Bài thơ mưa của Trần Đăng Khoa là một bài thơ về hiện tượng thiên nhiên. Bài thơ mang đến cho trẻ những kiến thức về các sự việc diễn ra khi trời sắp mưa.
Bài thơ Mưa – Trần Đăng Khoa
Sắp mưa
Sắp mưa
Những con mối
Bay ra
Mối trẻ
Bay cao
Mối già
Bay thấp
Gà con
Rối rít tìm nơi
Ẩn nấp
Ông trời
Mặc áo giáp đen
Ra trận
Muôn nghìn cây mía
Múa gươm
Kiến
Hành quân
Đầy đường
Lá khô
Gió cuốn
Bụi bay
Cuồn cuộn
Cỏ gà rung tai
Nghe
Bụi tre
Tần ngần
Gỡ tóc
Hàng bưởi
Đu đưa
Bế lũ con
Đầu tròn
Trọc lốc
Chớp
Rạch ngang trời
Khô khốc
Sấm
Ghé xuống sân
Khanh khách
Cười
Cây dừa
Sải tay
Bơi
Ngọn mùng tơi
Nhảy múa
Mưa
Mưa
Ù ù như xay lúa
Lộp bộp
Lộp bộp…
Rơi
Rơi…
Đất trời
Mù trắng nước
Mưa chéo mặt sân
Sủi bọt
Cóc nhảy chồm chồm
Chó sủa
Cây lá hả hê
Bố em đi cày về
Đội sấm
Đội chớp
Đội cả trời mưa…
Tập thơ Góc sân và khoảng trời (1968)
Nguồn: Trần Đăng Khoa, Góc sân và khoảng trời, NXB Văn hoá dân tộc, 1999
Đôi nét về tiểu sử tác giả Trần Đăng Khoa
Trần Đăng Khoa sinh vào tháng 4/ 1958, quê tại huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Đăng Khoa là nhà thơ, nhà báo và biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, bên cạnh đó ông còn là hội viên của Hội nhà văn Việt Nam. Ông đã từng đảm nhiệm chức vụ Trưởng ban Văn học Nghệ thuật, là Giám đốc hệ phát thanh có hình VOVTV của Đài tiếng nói Việt Nam, hiện nay ông đang giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy Đài tiếng nói Việt Nam.
Trong suốt quãng đời sự nghiệp sáng tác, Trần Đăng Khoa đã nhận được rất nhiều giải thưởng cho các đóng góp của mình với văn chương Việt Nam, đáng chú ý đó là giải thưởng thơ của báo Thiếu niên Tiền phong ở trong giai đoạn từ năm 1968 – 1971, Giải nhất báo Văn nghệ năm 1982, Giải thưởng Nhà nước năm 2000 về Văn học nghệ thuật.
Thuở nhỏ, tác giả Trần Đăng Khoa đã được nhiều người biết đến với khả năng văn chương xuất sắc, ông đã được mệnh danh là Thần đồng của thi ca Việt Nam. Với tác phẩm đầu tay Con bướm vàng của Trần Đăng Khoa được đăng báo khi ông chỉ vừa tròn 8 tuổi. Vài năm sau đó, tập thơ đầu tiên đã mang tên Từ góc sân nhà em được nhà xuất bản Kim Đồng phát hành vào năm 1968 khi ông lên 10 tuổi.
Tác phẩm nổi bật nhất tại thời điểm đó của tác giả Trần Đăng Khoa là Hạt gạo làng ta sáng tác vào năm 1968, đã được thi sĩ Xuân Diệu hiệu đính và nhạc sĩ Nguyễn Viết Bính tiến hành phổ nhạc vào năm 1971.
Cũng vào năm đó, ông đã cũng đã đề nghị đổi câu thơ “Đường ta đi rộng thênh thang tám thước” trong bài thơ Ta đi tới của nhà thơ Tố Hữu thành “Đường ta đi rộng thênh thang ta bước”, đã khiến cho giới Văn học Việt Nam lúc bấy giờ rất ngỡ ngàng.
Khi đang còn theo học lớp 10 ở trường phổ thông cấp 3 Nam Sách, ông đã nhập ngũ và phục chiến đấu ở Tiểu đoàn 691 Trung đoàn 2 Quân tăng cường Hải Hưng.
Khi đất nước đã được hòa bình thống nhất, Trần Đăng Khoa đã được điều về quân chủng hải quân, tiếp đó ông theo học tại Trường Viết văn Nguyễn Du, được cử sang học ở Viện Văn học Thế giới M. Gorki thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Nga.
Khi về nước Trần Đăng Khoa công tác ở một số đơn vị trong Quân đội, năm 1994 ông đã về sinh hoạt ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Từ năm 2004 tác giả Trần Đăng Khoa đã chuyển về công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam cho đến nay với quân hàm Thượng tá.