Truyện sự tích dưa hấu là một trong những truyện cổ tích hay của Việt Nam, dưới đây là nội dung chi tiết của câu chuyện sự tích dưa hấu.
Các Nội Dung Chính
Nội dung truyện sự tích dưa hấu
Ngày xưa, Vua Hùng Vương thứ 18 có nuôi một đứa trẻ thông minh khôi ngô, đặt tên là Mai Yển, hiệu là An Tiêm.
Lớn lên, vua cưới vợ cho An Tiêm, và tin dùng ở triều đình. Cậy nhờ ơn Vua cha, nhưng An Tiêm lại kiêu căng cho rằng tự sức mình tài giỏi mới gây dựng được sự nghiệp, chứ chẳng nhờ ai. Lời nói này đến tai vua, vua cho An Tiêm là kẻ kiêu bạc vô ơn, bèn đày An Tiêm cùng vợ con ra một hòn đảo xa, ở ngoài biển Nga Sơn (Thanh Hoá, Bắc Việt).
Người vợ là nàng Ba lo sợ sẽ phải chết ở ngoài cù lao cô quạnh, nhưng An Tiêm thì bình thản nói: “Trời đã sinh ra ta, sống chết là ở Trời và ở ta, việc gì phải lo”.
Hai vợ chồng An Tiêm cùng đứa con đã sống hiu quạnh ở một bãi cát, trên hoang đảo. Họ ra sức khai khẩn, trồng trọt để kiếm sống. Một ngày kia, vào mùa hạ, có một con chim lạ từ phương tây bay đến đậu trên một gò cát. Chim nhả mấy hạt gì xuống đất. Được ít lâu, thì hạt nẩy mầm, mọc dây lá cây lan rộng.
Cây nở hoa, kết thành trái to. Rất nhiều trái vỏ xanh, ruột đỏ. An Tiêm bảo vợ: “Giống cây này tự nhiên không trồng mà có tức là vật của Trời nuôi ta đó”. Rồi An Tiêm hái nếm thử, thấy vỏ xanh, ruột đỏ, hột đen, mùi vị thơm và ngon ngọt, mát dịu. An Tiêm bèn lấy hột gieo trồng khắp nơi, sau đó mọc lan ra rất nhiều.
Một ngày kia, có một chiếc tàu bị bão dạt vào cù lao. Mọi người lên bãi cát, thấy có nhiều quả lạ, ngon. Họ đua nhau đổi thực phẩm cho gia đình An Tiêm. Rồi từ đó, tiếng đồn đi là có một giống dưa rất ngon ở trên đảo. Các tàu buôn tấp nập ghé đến đổi chác đủ thứ vật dụng và thực phẩm cho gia đình An Tiêm. Nhờ đó mà gia đình bé nhỏ của An Tiêm trở nên đầy đủ, cuộc sống phong lưu.
Vì chim đã mang hột dưa đến từ phương Tây, nên An Tiêm đặt tên cho thứ trái cây này là Tây Qua. Người Tàu ăn thấy ngon, khen là “hẩu”, nên về sau người ta gọi trại đi là Dưa Hấu.
Ít lâu sau, vua sai người ra cù lao ngoài biển Nga Sơn dò xét xem gia đình An Tiêm ra làm sao, sống hay chết. Sứ thần về kể lại cảnh sống sung túc và nhàn nhã của vợ chồng An Tiêm, nhà vua ngẫm nghĩ thấy thầm phục đứa con nuôi, bèn cho triệu An Tiêm về phục lại chức vị cũ trong triều đình.
An Tiêm đem về dâng cho vua giống dưa hấu mà mình may mắn có được. Rồi phân phát hột dưa cho dân chúng trồng ở những chỗ đất cát, làm giàu thêm cho xứ Việt một thứ trái cây danh tiếng. Hòn đảo mà An Tiêm ở, được gọi là Châu An Tiêm.
Truyện Trí Khôn Của Ta Đây – Lời Kể Chi Tiết Và Bài Học Rút Ra
Ý nghĩa rút ra từ sự tích dưa hấu
Tuy đây chỉ là một câu chuyện cổ tích dành cho trẻ con nhưng lại ẩn chứa một thông điệp vô cùng ý nghĩa “chỉ có những người dám nghĩ dám làm mới mang lại kết quả xứng đáng”, khi dám khác biệt, đương đầu với khó khăn nếu bản thân kiên trì và nỗ lực, đổi lại sẽ thu về quả ngọt.
Bên cạnh đó dựa vào hình tượng quả dưa hấu mà đã chỉ ra một bài học đắt giá dù là người có tài có lực, cương trực thẳng thắn nhưng cũng không được kiêu căng, mà đôi khi phải biết dằn mình lại trong nhiều hoàn cảnh. Bởi vì khi dưa hấu dù non hay chín đỏ thì bên ngoài vỏ quả cũng màu xanh, chỉ vì tính cách thẳng thắn và có phần kiêu căng mà An Tiêm đã khiến gia đình mình lâm vào cảnh khó khăn.
Sự tích quả dưa hấu quả là một câu chuyện thú vị và đầy ý nghĩa, hy vọng rằng bài viết đã mang đến thông tin bổ ích cho bạn đọc.
Mai An Tiêm là ai?
Mai An Tiêm là một nhân vật truyền thuyết thời Hùng Vương. Theo truyền thuyết, Mai An Tiêm vốn là con nuôi của Hùng Vương thứ XVII, được vua quý mến gả mị châu cho. Sau vì làm phật ý vua, An Tiêm bị đày ra đảo hoang, tương truyền nay là vùng Nga Sơn, Thanh Hóa. Tại đây, An Tiêm cùng vợ chăm chỉ làm ăn, gây được giống dưa hấu quý, nhiều người tìm đến trao đổi, tiếng đồn khắp xa gần. Vua xuống chiếu gọi về cho phục chức cũ. An Tiêm được coi là ông tổ của nghề trồng dưa hấu tại Việt Nam.
Ngày nay, tại xã Nga Phú, huyện Nga Sơn, có một dãy núi mang tên Mai An Tiêm, tương truyền chính là hòn đảo xưa kia vợ chồng An Tiêm đi đày. Dưới chân núi này có đền thờ ông và được nhân dân địa phương tổ chức lễ hội vào ngày 12 đến 15 tháng Ba âm lịch hàng năm
Một bình luận
Pingback: Truyện Cả Nhà Ăn Dưa Hấu - Truyện Siêu Hay Cho Bé