôm đó, trời nắng to bà khát nước thì thấy một cái sọ dừa đựng đầy nước mưa ở bên gốc cây. Khát quá bà bưng lên uống một hơi cho đỡ khát.
Về nhà bà liền có mang và ít lâu sau sinh ra một đứa bé không tay, không chân, tròn như quả dừa trông rất kỳ dị. Bà sợ hãi toan vứt đi thì đứa bé liền ra sức cầu xin nên bà giữ đứa bé lại và đặt tên là Sọ Dừa. Lớn lên Sọ Dừa thương mẹ làm lụng vất vả nên đã xin đến chăn đàn bò cho nhà phú ông. Vào ngày mùa, khi tôi tớ đi làm hết, phú ông liền sai ba cô con gái thay phiên nhau đưa cơm cho Sọ Dừa.
Trong những lúc mang cơm, hai cô chị vô cùng kiêu kỳ, ác nghiệt lúc nào cũng hắt hủi Sọ Dừa. Còn cô em út hiền lành, thương người nên đối đãi với Sọ Dừa vô cùng tử tế. Một hôm, cô út mang cơm đến thì thấy một chàng trai khôi ngô đang thổi sáo nhưng nghe động thì lại biến thành Sọ Dừa. Nhiều lần như vậy, cô đã đem lòng yêu quý Sọ Dừa.
Một ngày, Sọ Dừa giục mẹ đến nhà phú ông hỏi cưới vợ. Trong khi hai chị gái thì dè bỉu còn cô em út lại nguyện ý lấy Sọ Dừa làm chồng. Đến ngày cưới, Sọ Dừa biến thành hình dạng của một chàng trai khôi ngô khiến hai cô chị vô cùng ghen tức. Sau đó, Sọ Dừa lên kinh dự thi đỗ trạng nguyên và nhà vua cử đi xứ. Trước khi đi, chàng đưa cho vợ một hòn đá lửa, hai quả trứng và một con dao để phòng tai họa.
Đúng như dự đoán của chàng, hai cô chị ở nhà đã tìm cách hãm hại và đẩy cô út xuống biển. Nhưng nhờ các vật dụng của chàng đưa cho mà cô út đã thoát chết. Cuối cùng, nàng đã được chồng cứu trên đường đi xứ về và hai vợ chồng đoàn tụ. Hai cô chị sau khi làm việc xấu hổ đã bỏ nhà đi biệt tích.
Phân tích ý nghĩa truyện Sọ Dừa
Truyện cổ tích Sọ Dừa với những tình tiết hấp dẫn mang đến rất nhiều ý nghĩa và bài học còn nguyên giá trị đến nay. Những bài học đó như lời răn dạy thế hệ sau cần phải biết quý trọng con người, đừng vì vẻ bề ngoài mà dè bỉu người xung quanh…. Một vài ý nghĩa từ câu chuyện được điểm qua như sau:
Ca ngợi vẻ đẹp bên trong của con người
Khi nói đến ý nghĩa truyện cổ tích Sọ Dừa thì ca ngợi vẻ đẹp bên trong của con người là ý nghĩa quan trọng nhất. Khi Sọ Dừa sinh ra đã có vẻ bề ngoài kỳ dị khi không có chân tay và lăn lông lốc cả ngày. Nhưng chàng lại là người có hiếu khi biết mẹ vất vả và muốn đi làm công cho nhà phú ông.
Ngoài ra, Sọ Dừa còn là người có tài khi chăn bò rất giỏi, thổi sáo hay. Đàn bò anh chăn lúc nào cũng no cỏ và mập mạp. Những bài sáo do anh thổi khiến lòng người lay động, cỏ cây nghiêng mình. Điều này cũng mang tới ý nghĩa sâu xa rằng ông trời sẽ không lấy đi của ai hoàn toàn, họ mất cái này rồi sẽ được cái kia.
Đặc biệt, Sọ Dừa là người tự biết được giá trị của bản thân mặc dù có vẻ ngoài xấu xí. Chàng luôn tự tin với khả năng của mình khi chăn bò cho phú ông và hỏi cưới cô út mặc dù không có chân tay.
Ngoài ra, nhân vật cô út cũng nói lên được ý nghĩa này khi cô không xét đoán vẻ ngoài của Sọ Dừa mà luôn đối xử tử tế. Từ câu chuyện này, chúng ta còn rút ra được bài học là khi đánh giá con người phải xem xét toàn diện chứ không chỉ chăm chăm nhìn vào vẻ bề ngoài. Bởi lẽ, bề ngoài chẳng phải là yếu tố tạo lên một con người nhân cách, hiếu nghĩa và tài giỏi.
Quy luật nhân quả của cuộc đời
Ý nghĩa truyện cổ tích Sọ Dừa còn thể hiện rõ quy luật nhân quả của cuộc đời đó là ở hiền gặp lành và ác giả ác báo. Nhân vật hai cô con gái đầu của phú ông luôn tỏ ra khinh thường những người khó khăn, có vẻ ngoài xấu xí. Trong khi đó, cô em út lại luôn sống nhân hậu, đối xử tử tế với tất cả mọi người.
Chính vì thế, cô út đã được cưới một người khôi ngô và dễ dàng thoát được đại nạn. Còn hai cô chị “gieo gió gặt bão” sau bao nhiêu chuyện xấu đã làm phải bỏ đi biệt xứ. Từ ý nghĩa này, người xưa luôn mong muốn một cuộc sống có sự công bằng, người nhân ái sẽ có được hạnh phúc.
Họ cũng mong rằng qua đây con người cần sống thiện lương hơn, tích đức để được giúp đỡ vượt qua mọi kiếp nạn.
Thể hiện ước mơ đổi đời của những thân phận thấp kém thời xưa
Trong truyện, Sọ Dừa có hình dạng kì dị khi không có chân tay. Tuy nhiên, cuối cùng chàng đã trút bỏ được vẻ ngoài xấu xí, thi đỗ trạng nguyên và sống hạnh phúc bên người vợ hiền lành, tốt bụng. Điều đó cho chúng ta thấy người xưa muốn thể hiện ước mơ về sự đổi đời của những người có xuất thân thấp kém trong xã hội. Đồng thời, họ còn muốn thể hiện ước mơ về sự công bằng khi người thông minh, có ý chí sẽ được hưởng hạnh phúc trọn đời.
Trên đây là tóm tắt nội dung cũng như ý nghĩa truyện cổ tích Sọ Dừa. Một câu chuyện có từ rất lâu những vẫn còn nguyên giá trị và những bài học đắt giá cho đến ngày nay. Câu chuyện là bài học về lòng nhân ái, về những giá trị con người được đánh giá từ sâu bên trong chứ không phải vẻ bề ngoài hiện hữu.
Truyện Sọ Dừa Trong Văn Hoá Đại Chúng
Truyện Sọ Dừa cũng được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào chương trình đọc thêm của sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 6.
Vào tháng 3 năm 2015, một ấn bản truyện Sọ Dừa bị phát hiện biến tấu “sọ dừa” thành “sọ người”. Cụ thể, nhân vật người mẹ lên rừng chặt củi, khát nước nên bà đã uống nước trong sọ người. Bên cạnh lời văn, truyện tranh cũng miêu tả kèm hình ảnh người phụ nữ cầm một cái đầu lâu trên tay.
Thời điểm phát giác, truyện do nhà xuất bản có tên Hồng Đức ấn hành, mỗi tập, bao gồm cả tập truyện Sọ Dừa, được in khoảng 1.000 cuốn, nộp lưu chiểu cuối năm 2013. Kết cục, nhà xuất bản bị phạt 45 triệu đồng vì lý do không có nguồn gốc hợp pháp, đồng thời buộc phải thu hồi và tiêu hủy toàn bộ truyện đang có trên thị trường. Sự việc cũng gây nên những tranh cãi trong việc kiểm duyệt nội dung các văn hóa phẩm cho thiếu nhi.