Truyện thai giáo cho trẻ số 1: Truyện cổ tích ăn khế trả vàng
Ngày xửa ngày xưa, có hai anh em nhà kia cha mẹ mất sớm. Khi người anh đi lấy vợ, người anh không muốn ở chung với em mình nữa, nên quyết định chia gia tài của cha mẹ để lại.
Người anh tham lam chiếm hết cả nhà cửa, ruộng vườn, trâu bò của cha mẹ để lại, chỉ để cho người em một túp lều nhỏ và mảnh vườn, trong đó có một cây khế ngọt. Người em không chút phàn nàn gì, ngày ngày chăm bón cho cây khế và đi cày thuê, cuốc mướn nuôi thân.
Năm ấy, cây khế trong vườn nhà người em bỗng nhiên sai quả lạ thường, cành nào cũng nặng trĩu quả ngọt, vàng ruộm. Người em nhìn cây khế mà lòng khấp khởi vui mừng lắm, thầm tính chuyện bán khế lấy tiền đong gạo.
Một hôm, có con chim Phượng Hoàng từ đâu bay đến mổ khế ăn lia lịa. Thấy thế, người em vội vác gậy đuổi chim và nói. “Này chim! Ta chỉ có duy nhất một cây khế này, và ta đã khó nhọc chăm sóc đến ngày hái quả. Nay nếu chim ăn hết ta chẳng có gì để bán đi mua gạo. Vậy nếu chim muốn ăn hãy mang trả ta vật gì có giá trị”.
Chim vừa ăn vừa đáp: “Ăn một quả, trả cục vàng may túi ba gang, mang theo mà đựng“. Người em nghe chim nói vậy, cũng đành để cho chim ăn. Mấy hôm sau, chim lại đến ăn khế. Ăn xong chim bảo người em lấy túi ba gang đi lấy vàng. Người em chạy vào nhà rồi lấy chiếc túi ba gang đã may sẵn leo lên lưng chim.
Chim bay mãi, bay mãi qua những ngọn núi cao, qua biển rộng bao la và đỗ xuống một hòn đảo đầy vàng bạc, châu báu. Người em đi khắp đảo nhìn ngắm thỏa thích rồi lấy vàng bỏ đầy túi ba gang. Chim Phượng Hoàng bảo lấy thêm nhưng người em cũng không lấy. Xong xuôi, người em leo lên mình chim trở về nhà.
Từ đó, người em trở nên giàu có, người em mang thóc, gạo, vàng bạc… giúp đỡ cho những người nghèo khổ. Người anh nghe tin em giàu có liền sang chơi và đòi đổi nhà, ruộng vườn của mình lấy cây khế ngọt kia, người em cũng đồng ý đổi cho anh. Thế là người anh chuyển sang nhà người em. Mùa năm sau, cây khế lại sai trĩu quả, chim Phượng Hoàng lại tới ăn. Người anh giả vờ khóc lóc, chim bèn nói: “Ăn một quả, trả cục vàng May túi ba gang, mang theo mà đựng”.
Người anh vui mừng quá, giục vợ may túi không phải 3 gang nữa mà là 12 gang để đựng được nhiều vàng. Hôm sau chim Phượng Hoàng đưa người anh đi lấy vàng. Vừa đến nơi, người anh đã vội vàng vơ lấy vàng bỏ vào túi, lại còn giắt thêm đầy vàng bỏ vào trong người. Chim cố sức bay nhưng đường thì xa mà vàng thì nhiều và nặng quá. Mấy lần chim bảo người anh vứt bớt vàng đi cho nhẹ nhưng người anh vẫn không chịu và khăng khăng ôm lấy cái túi. Chim Phượng Hoàng bực tức, nó nghiêng cánh hất người anh tham lam xuống biển.
Truyện thai giáo cho trẻ số 2: Truyện cổ tích cô bé quàng khăn đỏ
Ngày xửa, ngày xưa, có một cô bé thường hay quàng chiếc khăn màu đỏ, vì thế, mọi người đều gọi cô là cô bé quàng khăn đỏ.
Một hôm, mẹ cô bảo cô mang bánh sang để biếu bà ngoại. Trước khi đi, mẹ cô có dặn rằng:
– Con đi thì nhớ đi đường thẳng, đừng đi đường vòng qua rừng mà chó sói ăn thịt con đấy. Trên đường đi, cô thấy đường vòng qua rừng có rất nhiều hoa, nhiều bướm, vì không nghe lời mẹ dặn nên cô tung tăng đi theo đường đó. Đi được một quãng thì gặp chú Sóc, Sóc nhắc:
– Cô bé quàng khăn đỏ ơi, lúc nãy tôi có nghe mẹ cô dặn đi đường thẳng, đừng đi đường vòng cơ mà. Sao cô lại đi đường này?
Cô bé không trả lời Sóc. Cô vẫn cứ đi theo đường vòng qua rừng. Vừa đi, cô vừa hái hoa, bắt bướm. Khi vào đến cửa rừng thì cô gặp chó sói. Con chó sói rất to đến trước mặt cô. Nó cất giọng ồm ồm rồi hỏi:
– Này, cô bé đi đâu thế?
Nghe chó sói hỏi nên cô bé quàng khăn đỏ sợ lắm, nhưng cũng đành bạo dạn trả lời:
– Tôi đi sang nhà bà ngoại tôi.
Nghe cô bé nói đi sang bà ngoại, chó sói đang nghĩ bụng: À, thì ra nó lại còn có bà ngoại nữa, thế thì mình phải ăn thịt cả hai bà cháu. Nghĩ vậy nên chó sói lại hỏi:
– Nhà bà ngoại của cô ở đâu?
– Ở bên kia khu rừng. Cái nhà có ống khói đấy, cứ đẩy cửa là sẽ vào được ngay.
Nghe xong, chó sói bỏ cô bé quàng khăn đỏ ở đấy rồi chạy một mạch đến nhà bà ngoại của cô. Nó đẩy cửa vào vồ lấy bà cụ rồi nuốt chửng ngay vào bụng. Xong xuôi, nó lên giường nằm đắp chăn giả là bà ngoại ốm.
Lúc cô bé quàng khăn đỏ đến tới nơi, cô thấy chó sói đắp chăn nằm trên giường, cô tưởng “bà ngoại” bị ốm thật, cô hỏi:
– Bà ơi! Bà ốm đã lâu chưa?
Sói không đáp giả vờ rên hừ… hừ…
– Bà ơi, mẹ cháu bảo mang bánh sang biếu bà.
– Thế à, thế thì bà cám ơn cháu và mẹ cháu. Cháu bà ngoan quá. Cháu lại đây với bà.
Cô bé quàng khăn đỏ chạy ngay đến cạnh giường, nhưng cô vô cùng ngạc nhiên lùi lại hỏi:
– Bà ơi! Sao hôm nay tai bà dài thế?
– Tai bà dài để bà nghe cháu nói được rõ hơn. Chó sói đáp
– Thế còn mắt bà, sao hôm nay mắt bà to thế?
– Mắt bà to để bà nhìn cháu được rõ hơn.
Chưa tin, cô bé quàng khăn đỏ lại hỏi:
– Thế còn mồm bà, sao hôm nay mồm bà to thế?
– Mồm bà to để bà ăn thịt cháu đấy.
Sói vừa nói xong liền nhảy ra khỏi giường, nuốt chửng em bé Khăn Đỏ đáng thương.
Sói no nê lại nằm xuống giường ngủ ngáy o o. May sao, lúc đó có bác thợ săn đi ngang qua thấy thế. Bác giơ súng lên định bắn. Nhưng bác chợt nghĩ ra là chắc sói đã ăn thịt bà lão, và tuy vậy vẫn còn có cơ hội cứu bà. Bác nghĩ không nên bắn mà nên lấy kéo rạch bụng con sói đang ngủ ra. Vừa rạch được vài mũi thì thấy chiếc khăn quàng đỏ chóe, rạch được vài mũi nữa thì cô bé nhảy ra kêu:
– Trời ơi! Cháu sợ quá! Trong bụng sói, tối đen như mực. Bà lão cũng còn sống chui ra và thở hổn hển. Khăn đỏ vội đi nhặt đá to nhét đầy bụng sói. Sói tỉnh giấc muốn nhảy lên, nhưng đá nặng quá, nó ngã khuỵu xuống, lăn ra chết.
Từ dạo ấy, cô bé quàng khăn đỏ không bao giờ dám làm sai lời mẹ dặn.
>>> Đọc thêm: 7 Truyện Thai Giáo Cho Bé Trong Bụng Mẹ Được Các Mẹ Kể Nhiều Nhất.
Truyện thai giáo cho trẻ số 3: Truyện cổ tích cô bé lọ lem
Ngày xửa ngày xưa có một người đàn ông rất giàu có, nhưng vợ của ông ta lại đang bị ốm nặng. Khi mà bà cảm thấy mình chuẩn bị gần đất xa trời rồi thì bà liền gọi cô con gái độc nhất vô nhị của mình tới bên cạnh giường mình đang nằm, rồi bà dặn dò với con gái rằng:
– Con gái yêu dấu của mẹ, khi mẹ đi rồi thì con hãy cố gắng chăm chỉ và nết na nhé, còn mẹ thì vẫn sẽ mãi mãi ở bên cạnh và phù hộ cho con.
Bà mẹ vừa nói xong lời trăn trối thì liền nhắm mắt qua đời. Sau khi mẹ mất thì ngày nào cô bé cũng tới bên cạnh mộ của mẹ mình mà khóc thương. Cô bé vâng lời mẹ nên ngày ngày rất chăm chỉ và nết na khiến cho tất cả mọi người xung quanh đều cảm thấy yêu mến cô bé.
Rồi khi mùa đông đã tới, tuyết đã phủ đầy một lớp dày ngay trên mộ của người mẹ, nhìn nó giống hệt như là một tấm khăn màu trắng xinh đẹp vậy. Rồi khi những ánh nắng mặt trời của mùa xuân tới và cuốn mất đi chiếc khăn trắng tinh ấy đi thì người cha quyết định sẽ cưới vợ hai.
Không chỉ đem vợ hai về nhà, mà người dì ghẻ này còn đem theo cả hai cô con gái riêng của mình nữa. Cả hai đứa con gái riêng này mặt mày tuy rằng cũng sáng sủa và kháu khỉnh, nhưng trong bụng lại vô cùng xấu xa và đen tối.
Cũng từ ngày đó trở đi thì cô bé kia phải sống một cuộc đời khốn khổ. Mụ dì ghẻ hùa cùng với hai đứa con gái riêng của mình bảo nhau rằng:
– Chúng ta không thể nào cứ để cho cái con ngan ngu ngốc ấy ngồi lỳ ở trong nhà được! Nếu nó muốn có bánh mà ăn thì phải tự đi mà kiếm. Ra đây ngay lập tức, con làm bếp!
Khi cô bé ra ngoài, chúng đem lột sạch tất cả những quần áo đẹp đẽ đang mặc trên người cô ra, ném cho cô chiếc áo choàng màu xám vô cùng cũ kĩ và xấu xí, sau đó lại ném tiếp cho cô đôi guốc mộc nữa. Rồi thì chúng vui vẻ cười nói:
– Hãy nhìn xem cô công chúa đài các của chúng ta ngày nào đã thay đổi hình dạng của mình như thế nào kìa!
Và ba mẹ con họ cứ thế reo lên mà nhạo báng đủ điều, sau đó mới đẩy cô xuống nhà bếp. Họ bắt cô từ sáng tới tận tối làm lụng vất vả, từ tờ mờ sáng thì cô đã phải dậy, rồi đi gánh nước, về lại nhóm bếp, sau đó thì thổi cơm và giặt giũ. Nhưng như vậy vẫn còn chưa đủ, hai đứa con gái của dì ghẻ nghĩ ra rất nhiều cách để mà hành hạ cô, khi đã hành hạ chán chê thì chúng lại hả hê chế giễu, chúng còn đem đậu Hà Lan trộn lẫn cùng đậu biển đổ xuống tro rồi bắt cô nhặt riêng từng loại.
Khi tối đến, sau cả một ngày phải làm lụng vất vả, cơ thể cô đã mệt lử cả đi, nhưng ba mẹ con dì ghẻ cũng chẳng cho cô được ngủ trên một chiếc giường tử tế, chúng bắt cô ngủ ở trên đống tro tàn ngay cạnh bếp. Bởi vì lúc nào cũng ở gần tro bụi trong bếp nên nhìn cô càng ngày càng lem luốc, nên hai đứa con gái của dì ghẻ liền đặt tên cho cô là “Lọ Lem”.
Có một lần người cha chuẩn bị đi chợ phiên, ông ta hỏi hai đứa con của dì ghẻ xem chúng muốn mua món quà như thế nào. Đứa con gái thứ nhất thì nói:
– Con muốn có quần áo đẹp.
Còn đứa thứ hai lại nói rằng:
– Con muốn có ngọc với đá quý nữa.
Người cha lại quay ra hỏi:
– Còn Lọ Lem, con thì muốn thứ gì?
– Thưa cha, lúc trên đường trở về nhà, có cành cây nào vướng vào mũ của cha thì xin cha bẻ cành cây đó về cho con.
Đi chợ phiên trở về, người cha không quên mua quần áo đẹp cùng ngọc trai, đá quý về cho hai đứa con gái của dì ghẻ. Lúc đi trên đường, ông cưỡi ngựa ngang qua bụi cây, một cành dẻ vô tình vướng vào người khiến chiếc mũ ông đang đội rơi xuống đường. Nhớ đến Lọ Lem, ông liền bẻ luôn cành dẻ ấy mang về nhà.
Khi về đến nhà, người cha đem quà đã mua chia cho hai đứa con gái của dì ghẻ đồ chúng đã xin, ông cũng đưa cành dẻ kia cho Lọ Lem. Lọ Lem liền cám ơn cha mình, sau đó mang theo cành dẻ kia đến bên mộ của mẹ mình rồi trồng ngay bên cạnh mộ, sau đó cô ngồi đó khóc lóc thảm thiết, hai hàng nước mắt cứ chảy xuống không ngừng, tưới ướt cả cành cây dẻ mới trồng. Đột nhiên cành dẻ nảy dễ đâm chồi, sau đó một thời gian ngắn thì từ cành cây nhỏ đã trở thành cây dẻ cao lớn, tán lá xòe to.
Hằng ngày Lọ Lem đều chăm chỉ ra mộ của mẹ viếng ba lần, xong cô lại ngồi đó mà khóc lóc khấn mẹ, mỗi lần cô như vậy thì đều có một chú chim màu trắng bay tới rồi đậu ở trên cành cây dẻ. Hễ thấy Lọ Lem nói ra điều mong ước muốn thứ gì thì chim lập tức đem thả thứ ấy cho cô.
Ngày kia, nhà vua cho mở hội tận ba ngày, ngài cho mời hết tất cả những hoa khôi ở trong nước tới tham dự để cho hoàng tử con trai mình kén vợ.
Khi hai đứa con gái của dì ghẻ nghe tin mình cũng có thiệp mời tới tham dự thì vô cùng vui mừng, chúng liền cho gọi Lọ Lem tới và bảo cô:
– Mày mau mau chải đầu rồi đi đánh lại giày cho bọn tao, nhớ buộc dây giày cho thật chặt, bọn tao còn phải đi tới dự hội trong cung vua đấy.
Lọ Lem ngoan ngoãn làm theo những gì chúng sai khiến, sau đó lại ngồi ôm mặt khóc một mình, bởi vì cô cũng muốn được đi nhảy tại hội ấy. Cô liền xin mụ dì ghẻ cho mình được đi cùng. Nhưng dì ghẻ lại nói:
– Cái đồ Lọ Lem mày, người thì toàn bụi bẩn mà lại dám đòi được đi dự hội à! Quần áo, giày không có mà còn đòi được đi nhảy cơ!
Lọ Lem vẫn khẩn khoản cầu xin dì ghẻ cho phép mình đi. Cuối cùng dì ghẻ mới nói là:
– Tao vừa mới đổ một đấu đậu biển vào trong đám tro, nếu như mày có thể nhặt hết số đậu ấy trong vòng hai giờ đồng hồ thì tao sẽ cho mày được đi hội.
Lọ Lem vâng lời, cô lập tức chạy hướng cửa sau và ra vườn, cô gọi to:
– Hỡi những chú chim câu hiền lành, những chim gáy cùng tất cả những chú chim khác trên trời, các bạn hãy bay về đây nhặt đậu giúp em với:
Đậu ngon chim bỏ vào niêu,
Còn là đậu xấu chim bỏ vào diều chim nhé.
Cô vừa dứt tiếng gọi thì có hai con chim bồ câu màu trắng lập tức bay qua ô cửa sổ bếp và sà xuống đám tro nhặt đậu, tiếp theo còn có chim gáy, sau đó thì tất cả những loài chim đang bay trên trời đều đua nhau sà xuống nơi tro bếp.
Đôi chim bồ câu kêu gù gù hai tiếng rồi cúi đầu mổ lia lịa, liên tục phát ra những tiếng “píc, píc, píc”, chúng đem nhặt những hạt đậu tốt rồi bỏ vào trong nồi. Chưa hết một giờ đồng hồ thì đám chim đã cùng nhau nhặt xong chỗ đậu tốt ở trong đống tro bếp. Khi mọi việc xong xuôi thì đàn chim lại cùng nhau cất cánh mà bay đi. Lọ Lem mang chỗ đậu đã nhặt xong tới cho dì ghẻ xem, trong bụng mừng thầm, cô tin chắc rằng dì ghẻ sẽ cho mình đi theo tới chỗ dạ hội của nhà vua tổ chức. Nhưng không, mụ dì ghẻ nói với cô:
– Mày không thể đi đâu. Lọ Lem! Xem mày có được bộ quần áo tử tế nào không mà đòi đi nhảy, mọi người ở đó sẽ nhạo báng mày.
Khi trông thấy cô khóc nức nở thì dì ghẻ lại nói tiếp:
– Nếu như mày có thể nhặt hết hai đấu đậu biển lẫn trong đống tro ấy trong vòng một giờ đồng hồ thì tao sẽ cho mày được đi hội cùng.
Lúc đó dì ghẻ nghĩ rằng: “Nó chắc chắn không bao giờ có thể nhặt xong được”. Sau khi mụ dì ghẻ đã đổ hết đậu vào trong đống tro cạnh bếp, Lọ Lem lại đi từ cửa sau ra ngoài vườn và gọi lớn:
– Hỡi những chú chim câu hiền lành, những chim gáy cùng tất cả những chú chim khác trên trời, các bạn hãy bay về đây nhặt đậu giúp em với:
Đậu ngon chim bỏ vào niêu,
Còn là đậu xấu chim bỏ vào diều chim nhé.
Ngay lập tức lại có hai con chim bồ câu màu trắng lập tức bay qua ô cửa sổ bếp và sà xuống đám tro nhặt đậu, tiếp theo còn có chim gáy, sau đó thì tất cả những loài chim đang bay trên trời đều đua nhau sà xuống nơi tro bếp. Đôi chim bồ câu kêu gù gù hai tiếng rồi cúi đầu mà mổ lia lịa, liên tục phát ra những tiếng “píc, píc, píc”, chúng nhặt những hạt đậu tốt rồi bỏ vào trong nồi. Chưa hết nửa giờ thì đám chim đã cùng nhau nhặt xong chỗ đậu tốt ở trong đống tro bếp. Khi mọi việc đã xong thì đàn chim lại cùng nhau cất cánh mà bay đi. Lọ Lem đem chỗ đậu đã nhặt xong tới cho dì ghẻ xem, trong bụng mừng thầm, cô tin rằng lần này thể nào mình cũng sẽ được dì ghẻ cho phép tới chỗ dạ hội. Nhưng không, mụ dì ghẻ lại nói với cô:
– Dù mày làm gì cũng tốn công vô ích thôi Lọ Lem ạ! Mày không thể nào mà đi theo cùng được, bởi vì mày có đây quần áo đẹp mà lại đòi đi nhảy chứ. Chả nhẽ mày lại bắt chúng tao phải bẽ mặt với thiên hạ bởi vì đứa như mày sao?
Nói đoạn mụ dì ghẻ lập tức quay lưng và cùng với hai đứa con gái của mụ vội vã lên xe tới cung vua dự dạ hội. Khi trong nhà chẳng còn một bóng người thì Lọ Lem liền tìm ra mộ của mẹ, cô đứng ngay dưới gốc của cây dẻ mà gọi nhỏ:
– Cây ơi, hãy rung đi nào,
Hãy thả xuống cho em những áo vàng, áo bạc.
Khi cô vừa dứt lời thì chim liền thả xuống một bộ váy áo thêu những chỉ vàng chỉ bạc lấp lánh cho cô, còn thêm cả một đôi hài lụa cũng thêu chỉ bạc nữa. Lọ Lem vội vàng đem theo đống trang phục rực rỡ ấy vào nhà thay ra rồi đến chỗ dạ hội. Bởi vì Lọ Lem quá xinh đẹp nên cả mụ dì ghẻ lẫn hai đứa con gái của mụ đều không thể nào nhận ra được, bọn chúng cứ ngỡ rằng cô là công chúa của đất nước xa lạ nào đó được mời tới để dự dạ hội. Cả ba mẹ con mụ ta nào đâu ngờ được người đó chính là cô bé Lọ Lem, vẫn cứ đinh ninh cho rằng giờ phút này cô đang ở nhà lúi húi nhặt đống đậu ra khỏi tro bếp.
Hoàng tử bị thu hút bởi sắc đẹp lộng lẫy nên lập tức tiến lại gần cô, lịch sự đưa tay mời cô cùng nhảy một điệu. Hai người cùng nhau nhảy, và hoàng tử lại không muốn bắt cặp nhảy chung với một ai nữa, vì thế qua hết bài nhạc này tới bài nhạc khác vẫn không chịu rời tay khỏi tay cô. Khi có người khác tới để mời cô cùng nhảy thì hoàng tử lại nói rằng:
– Đây là bạn nhảy của tôi!
Cho đến khi tối đến, Lọ Lem muốn được về nhà, chàng hoàng tử lại nói:
– Hãy để tôi cùng đi, tôi muốn được đưa cô về tận nhà.
Hoàng tử muốn biết nàng thiếu nữ rất xinh đẹp này là tiểu thư của nhà nào. Khi đã gần tới nhà thì cô liền gỡ bàn tay của hoàng tử ra rồi nhảy lên phía chuồng của chim bồ câu. Còn chàng hoàng tử thì vẫn ngây ngốc đứng chờ ở đó rất lâu, đến tận khi người cha trở về nhìn thấy thì chàng liền kể lại cho ông nghe chuyện có một cô gái lạ mặt nhảy lên chuồng chim bồ câu. Vì vậy ông ta nghĩ thầm:
– Chẳng lẽ đó lại là Lọ Lem?
Nghĩ vậy nên ông ta liền đem rìu cùng câu liêm tới chẻ đôi chiếc chuồng chim bồ câu kia ra. Tuy nhiên thì ông chẳng thấy người nào ở đó. Rồi khi họ trở về đến nhà thì vẫn thấy Lọ Lem đang mặc trên người bộ quần áo nhem nhuốc và còn đang nằm ở trên đống tro bếp bẩn thỉu, ngay cạnh ống khói của lò sưởi vẫn có một ngọn đèn dầu đang cháy tù mù.
Nhưng thực sự là lúc đó Lọ Lem đã rất nhanh mà nhảy khỏi chuồng chim bồ câu, rồi chạy về phía cây dẻ bên mộ của người mẹ, thay bộ quần áo đẹp ra để lại đó. Và con chim kia lại sà xuống tha đống đồ đó đi mất. Sau đó thì Lọ Lem lại mặc lên người chiếc áo choàng màu xám cũ kĩ, trở lại đống tro cạnh bếp và nằm an ổn ở đó.
Ngày hôm sau dạ hội lại tiếp tục diễn ra như cũ. Đợi đến khi cả cha, dì ghẻ cùng hai người con gái của dì ghẻ đều đã đi hết. Lọ Lem mới đến chỗ gốc cây dẻ và gọi:
– Cây ơi, hãy rung đi nào,
Hãy thả xuống cho em những áo vàng, áo bạc.
Và chim lại thả cho cô một bộ trang phục còn lộng lẫy hơn cả hôm trước nhiều. Lọ Lem sau khi thay xong quần áo thì lại lên đường đến dạ hội. Cô xuất hiện dưới ánh đèn sáng của dạ hội khiến cho mọi người đều phải sửng sốt, cô đẹp đến rực rỡ làm cho ánh mắt của mọi người nhìn cô đều say đắm không nỡ rời.
Hoàng tử hôm nay đã đợi cô rất lâu, khi thấy cô đến lập tức tiến lại và nắm lấy tay cô. Hôm đó hoàng tử cũng chỉ nhảy cùng với duy nhất một người là cô mà thôi. Và những người khác ở trong dạ vũ đến mời cô cùng nhảy thì chàng hoàng tử lại nói:
– Đây là bạn nhảy của tôi!
Khi tối đến, lúc cô xin được trở về nhà thì hoàng tử lại theo sau, chàng muốn biết được nhà của cô ở nơi nào. Nhưng vừa mới đến nơi thì cô đã vội vã chạy về phía sau vườn. Nơi đó có cây lê đang kì trĩu quả nhìn thật ngon mắt. Lọ Lem nhanh như sóc liền trèo lên cây và lẩn trốn giữa những tán lá dày.
Lần này hoàng tử cũng chẳng biết được cô trốn ở nơi nào, chàng đành phải đợi người cha trở về rồi lại nói:
– Cô gái lạ mặt ấy lại chạy trốn rồi. Ta nghĩ cô ấy đã nhảy lên trên cây lê này rồi.
Người cha nghe vậy thì lại thầm nghĩ:
– Chẳng lẽ đó lại là Lọ Lem?
Người cha sai người đem rìu tới và đẵn cây lê kia xuống, nhưng mà chẳng trông thấy người nào ở trên cây cả. Khi tất cả mọi người cùng tới bếp, Lọ Lem đã ở đó, nằm trên đống tro bếp như mọi ngày khác.
Nhưng thực ra thì Lọ Lem đã nhảy xuống từ phía bên kia của cây lê, rồi đem bộ quần áo xinh đẹp tới trả cho chim vẫn đậu trên cây dẻ, sau đó mặc vào chiếc áo choàng xám bẩn thỉu của mình.
Ngày dạ hội thứ ba lại đến, cha, dì ghẻ cùng với hai cô con gái của dì ghẻ lại ăn diện rời khỏi nhà. Và Lọ Lem lại đến chỗ mộ của mẹ mình và bảo với cây dẻ:
– Cây ơi, hãy rung đi nào,
Hãy thả xuống cho em những áo vàng, áo bạc.
Lần này chim thả xuống cho cô một bộ váy áo vô cùng xinh đẹp, lộng lẫy chưa từng có và còn cả đôi hài làm bằng vàng. Lọ Lem thay quần áo đẹp, đi hài vàng tới dự dạ hội. Sự xuất hiện của cô khiến cho mọi người đều há hốc mồm ngạc nhiên, tất cả đều trợn tròn mắt mà ngắm nhìn cô.
Đêm này cũng không có gì khác, hoàng tử vẫn luôn nắm tay cùng cô nhảy hết bài này tới bài khác. Nếu như có ai khác tới và mời cô nhảy cùng thì chàng lại bảo:
– Đây là bạn nhảy của tôi!
Khi trời đã tối, Lọ Lem lại xin phép được trở về. Lần này hoàng tử cũng định sẽ đưa cô về, nhưng Lọ Lem lại nhanh hơn mà lẩn trốn khiến hoàng tử không theo kịp. Tuy nhiên thì lần này chàng hoàng tử đã nghĩ được một kế rất hay, chàng cho người đổ đầy nhựa thông trên chiếc thang, vì vậy nên lúc cô nhảy lên trên thang thì chiếc hài vàng bên chân trái vì bị nhựa thông dính chặt lại.
Lúc hoàng tử chạy tới nơi thì chỉ thấy chiếc hài bằng vàng nhỏ nhắn và xinh đẹp dính lại nơi đó, còn Lọ Lem thì đã biến mất. Ngày hôm sau chàng hoàng tử liền đem theo chiếc hài vàng đến nhà tìm người cha, chàng nói:
– Ta sẽ chỉ lấy người có thể đi vừa chiếc hài này làm vợ.
Hai đứa con gái của dì ghẻ nghe được chàng hoàng tử nói như vậy thì vui mừng vô cùng, bởi vì cả hai người đều có được những đôi chân rất đẹp. Người thử đầu tiên là cô chị cả, cô ta đem theo chiếc hài vàng vào trong buồng để thử cho mẹ mình nhìn trước. Tuy chân cô đẹp thật nhưng lại không cách nào nhét được ngón chân cái của mình vào trong chiếc giày. Dì ghẻ trông thấy vậy lập tức đưa cho con gái mình con dao rồi bảo:
– Con cứ cắt phăng cái ngón chân đó đi. Khi đã được làm hoàng hậu thì có bao giờ phải đi bộ đâu.
Cô con gái nghe mẹ nói vậy thì lập tức cầm dao chặt ngay ngón chân cái của mình đi, rồi sau đó cắn răng chịu đau mà nhét chân vào trong hài. Cô ta ra ngoài đến trước mặt hoàng tử. Khi thấy hài vừa chân, chàng hoàng tử liền nhận cô ta làm cô dâu của mình, chàng bế cô ta lên trên ngựa để cùng cưỡi trở về cung.
Trên con đường trở về hoàng cung, ngựa phải đi qua một ngôi mộ, ở đó có đôi chim bồ câu đang đậu ở trên cành cây dẻ, chim hót:
– Rúc-di-cúc, rúc-di-cúc.
Máu thấm trên hài,
Do chân dài quá,
Chính cô dâu thật,
Vẫn ở trong nhà.
Nghe tiếng chim hót, hoàng tử liền liếc nhìn dưới chân cô gái, chàng thấy máu vẫn đang chảy ra không ngừng, chàng lập tức dừng ngựa lại, rồi đưa cô dâu giả trả về nhà, và nói:
– Đây đâu phải là cô dâu thật của ta.
Chàng hoàng tử lấy lại chiếc hài vàng đưa cho cô em. Cô ta mang hài vào trong buồng để thử, may mắn là các ngón chân của cô ta đều lọt được vào trong hài, nhưng gót chân của cô ta lại quá to.
Lần này mụ dì ghẻ cũng đưa cho con mình một con dao và nói:
– Con cứ cắt phăng miếng gót chân ấy đi. Khi đã được làm hoàng hậu thì có bao giờ phải đi bằng chân đất đâu.
Nghe lời mẹ nên cô ta cắt một miếng lớn ở gót chân rồi lại cắn răng chịu đau đớn nhét chân mình vào trong chiếc hài nhỏ. Cô ra trình diện trước mặt hoàng tử. Thấy hài vừa chân nên chàng hoàng tử lập tức nhận cô ta làm cô dâu của mình, rồi lại bế cô ta đặt lên ngựa để cùng mình về cung.
Trên con đường trở về hoàng cung, ngựa phải đi qua một ngôi mộ, ở đó có đôi chim bồ câu đang đậu ở trên cành cây dẻ, chim hót:
– Rúc-di-cúc, rúc-di-cúc.
Máu thấm trên hài,
Do chân dài quá,
Chính cô dâu thật,
Vẫn ở trong nhà.
Nghe tiếng chim hót, hoàng tử liền liếc nhìn dưới chân cô gái, chàng thấy máu vẫn đang chảy ra không ngừng, chàng lập tức dừng ngựa lại, rồi đưa cô dâu giả trả về nhà, và nói:
– Đây cũng đâu phải là cô dâu thật của ta. Gia đình này còn có người con gái khác không?
Lần này người cha trả lời:
– Tâu hoàng tử là không còn ạ. Vợ cả của tôi trước khi qua đời để lại cho tôi một đứa con gái, nhưng đứa này cả người đều xanh xao và nhem nhuốc. Thứ như nó thì sao mà làm cô dâu cho được.
Tuy nhiên hoàng tử lại bảo ông ta cứ cho gọi cô gái đó ra đây. Mụ dì ghẻ thấy vậy thì liền chen ngang:
– Tâu hoàng tử, không nên làm thế đâu ạ. Cả người nó đều hết sức dơ bẩn, sao có thể gọi nó ra đây mà nhìn hoàng tử được.
Dù cho bọn họ có nói như thế nào đi nữa thì chàng hoàng tử vẫn cứ khăng khăng gọi cho được Lọ Lem ra gặp mặt. Lọ Lem liền rửa sạch mặt mũi, chân tay của mình sau đó mới ra cúi chào hoàng tử. Chàng liền đưa chiếc hài vàng nhỏ xinh cho cô. Lọ Lem ngồi xuống ghế, đem bàn chân nhỏ rút ra khỏi đôi guốc mộc nặng nề và xỏ vào trong hài vàng thì vừa như in. Lúc cô đứng dậy, chàng hoàng tử đã trông thấy khuôn mặt của cô thì lập tức nhận ra cô chính là cô gái xinh đẹp đã làm bạn nhảy của mình mấy ngày dạ vũ vừa rồi, chàng reo lên:
– Đây mới đúng là cô dâu thật của ta!
Mụ dì ghẻ cùng với hai đứa con gái của mụ lúc này cả khuôn mặt đều tái mét đi vì sợ hãi và tức giận. Chàng hoàng tử lập tức bế bổng nàng Lọ Lem đưa lên ngựa và trở về cung.
Trên con đường trở về hoàng cung, ngựa phải đi qua chỗ gốc cây dẻ, đôi chim bồ câu đang đậu ở trên cành cây liền hót:
– Rúc-di-cúc, rúc-di-cúc.
Hài không có máu,
Chân vừa như in,
Đúng cô dâu thật,
Hoàng tử dẫn về.
Sau khi hót xong thì đôi chim ấy liền bay tới và đậu trên vai Lọ Lem, mỗi con đậu một bên vai của cô.
Đám cưới của hoàng tử nhanh chóng được tổ chức, Lọ lem giờ đây đã trở thành công chúa. Hai đứa con gái của mụ dì ghẻ vì muốn phỉnh nịnh mong được hưởng theo phú quý nên cũng kéo đến. Khi đoàn rước dâu đi đến thì cô chị cả lập tức chạy tới bên phải, còn cô em thì lại chạy sang bên trái. Đôi chim bồ câu liền mổ cho mỗi cô mất một con mắt. Rồi khi hai chị em trở về, cô chị lại đi bên trái, còn cô em lại đi bên phải. Đôi chim bồ câu kia lại mổ cho mỗi cô mất thêm một con mắt nữa. Vậy là cả hai phải chịu cảnh mù lòa cả đời, họ bị trừng trị vì tội ác cũng như những giả dối suốt thời gian qua.
>>> Xem thêm: Đọc Truyện Thai Giáo Cho Bé – Lợi Ích, Lưu Ý Và 5 Truyện Hay Cho Bé
Truyện thai giáo cho trẻ số 4: Tấm Cám
Ngày xửa ngày xưa, có hai chị em cùng cha khác mẹ. Người chị tên là Tấm còn em là Cám. Mẹ của Tấm đã mất từ sớm, còn cha cũng qua đời sau đó mấy năm. Để lại Tấm ở với dì ghẻ là mẹ Cám.
Bà mẹ kế vô cùng cay nghiệt và độc ác. Bà ta bắt Tấm phải làm hết những công việc nặng nhọc trong nhà. Ngược lại, Cám lại vô cùng được chiều chuộng, không phải làm bất cứ việc gì.
Một hôm, bà mẹ đưa cho hai chị em, mỗi người một cái giỏ để ra đồng xúc tép và hứa rằng: “Nếu đứa nào bắt được đầy giỏ tép thì sẽ được thưởng một cái yếm đỏ”. Nghe lời của mẹ, Tấm chăm chỉ siêng năng nên chẳng mấy chốc mà đã được một giỏ đầy vừa cá vừa tép. Còn Cám thì mải chơi, dạo hết từ ruộng nọ sang ruộng kia, hái hoa bắt bướm nên mãi mà chẳng bắt được gì.
Thấy Tấm đã bắt được một giỏ đầy, Cám bảo chị:
– Chị Tấm ơi, chị Tấm! Đầu chị lấm, chị hụp cho sâu, kẻo về mẹ mắng.
Nghe Cám nói vậy, Tấm tin là thật nên liền xuống ao tắm rửa cho sạch. Nhân cơ hội đó, Cám liền trút hết tép của Tấm vào giỏ của mình rồi chạy nhanh về nhà. Khi lên bờ thấy chỉ còn lại chiếc giỏ trống trơn, Tấm ngồi xuống và bưng mặt khóc. Nghe thấy tiếng khóc của Tấm, ông Bụt hiện lên và hỏi:
– Tại sao con khóc?
Tấm đem hết sự tình kể lại cho Bụt nghe. Nghe xong, Bụt bảo rằng:
– Thôi con hãy nín đi! Bây giờ, con hãy thử nhìn vào giỏ xem còn có gì nữa không?
Tấm liền nhìn vào giỏ và phát hiện ra trong giỏ còn lại một con cá bống. Bụt lại cất lời tiếp:
– Con hãy đem con cá bống ấy về rồi thả nuôi trong giếng. Mỗi bữa con chừa lại một bát cơm cho bống ăn. Mỗi lần cho ăn, con nhớ gọi thế này:
Bống bống, bang bang
Lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta
Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người
Nói xong thì Bụt biến mất. Thế là từ đó, nghe theo lời dặn của Bụt, Tấm thả cá bống xuống giếng và cho ăn hằng ngày. Mỗi khi nghe tiếng Tấm gọi, bống liền bơi lên mặt nước và ăn những hạt cơm của Tấm ném xuống. Chẳng mấy chốc mà bống lớn nhanh như thổi.
Ngày nào cũng thấy Tấm cứ sau bữa ăn đều mang cơm ra giếng nên mụ dì ghẻ sinh nghi nên bảo Cám đi rình. Cám sau khi nghe thấy Tấm gọi bống thì kể lại hết cho mẹ nghe. Tối hôm ấy, mụ dì ghẻ ngọt ngào bảo với Tấm rằng:
– Con ơi con! Làng đã bắt đầu cấm đồng rồi đấy. Mai con đi chăn trâu, phải chăn đồng xa, chớ chăn đồng nhà, làng bắt mất trâu.
Nghe theo lời dặn, ngày hôm sau Tấm đưa trâu đi ăn thật xa. Ở nhà, mẹ con Cám đem cơm ra giếng và gọi bống lên ăn giống như Tấm gọi. Khi bống vừa ngoi lên mặt nước, mẹ con Cám liền bắt lấy bống rồi đem về nhà làm thịt.
Đến chiều sau khi dắt trâu về, Tấm ăn xong vẫn mang bát cơm để dành ra giếng nhưng gọi mãi không thấy bống ngoi lên như mọi khi. Cuối cùng, chỉ thấy cục máu nổi lên trên mặt nước. Thấy vậy, Tấm lại òa lên khóc nức nở. Bụt lại hiện lên và hỏi:
– Con làm sao lại khóc?
Tấm đem sự tình kể lại. Nghe xong, Bụt bảo:
– Cá bống đã bị người ta ăn thịt mất rồi. Thôi, con đừng khóc nữa! Về nhà, con nhặt xương cá, bỏ vào bốn cái lọ rồi đem chôn xuống dưới bốn chân giường con nằm.
Tấm trở về và đi tìm xương bống theo lời Bụt. Nhưng tìm khắp các nơi mà không thấy đâu cả. Bỗng con gà ở đâu chạy ra và bảo Tấm:
– Cục ta cục tác! Cho ta nắm thóc, ta bới xương cho!
Sau khi được Tấm ném thóc cho, gà chạy vào bếp bới một lúc thì thấy xương ngay. Tấm nhặt lấy, bỏ vào lọ và đem chôn dưới chân giường giống như lời Bụt dặn.
Không lâu sau đó, nhà vua mở hội trong mấy đêm ngày. Già trẻ, trai gái đều xúng xính quần áo mới nô nức đi xem hội. Hai mẹ con Cám cũng sắm sửa quần áo đẹp để đi trẩy hội. Tấm xin được đi cùng thì mụ dì ghẻ nguýt dài rồi lấy một đấu gạo trộn lẫn với một đấu thóc, bảo Tấm:
– Khi nào nhặt được riêng gạo và thóc ra hai đấu thì mới được đi xem hội.
Nói xong, hai mẹ con Cám lên đường đi hội. Cảm thấy tủi thân, Tấm khóc nức nở. Bụt lại hiện lên và hỏi:
– Làm sao con khóc?
Tấm chỉ vào cái thúng và thưa với Bụt:
– Dì bắt con phải nhặt riêng thóc ra thóc, gạo ra gạo rồi mới được đi xem hội. Nhưng lúc con nhặt xong thì hội đã tan rồi, không còn gì mà xem nữa ạ.
Bụt nghe xong thì liền sai một đàn chim sẻ xuống sân nhặt thóc và gạo giúp Tấm, chỉ một loáng là xong. Nhưng tấm lại nức nở khóc vì không có quần áo đẹp để đi hội. Bụt lại bảo rằng:
– Con hãy đào những cái lọ xương bống đã chôn ngày trước lên thì sẽ có đủ thứ cho con trẩy hội.
Tấm vâng lời và đào các lọ lên. Lọ thứ nhất mở ra là một bộ váy áo tuyệt đẹp, lọ thứ hai là một đôi hài thêu, lọ thứ ba là một con ngựa nhỏ xíu, nhưng khi vừa đặt xuống đất, con ngựa bỗng chốc biến thành ngựa thật. Lọ cuối cùng là một yên cương vững chắc. Tấm vui mừng không xiết, nhanh chóng thay đồ rồi lên đường vào kinh.
Ngựa phóng một chốc đã đến kinh đô. Thế nhưng, lúc đi qua một cây cầu đá, Tấm lỡ đánh rơi một chiếc hài xuống nước, không làm cách nào lấy lên được.
Khi đoàn của nhà vua đi qua cầu, hai con voi dẫn đầu đoàn lại kêu rống lên và nhất quyết không chịu đi tiếp. Thấy lạ, vua bèn sai quân lính xuống dưới xem xét. Sau một hồi, họ mò được một chiếc hài thêu. Nhà vua ngắm nghía chiếc hài kĩ càng rồi hạ lệnh thông báo tất cả đàn bà con gái đi trẩy hội ướm thử, nếu ai đi vừa chiếc hài này thì vua sẽ lấy làm vợ.
Vậy là các bà, các cô chen nhau đến chỗ thử giày làm cho đám hội càng thêm náo nhiệt. Nhưng chẳng ai đi vừa cả. Mẹ con Cám cũng qua thử nhưng không được. Thấy Tấm cũng đến, Cám nói với mẹ:
– Mẹ ơi, ai như chị Tấm cũng đi thử hài kìa!
Mụ dì ghẻ tỏ ý coi thường nói:
– Chuông khánh còn chẳng ăn ai, nữa là mảnh chĩnh vứt ngoài bờ tre!
Thế nhưng khi Tấm đặt chân vào hài thì vừa như in. Nhà vua vô cùng vui mừng và lập tức rước nàng vào cung.
Mặc dù sống trong hoàng cung rất sung sướng nhưng Tấm vẫn không quên ngày giỗ cha. Tới ngày giỗ cha, nàng xin phép vua trở về nhà. Vốn đã đố kị với cuộc sống an nhàn của Tấm, nay thấy Tấm về thì mẹ con Cám lại bùng lên lòng ghen ghét, bày mưu giết Tấm.
Mụ dì ghẻ bảo Tấm:
– Trước đây con quen trèo cau, con hãy trèo lên xé lấy một buồng cau để cúng bố.
Tấm vâng lời trèo lên cây cau, mụ dì ghẻ ở dưới cầm dao đốn gốc. Thấy cây rung chuyển, Tấm hỏi :
– Dì làm gì dưới gốc thế ?
– Gốc cau lắm kiến, dì đuổi kiến cho nó khỏi lên đốt con.
Cây cau đã đổ, Tấm ngã xuống ao chết. Mụ dì ghẻ cho con mình mặc quần áo của Tấm vào cung, nói dối với vua rằng Tấm không may bị rơi xuống ao chết đuối, nay đưa em vào để thế chị. Nhà vua vô cùng giận dữ nhưng không nói lời nào.
Tấm chết thì hòa thành chim Vàng Anh, bay đến vườn thượng uyển. Một lần Cám đang giặt áo cho vua, chim liền đậu trên cành cây và hót:
“Giặt áo chồng tao thì giặt cho sạch
Phơi áo chồng tao phơi lao phơi sào
Chớ phơi bờ rào rách áo chồng tao”
Rồi chim Vàng Anh lại bay vào cung vua hót líu lo rất vui tai. Vua đi đâu, chim bay đến đó. Đang lúc nhớ nhung Tấm không nguôi, thấy chim quyến luyến theo mình, vua bảo:
– Vàng ảnh vàng anh, có phải vợ anh, chui vào tay áo
Thấy thế, chim Vàng Anh bay lại rúc vào tay áo của nhà vua. Từ đó, vua chỉ mải mê yêu quý Vàng Anh, còn sai làm một cái lồng bằng vàng cho chim. Cám tức tối về mách mẹ. Mụ dì ghẻ bảo Cám bắt chim làm thịt rồi lấy lý do nói dối vua. Thực hiện theo lời mẹ, Cám làm thịt chim nhân lúc vua đi vắng rồi đem lông chim chôn ở ngoài vườn.
Nơi chôn lông chim Vàng Anh lại mọc ra hai cây xoan đào, cành lá xum xuê, đẹp rợp bóng nên nhà vua sai lính mắc võng ở đó nằm chơi. Ngày nào vua cũng ra nằm hóng mát ở hai cây xoan đào.
Cám lại về nhà mách mẹ. Mụ dì ghẻ mách nước cho Cám là chặt cây làm khung cửi. Về đến cung, trong một hôm gió bão, Cám đã sai thợ đốn cây, lấy gỗ đóng khung cửi. Khi vua hỏi thì Cám trả lời rằng:
– Cây bị đổ là do bão. Thiếp sai thợ chặt làm khung cửi để dệt áo cho bệ hạ.
Thế nhưng khi Cám ngồi vào dệt thì lúc nào cũng nghe thấy tiếng khung cửi như đang rủa mình:
Cót ca cót két
Lấy tranh chồng chị.
Chị khoét mắt ra
Cám sợ hãi, sau khi về nhà mách mẹ thì đem đốt khung cửi, đem tro đã đốt đem đổ ở lề đường cách xa hoàng cung. Từ đồng tro lại mọc lên một cây thị. Đến mùa ra trái, cây thị chỉ đậu được đúng một quả nhưng lại tỏa mùi hương thơm ngát. Một bà lão bán hàng nước gần đó khi đi qua ngửi thấy mùi thơm và nhìn thấy quả thị trên cành cao bèn giơ bị ra và nói lẩm bẩm:
– Thị ơi thị rụng bị bà. Bà để bà ngửi chứ bà không ăn.
Khi bà lão vừa nói dứt lời thì quả thị rơi ngay xuống bị. Về nhà, bà lão cât trong buồng, thỉnh thoảng lại vào ngắm nghía, ngửi mùi thơm. Cứ mỗi ngày khi bà lão đi chợ về thì đã thấy nhà cửa gọn gàng tinh tươm, cơm ngon canh ngọt dọn ra sẵn nên lấy làm lạ lắm. Vì thế, một hôm bà lão giả vờ đi chợ, đến nửa đường thì trở về, lén rình ở bụi cây sau nhà. Bà thấy Tấm chui ra từ quả thị, cầm chổi quét dọn nhà cửa, vo gạo thổi cơm, hái rau nấu canh. Thấy vậy bà lão mừng quá, xô cửa vào ôm lấy Tấm, xé vụn vỏ thị.
Từ đó, Tấm ở với bà lão hàng nước và giúp những việc nhà cho bà bán hàng. Trong một lần nhà vua đi vi hành liền ghé vào quán nước của bà lão. Bà lão mang trầu nước dâng lên vua. Khi nhìn thấy miếng trầu têm cánh phượng, vua lại nhớ tới ngày trước vợ mình têm trầu cũng giống hệt như vậy, liền hỏi:
– Bà ơi, trầu này ai têm mà khéo vậy?
– Trầu này là do con gái bà têm – Bà lão thật thà đáp.
Nhà vua bèn ngỏ ý muốn gặp con gái bà lão. Khi Tấm vừa xuất hiện, vua nhận ra vợ mình ngày trước thì vui mừng lắm, nghe bà lão kể lại sự tình rồi đưa kiệu rước Tấm về trong cung.
Cám thấy Tấm trở về và được vua yêu thương như xưa thì không khỏi sợ hãi. Một hôm, Cám hỏi chị:
– Chị Tấm ơi chị Tấm, chị làm thế nào mà đẹp thế?
Tấm không đáp, chỉ hỏi lại:
– Có muốn đẹp không để chị giúp?
Cám bằng lòng ngay. Tấm sai quân hầu đào một cái hố sâu và đun một nồi nước sôi. Tấm bảo Cám xuống hố rồi sai quân hầu giội nước sôi vào hố. Cám chết. Mụ dì ghẻ thấy vậy cũng lăn đùng ra chết…
Bài học rút ra từ truyện Tấm cám
– Cái thiện luôn có một sức sống mãnh liệt, không bao giờ chịu khuất phục và đầu hàng trước cái ác.
– Xã hội luôn công bằng và công lý sẽ được thực hiện. Những người lao động chăm chỉ, hiền lành, tốt bụng sẽ được hưởng hạnh phúc; kẻ tham lam, độc ác sẽ bị trừng trị. Điều này đúng với triết lý: “Ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác”.
Truyện thai giáo cho trẻ số 5: Truyện kể Thạch Sanh cho bé
Xưa tại quận Cao Bình có gia đình bác tiều phu Thạch Nghĩa, vợ chồng tuổi cao nhưng mà vẫn không có con. Ông bà lo buồn và ra sức làm việc nghĩa. Ông thì sửa cầu, sửa cống, khơi rãnh, đắp đường. Bà thì nấu nước cho người qua đường uống.
Việc làm của gia đình họ Thạch thấu đến trời, Ngọc Hoàng cho Thái tử đầu thai xuống trần làm con nhà họ Thạch. Thạch bà thụ thai ba năm, chưa sinh con ra thì Thạch ông mất. Sau đó, Thạch bà sinh một con trai khôi ngô tuấn tú và đặt tên là Thạch Sanh. Cách ít năm sau, Thạch bà cũng mất, Thạch Sanh sống côi cút một mình bên trong một túp lều tranh dưới gốc đa với một mảnh khố che thân và một cái búa đốn củi.
Năm Thạch Sanh lên mười ba tuổi, Ngọc Hoàng sai tiên ông xuống dạy cho chàng các môn võ nghệ và mọi phép thần thông.
Một hôm có anh hàng rượu tên là Lý Thông, đi bán rượu ghé vào gốc đa để nghỉ chân, thấy Thạch Sanh khỏe mạnh và lanh lợi lại ở một mình nên bèn kết làm anh em và đưa Thạch Sanh về nhà.
Bấy giờ ở trong vùng có một con Trăn Tinh thường bắt người ăn thịt, quan quân nhiều lần vây đánh nhưng không được. Vì nó có phép thần thông biến hóa, nhà vua phải cho lập miếu thờ và mỗi năm nộp mạng một người cho nó. Năm ấy đến lượt Lý Thông phải nộp mình. Mẹ con Lý Thông nghe tin vô cùng hoảng hốt, bàn mưu tính kế đưa Thạch Sanh đi thế mạng. Khi Thạch Sanh đi lấy củi về, Lý Thông đon đả mời chàng uống rượu và nói: “Ðêm nay anh phải đi canh miếu thờ trong rừng, nhưng trót cất mẻ rượu, anh đi sợ hỏng, nhờ em thay anh canh miếu một đêm”. Thạch Sanh vui vẻ nhận lời và đi ngay.
Nửa đêm Trăn Tinh hiện về, giơ vuốt, nhe răng hà hơi, nhả lửa, định xông vào miếu ăn thịt Thạch Sanh. Thạch Sanh lúc đó bình tĩnh trổ tài đánh nhau với Trăn Tinh, cuối cùng chàng chém được đầu nó, đốt xác nó thành than, và thấy hiện lên trong miếu một bộ cung tên bằng vàng ngời sáng. Thạch Sanh mừng rỡ giắt búa, đeo cung và xách đầu Trăn Tinh chạy thẳng một mạch về nhà. Nghe tiếng Thạch Sanh gọi, mẹ con Lý Thông vô cùng hoảng sợ, cho là oan hồn của Thạch Sanh sau khi bị Trăn Tinh ăn thịt, trở về nhà oán trách, bèn cất lời cầu khấn, van xin: “Sống khôn, thác thiêng em hãy tạm đi, ngày mai mẹ cùng anh sẽ mua sắm vàng hương, cơm canh, cỗ bàn cúng em chu tất!”. Lúc này Thạch Sanh mới biết rõ tâm địa và mưu kế của mẹ con Lý Thông nhưng chàng lại không giận, vẫn vui vẻ kể chuyện giết Trăn Tinh cho mẹ con họ Lý nghe. Lý Thông liền nảy ra một mưu thâm độc mới. Nó nói Trăn Tinh là báu vật nhà vua nuôi, ai giết sẽ bị tội lớn. Thạch Sanh lúc đó lo sợ, Lý Thông bảo Thạch Sanh trốn đi cho an toàn, một mình y sẽ tự lo liệu thu xếp giúp cho.
Sau khi Thạch Sanh từ giã mẹ con Lý Thông trở về gốc đa xưa, Lý Thông đi về Kinh, tâu vua là đã trừ được Trăn Tinh. Nhà vua vui mừng trọng thưởng và phong cho Lý Thông làm Ðô đốc quận công.
Tiếp đó, nhà vua mở hội kén chồng cho con gái là công chúa Quỳnh Nga. Hội kén chồng kéo dài hàng tháng nhưng công chúa không chọn được ai vừa ý đẹp lòng. Một hôm công chúa đang đi dạo chơi vườn đào thì một con chim đại bàng khổng lồ khác sà xuống cắp đi. Thấy chim cắp người bay qua, Thạch Sanh giương cung bắn, đại bàng bị trúng tên vào cánh trái, nó dùng mỏ ngậm tên rút ra rồi bay về hang ổ. Thạch Sanh lần theo những vết máu để tìm đến cửa hang của đại bàng, chàng đánh dấu cửa hang ác điểu rồi trở lại gốc đa.
Nhà vua sai Lý Thông đi tìm công chúa, nếu tìm được thì sẽ được lấy công chúa, làm phò mã, nối ngôi vua, không tìm được phải chịu tội. Lý Thông vừa mừng, vừa lo, y lập kế mở hội hát xướng mười ngày để nghe ngóng dò la tin tức. Ðến ngày thứ mười, biết tin Lý Thông mở hội, Thạch Sanh đã đến thăm và kể cho Lý Thông nghe việc mình bắn chim đại bàng, Lý Thông mừng vui khôn xiết, hậu đãi Thạch Sanh và nhờ chàng dẫn đường đến hang Ðại bàng để cứu công chúa.
Thạch Sanh dùng thang dây để xuống hang gặp công chúa và đưa thuốc mê cho đại bàng uống. Công chúa hẹn ước kết duyên cùng Thạch Sanh rồi Thạch Sanh buộc dây đưa nàng lên mặt đất. Lý Thông sai quân lính đưa công chúa lên kiệu rước về cung, còn y nói dối là ở lại đánh nhau với quái vật. Sau đó, Lý Thông dùng đá lấp kín cửa hang và trở về triều đình mạo nhận công trạng. Không thấy Thạch Sanh trở về, công chúa buồn thương rầu rĩ và bặt câm, không hé môi nói lời nào. Nhà vua buồn bã, Lý Thông cầu đảo thuốc thang khắp nơi cũng đều vô hiệu, việc tổ chức cưới xin lúc này phải đình hoãn.
Hết liều thuốc mê, đại bàng tỉnh dậy hóa phép thần thông hãm hại Thạch Sanh, chàng dũng sĩ “mặt đỏ mày xanh”, đã dám cả gan “phá nhà, cướp vợ” của nó. Thạch Sanh đã dùng tài võ nghệ và phép thần thông của mình để tiêu diệt được đại bàng. Nhìn lên cửa hang kín bưng không còn một khe hở nhỏ, Thạch Sanh đã dạo khắp hang động của đại bàng và gặp Thái tử con vua Thủy Tề đang bị yêu quái nhốt trong cũi sắt. Thạch Sanh phá tan cũi sắt giải thoát cho Thái tử. Thái tử mời Thạch Sanh về Thủy Tề để gặp vua cha.
Vua Thủy Tề cảm ơn và hậu đãi chàng. Trong thời gian lưu lại thủy cung, một hôm Thạch Sanh đang cùng Thái tử dạo chơi thì một con Hồ Tinh xuất hiện, biến thành một cô gái xinh đẹp để cám dỗ, mê hoặc hại chàng. Thạch Sanh bắt nó phải hiện nguyên hình là một con cáo chín đuôi và đã hóa phép giam nó lại. Vua Thủy Tề mời Thạch Sanh ở lại thủy cung và sẽ phong chức tước cho chàng, nhưng Thạch Sanh đã từ chối. Vua Thủy Tề tặng Thạch Sanh một cây đàn thần và sai sứ giả rẽ nước để đưa chàng trở lại trần gian. Thạch Sanh lại về với gốc đa xưa.
Vắng bóng Thạch Sanh cây đa buồn ủ ê, khi Thạch Sanh trở về cây đa lại xanh tươi như cũ. Hồn hai con quái vật bị Thạch Sanh giết (Trăn Tinh và Ðại Bàng) gặp nhau tìm cách hãm hại Thạch Sanh. Chúng vào kho châu báu của nhà vua lấy cắp vàng bạc ném vào gốc đa nơi Thạch Sanh đang ở. Quân lính nhà vua bắt Thạch Sanh tống ngục, nhà vua giao cho Lý Thông xử tội. Lý Thông khép Thạch Sanh vào tội tử hình để bịt tất cả các đầu mối. Trong lúc bị giam trong ngục, chờ hành hình, Thạch Sanh đem đàn ra gảy. Cây đàn thần vang lên tiếng tơ, tiếng trúc, cung thảm, cung sầu, cung thì kể tội Lý Thông vong ân, bạc nghĩa, cướp công Thạch Sanh, cung thì trách nàng công chúa sai lời hẹn ước dưới hang (tích tịch tình tang, ai đem công Chúa dưới hang mà về?)…
Nghe tiếng đàn, công chúa đã bừng tỉnh dậy, cười cười, nói nói. Nhà vua vui mừng nghe công chúa nói rõ lại ngọn ngành mọi sự việc. Lập tức nhà vua hạ lệnh tha cho Thạch Sanh và bắt Lý Thông tống ngục. Tiếp đó, vua làm lễ thành hôn cho Thạch Sanh cùng công chúa và truyền ngôi cho Thạch Sanh. Vua đã giao toàn quyền cho Thạch Sanh xử tội Lý Thông. Thạch Sanh tha tội cho Lý Thông, cho mẹ con họ Lý về quê quán làm ăn. Nhưng về giữa đường, trời nổi giông gió, mẹ con Lý Thông bạc ác đã bị sét đánh chết, Lý Thông hóa thành con bọ hung suốt đời chui rúc ở những nơi bẩn thỉu.
Biết tin Thạch Sanh kết duyên với công chúa Quỳnh Nga và lên ngôi trị vì thiên hạ, các hoàng tử, công hầu của mười tám nước chư hầu, những người đã từng kéo đến cầu hôn công chúa không được, vô cùng ghen tức, họ đã kéo quân đến gây sự với Thạch Sanh và công chúa. Thạch Sanh cùng công chúa ra tiếp đãi họ một cách vô cùng tử tế. Tiếng đàn thần của Thạch Sanh phân rõ lẽ thiệt hơn, phải trái, làm cho quân sĩ các nước chư hầu phải mềm lòng, nản chí. Kẻ nhớ mẹ nhớ cha, người thương con nhớ vợ, ai cũng muốn về và ngại việc binh đao, cuối cùng các nước chư hầu đều thuận mà lui binh. Thạch Sanh mời họ ăn cơm. Chàng có một niêu cơm thần nhỏ bé nhưng xới bao nhiêu bát, cơm vẫn đầy lên như cũ, khiến cho các nước chư hầu càng thêm kính phục.
Về sau Thạch Sanh và công chúa Quỳnh Nga sống bên nhau hạnh phúc.
Truyện thai giáo cho trẻ số 6: Truyện cổ tích Thánh Gióng
Vào thời Hùng Vương có một người đàn bà đã nhiều tuổi nhưng sống một mình. Một hôm sáng dậy bà đi thăm nương, bỗng nhìn thấy một vết chân giẫm nát cả mấy luống cà. Bà kêu lên: – “Ôi! Bàn chân ai mà to thế này!”.
Bỗng bà cảm thấy rùng mình khi đưa bàn chân ướm thử vào dấu chân lạ. Và từ đó bà có mang. Đủ ngày tháng, bà sinh được một đứa con trai bụ bẫm đặt tên là Gióng. Nhưng thằng bé đã lên ba tuổi rồi mà vẫn nằm ngửa đòi ăn, không biết ngồi biết lẫy, cũng không biết nói hay biết cười.
Ngày ấy có giặc Ân kéo vào cướp nước ta. Giặc Ân rất hung tàn, cầm đầu là một viên tướng tên gọi Ân vương. Chúng đi đến đâu là đốt phá nhà cửa, giết người cướp của đến đấy. Quân đội Hùng Vương nhiều phen xuất trận, nhưng đánh không nổi lại chúng. Vua Hùng lấy làm lo lắng vội phái sứ giả đi khắp nơi trong nước tìm tướng tài để giúp vua cứu nước.
Một hôm sứ giả đi đến làng chú bé Gióng. Nghe tiếng loa rao nói đến việc nhà vua cầu người tài, bà mẹ Gióng đang ru con, liền bảo đùa con rằng:
– Con ơi! Con của mẹ chậm đi chậm nói thì biết bao giờ mới đi đánh giặc giúp vua được đây!
Không ngờ Gióng nhìn mẹ mở miệng bật lên thành tiếng:
– Mẹ cho gọi sứ giả vào đây cho con!
Nói xong lại im bặt. Bà mẹ vừa mừng vừa sợ, vội đi kể chuyện với xóm giềng. Mọi người tới nhà ai nấy cho là một sự lạ. Sau cùng một người nói:
– Ta cứ đi mời sứ giả đến xem thử nó muốn cái gì.
Khi sứ giả của nhà vua bước vào nhìn thấy chú bé Gióng liền hỏi rằng:
– Mày là đứa trẻ lên ba mới học nói, mày định mời ta đến đây để làm gì?
Gióng trả lời rất chững chạc:
– Về bảo với nhà vua rèn cho ta một con ngựa sắt, một thanh gươm sắt, một giáp sắt và một nón sắt, ta sẽ đánh đuổi giặc dữ cho!
Ai nấy đứng nghe khôn xiết lạ lùng. Cho là thần nhân xuất hiện, sứ giả lập tức phi ngựa về tâu với nhà vua. Nghe nói, Hùng Vương mừng rỡ liền ra lệnh cho thợ rèn góp tất cả sắt lại rèn ngựa, gươm, áo giáp và nón như lời xin của chú bé. Mọi thứ rèn đã xong nặng không thể tưởng tượng nổi. Hàng chục người mó vào thanh gươm mà không nhúc nhích. Vua Hùng phải cho hàng ngàn quân sĩ tìm mọi cách để chở đến cho chú bé Gióng.
Khi được tin quân sĩ khiêng ngựa sắt sắp đến làng, mẹ Gióng sợ hãi chạy về bảo con:
– Con ơi! Việc nhà vua đâu phải là chuyện chơi. Hiện quân sĩ đang kéo đến ầm ầm ngoài bãi rồi, biết làm thế nào bây giờ con?
Nghe nói thế, Gióng vụt ngồi dậy, nói:
– Việc đánh giặc thì mẹ đừng lo. Nhưng mẹ phải cho con ăn thật nhiều mới được!
Mẹ vội thổi cơm cho con ăn, nhưng cứ nấu lên được nồi nào Gióng ngốn hết ngay nồi ấy. Mỗi lần ăn một nồi cơm thì Gióng lại lớn thêm một ít và đòi ăn thêm. Mẹ càng cho con ăn thì con lại càng lớn như thổi, bỗng chốc đã thành một chàng thanh niên vô cùng khỏe mạnh. Hết gạo, bà mẹ đi kêu gọi xóm làng. Mọi người nô nức đem gạo khoai, trâu, rượu, hoa quả, bánh trái mang đến đầy một sân. Nhưng đưa đến bao nhiêu thì Gióng ăn vợi hết bấy nhiêu, mà vẫn đòi ăn không nghỉ.
Sau đó, Gióng lại bảo tiếp:
– Mẹ kiếm vải cho con mặc.
Người ta lại đua nhau mang vải lụa tới may áo quần cho Gióng mặc. Nhưng thân thể Gióng lớn vượt trội một cách kỳ lạ, áo quần vừa may xong đã thấy chật, thấy ngắn, lại phải mang vải lụa tới để chắp nối thêm. Không mấy chốc đầu Gióng đã chạm đến nóc nhà. Ai nấy chưa hết kinh ngạc thì vừa lúc quân sĩ đã hì hục khiêng được ngựa, gươm, áo giáp và nón sắt tới. Gióng bước ra khỏi nhà vươn vai một cái, người bỗng cao to sừng sững, chân dài hơn trượng, hét lên một tiếng như tiếng sấm:
– Ta là tướng nhà Trời!
Thế rồi Gióng mặc giáp sắt, đội nón sắt, tay cầm gươm múa quanh mấy vòng. Đoạn từ biệt mẹ và dân làng, nhảy lên lưng ngựa. Ngựa sắt bỗng chồm lên, phun thẳng ra đằng trước một luồng lửa đỏ rực. Gióng thúc chân, ngựa phi như bay, sải từng bước dài hàng chục con sào. Chỉ trong chớp mắt, ngựa đã xông đến đồn trại giặc đang đóng la liệt cả mấy khu rừng. Lưỡi gươm của Gióng vung lên loang loáng như chớp giật. Quân giặc xông ra chừng nào chết chừng ấy. Ngựa thét ra lửa thiêu cháy từng dãy đồn trại, lửa thiêu luôn cả mấy khu rừng.
Nhưng tướng giặc Ân vương vẫn còn cố gào thét hô quân xáp tới, Gióng càng đánh càng khỏe, thây giặc nằm ngổn ngang. Bỗng chốc gươm gãy, Gióng không chút bối rối, thuận tay nhổ những bụi tre hai bên đường quật tới tấp vào các toán giặc đang cố gắng trụ lại theo lệnh chủ tướng. Chẳng mấy chốc quân giặc đã tẩu tán bỏ chạy khắp nơi, Ân vương bị quật chết tan xác. Bọn tàn binh giặc lạy lục xin hàng. Quân đội của Hùng Vương cũng như dân các làng chỉ còn việc xông ra trói chúng lại. Không đầy một buổi, Gióng đã trừ xong nạn cho nước nhà. Lúc bấy giờ ngựa Gióng đã tiến đến chân núi Sóc Sơn. Đến đây, Gióng bèn cởi giáp bỏ nón lại, rồi cả người lẫn ngựa bay thẳng lên trời.
Sau khi thắng trận, để nhớ ơn người anh hùng, vua Hùng sai lập đền thờ Gióng ở làng quê, phong làm Phù Đổng thiên vương.
Ngày nay chúng ta còn thấy vẫn còn những dấu vết như dãy ao tròn nối nhau kéo dài suốt từ Kim Anh, Đa Phúc cho đến Sóc Sơn, người ta bảo đó là những vết chân ngựa của Thánh Gióng. Khu rừng bị ngựa sắt phun lửa thiêu cháy nay còn mang cái tên là làng Cháy. Những cây tre mà Gióng đã nhổ quật vào giặc bị lửa đốt màu xanh ngả thành màu vàng và có những vết cháy lốm đốm, ngày nay giống ấy vẫn còn, người ta gọi là tre là ngà (hay đằng ngà).
Cáo cụt đuôi
Một con Cáo bị mắc bẫy, sau nhiều lần giật mạnh đau đớn vùng vẫy thoát ra được, bèn chạy đi. Nhưng nó phải bỏ lại cái đuôi đẹp đẽ của nó lại trong bẫy.
Trong một thời gian dài, nó không dám gặp mặt những con Cáo khác, vì nó biết rất rõ rằng, tất cả lũ Cáo kia sẽ lấy nó làm trò cười, chế giễu và đùa cợt sau lưng nó. Nhưng nó sống một mình cũng khó, nó cuối cùng cũng nghĩ ra được một kế để giải quyết cái vấn đề hóc búa này.
Nó kêu gọi triệu tập một cuộc họp mặt tất cả lũ Cáo, nói rằng nó có một vài điều quan trọng cần phải nói cho cả làng biết.
Khi chúng đã đến tham dự đông đủ, con Cáo cụt đuôi đứng dậy và diễn thuyết một hồi rất lâu về việc những con Cáo đã mắc nạn chỉ vì cái đuôi của mình.
Con này thì đã bị chó săn vồ vì khi chạy đuôi bị vướng vào bụi gai. Con kia thì không thể chạy đủ nhanh để thoát vì cái đuôi quá nặng nề. Ngoài ra, như ai cũng đã biết, nó nói, rằng con người bây giờ đi săn Cáo cũng chỉ là muốn có được cái đuôi Cáo, họ cắt đuôi để treo làm chiến tích đi săn thú. Với những chứng cứ về tính nguy hiểm và vô dụng của cái đuôi, Cáo Già nói, nó khuyên tất cả các con Cáo nên về cắt đuôi đi, nếu muốn được sống cho an toàn.
Khi nó vừa nói xong, một cụ Cáo đứng dậy, nói và cười mỉm:
“Lão Cáo, xin lão vui lòng quay mặt đi chỗ khác một chút, rồi chúng tôi sẽ trả lời lão.”
Khi con Cáo Cụt Đuôi tội nghiệp quay mặt đi, cả làng Cáo ồ lên cười và la ó, lúc đó Cáo Cụt Đuôi biết là có thuyết phục lũ Cáo kia bỏ cái đuôi của chúng thì cũng chẳng có ích gì nữa.
Lời bàn: Đừng bao giờ nghe lời những người không muốn bạn hơn họ
Khỉ và cá sấu
Ngày xưa, có một con khỉ sống trên một cây cao lớn và làm bạn với một con cá sấu sống ở dòng sông gần đó.
Mỗi ngày, con khỉ sẽ hái những quả táo ngon ở trên cây và đem tặng bạn cá sấu. Nhận được quà từ khỉ, cá sấu đem về và ăn chung với vợ mình. Vợ của cá sấu là một người rất tham ăn và muốn ăn cả trái tim của chú khỉ. Nghe mong muốn đó của vợ, cá sấu rất băn khoăn nhưng vẫn làm theo ý vợ.
Cá sấu đã mời khỉ ngồi trên lưng mình để đưa đi tham quan dòng sông nhưng thật ra nó có ý định giết khỉ và lấy quả tim khi bơi đến giữa dòng. Khi khỉ biết được mưu đồ xấu xa của cá sấu, nó đã nhanh trí nói với cá sấu rằng mình để quả tim ở trên cây. Nếu muốn lấy thì hãy chở nó quay lại. Cá sấu tin lời, chở khỉ quay trở lại để lấy quả tim. Thế nhưng, khi đến nơi, khỉ đã thoăn thoắt trèo lên cây và chẳng mấy chốc biến mất. Và thế là, kế hoạch của cá sấu đã hoàn toàn thất bại.
Ý nghĩa của câu chuyện: Khi gặp tình huống khó khăn, con hãy bình tĩnh và sử dụng trí thông minh của mình để vượt qua điều đó.
Một bình luận
Pingback: 11 Thơ Thai Giáo Cho Bé Hay Nhất Mẹ Phải Đọc Cho Con Mỗi Tối