10 chuyện ngắn cho bé dưới đây sẽ giúp bé hiểu các tình huống trong chuyện một cách nhanh và đơn giản nhất. Từ đó giúp kích thích trí thông minh và khả năng tư duy của trẻ.
Chuyện ngắn cho bé số 1: Khỉ hay bắt chước
Trong khu rừng rậm rạp, có một bầy khỉ tinh nghịch. Những chú khỉ này rất thích các trò chơi, đặc biệt là bắt chước các động tác của con người. Thấy con người làm gì, chúng thường lập tức làm theo.
Một buổi sáng, trong lúc đang vui đùa, chúng nhìn thấy một người thợ săn đi đến bên một cây to và rải trên mặt đất một tấm lưới rất lớn. Bầy khỉ hiếu kỳ leo lên ngọn cây bên cạnh tò mò theo dõi. Chúng thấy người thợ săn sau khi rải lưới thì đứng trên tấm lưới làm những động tác kỳ lạ. Người thợ săn làm như vậy một lúc rồi vui vẻ bỏ đi. Thật ra, người thợ săn không đi đâu xa mà lặng lẽ nấp sau một cây to, quan sát động tĩnh của bầy khỉ.
Tưởng người thợ săn đã đi xa, bầy khỉ chen nhau nhảy xuống và nô đùa trên tấm lưới. Chúng cũng học cách nhào lộn, cuộn tròn mình như người thợ săn, có con còn móc các ngón chân của mình lên dây lưới.
Nhưng, chẳng cần đợi đến lúc chúng say sưa chơi đùa, các móng chân của chúng đã cuốn chặt vào lưới, không sao gỡ ra được. Trong chốc lát, cả bầy khỉ đã bị lưới cuốn chặt. Chúng gắng sức gỡ cho nhau, nhưng càng gỡ càng rối.
Lúc này, người thợ săn mới từ phía sau cây lớn đi tới, bắt từng chú khỉ thả vào chiếc túi rất to, từng chú khỉ ngơ ngác, hoảng sợ lần lượt chui vào trong túi.
* Nếu không động não suy nghĩ, chỉ thụ động bắt chước người khác, chắc chắn sẽ bị thiệt hại. Người thợ săn biết lợi dụng đặc tính của bầy khỉ là thích bắt chước, để chúng tự trói mình vào lưới. Các bạn nhỏ khi làm một việc gì đó, nếu có thể suy nghĩ “vì sao phải làm như vậy?”, các bạn sẽ phát hiện được rất nhiều vấn đề, từ đó tránh được những phiền phức không đáng có.
Chuyện ngắn cho bé số 2: Gió Bắc Và Mặt Trời
Một hôm, trên đường đi, gió bắc gặp mặt trời. Nhìn thấy mặt trời được mọi người chào hỏi, gió bắc mang lòng ghen tỵ. Nó cảm thấy mình khỏe hơn mặt trời, không hiểu vì sao mọi người lại quý trọng mặt trời như vậy? Thế rồi nó quyết định thi với mặt trời. Nó chủ động thách thức mặt trời: “Này anh mặt trời! Chúng ta thi với nhau nhé, xem ai có thể bắt người đi đường cởi bỏ quần áo đang mặc trên người, người ấy được coi là người có sức mạnh, được không?”.
“Được! Anh làm trước đi”. Mặt trời đồng ý.
Tràn đầy tự tin, Gió bắc cho rằng, chỉ cần mình hơi thổi nhẹ một cái, chắc chắn quần áo của người đi đường sẽ bay hết. Thế rồi gió bắc bắt đầu thổi mạnh vào người đi đường. Thấy gió bắc nổi lên, người đi đường càng giữ chặt quần áo của mình lại. Thấy cách làm này không ăn thua, gió bắc thổi càng mạnh hơn. Người đi đường lạnh run lẩy bẩy, càng quấn chặt quần áo hơn. Dù gió bắc thổi mạnh thế nào cũng chẳng có ai cởi bỏ quần áo của mình ra. Lúc gió bắc đã mệt, mặt trời mới xuất hiện.
Mặt trời cười híp mắt, chiếu ánh sáng ấm áp cho người đi đường, người đi đường thấy thời tiết ấm áp lên, không cần phải mặc áo ấm nữa, lục tục cởi áo ngoài ra. Tiếp theo, mặt trời lại chiếu ánh sáng mạnh hơn, người đi đường ngày càng thấy nóng hơn, liền cởi từng chiếc áo ra, nhưng vẫn thấy mồ hôi dính trên lưng. Cuối cùng gió bắc đã chịu thua cuộc, từ đó gió bắc “tâm phục khẩu phục” mặt trời.
* Câu chuyện này thể hiện trí tuệ của con người: nếu chúng ta giống như gió bắc, cứ cưỡng bức người khác tiếp thu ý
kiến của mình, chỉ càng khiến mọi người bất bình và xa lánh. Nếu chúng ta đối xử với mọi người ấm áp như mặt trời, mọi người sẽ cởi mở tấm lòng, thành tâm tiếp thu ý kiến của bạn.
Chuyện ngắn cho bé số 3: Hươu Con Thông Minh
Có một chú hươu con tinh nghịch, thích chơi đùa trong rừng núi.
Một hôm, hươu con đang chơi rất vui vẻ, bỗng trời đổ cơn mưa to. Nước sông dâng cao, cây cầu hươu con phải đi qua để về nhà cũng bị nước nhấn chìm. Làm sao qua sông được bây giờ?
Đúng lúc hươu con đang ngồi buồn rầu trên bờ sông thì một con cá sấu hung dữ bơi lại. Cá sấu chảy nước miếng, nói với hươu con: “Này chú nhóc! Chú ngồi ngây ra đó à? Nghe nói ăn thịt chú có thể sống mãi không già phải không?”
Hươu con vô cùng sợ hãi. Song, chú lập tức trấn tĩnh lại. Sau một lúc suy nghĩ, chú nói với cá sấu: “Ôi, chỉ tiếc số lượng của các ông quá ít. Ông nên biết rằng, nếu các ông có 100 con, ăn thịt tôi sẽ sống mãi không già. Nếu số lượng trên không đủ, các ông có thể trúng độc mà chết! Ông có thể xem lại số lượng xem”.
Thấy dáng vẻ ngây thơ, thật thà của hươu con, cá sấu tin ngay. Thế rồi, cá sấu triệu tập tất cả cá sấu có trong sông lại cho đủ 100 con. Khi chúng đang chuẩn bị ăn, hươu con lại nói:
“Ông có thể chắc chắn là đã đủ 100 con không? Nếu không đủ, các ông có thể vẫn trúng độc.
Chi bằng các ông xếp thành một hàng dọc, để tôi đếm lại một chút”.
Để nhanh chóng được ăn thịt hươu, trở nên “trường sinh bất lão” các chú cá sấu trong sông nhanh chóng xếp thành một hàng, trông giống như một chiếc cầu phao, từ bên này sông vươn sang bên kia sông. Hươu con vừa nhảy trên lưng cá Sấu, vừa đếm: “1, 2, 3, 4…98, 99!”, khi đếm đến số 100, hươu con tung người, nhảy phốc lên bờ, chạy mất tăm mất tích.
* Khi gặp phải khó khăn, các bạn nhỏ không nên sợ hãi, cần phải giống như hươu con trong câu chuyện này, trấn tĩnh để tìm cách khắc phục khó khăn. Hươu con trong câu chuyện đã tương kế tựu kế, nó vờ nhận rằng sau khi cá sấu ăn thịt mình có thể trường sinh bất lão rồi khéo léo buộc cá sấu xếp thành hàng. Hươu con không những thành công thoát khỏi cá sấu mà còn qua sông một cách thuận lợi
Chuyện ngắn cho bé số 4: Thương Nhân Thông Minh
Ngày xưa, có một thương nhân già và đứa con cùng xuống tầu đi buôn. Hai bố con mang theo một hòm châu báu, để bán trên đường đi, kiếm chút tiền. Vì sợ mang họa nên họ không để lộ chuyện này với bất cứ ai.
Một hôm, người cha đi dạo trên boong tàu, bỗng nghe thấy các thủy thủ bàn cách mưu sát hai cha con họ để chiếm lấy hòm châu báu. Người thương nhân già vội nói với đứa con chuyện này và cùng nhau bàn cách đối phó. Lão thương nhân nghĩ ra một kế hay. Hai cha con chuẩn bị tiến hành theo kế đã định.
Một lúc sau, lão thương nhân bỗng nổi giận đùng đùng lao lên mặt boong, lớn tiếng la mắng: “Mày là đứa con bất hiếu, không bao giờ chịu nghe lời ta!”. – “Ông làm sao mà quản lý được tôi”. Cứ như vậy, hai cha con lớn tiếng cãi nhau. Các thủy thủ bị thu hút vào chuyện này. Thời cơ đã đến, lão thương nhân liền nhanh chóng chui xuống khoang tầu của mình, kéo hòm châu báu ra, đồng thời nhanh chóng lao đến lan can, vứt toàn bộ báu vật xuống biển. Sự việc xảy ra bất ngờ như vậy, các thủy thủ thậm chí không kịp ngăn lại, họ chỉ biết đưa mắt nhìn theo hòm châu báu rơi xuống biển.
Sau khi tầu cập bến, lão thương nhân cùng đứa con nhanh chóng đến tòa án địa phương. Họ tố cáo các thủy thủ đã âm mưu giết người cướp của. Toà án bắt tất cả các thủy thủ này, các thủy thủ không thể không nhận tội, đồng thời phải bồi thường số châu báu trên cho lão thương nhân.
* Tài ứng biến xử trí cứu mạng của lão thương nhân đã giúp hai cha con vừa giữ
được tính mạng lại vừa không để mất của cải. Các bạn trẻ, hành động thông minh, trí tuệ của lão thương nhân cho chúng ta thấy ở ông một ý chí kiên cường và đầu óc nhạy bén. Chỉ cần chúng ta bình tĩnh xử lý thì có thể thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn.
Chuyện ngắn cho bé số 5: Rùa Thông Minh
Có một con cáo đang đói, bụng réo ùng ục. Nó chạy khắp nơi khắp chốn để tìm đồ ăn. Bỗng nó nhìn thấy một con ếch đang bắt côn trùng, nó muốn nuốt sống con ếch cho đỡ đói. Thế rồi, nó nhẹ nhàng đi đến phía sau con ếch, chuẩn bị vồ lấy. Một con rùa bạn của ếch thấy vậy, vội vàng cắn chặt lấy chiếc đuôi của con cáo.
“Ôi! Ai cắn đuôi của ta thế?” – Con cáo đau quá vội kêu lên. Ếch nghe thấy con cáo kêu ở phía sau, nhảy ùm xuống nước. Cáo không ăn được ếch, tức quá nói: “Thì ra ngươi đang quấy rối ta, ta sẽ ăn thịt ngươi”. Rùa vội vàng rụt đầu và chân vào trong chiếc mai cứng. Cáo há to mồm cắn chiếc mai cứng của rùa, nhưng không sao cắn nổi. Cáo tức quá, nói: “Ta sẽ ném ngươi lên trời, cho ngươi chết đi”. Rùa nói: “Hãy ném nhanh lên, ta đang muốn lên trời chơi đây”. Cáo lại nói: “Ta sẽ ném ngươi vào đống lửa để thiêu chết ngươi!” Rùa lại nói: “Mau ném ta vào lửa đi, ta đang muốn tìm nơi ấm áp đây!”.
Cáo không còn cách nào khác, lại nói: “Ta phải ném ngươi xuống hồ nước để ngươi chết đuối”. Nghe vậy, rùa khóc ầm lên: “Ông không được làm như vậy, vứt xuống nước ta sẽ chết mất”.
Cáo không nghe lời rùa nói, vội quăng rùa xuống nước. Rùa rơi xuống nước, lập tức lại thò
chân ra, bơi đến bên con ếch. Hai người bạn cùng cười và nhìn lên con cáo trên bờ và nói: “Cáo ơi, ngươi có muốn ăn thịt chúng ta nữa không? Xin mời xuống đây!”. Cáo tức quá, co người lại, lao xuống chỗ ếch và rùa. Chỉ nghe thấy “ùm” một tiếng, cáo đã rơi xuống hồ nước và không nổi lên được nữa.
* Cáo tuy bắt được rùa nhưng lại không biết suy nghĩ, ném rùa xuống nước, cuối cùng lại còn nhảy xuống nước để bắt rùa, kết quả bị chết chìm. Câu chuyện này cho chúng ta biết một điều: làm bất cứ việc gì cũng cần phải bình tĩnh, khi đối mặt với kẻ thù phải giống như rùa, phải hiểu biết tâm lý đối phương, mới có thể nhanh trí thoát được nguy hiểm.
Chuyện ngắn cho bé số 6: Đá Đen và Đá Trắng
Ngày xưa, có một thương nhân phải đền rất nhiều tiền vì kinh doanh bất lợi. Vì không đủ tiền để trả cho một tên chủ nợ cho vay nặng lãi, tên chủ nợ vừa già vừa xấu đòi thương nhân nọ phải gán người con gái trẻ trung xinh đẹp cho hắn.
Thương nhân và con gái đều sợ hãi. Tên chủ nợ vừa giảo quyệt vừa giả nhân giả nghĩa đề nghị việc này nên nghe theo sự sắp xếp của Thượng đế. Hắn nói, hắn sẽ bỏ một hòn đá trắng và một hòn đá đen vào trong một chiếc
túi đựng tiền, sau đó để cho cô con gái thương nhân thò tay vào túi lấy một hòn bất kỳ. Nếu lấy được hòn đá đen, cô gái sẽ phải lấy hắn để trừ nợ; nếu lấy được hòn đá trắng, cô gái có thể vẫn ở nhà sống với bố, nợ nần coi như xoá bỏ.
Lúc này, tên chủ nợ tiện tay nhặt lên hai hòn đá, đặt vào trong túi. Người con gái bỗng phát hiện, cả hai hòn đá lão ta nhặt lên đều là đá mầu đen! Người con gái không nói năng gì, chỉ lẳng lặng lấy từ trong túi ra một hòn đá. Nhưng, người con gái nắm không chặt, hòn đá tròn lăn xuống đống đá ven đường, không sao phân biệt được đâu là hòn đó cô gái đã lấy trong túi ra. “Tôi thật lóng ngóng chân tay! ngay cả hòn đá cũng không cầm nổi” – Cô gái lo sợ nói vậy – “nhưng không sao cả, bây giờ chúng ta chỉ cần nhìn xem hòn đá trong túi có mầu gì là được ”.
Đương nhiên, hòn đá còn lại trong túi chắc chắn là màu đen. Tên chủ nợ không dám nói ra hành vi lừa dối của mình, đành phải thừa nhận hòn đá cô gái chọn là hòn mầu trắng. Như vậy, con gái của thương nhân không bị gán nợ cho tên chủ nợ nữa, món nợ giữa thương nhân và chủ nợ cũng bị xoá sổ.
* Cơn sóng gió nợ nần đã được cô gái thông minh, tài trí dẹp tan. Khi gặp chuyện rắc rối cô đã không hoang mang, không lo sợ, không bị rơi vào vòng cạm bẫy của tên chủ nợ. Nếu xem xét vấn đề ở một góc độ khác, chuyển mấu chốt của vấn đề từ
Chuyện ngắn cho bé số 7: Diều Bướm
Một hôm, chú ếch con bò lên một vách đá cao cao. Phía dưới vách đá là thung lũng sâu. Bỗng nhiên, chú ếch phát hiện, trong thung lũng có một cái diều bướm đang bị gió thổi bay lên, bay xuống.
Khi cái diều bị gió thổi đến bên cạnh chú ếch, diều thét to: “Giúp tôi với, tôi muốn dừng lại!”. Chú Ếch mở to mắt nhìn kỹ. Cuối cùng chú nhìn thấy sợi dây nhỏ phía dưới cái diều. Nhưng, chú vẫn chưa kịp đưa tay ra thì diều đã bị gió cuốn đi mất.
Diều chao đảo một vòng trong thung lũng, rồi lại bị gió thổi đến trước mặt ếch. Lúc này, động tác của ếch rất nhanh, chỉ trong chốc lát chú đã nắm được dây diều.
Nhưng, cơ thể ếch quá nhẹ, không giữ lại được diều bướm, bản thân ếch lại bị diều bướm kéo lên không trung. “Thôi thế là xong, mình sẽ phải bay lượn trong thung lũng 1 vạn năm, mãi mãi không bao giờ về được nhà!” Diều bướm khóc ầm lên.
“Đừng khóc nữa, chúng ta sẽ có cách!” Chú
ếch con là một nhà du lịch, hiểu biết rất nhiều. Chú đã từng đi đến nhiều nơi, lại rất dũng cảm. Quả nhiên, chẳng bao lâu sau chú nghĩ ra một cách hay. Chú men theo dây diều bò một mạch lên tận khung của diều. Sau đó, thuận theo hướng gió, lúc thì chú leo sang bên trái của khung diều, lúc thì chú lại leo sang bên phải của khung diều. Diều bướm phát hiện thấy mình đang bay ra ngoài thung lũng. “À, ta biết rồi, ngươi coi ta như một cái máy bay!” – Diều bướm khoái chí kêu lên“ – Thật là thú vị, ta sẽ mãi mãi ở bên ngươi” và như vậy, diều bướm và ếch trở thành đôi bạn tốt, không bao giờ xa nhau, chúng cùng nhau đi du lịch khắp nơi.
* Chú ếch tốt bụng không những không kéo được diều xuống mà còn để mình rơi vào hoàn cảnh hiểm nguy. Nhưng, ếch con biết tuỳ cơ ứng biến, dùng biện pháp bay theo chiều gió, cuối cùng mang theo cả diều bướm rời khỏi thung lũng. Các bạn nhỏ nên biết rằng, trong lúc khó khăn, khả năng ứng biến thông minh là rất quan trọng, nó giúp cải thiện tình hình từ xấu trở nên tốt hơn.
Chuyện Số 8: Con Lừa Dưới Giếng Cạn
Một hôm, con lừa của một người nông dân không may bị rơi xuống giếng khô cạn. Người nông dân định dùng dây cương kéo nó lên, song không được. Ông nghĩ nát óc, tìm mọi cách nhưng tất cả, đều không thành công.
Vài giờ qua đi, người nông dân quyết định bỏ mặc con lừa, không cứu nữa. Ông nghĩ:
“Con lừa này đã quá già rồi, không cần thiết phải phí công sức cứu nó, nhưng dù sao cái giếng này cũng phải lấp đi, để tránh các con vật khác hoặc trẻ nhỏ rơi xuống đó”. Thế rồi, ông nhờ bà con hàng xóm sang lấp giếng, đồng thời
tiện thể chôn luôn con lừa, để nó khỏi phải chịu đau đớn khi chờ đợi cái chết. Người nông dân và bà con hàng xóm bắt đầu lấp giếng.
Chú lừa dưới giếng dường như đã biết số phận hẩm hiu của mình, thét lên những tiếng thê thảm, ai oán. Nhưng không lâu sau, chú ta im lặng trở lại, không còn kêu la nữa. Người nông dân thò đầu xuống giếng nhìn, cảnh tượng trước mắt khiến ông ta kinh ngạc: mỗi khi đất từ trên miệng giếng rơi xuống lưng, chú lừa lắc mạnh thân mình làm cho, đất đá rơi sang một bên, sau đó nó lại đứng lên đống đất đá trong lòng giếng. Cứ như vậy, mọi người liên tục đổ đất xuống giếng, chú lừa gạt đất rơi xuống đáy giếng, sau đó lại đứng lên trên. Đất trong giếng ngày càng dầy thêm, chú lừa ngày càng đến gần miệng giếng hơn. Thấy vậy, mọi người tăng tốc độ lấp đất. Rất nhanh, chú lừa đã lên khỏi miệng giếng, rồi khoái trí chạy đi trong sự ngạc nhiên và phấn khởi của mọi người!.
* Trong cuộc sống, chúng ta thường gặp nhiều khó khăn và trở ngại, chúng giống như “đất đá” phủ đắp trên người chúng ta, xem ra chúng muốn chôn vùi và đè bẹp chúng ta. Nhưng, xét ở một góc độ khác, chúng cũng chỉ là những hòn đất lát đường (bàn đạp), nếu như chúng ta hất tung chúng đi, sau đó đứng lên chúng. Như vậy, cho dù có rơi xuống giếng sâu, chúng ta cũng có thể thoát khỏi khó khăn và nhìn thấy ánh sáng tương lai.
Chuyện số 9: Hổ không có răng
Trong rừng sâu, ai cũng biết răng hổ vô cùng lợi hại. Chú khỉ con thè lưỡi nói: “Kinh khủng! Hổ dùng răng nhọn cắn gẫy cây cổ thụ!”. Chú thỏ sợ hãi nói: “Hổ nhai cây gậy sắt như nhai mỳ sợi”. Riêng có chú cáo lại nói:
”Tôi không sợ! Tôi còn phải nhổ hết răng của hổ!”.
Tất cả động vật không ai tin lời nói của cáo. Không ngờ, cáo đi tìm hổ thật. Cáo nói với hổ: “Đại vương, tôi mang đến cho đại vương món ăn ngon nhất trên đời này, đó là đường. Hổ ăn thử một miếng rồi nói: “Ồ, quả thật rất ngon!”. Từ đó về sau, cáo thường mang đường đến cho hổ ăn.
Hổ ăn hết miếng này đến miếng khác, ngay cả khi ngủ nó cũng ngậm trong miệng một miếng đường. Một hôm, sư tử đến khuyên hổ hàng ngày nên đánh răng, nếu không sẽ bị sâu răng. Nhưng Cáo ta lại nói: “Răng của người khác thì sợ đường, nhưng răng của đại vương rất lợi hại, ngay cả sắt cũng cắn đứt được, huống chi là đường!”. Hổ đắc ý nói: “khà khà, đúng vậy!”
Nhưng không lâu sau, hổ bắt đầu đau răng. Nó vội vàng tìm đến cáo nhờ giúp đỡ. Vừa xem xong, Cáo vội kêu lên: “Đại vương! Răng của đại vương hỏng hết rồi, phải nhổ đi thôi!”
Hổ đau quá, không còn cách nào khác, đành phải nhờ cáo nhổ răng. Cáo nhổ răng cho hổ và cuối cùng nó đã nhổ tất cả răng của hổ, không để sót cái nào. Cuối cùng, con hổ không răng dùng âm thanh của gió nói với cáo: “Cậu vẫn là người tốt của tớ, vừa cho tớ ăn đường, lại vừa nhổ răng cho tớ, xin cám ơn, cám ơn nhiều!”
* Cáo dùng đường làm vũ khí, để hổ vô tình làm hỏng hết hàm răng của mình, thật là cao thủ!. Con người cũng như vậy, uy hiếp bằng vũ lực mạnh không có gì đáng sợ, điều đáng sợ là sự cám dỗ ngọt ngào. Con người ta một khi rơi vào cạm bẫy của ngọt ngào, không phân biệt được xấu, tốt.
Chuyện Số 10: Cây Đại Thụ Dưới Toà Nhà Chọc Trời
Cánh đồng ngoại ô thành phố có một cây đại thụ, trên cây đầy lá xanh tươi tốt, rậm rạp. Dưới ánh sáng mặt trời, lá cây giống như tóc xanh của các tiên nữ. Bọn trẻ đều thích cây đại thụ này, chúng thích được chơi đùa, đánh đu dưới bóng cây.
Về sau, bên cạnh cây đại thụ này có rất nhiều ngôi nhà được dựng lên, bao quanh lấy nó. Cây đại thụ trơ trọi, lẻ loi đứng giữa các ngôi nhà, tình cảnh thật hiu quạnh vắng vẻ! Càng về sau, khi rất nhiều toà nhà chọc trời được mọc lên, ánh mặt trời bị che khuất, cây đại thụ như bị rơi xuống giếng rất sâu. Không có ánh mặt trời ấm áp, lá cây khô vàng, từng
chiếc lá rụng xuống. Cuối cùng, cây đại thụ chỉ còn lại cành cây khẳng khiu, giống như sắp chết.
Bọn trẻ rất thương cây đại thụ, tìm cách giúp đỡ nó, thế rồi chúng ngồi lại bàn bạc đối sách. Lúc này, một cô bé ngẩng đầu lên nhìn mặt trời, chớp mắt, nghĩ ra được một ý tưởng hay. Cô bé trèo lên mái nhà, lấy ra một chiếc gương nhỏ, đón lấy ánh mặt trời và phản xạ xuống. Như
vậy, mỗi một cửa sổ và ban công của mỗi ngôi nhà lầu đều có một đứa bé, lấy ánh sáng mặt trời mầu vàng, chiếu thẳng xuống thân cây đại thụ sắp chết khô. Về sau, tay của chúng đau rát, chúng đành phải để chiếc gương đó cố định trên nóc nhà, cửa sổ và ban công.
Điều kỳ lạ đã xảy ra: Dưới ánh sáng chiếu rọi của mặt trời, cây đại thụ dần dần nảy mầm, mọc ra rất nhiều lá xanh, khoác lên mái tóc mầu xanh đẹp như ngày trước. Bọn trẻ lại chơi đùa, chơi đánh đu dưới bóng cây, chúng lại sung sướng như ngày nào.
* Các bé gái trong câu truyện trên biết
suy nghĩ động não, tìm ra cách lấy gương để phản xạ ánh sáng mặt trời, cứu cây đại thụ. Một ý tưởng tốt giải quyết được vấn đề lớn, song ý tưởng tốt cũng không phải ngồi không mà nghĩ ra được, nó đòi hỏi phải học nhiều kiến thức, quan sát nhiều, tạo thành thói quen suy nghĩ.
Ngoài 10 chuyện ngắn cho bé giúp trẻ thông minh này các phụ huynh có thể đọc thêm 15 Truyện Ngắn Hay Nhất Ba Mẹ Phải Đọc Cho Bé