Trẻ nhút nhát vốn là một biểu hiện thường gặp ở trẻ, đặc biệt là trẻ từ 1 – 6 tuổi. Nguyên nhân khiến trẻ nhút nhát cũng rất đa dạng: do yếu tố di truyền, môi trường sống, thay đổi tâm lý độ tuổi… Phụ huynh cần phải hiểu đúng được vấn đề để có phương pháp giáo dục đúng đắn, giúp trẻ trở nên mạnh dạn, tự tin.
Những bất lợi của một đứa trẻ nhút nhát
Những trẻ em nhút nhát có thể gặp nhiều bất lợi trong xã hội năng động và cởi mở như hiện nay, bởi các bé sẽ mất nhiều thời gian hơn để cảm thấy thoải mái trong việc giao lưu tiếp xúc với mọi người. Sự nhút nhát sẽ ngăn trở khả năng tiếp thu những kỹ năng sống của bé, khiến bé khó hòa nhập với các bạn hơn, có thể gây ảnh hưởng tới thành tích học tập khi các bé không dám xung phong đặt câu hỏi, thậm chí khi lớn lên bé có thể trở thành một người cô đơn bởi sự nhút nhát sẽ làm giảm bớt cơ hội để bé có thể bắt đầu những tình bạn và tình yêu đẹp. Các nhà khoa học cho rằng những mối quan hệ xã hội là một trong những nhu cầu quan trọng nhất của con người, có thể tác động tích cực lên sức khỏe của chúng ta trong suốt cuộc đời, cả về thể chất lẫn tinh thần.
12 Cách giúp trẻ nhút nhát tự tin hơn
Trẻ hoàn toàn có thể học cách để điều khiển được sự nhút nhát của mình bằng sự trợ giúp của bố mẹ. Sau đây là những cách tốt nhất mà bạn có thể tham khảo để giúp con vượt qua sự nhút nhát
1. Luôn cố gắng nhận ra và đáp ứng những nhu cầu của con.
Những em bé nhút nhát nhưng được nuôi dưỡng một cách cẩn thận vẫn hoàn toàn có khả năng trở thành những nhà lãnh đạo sau này, trong khi những đứa trẻ chỉ nhận được sự chăm sóc bình thường có thể vẫn sẽ nhút nhát và sợ hãi trong suốt cuộc sống về sau. Hãy giúp con bình tĩnh và học cách điều khiển hành vi của bản thân. Điều này sẽ khiến sự nhạy cảm của bé từ điểm bất lợi trở thành điểm mạnh, bởi các bé sẽ tinh tế hơn trước những nhu cầu của người khác và tốt hơn trong khả năng đàm phán.
2. Hãy thấu hiểu sự nhút nhát của con và tránh làm cho bé cảm thấy xấu hổ vì điều đó.
Hãy thừa nhận những cảm xúc các bé, đừng phán xét một cách tiêu cực bởi điều đó sẽ càng làm bé cảm thấy bất an và nhút nhát hơn, thay vào đó hãy giúp các bé cảm thấy tốt hơn về bản thân. Nhờ những điều này mà khi lớn lên bé sẽ có khả năng đồng cảm với người khác, sẽ giúp bé phát triển kỹ năng xã hội và liên kết tốt hơn với mọi người.
3. Hãy dạy con bằng chính cách bạn cư xử với người khác.
Trẻ luôn học hỏi thông qua việc quan sát người lớn. Hãy cho con thấy bạn thân thiện với những người khác như thế nào, bạn giúp đỡ mọi người xung quanh ra sao, và cả cách mà bạn luôn giữ thái độ hòa nhã trong mọi tình huống giao tiếp xã hội.
4. Hãy dạy con những kỹ năng xã hội cơ bản.
Trẻ cần được dạy cách giao lưu bằng mắt, bắt tay, mỉm cười và trò chuyện một cách đúng mực. Hãy nhập vai và dạy con cách tham gia một trò chơi, giới thiệu con với những đứa trẻ khác trong bữa tiệc, hoặc sắp xếp một buổi đi chơi. Những trẻ có thể thành công trong việc gia nhập vào nhóm của những đứa trẻ khác sẽ có khả năng quan sát tốt, biết cách hòa nhập với mọi người thay vì trở nên lạc lõng.
5. Dạy con cách kết bạn.
Bạn có thể tham khảo những cuốn sách dạy trẻ em cách kết bạn để có thêm nhiều gợi ý hơn.
6. Chỉ cho con cách đối phó với những lời trêu chọc và bắt nạt, khuyến khíchcon tự đứng lên vì chính mình.
Cũng có rất nhiều quyển sách có thể giúp bạn làm được điều này.
7. Đừng coi con bạn mặc nhiên là một đứa trẻ nhút nhát.
Thay vì thế, hãy thấu hiểu cảm giác của con và chỉ cho con cách vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân. Ví dụ như: “Đôi khi con cần thời gian để trở nên thoải mái trong những hoàn cảnh mới. Con có nhớ bữa tiệc mình tham gia tuần trước không? Ban đầu con nắm tay mẹ suốt, nhưng đến cuối cùng con đã chơi đùa rất vui vẻ với các bạn đó thôi.”
8. Dạy cho con những cách thức hiệu quả để đối phó với sự sợ hãi.
Thuyết phục con hiểu rằng sự nhút nhát là điều bình thường với hầu hết mọi người, và đến cuối cùng con vẫn sẽ ổn thôi. Nhắc nhở con đừng chỉ tập trung vào bản thân mình, mà hãy để ý đến những người khác nữa. Chỉ cho con cách quan tâm đến mọi người, đặt câu hỏi cho những người khác, và lắng nghe câu trả lời từ họ.
9. Cho con bạn cơ hội để tương tác với những bé khác hàng ngày.
Mặc dù những đứa trẻ nhút nhát cần nhiều thời gian yên tĩnh, nhưng các bé cũng rất cần những cơ hội để thực hành kỹ năng xã hội. Tuy nhiên hãy nhớ rằng đồng cảm với con không có nghĩa là bảo vệ thái quá. Hãy khen ngợi mỗi khi con có thể tự làm điều gì đó một mình cho dù đó có thể chỉ là những điều nhỏ nhặt.
10. Dạy con rằng một người bạn tốt là vô cùng quý giá.
Một số phụ huynh lo lắng rằng con họ không phù hợp với cuộc sống của những bữa tiệc. Nhưng điều quan trọng nhất là con bạn cảm thấy được sự kết nối, như là một người bạn mà con có thể chuyện trò, hoặc một người mà con có thể chơi cùng vào mỗi giờ giải lao. Không cần con phải có quá nhiều bạn, chỉ một số người bạn thật sự tốt là đủ.
11. Đừng khiến con bạn mắc phải chứng lo lắng xã hội bằng việc dạy con phải đề phòng những người lạ.
Ngược lại, hãy cho con biết rằng con luôn có bố mẹ, hoặc thầy cô giáo ở bên cạnh, vì thế con sẽ không cần phải sợ những người lạ nữa. Một khi con đã đủ lớn để có thể ra đường một mình, hãy trao đổi với con cách để tự bảo vệ bản thân mình.
12. Nếu như con bạn thường xuyên ở trong trạng thái sợ hãi, hãy xem xét đến việc có thể bé đang có những nỗi sợ ở bên trong cần được thể hiện ra ngoài.
Khi trẻ trải nghiệm một điều gì đó đáng sợ và không cảm thấy an toàn, ban đầu những cảm xúc này thường bị bé tự dồn nén lại. Tuy nhiên về mặt tự nhiên cơ thể của con người lại luôn có thể cảm nhận được những sự sợ hãi này và khiến cho chúng luôn trực chờ được thoát ra ngoài, chính vì thế lúc nào bé cũng cảm thấy hồi hộp. Nếu như con bạn gặp phải tình trạng này, hãy cho bé cơ hội để chơi những trò chơi có tính kích thích một chút, như là chơi tàu lượn trên không, tất nhiên là phải dưới sự bảo vệ của bạn. Và khi bé đã cảm thấy đủ an toàn để bộc lộ sự sợ hãi của mình ra thành nước mắt, hãy đón nhận chúng. Điều này về lâu dài sẽ giúp bé có thể đối phó một cách tự nhiên với sự nhút nhát của mình và trở nên bạo dạn, linh hoạt hơn
>>>Xem thêm: Dạy Con Tự Lập – Khi Nào Nên Dạy Và Cần Dạy Bé Những Gì?
Một bình luận
Pingback: 5 Phương Pháp Giáo Dục Dành Cho Trẻ Nhút Nhát Từ Chuyên Gia