Phương Pháp Montessori Là Gì? Những Nội Dung Mà Ba Mẹ Phải Biết

Hiện nay có rất nhiều phương pháp giáo dục sớm. Tuy nhiên phương pháp Montessori được coi là phương pháp giáo dục sớm phổ biến nhất hiện nay, vậy chúng ta sẽ cùng tìm hiểu rõ về phương pháp này và các nguyên tắc áp dụng 

1. Phương pháp Montessori là gì?

1.1 Phương pháp Montessori là gì?

Phương pháp Montessori là một phương pháp sư phạm giáo dục trẻ em dưới cách học thông qua các giác quan, coi trọng các tiềm năng của trẻ và nỗ lực để phát triển tiềm năng này bằng một môi trường giáo dục thân thiện, cởi mở với các giáo viên được đào tạo sâu về chuyên môn kèm theo các đồ dùng học tập được thiết kế đặc biệt.

Phương pháp Montessori là một trong những phương pháp giáo dục sớm  được phát triển dựa trên nghiên cứu và kinh nghiệm của bác sĩ, nhà giáo dục người Ý Maria Montessori.

Phương pháp giáo dục này được xây dựng theo phương châm “tập trung coi trọng sự phát triển tự nhiên của trẻ, học để dạy trẻ tốt hơn.” Dựa theo tiến trình giáo dục đặc biệt là học qua cảm giác. Tính đến thời điểm hiện tại đã có hơn 5000 trường ở Mỹ, Canada, Ấn Độ,… áp dụng thành công phương pháp này.

>>> Xem thêm về: Montessori Là Gì? Montessori Khác Gì Giáo Dục Truyền Thống?

1.2 Người sáng lập – Tiến sĩ Maria Montessori

Tiến sĩ Maria Montessori (31/8/1870 – 6/5/1952) là chuyên gia người Ý trong nhiều lĩnh vực như triết học, nhân văn học, giáo dục học và đồng thời bà được biết đến như là nữ bác sĩ đầu tiên của Ý. Bà đã xây dựng và phát triển phương pháp giáo dục Montessori và là người phụ nữ có ảnh hưởng lớn nhất trong lĩnh vực giáo dục sớm.

>> Tìm hiểu thêm về Người Sáng Lập Và Phương Pháp Montessori

2. Nguyên tắc của phương pháp Montessori là

2.1. Tôn trọng, không áp đặt trẻ

Phương pháp Montessori là gì? Đó là phương pháp giáo dục có nguyên tắc quan trọng về “Tôn trọng quyền tự do của trẻ khi chọn cách học”. Ở các lớp học Montessori, trẻ được tự do lựa chọn hoạt động yêu thích theo nhịp độ phát triển của từng trẻ, ưu tiên sự phát triển tính tập trung và cá nhân.

Việc thầy cô và ba mẹ áp đặt suy nghĩ của mình lên trẻ, bắt trẻ phải theo ý mình hoàn toàn đi ngược với nguyên tắc Montessori sẽ khiến cho trẻ mất đi khả năng tư duy vốn có.Vì vậy, hãy để trẻ tự do khám phá trong nhà và ngoài trời theo cách của riêng mình, miễn sao trẻ được bảo đảm an toàn. Hãy để các con tiếp thu những cái mới một cách tự nhiên theo hướng trẻ muốn. Từ đó, trẻ sẽ học được cách tự lập và kích thích trí tuệ của trẻ phát triển.

2.2. Học tập luôn đi kèm với thực hành

Cách tốt nhất giúp trẻ vận dụng tốt được những điều học được là để trẻ tham gia vào các hoạt động thực tiễn. Trẻ có xu hướng bắt chước những hoạt động mà bản thân quan sát được. Do đó, mục đích của giáo dục Montessori là chỉ ra cách thực hiện các nhiệm vụ, để trẻ phát triển theo cách tự thực hiện chúng.

Trong các hoạt động thực hành cuộc sống, trẻ sẽ được trải nghiệm những kỹ năng thực tế như rót nước, tự mặc và cởi quần áo, để giày đúng nơi quy định, ăn uống lành mạnh hay chăm sóc môi trường bằng cách giữ lớp học sạch đẹp, tưới cây, quét bụi,… Ngoài ra, trẻ cũng được hướng dẫn  một số thói quen tốt trong cuộc sống như chờ đợi đến lượt mình, chờ hoạt động mình muốn làm hay đưa ra những lời nhận xét có tính chất xây dựng tích cực và biết lắng nghe người khác.

2.3. Môi trường thân thiện, không tồn tại phần thưởng hay trừng phạt

Với quan niệm giáo dục truyền thống, trao thưởng để khuyến khích con đạt tới thành tích nào đó và trừng phạt khi con phạm lỗi bằng việc đánh đòn, la mắng, so sánh với các bạn khác là hai hình thức được áp dụng rất nhiều.

Tuy nhiên, giáo dục trẻ theo phương pháp Montessori không tồn tại và không được phép tồn tại trao thưởng và trừng phạt. Nếu trẻ làm sai một việc nào đó, hãy minh họa cách làm đúng cho trẻ. Hãy khích lệ, động viên và ghi nhận sự cố gắng của trẻ thay vì trao thưởng, khen ngợi. Đừng nghiêm trọng hóa vấn đề mà hãy tập trung giúp trẻ nhận thức được những việc trẻ làm chưa đúng.

2.4. Không làm ảnh hưởng đến sự tập trung của trẻ

Khi thấy trẻ đang say mê chơi một món đồ chơi nào đó, bố mẹ không nên xen vào ngoại trừ có một lý do đặc biệt. Trẻ cần sự tập trung để tìm ra nhiều cách chơi của riêng mình, cũng như giải quyết vấn đề gặp phải trong lúc chơi.

2.5. Thiên nhiên truyền cảm hứng cho trẻ

Theo tiến sĩ Maria Montessori, thiên nhiên giúp trẻ nhận thức được thực tế. Có rất nhiều hoạt động học tập và các cuộc phiêu lưu kỳ thú dành cho trẻ diễn ra ngoài trời với không khí trong lành thay vì ở tại lớp học hoặc trong nhà.

2.6. Giáo viên, ba mẹ chỉ là người hỗ trợ, đồng hành cùng trẻ

Với Montessori, trẻ sẽ là trung tâm của các hoạt động học tập. Nhà trường và gia đình phải chú trọng khai thác những tiềm năng có sẵn ở trẻ. Thầy cô giáo hay ba mẹ chỉ đóng vai trò hướng dẫn, khuyến khích trẻ chủ động với môi trường xung quanh và tự học theo năng lực và sở thích của riêng mình.

Thay vì áp đặt con theo cách của mình, ba mẹ và thầy cô nên làm bạn, đồng hành cùng các con, làm bạn với con. Trước khi phán xét việc trẻ làm đúng hay sai, chúng ta nên dạy con bằng cách làm mẫu trước để trẻ có thể nhìn nhận những điều đúng đắn. Người lớn cần phải cân bằng nguyên tắc không can thiệp trực tiếp vào việc học của trẻ, nhưng lại không được bỏ rơi trẻ. Hãy quan sát đưa ra những gợi ý và hỗ trợ tối đa khả năng tự phát triển của mỗi trẻ trong từng giờ học.

3. Lợi ích mà phương pháp Montessori mang lại

Trong môi trường Montessori, sự phát triển của trẻ nhỏ được tối đa hóa thông qua quá trình chuẩn bị một cách khoa học. Giáo viên hướng dẫn cẩn thận cho trẻ các hoạt động đã được chuẩn bị để trẻ tự xây dựng kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Trẻ sẽ được phát triền cá tính bản thân trong môi trường này thông qua các hoạt động có tính thu hút trẻ, thông qua các giác quan cảm nhận và khuyến khích trẻ khám phá thế giới.

  • Trẻ ham mê khám phá và giải quyết vấn đề bằng cách sử dụng các dụng cụ học tập phù hợp nhằm phát triển sự kết hợp, tập trung, yêu cầu và cách tiếp cận học tập một cách độc lập.
  • Trẻ học cách hợp tác và thỏa hiệp.
  • Trẻ phát triển tất cả các mảng: thính giác, thị giác, vận động từ các dụng cụ học tập thiết kế riêng biệt theo phương pháp giáo dục Montessori kết quả là trẻ có cảm nhận về giác quan một cách tinh tế.
    Trẻ hiểu biết tất cả các khía cạnh của môi trường học tập và văn hóa của mình ở mức độ riêng của mỗi trẻ.
  • Trẻ sẽ có mục tiêu để hướng tới và phát triển các kỹ năng để tự đánh giá sự tiến bộ và khả năng của mình.
    Có cơ sở để đánh giá khả năng đặc biệt của mỗi trẻ (có sự quan sát, ghi nhận sự phát triển từng bước và tài năng của mỗi trẻ)

4. Nội dung chương trình học của phương pháp Montessori và các lĩnh vực áp dụng

4.1.  Hoạt động thực hành cuộc sống:

Trẻ được trải nghiệm những kỹ năng thực tế để tự chăm sóc và phục vụ bản thân như rót đồ uống, hình thành thói quen ăn uống lành mạnh, tự mặc và cởi quần áo, …Trẻ chăm sóc môi trường bằng cách giữ lớp học sạch đẹp, tưới cây, quét bụi,… Trẻ cũng học được thói quen biết chờ đợi đến lượt mình, chờ đợi hoạt động mình muốn làm, đưa ra những lời nhận xét mang tính chất xây dựng và tích cực đồng thời biết lắng nghe người khác.

4.2. Hoạt động giác quan:

Phần này được thiết kế khoa học để phát triển, phân loại và đánh giá sự kích thích mà trẻ nhận được thông qua các giác quan. Những hoạt động này bao gồm 5 phần:
Thị giác …………………… tấm màu sắc, khối hình học, …
Thính giác ………………… khối hình trụ âm thanh, chuông, …
Vị giác …………………… khay vị giác, …
Khứu giác ………………… lọ khứu giác, …
Xúc giác …………………… túi thần kì, các loại vải, …

4.3. Toán học:

Tất cả các hoạt động toán học được thiết kế nhằm phát triển trí tuệ của trẻ. Việc học toán bắt đầu từ cách trẻ sử dụng các giáo cụ cụ thể như cây gậy số, số cát, đồ vật để đếm, xếp hình và các trò chơi toán học tại chỗ khác như nối ghép, phân loại, các phép tính và giá trị.

4.4. Ngôn ngữ:

Những hoạt động này được tổ chức theo trình tự phát triển tự nhiên của trẻ. Hàng ngày, trẻ được đọc sách, nghe kể chuyện, hát và lắng nghe các bạn khác chia sẻ. Âm vị của các chữ cái được giới thiệu thông qua phương pháp ngữ âm một cách tự nhiên. Các phụ huynh sẽ nhận thấy rằng con mình đang hình thành chữ và từ và bắt đầu đánh vần các từ đơn giản. Sự phát triển từ vựng của trẻ được nhấn mạnh ở tất cả các lĩnh vực bằng cách sử dụng các từ cụ thể để chỉ các đồ vật trong lớp. Khi trẻ 4 ½ tuổi, trẻ bắt đầu ghép các âm với nhau để đọc các từ ngắn và đến 5 tuổi, trẻ sẽ làm cha mẹ ngạc nhiên vì sự ham thích đọc và viết của mình.

4.5. Khoa học, địa lý, lịch sử, nghệ thuật, âm nhạc…

Khoa học: Thông qua các giáo cụ, trẻ học cách nối và phân loại các đồ vật và tranh ảnh giữa vật tĩnh và vật động, thực vật và động vật. Trẻ thích tạo ra các cuốn sách nhỏ về các ‘bộ phận’ của động vật như tai, mắt, đuôi, lưng, …, từ côn trùng đến động vật có vú. Khám phá thế giới thông qua các bông hoa, quả táo hoặc quả cam mang lại sự thích thú cho trẻ trong lớp học. Các giáo cụ khoa học của chúng tôi là niềm yêu thích của trẻ.

Địa lý: Trẻ được học về quả địa cầu, thế giới chúng ta đang sống và học về cấu tạo của đất, nước thông qua những con thuyền thu nhỏ nổi trên mặt hồ, vịnh thu nhỏ, … Trẻ được dùng bản đồ thế giới và bản đồ nước Mỹ cũng như thực hiện các hoạt động xếp hình, tô theo viền và tô màu bản đồ. Trẻ thích hát bài hát về các châu lục cho cha mẹ nghe!

Lịch sử: Môn học này được giới thiệu thông qua khái niệm về thời gian với các dụng cụ đo thời gian trong 1 phút, 2 phút đến 1 giờ. Trẻ sẽ tự làm các mốc thời gian cho chính mình với các bức ảnh và lịch tháng. Vào các ngày thứ 6, trẻ chuẩn bị các tác phẩm của mình thật cẩn thận để mang về cho cha mẹ xem!

Nghệ thuật: Trẻ của chúng tôi có được những kĩ năng tự thể hiện bản thân với bút chì màu, màu nước, sơn keo, đất nặn, xé dán và các loại vật liệu khác. Các giáo viên của chúng tôi rất giàu kinh nghiệm trong việc “khuyến khích” cảm giác thích thú làm hoạt động của trẻ để trẻ không phụ thuộc vào những lời khen.

Âm nhạc: Âm nhạc là một phần không thể thiếu trong các hoạt động hàng ngày của lớp học theo các hình thức khác nhau như giai điệu, nhạc cụ, nhảy, hát hoặc đóng kịch. Các bài hát cổ điển hoặc về Chúa cũng được mở trong lớp. Trẻ có thể sử dụng tai nghe hoặc đài đĩa để nghe bản nhạc chúng yêu thích bất cứ lúc nào trẻ thích.

Giáo dục thể chất: Kể từ khi trẻ nhỏ biết ‘chuyển động’ và vận động cơ thể, trẻ có thể học được cách kiểm soát các cơ lớn và nhỏ. Trẻ kê bàn và bê ghế và tin rằng chúng ‘có thể làm được”! Chúng tôi cho trẻ ra ngoài ít nhất 30 phút mỗi ngày trừ những trường hợp trời mưa.

5.Điểm khác biệt với các phương pháp giáo dụng khác

5.1 Phương châm giáo dục của phương pháp Montessori là: Học trẻ để dạy trẻ tốt hơn.

Chính vì vậy mà trẻ có thể chủ động lựa chọn khu vực học và theo đuổi hứng thú của mình đến khi trẻ đổi quan hoạt động khác. Qua đó chuẩn bị cho trẻ tự lập và tự khám phá và tự sửa sai. Với phương pháp này, người lớn không nên can thiệp quá nhiều đối với trẻ, đặc biệt là áp đặt tư tưởng, quan niệm, cách nhìn của mình với bé. Tiếp nhận các kiến thức bằng bản năng, trẻ sẽ tiếp thu cái mới một cách tự nhiên, dễ dàng và dần dần sẽ nắm bắt được thông tin một cách có ý thức.

5.2 Linh hoạt đa dạng theo từng trình độ

Chương trình dạy học theo phương pháp Montessori được phát triển linh hoạt và đa dạng theo trình độ riêng của từng trẻ. Giáo viên đóng vai trò là người hướng dẫn, chỉ bảo tùng trẻ để trẻ phát triển tư duy và tự nâng cao tính tự lập và tự tin. Các em sẽ ở với giáo viên trong 3 năm. Điều này cho phép giáo viên phát triển hệ quan sát và lâu dài với học sinh, cho phép họ biết rõ từng cách học của trẻ và khuyến khích ý thức cộng đồng mạnh mẽ của trẻ.

5.3 Montessori không có hệ thống thi đua.

Kết quả học tập của trẻ được dựa trên những ghi chép hàng ngày của giáo viên, dựa trên những tiêu chuẩn: thái độ, hành vi, kiến thức và quan trọng hơn cả là trẻ cảm thấy hạnh phúc khi được đến trường học và trưởng thành hơn trong cuộc sống.

>>> Tài Liệu Montessori Và Tài Liệu Về Hệ Thống Giáo Cụ Montessori

5/5 - (5 votes)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *